Soi học

Hercules (phần 8): ăn gian bò, phải lòng bò, bóp cổ bò 04. 05. 14 - 6:45 am

Pha Lê

(Tiếp theo khổ nạn trước)

Khổ nạn kỳ này hơi khác lạ một chút, do nó không khó, Hercules làm loáng cái là xong.  Tuy nhiên, lịch sử dẫn đến khổ nạn lại hơi quái đản và dài dòng.

Trong bài về công chúa Ariadne của xứ Crete, tôi có nhắc rằng mẹ ruột của Ariadne – nữ hoàng Pasiphae – có ham muốn bất thường, “qua lại” với một con bò và đẻ ra quái vật  minotaur. Khổ nạn lần này liên quan tới chuyện Pasiphae nên xin phép thuật lại đầy đủ sự tình.

Xứ Crete của Hy Lạp có một vị vua anh minh tên Minos, vợ ông là nàng Pasiphae tài giỏi, xinh đẹp. Nghĩ bụng ông vua này đàng hoàng, thần biển Poseidon tặng Minos chú bê con màu trắng rất đẹp . Poseidon bảo Minos hãy nuôi lớn chú bê này và sau đó giết chú tế cho thần, như vậy vị vua xứ Crete sẽ nhận được nhiều phúc lộc hơn nữa.

“Bò trắng xứ Crete”, Jun Shiozawa, 2001. Con bê trắng khi lớn lên sẽ đẹp như thế này, và sẽ thành vật tế thần. Dân đen chỉ được xơi mấy con bò xấu xí khác.

Vua Minos nuôi con bê trắng toát thành bồ rồi thì lại nổi lòng tham,  muốn giữ chú làm của riêng chứ chẳng muốn cúng cho ông thần râu ria ngoài biển. Thế là Minos lôi con bò nâu tầm thường của ông ra giết để tế, còn chú bò trắng đẹp thì ông giấu nhẹm đi.

Xui cho Minos, Poseidon vốn xơi toàn đồ ngon nên khi ăn phải thịt bò dai là ông thần  biết ngay Minos  lừa dối mình. Tức tối, Poseidon ếm xì bùa bà vợ Pasiphae của Minos, khiến bà nữ hoàng cảm thấy bứt rứt, muốn làm tình với… bò.

.

Đây là bức tranh vẽ trên một chiếc rương thời thế kỷ 16. Tranh thuật lại câu chuyện của Pasiphae:
số 1) Poseidon (nhìn kỹ sẽ thấy cầm đinh ba) đem con bê trắng đến cho Minos nuôi, con bò nâu là gia súc của vua Minos.
2) Thay vì giết con bò trắng, Minos lại đập đầu con bò nâu của mình để tế (nữ hoàng Pasiphae đứng ngay cạnh, bên trái. Ý chỉ rằng hành động của Minos sẽ làm liên lụy đến vợ).
3) Cảnh tế bò “ăn gian”
4) Poseidon tức giận nên ếm xì bùa Pasiphae.
5) Pasiphae bắt đầu có hứng thú thể xác với bò. Theo tài liệu tả, thì chiếc rương có vẽ bức tranh này là quà tặng… đám cưới. Chẳng biết quỷ sứ nào lại đặt hàng cái tích này để vẽ làm quà cưới nhỉ?

Tuy nhiên, có hứng thú với bò là một chuyện, làm sao để con bò “chịu” mây mưa với mình lại là chuyện khác. Hoàng hậu Pasiphae bí thế nên đành cầu cứu nhà phát minh/nhà thiết kế tài ba Daedalus. Ông này nghĩ ra cách làm giả một con bò cái bằng gỗ và da thuộc, hoàng hậu Pasiphae sẽ chui vào đó nằm, chờ con bò đực tới.

“Pasiphae chui vào con bò của Daedalus”, Guilio Romano, 1530. Daedalus đang giúp hoàng hậu vào nằm bên trong con bò giả. Trong hình chẳng thấy bóng dáng vua Minos, nhưng vẽ ông vua vô thì quả là kỳ.

Lúc đó, Poseidon khiến con bò trắng của mình chạy tới chỗ Pasiphae, và làm nữ hoàng có bầu. 9 tháng sau nữ hoàng hạ sinh quái thú Minotaur hung ác nửa bò nửa người; thế là Minos phải đau khổ bắt bớ người lành để quẳng vào hang cho Minotaur ăn thịt. Chưa hết, Poseidon còn biến con bò trắng hiền hòa mà mình tặng cho Minos nuôi xưa kia thành con quái vật hung hăng, biết phun lửa, rồi ra lệnh cho nó phá hoại đồng ruộng của người dân xứ Crete.

“Pasiphae và con bò”, Gustave Moreau, 1880. Trường phái dã thú dữ dội và kỳ ảo của Moreau xem chừng vô cùng hợp với cái tích cũng rất dã thú này nhỉ? Nhân tiện cảm ơn Anh Nguyễn đã viết một bài về trường phái dã thú rất hay, đọc xong thấy hiểu tranh của Moreau hơn.

Trở lại với vị thần cơ bắp Hercules, khổ nạn lần này của chàng là bắt sống con bò phun lửa – kẻ đã giúp nữ hoàng Pasiphae phôi thai ra Minotaur  (người hùng Theseus đã giết Minotaur rồi nên Hercules phải lãnh phần bắt con bò.) Cũng lại một khổ nạn bắt bớ khác, Hercules chắc đã quá quen với trò này nên chàng hoàn thành rất nhanh. Thủ thuật của chàng chỉ là: nấp trong lùm, khi thấy con bò đi tới thì nhào ra bóp cổ cho bò ngất xỉu, xong xuôi thì vác nó về trình diện ông vua Eurystheus gian manh.

Tranh khắc “Hercules bắt con bò xứ Crete”, B. Picart, 1731. Hercules nhìn rất dũng mãnh khi dùng tay không đè con bò nằm bẹp xuống. Lý ra thì con bò của Poseidon phải duyên dáng, thịt mềm như bò Kobe. Tuy nhiên sau khi ông thần biển hóa nó thành bò phun lửa thì chắc nó mất hết duyên, cũng u thịt gân guốc giống Hercules rồi.

 

Tượng “Hercules bắt bò xứ Crete” tại lâu đài Schwerin của Đức, do August Kriesmann hoàn thành năm 1853. Rất nhiều người chụp cái tượng này để minh họa cho khổ nạn bắt bò của Hercules.

 

“Hercules bắt bò xứ Crete”, Girolamo Muziano , 1565, vẽ trên tường của dinh thự d’Este ở Tivoli. Đáng lẽ Hercules phải nắm sừng bò từ đằng sau, chứ ở đằng trước như thế này thì vừa nguy hiểm, vừa sai tích; và tư thế của người hùng cũng chả dũng mãnh lắm nhỉ, bộ da sử tử thì mỏng lét như khăn choàng lụa.

Sau khổ nạn dễ ợt này, thể nào ông vua Eurystheus cũng sẽ nghĩ ra cái gì đó chông gai hơn, không thì chán chết. Đợi bài sau nhé.

*

(Còn tiếp)

Ý kiến - Thảo luận

16:33 Monday,8.9.2014 Đăng bởi:  admin
@Phuong: Đã thêm vào bài rồi bạn nhé, cảm ơn bạn nhiều
...xem tiếp
16:33 Monday,8.9.2014 Đăng bởi:  admin
@Phuong: Đã thêm vào bài rồi bạn nhé, cảm ơn bạn nhiều 
14:26 Monday,8.9.2014 Đăng bởi:  Phuong
Tượng “Hercules bắt bò xứ Crete” tại lâu đài Schwerin của Đức. của August Kriesmann năm 1853.
http://www.geolocation.ws/v/W/File%3A2012.02.26.125043%20Herkules-Statue%20Orangerie%20Schloss%20Schwerin.jpg/-/en
...xem tiếp
14:26 Monday,8.9.2014 Đăng bởi:  Phuong
Tượng “Hercules bắt bò xứ Crete” tại lâu đài Schwerin của Đức. của August Kriesmann năm 1853.
http://www.geolocation.ws/v/W/File%3A2012.02.26.125043%20Herkules-Statue%20Orangerie%20Schloss%20Schwerin.jpg/-/en 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Lời thầy dạy có khi cũng thiếu logic

Phó Đức Tùng - Nguyễn Đình Đăng - Nguyên Tánh

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả