Christopher Nolan và loại phim “nhét (nàng) vào tủ lạnh”
29. 06. 12 - 1:39 pm
Matthew Belinkie - Pha Lê tổng hợp
Nhân dịp bộ phim ‘siêu bom tấn’ về Batman (Người dơi) là “The Dark Knight Rises” (Kỵ sĩ Bóng đêm trỗi dậy) sắp trình chiếu, và đạo diễn Christopher Nolan của phim lại sắp trở thành tâm điểm một lần nữa, xin giới thiệu với mọi người một bài viết rất lém (từng đăng trên trang overthinkingit) nhưng cũng nhiều suy nghĩ về vị đạo diễn này.
Christopher Nolan tại trường quay của phim “The Dark Knight Rises”
Dù không muốn tôi cũng không thể nào không nhận ra rằng đạo diễn Christopher Nolan rất khoái giết các nhân vật nữ để lấy đó làm ‘động cơ’ cho các nhân vật nam (trả thù, tìm công lý v.v…). Hãy xem qua các phim của anh (do Nolan viết kịch bản và đạo diễn):
Memento: Một người đàn ông bị mất trí nhớ đi tìm kẻ đã giết người vợ xinh đẹp của mình.
Insomnia: Một thám tử chơi trò mèo vờn chuột với kẻ đã giết một cô gái trẻ đẹp.
The Prestige: Một ảo thuật gia dấn thân vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với người bạn cũ vì anh cho rằng chính người bạn này đã giết chết vợ của mình.
The Dark Knight (Kỵ sĩ Bóng đêm): Cuộc sống của một anh hùng giấu mặt và một luật sư của quận trở nên tồi tệ sau khi cô gái mà cả hai cùng yêu bị giết.
Inception: Một tên tội phạm chuyên trộm giấc mơ vật lộn với chính mình vì cảm thấy tội lỗi sau khi vợ của anh tự sát.
Following: Bộ phim đầu tiên của Nolan cũng có một cô gái xinh xắn bị giết vào đoạn cuối.
Cảnh trong phim “Inception”: Cobb (Leonardo đóng) là chồng của Mal (Marion Cotillard đóng). Cobb rất đau khổ sau khi Mal tự tử.
Shana – nhà báo chuyên mục ‘nữ quyền’ của trang web – giới thiệu cho tôi một cái tên mà người ta hay dùng để gọi những cốt truyện kiểu này, đó là: “nhét vào tủ lạnh” (fridge stuffing). Cái tên lấy từ một tập truyện tranh về siêu anh hùng Green Lantern vào năm 1994, khi Kyle Rayner (tên thật của Green Lantern, giống Bruce Wayne là tên thật của Batman) về nhà rồi phát hiện ra bạn gái của mình không chỉ đơn giản là chết – mà xác của cô ấy còn bị nhét vô tủ lạnh. Cứ thử nghĩ xem: nếu bạn mở tủ lạnh và thấy xác của bạn gái mình nằm trong đó, bạn sẽ không bao giờ muốn mở tủ lạnh thêm lần nữa. Bạn sẽ phải ăn mì hộp và súp trong một thời gian dài.
Green Lantern phát hiện ra xác bạn gái trong tủ lạnh
Nào, nếu xét về công thức thì không hẳn tất cả mọi phim của Nolan đều đạt đến ‘trình độ’ nhét vào tủ lạnh. Nếu tôi hiểu không nhầm thì cốt truyện rập khuôn sặc mùi cliché này bắt buộc nhân vật nữ phải là một nhân vật thực thụ của phim, họ là những người mà khán giả tương đối thích, và sau đó họ ‘hy sinh’ nhằm giúp nhân vật nam có lý do chính đáng để mà đau khổ. Nhưng trong Memento, Insomnia và Inception, các nhân vật nữ đã chết trước khi phim bắt đầu. Những cái chết này không ‘nữ quyền’ mấy, cũng không hẳn là loại “nhét vô tủ lạnh”. Còn cái chết của Rachel Dawes trong Kỵ sĩ Bóng đêm thì hội đủ điều kiện (để gọi là loại “nhét vô tủ lạnh”, bởi chúng ta đã có khối thời gian để làm quen với Rachel (và yêu thích Rachel) trước khi quả bom khiến cô nổ banh xác.
Nhưng dù có ghét bóng ghét gió bất cứ kiểu kể chuyện rập khuôn nào đi chăng nữa, bạn vẫn có thể tìm thấy một phản ví dụ, chứng minh rằng ‘rập khuôn’ cũng cực kỳ hữu dụng. Nói cho cùng, khuôn sẽ không được rập nếu nó không hữu dụng ngay từ những buổi đầu. Phim Kỵ sĩ Bóng đêm là một ví dụ hoàn hảo. Cái chết của Rachel Dawes thật bất ngờ, đó là một cách kể chuyện hiệu quả, dẫn dắt tình tiết của phim đến nhiều hướng đi ở phía trước. Bộ phim không những khiến chúng ta say mê mà còn khiến Shana say mê, mặc cho nhân vật nữ duy nhất của phim phải chịu số phận đáng buồn.
Kẻ ác Joker (Heath Ledger) đe dọa Rachel Dawes (Maggie Gyllenhaal) trong phim “The Dark Knight” của Nolan
Bởi vậy, tôi không nghĩ là Nolan trọng nam khinh nữ. Nhưng tôi CÓ nghĩ rằng anh khoái yếu tố “người yêu chết”. Đừng mất thời giờ tra wikipedia, bạn sẽ không tìm thấy thông tin nào nói rằng Nolan từng mất mẹ, mất chị, hay mất người yêu trong quá khứ đâu. Có lẽ các cô gái yểu mệnh là một ‘sản phẩm phụ’ ngẫu nhiên của thể loại phim Noir* mà Nolan rất thích làm: nếu bạn khoái các chàng trai quyết tâm dùng hành động (để trừ gian) nhưng u sầu, bạn phải chế ra lý do gì đó khiến chàng ta u sầu chứ.
Cảnh trong phim “The Prestige” của Nolan: Ảo thuật gia Alfred (Christian Bale đóng) cột cô người yêu Julia (Piper Perabo) của anh bạn Robert (Hugh Jackman đóng, không có mặt trong hình) để thả cô vào thùng nước vả diễn màn ảo thuật nguy hiểm. Không may Jualia chết, và Robert quyết báo thù từ đó.
Nhưng cũng đúng là, trong các câu chuyện có nữ giới làm nhân vật trung tâm, bạn hiếm khi thấy các chàng trai bị nhét vô tủ lạnh. Mở đầu phim Kill Bill, chồng sắp cưới của nhân vật “cô dâu” (Uma Thurman đóng) bị giết trước mặt cô. Nhưng bạn có cảm giác đấy không phải là việc khiến cô tức giận khi cô tỉnh dậy sau cơn hôn mê. Chính chuyện mất đứa con mới là động lực thôi thúc cô (báo thù). Tôi có hỏi một vài đồng nghiệp tại trang overthinkingit xem họ có thể đưa ra những bộ phim có nhân vật nữ đứng lên trả thù vì người yêu (nam) của họ bị giết không. McNeil liền nhắc tới The Brave One, phim với để tài ‘trả thù cho người yêu’ của Jodie Foster. Shana nhắc đến câu chuyện của Sun và Jin trong phim truyền hình Lost, nhưng cả McNeil và Shana cũng thừa nhận rằng nội dung ‘báo thù’ của các phim này kết thúc rất mau chóng (và tình tiết/ý nghĩa câu chuyện đã chuyển sang hướng khác).
Ảnh: Jodie Foster đóng vai Erica – một phụ nữ báo thù cho người yêu trong phim “The Brave One”.
(Để nhắc tới đề tài truyện tranh thêm lần nữa, một độc giả đưa ra nhận xét khá thú vị: khi siêu anh hùng (nam giới) chết, họ thường hồi sinh và siêu năng lực của họ cũng trở lại như bình thường. Nhưng khi một nhân vật nữ nào đó chết, cái chết của cô vĩnh viễn trở thành bi kịch.)
Bởi vậy, dù câu chuyện về một chàng trai báo thù cho bạn gái đã chết không có gì sai, việc motif ấy trở nên phổ biến, rồi hiệu quả của việc ấy, cũng như việc chúng ta hiếm khithấy điều ngược lại (phụ nữ báo thù cho đàn ông) thì đúng là có vấn đề.
Hoặc có lẽ chuyện này chẳng có vấn đề gì. Có lẽ chúng ta, với cương vị của một loài động vật, được cấu tạo để cảm thấy khó chịu về cái chết của phụ nữ hơn là cái chết của đàn ông. Nhớ lại đoạn kết của phim Dr. Strangelove, khi ông Strangelove giải thích rằng tỷ lệ chuẩn là 10 nữ trên 1 nam, ông ấy có lý. Khi sự tồn tại của loài người bị đe dọa, bảo vệ phụ nữ là bài giải toán thông minh. Phụ nữ có thể sinh con, và vì vậy họ là nhân tố quyết định giới hạn của sự sinh sôi của giống loài. Tôi nói đùa đấy, nhưng tôi cũng không đùa chút nào: phụ nữ và đàn ông rất khác nhau. Có lẽ việc “quan tâm đến cái chết của một cô gái hơn là cái chết của một chàng trai” luôn nằm trong DNA của chúng ta.
Diễn viên Peter Sellers trong vai Dr Strangelove. Bộ phim hài-hồi hộp này là do Kubrick đạo diễn vào năm 1964.
Thế nhưng, ngay cả khi cái giả thuyết điên khùng của tôi là đúng, nó không có nghĩa rằng trò ‘nhét vào tủ lạnh’ không có liên quan gì tới tính “ghét phụ nữ”. Tác giả kịch bản về cơ bản đang quyết định rằng nhân vật (nữ) không có gì thú vị để làm, ngoài việc ngồi đó chờ kẻ xấu chặt mình thành từng khúc. Bất cứ cốt truyện nào mà cô ấy có thể tham gia cũng không hiệu quả bằng cái đám ma của cô.
Ôi, tôi bỏ cuộc và nhường đề tài này cho các bạn. Christopher Nolan có mắc tội trọng nam khinh nữ? Khi nào “giết nhân vật nữ” là sai, khi nào là công bằng? Nếu bạn chuẩn bị giết cô bồ của kẻ thù truyền kiếp của mình và giấu xác cô ấy vào chỗ nào đó để kẻ thù có thể phát hiện ra sau này, bạn sẽ giấu xác ở đâu?
*
Phim Noir: thể loại phim án mạng cổ điển với phong cách u ám sexy đặc trưng.
Chia sẻ:
Ý kiến - Thảo luận
0:18Sunday,5.1.2014Đăng bởi: nimmoHP
phim 7 tội lỗi, phim này nữ chính có nhiệm vụ là ngồi đó để kẻ giết người đến chặt đầu để y kích hoạt tội lỗi cuối cùng: giận dữ
...xem tiếp
0:18Sunday,5.1.2014Đăng bởi: nimmoHP
phim 7 tội lỗi, phim này nữ chính có nhiệm vụ là ngồi đó để kẻ giết người đến chặt đầu để y kích hoạt tội lỗi cuối cùng: giận dữ
...xem tiếp