Ứng viên số ba giải M. Duchamp 2010: Celeste Boursier-Mougenot
01. 10. 10 - 2:28 pm
Hữu Khoa biên dịch
(SOI: Xin lỗi là bỏ quá lâu, ngày trao giải đã gần kề mà Soi mới giới thiệu được có 2 ứng viên, còn lại 2 người nữa.)
Ứng viên thứ ba của giải Marcel Duchamp năm nay là một người tốt nghiệp trường nhạc ra, cũng sáng tác nhạc, và vì thế luôn luôn bị âm nhạc, nhạc cụ ám ảnh. Đó là Celeste Boursier-Mougenot. Kể cả anh có làm một căn phòng trống, không có nhạc cụ trong đó, thì bạn cũng hiểu đó là phòng để mà… nghe nhạc.
Tác phẩm sắp đặt của Boursier-Mougenot với đàn và ghế, 2007
Stele 2009 với một chiếc máy quay đĩa bằng thạch cao
Stele – mặt trên, tác phẩm bằng thạch cao
Scanner, 2006, với những cái loa và màn hình TV
Sắp đặt Zombie Drones, 2009
Không đề, 2009, với hồ dung dịch xanh, tô nhựa và sứ, đặt trong sảnh dội âm
Nhưng Celeste Boursier-Mougenot nổi tiếng nhất với sắp đặt cùng chim sẻ (Từ 27. 2. 2010 đến 23. 5. 2010). Dùng một bầy chim sẻ vằn, cho chúng sống cùng các nhạc cụ; dùng các nhạc cụ ấy làm chỗ đậu, chỗ đựng thức ăn cho chim, Boursier-Mougenot cho thấy những thứ có tính nhạc đặt cạnh nhau là đương nhiên ra nhạc, không cần một thứ nhạc khuôn khổ nào.
Để rõ hơn về sắp đặt này, mời bạn đọc một bài tường thuật sau khi đi xem về của Rummana Naqvi.
BẦY CHIM CỦA CELESTE BOURSIER-MOUGENOT
Thoạt tiên, cũng vì định dùng chim muông trong sáng tác của mình mà tôi đến Barbican Curve xem tác phẩm của Céleste Boursier-Mougenot. Được gallery quảng cáo đây là một trong những clips nhiều người xem nhất trên YouTube, tôi kỳ vọng rất nhiều ở tác phẩm này. Và tôi đã không thất vọng.
Nhập vào một đám người xếp hàng không dài lắm vào một chiều thứ Năm (được “nháy” trước là triển lãm sẽ càng hay khi gallery càng đông khách), sau 10 phút xếp hàng, tôi lọt được vào không gian gallery, đi dọc theo căn phòng uốn cong đúng như tên gọi (Curve). Trên đầu là mấy cái máy chiếu, chiếu cận những đoạn video trắng đen quay những bàn tay chơi guitar điện tử – một khởi đầu thực chẳng có gì ấn tượng. Tuy nhiên, tiếng chim chíu chít xa xa cuốn hút tôi, thêm những cù lao nhỏ lạ mắt phủ lốm đốm sàn gallery. Chưa kể đằng cuối (đường hầm) kia lại sáng ánh đèn…
Trong không gian mở được chiếu sáng ấy, bày ra trước mắt tôi là những đảo cát nhỏ, trên cắm những cành cây, đỡ nào là guitar, chũm chọe, cùng các nhạc cụ khác, nối với các bộ tăng âm; bay nhảy giữa đó là những sinh vật đẹp đẽ nhất: lũ chim sẻ vằn. Dù có đôi lần tôi suýt phải thét lên vì chúng lạng xuống sát lưng, nhưng đây đích thực là những con chim xinh xắn nhất, có hình dạng đẹp nhất trong một gallery.
Trước khi đến đây tôi có đọc một bài phê bình, trong đó người viết chỉ nhìn thấy khía cạnh khôi hài của tác phẩm, thí dụ một con chim mổ lưng một con khác, “tạo nên một giai điệu thực ác ôn”. Chắc chắn là có vụ này rồi (chim mổ nhau), nhưng tôi thì tôi có thể theo dõi cả ngày không chán cái tính láu táu và ưa nhảy nhót của lũ chim, như một nhà cầm điểu học đang thời thiếu việc.
Ngắm những chú chim chuyển động giữa dàn nhạc cụ, trong một gallery vừa đẹp đẽ và nên thơ, vừa vui nhộn vừa vô lo. Mặc dù những chú chim này bị nhốt (trong phòng), nhưng ở đây người ta không có cảm giác rằng chúng sẽ phát điên khi màn đêm buông xuống (chỉ 5 phút sau khi tôi bước vào gallery), tuy những mảng nền làm giả rất tuyệt lại cho không gian này một vẻ thiếu tự nhiên và ngăn nắp quá.
Tuy nhiên, từ từ, càng đi quanh quẩn trong phòng, tôi càng thấy lạ lùng: những chú chim vẫn như tiếp tục cuộc sống hàng ngày của mình, ngay trước mắt kẻ quan sát là chúng tôi. Trong khi đó, đám người chúng tôi đây phải dừng lại, ngó nghiêng, chăm chú dòm, ngạc nhiên trước từng cử động của những sinh vật này. Tuy ý nghĩa của triển lãm là nói về những hoạt động đều đều của đời sống hàng ngày, nhưng tôi thấy điều thú vị hơn chính là quan sát mối liên hệ giữa hành vi của bọn chim với hành vi của con người.
Chúng ta bước vào không gian của chim và “bị” Boursier-Mougenot đảo vai. Những thứ vốn thuộc về ta: đàn, chũm chọe, đã thành những thứ lạ lẫm, thành chỗ chim đậu, thành chỗ chim ăn: một cái chũm chọe để đựng thức ăn, cái khác để đựng nước. Chính con người trở thành kỳ dị, đi lại quanh quẩn lặng lẽ, nửa sợ nửa mê lũ động vật này. Có thể chính vì sự khác biệt trong chúng ta (với chim) lúc đó nổi bật lên, hoặc cũng có thể vì bỗng ta nhận ra bản chất động vật của ta trong những con chim kia, mà tôi cảm giác tác phẩm này là một bản ngợi ca sự lạ lẫm của con người. Bước ra ngoài gallery, chúng ta quay về với thế giới loài người, nhưng cứ thoát ra khỏi những thành phố, những đô thị, chúng ta lại quay về ngay với động vật, với cái vương quốc mà chúng ta đã cố cẩn thận đầy lùi lại, kìm nén.
Và đó là thứ khiến tôi thấy tác phẩm này sống động: nền nhạc do bầy chim trong tác phẩm của Boursier-Mougenot tạo ra, với những nốt nhạc ngẫu nhiên, không “ăn” nhau, là một bản nhạc hoàn hảo để đi cùng với thực tại lạ lùng này. Lúc làm, Boursier-Mougenot có thể chỉ nhắm tới việc dùng những nhịp điệu của đời sống hàng ngày để tạo nên một thứ âm thanh bất ngờ, nhưng kết quả, anh còn tạo thêm sự đổi vai bất ngờ giữa con người với động vật, và đó mới là điều khiến cho cuộc triển lãm này đáng để đi xem nhất.
Chia sẻ:
Ý kiến - Thảo luận
10:49Monday,4.10.2010Đăng bởi: tienhoang
Tôi không am hiểu nhiều về nghệ thuật này. Nhưng thiết nghĩ quan trọng làm sao hướng người xem cảm thấy mới-lạ-tạo cảm giác thoải mái.
thanks for your pic ...xem tiếp
10:49Monday,4.10.2010Đăng bởi: tienhoang
Tôi không am hiểu nhiều về nghệ thuật này. Nhưng thiết nghĩ quan trọng làm sao hướng người xem cảm thấy mới-lạ-tạo cảm giác thoải mái.
thanks for your pic
20:35Saturday,2.10.2010Đăng bởi: Em-co-y-kien
Em có ý kiến là làm sắp đặt như thế mới oách xà lách, mới... thật là hay hay hay... mà chả phải giết hại hay bóp chít nhồi lông bất cứ chú chim non nho nhỏ nào.
Chúng em xin vote cho anh Celeste Boursier-Mougenot ạ ...xem tiếp
20:35Saturday,2.10.2010Đăng bởi: Em-co-y-kien
Em có ý kiến là làm sắp đặt như thế mới oách xà lách, mới... thật là hay hay hay... mà chả phải giết hại hay bóp chít nhồi lông bất cứ chú chim non nho nhỏ nào.
Chúng em xin vote cho anh Celeste Boursier-Mougenot ạ
thanks for your pic
...xem tiếp