Chính trị

Bình luận: Show thời trang kịch câm bên hồ Nhạn Thê 12. 11. 14 - 6:49 pm

Bóp Quả Cam

 

Hồ Nhạn Thê – nơi diễn ra APEC 2014 (ảnh trong toàn bài: từ Internet)


Một dịp để “super” soi!

Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra ở khu du lịch hồ Yanqi (tiếng Việt dịch ra là hồ Nhạn Thê có nghĩa là nơi ngụ của chim nhạn và vẫn còn tranh cãi tùm lum không biết chim nhạn có phải là chim én hay không), ngoại vi Bắc Kinh. Là cuộc gặp của các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế (trong nhiều năm trời, các bạn Trung Quốc kiên trì và quyết liệt yêu cầu tất cả không được gọi là “các nước”, bởi vì có Hong Kong và Đài Loan), trong đó góp mặt có cả 3 siêu cường Mỹ-Trung-Nga và thêm ông siêu cường kinh tế Nhật nữa nên thượng đỉnh APEC luôn bị “super” soi trên mọi phương diện.

Năm nay thượng đỉnh APEC tổ chức ở Trung Quốc, một nước khá phức tạp và quan hệ cũng phức tạp với tất cả các nước còn lại trên thế giới nên càng bị soi kỹ. Với các bạn Tàu, vốn nổi tiếng thâm trầm kín đáo, hay dùng âm công xảo diệu trong quan hệ thì nhiều khi không nên nhìn vào những ngôn từ choang choang trong các hội nghị chính thức, mà nên nhìn vào những gì không nói ra thành chữ thành lời.

Xét về phương diện này, thượng đỉnh APEC năm nay xứng đáng được coi là một show diễn thời trang và kịch câm vô cùng kịch tính.

 

Các thành viên của APEC ( Asia-Pacific Economic Cooperation)

Mặc gì không phải chuyện đùa!

Trước hết là chuyện trang phục. Các thượng đỉnh APEC từ 1993 luôn có truyền thống để các nhà lãnh đạo các nước mặc một loại trang phục do nước chủ nhà lựa chọn. Như APEC năm 2006 ở Hà Nội, các nhà lãnh đạo thế giới mặc áo dài của các quan lại phong kiến thời xưa, chỉ có điều không đội khăn (nữ có đội).

Với Trung Quốc, ăn mặc thế nào cũng là một thông điệp. Còn nhớ chính ông Tập Cận Bình này, cách đây mấy năm, khi ấy chưa ở ngôi cao chót vót như bây giờ mà mới được chỉ định làm “thế tử” kế vị Hồ Cẩm Đào, đã sang thăm Việt Nam trong thời điểm chuyện biển Đông đã nóng lên ở ngoài đường phố và trong hội trường Quốc hội với câu trả lời chất vất duy nhất dài dằng dặc tại một kỳ họp Quốc hội của một nhà lãnh đạo Việt Nam. Trong cuộc gặp với chính nhà lãnh đạo này ở Hà Nội, ông Tập mặc complet cà vạt tề chỉnh, chỉ có điều trên cà vạt của ông Tập khi ấy toàn hình mỏ neo!

Nói thế để thấy không đùa chuyện ăn mặc với các bạn Tàu được. Năm nay, chủ nhà Trung Quốc cho các khách mời nam mặc kiểu áo đại cán chít cổ đúng kiểu phong cách Chủ tịch Mao, có cách điệu kéo dài ra cho hơi khác đi một chút, còn nữ có một cái áo khoác bên ngoài trông như áo choàng. Phu nhân của ông Tập Cận Bình thì hay mặc xường xám.

Sự lựa chọn “sinh tử” của người đàn ông độc thân V.Putin

Chính vì bộ xường xám này mà phu nhân của ông Tập là Bành Lệ Viên, thiếu tướng ca sỹ trong quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, và Tổng thống Nga V.Putin đã trở thành tâm điểm của giới truyền thông tại APEC năm nay.

Số là trong buổi chiêu đãi các nhà lãnh đạo nước ngoài ở Thủy Lập Phương, lễ tân Trung Quốc bố trí vợ chồng ông Tập ngồi giữa, cạnh ông Tập là Tổng thống Mỹ B.Obama, cạnh bà Bành là Tổng thống Nga V.Putin, đúng kiểu bọn tao ba thằng khỏe nhất ngồi chiếu trên với nhau, mấy đứa cắc ké ra chỗ khác chơi!

Ai từng ở Bắc Kinh vào mùa thu đều biết là vào dịp này thời tiết đã rất lạnh, thêm những đợt “thu phong trận trận hàn” nữa lại càng lạnh thêm. Ông Tập không hiểu vô tình hay cố ý lại để vợ mặc không đủ ấm ngồi cạnh “trai lạ”. Bà Bành vốn là người quan tâm chuyện áo quần, sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc, không phải Hoa Kiều mà nói là ú ớ thời tiết, thế mà mặc mỗi cái xường xám không áo khoác. Trong khi ông Tập tít mắt nói chuyện với B.Obama thì không rõ bà Bành nói gì với ông V.Putin (chắc một câu đưa đẩy đại loại như “Trời ơi, lạnh quá!”) mà Tổng thống Nga đột ngột đứng lên lấy áo khoác của mình khoác cho bà Bành! Ông V.Putin mới rơi vào tình trạng độc thân chưa lâu (đúng giọng báo chí phương Tây nhé, và vụ ly hôn của ông tốn khá nhiều giấy mực), việc ông ga lăng khoác áo cho Đệ nhất phu nhân Trung Quốc cũng gặp lắm phản ứng chê cười, nói ai lại đi khoác áo cho vợ người, trong khi chồng người ta ngồi kia sờ sờ.

Tổng thống Nga Putin nhường áo khoác cho bà Bành Lệ Viên

Nhưng hãy nhìn các bức ảnh, và thử đặt mình vào địa vị Putin, có lẽ mới hiểu được ông cũng khó xử đến chừng nào. Trời thì gió thì rét như đã nói, nếu bạn là Putin, nghe tiếng răng người phụ nữ bên cạnh đánh lập cập, thì dù không phải là bà Bành đi chăng nữa, bạn có nhường cho cái áo khoác không?

Tôi tin là bạn sẽ làm như Putin. Dĩ nhiên, là một người lão luyện, Putin phải lường trước chuyện gì sẽ xảy ra. Họ đã thử mình, thôi thì trong hai cái, chọn cái ít xấu hơn vậy. Dở là dở cái bà Bành, hoặc là quá đoảng (cái này khó tin), hoặc là cố ý làm nhục Putin, nên chỉ sau đó mới mấy giây, bà đã cởi cái áo V.Putin đưa cho để khoác một cái áo khác do lễ tân chuẩn bị sẵn (sao không đưa từ trước?), vứt lại cái áo của Putin lên ghế!

Tóm lại là trong vụ khoác áo này, ông V.Putin vẫn kiếm được điểm từ giới truyền thông, trong khi bà Bành Lệ Viên mất điểm vì đã trả lại áo khoác quá sớm, để thêm vài phút rồi lễ độ trả áo, bảo “em ấm rồi, có áo rồi” có phải tốt hơn không!

Cũng cần để ý một điểm là áo cho các nhà lãnh đạo mặc năm nay của Trung Quốc có ba màu là xanh, nâu, tía, không hiểu có phải ngẫu nhiên hay không mà ba ông Tập Cận Bình, V.Putin và B.Obama đều mặc áo màu tía, cho nên nghe đồn 3 ông này luôn đi cùng nhau, khi di chuyển, lúc ngồi nói chuyện hay chụp ảnh chung, trông cứ như cùng một đội – đội của các “siêu cường”!

Show trình diễn của những cú bắt tay

Nhưng chuyện ngôn ngữ cơ thể, cụ thể ở đây là những cái bắt tay của ông Tập Cận Bình mới đáng chú ý.

Tình trạng quan hệ giữa Trung Quốc với nhiều nước hiện đang ở trong thời điểm khá nhạy cảm nên thượng đỉnh APEC là một dịp hiếm hoi để thể hiện thực chất cũng như dự đoán về tương lai của các mối quan hệ đó.

Các nhà phân tích cũng như giới truyền thông đặc biệt chú ý soi kỹ thời điểm ông Tập gặp Thủ tướng Nhật S.Abe, bởi hai bên đang rất căng trong chuyện tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Là lãnh đạo nước chủ nhà nên ông Tập không thể né tránh chuyện bắt tay chào ông S.Abe. Cho nên khi ông S.Abe tiến lại và đưa tay ra bắt, ông Tập cũng bắt tay nhưng dường như không nhìn thẳng vào ông S.Abe. Theo quy tắc, khi đang bắt tay, hai ông phải quay lại cho phóng viên chụp ảnh; vậy là hai ông quay lại với hai bộ mặt không những không cười, mà còn lạnh lẽo, xị ra một đống, (xem link này từ giây 20) khiến nhìn hai ông trên clip không thể không buồn cười. Thông điệp hai ông đưa ra chủ yếu là cho dân chúng dưới quyền trị vì: còn lâu tớ mới bắt tay như hai người bạn nhé; cứ yên tâm, tớ sẽ tìm cách đòi lại đảo (hoặc tớ sẽ cương quyết giữ được đảo)!

Ông Tập Cận Bình và ông S.Abe

Trong khi đó, lúc đón Tổng thống B.Obama, ông Tập đưa tay ra bắt với một nụ cười mỉm, nói thế nào nhỉ, phải coi là nụ cười thu hoạch, rồi dùng bàn tay kia vỗ vỗ một cái ấm áp lên bàn tay Obama (xem clip này từ giây 45). Nhiều tháng trước khi APEC diễn ra, Trung Quốc bắn tiếng cho ông B.Obama rằng “thôi thì nhân tiện tới dự APEC, ông tới thăm chính thức chúng tôi luôn một thể cho đỡ tốn tiền tàu xe”, nhưng ông B.Obama cương quyết lắc. Cuối cùng ông Tập phải đưa sĩ qua sông, phái Dương Khiết Trì phụ trách đối ngoại qua Mỹ thuyết phục bằng được để Tổng thống Mỹ thăm chính thức sau thượng đỉnh APEC, và được phía Mỹ chấp thuận. Ông B.Obama cũng chẳng dại gì mà không thể hiện muốn làm thân với Trung Quốc (dù chẳng ưa gì cái chuyện Trung Quốc đang ngày càng ngang ngược trong khu vực), do hy vọng có thể dùng Trung Quốc để ép Nga trong khủng hoảng Ukraine!

Ông Obama và ông Tập Cận Bình

Còn cái bắt tay của ông Tập với Tổng thống V.Putin có thể thấy rõ là rất chặt, tặng thêm một nụ cười mỉm ấm áp (và hình như còn khen “chú mặc bộ này đẹp đấy” – xem clip này từ giây 25). Đấy là nụ cười trị giá 400 tỷ USD, bằng đúng giá trị hợp đồng dầu khí hai bên ký mới đây.

Ông Putin và ông Tập Cận Bình

Tiếp theo, cái bắt tay cùng vẻ mặt của ông Tập khi đón ông Lương Chấn Anh, toàn quyền Hong Kong, lại thể hiện rất rõ tinh thần bao bọc, kiểu “cậu yên tâm, có tớ đây!”

Ông Tập Cận Bình và ông Lương Chấn Anh

Một cái bắt tay khác được dư luận chú ý là khi ông Tập đón Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang. Hai nước đang trong giai đoạn khá “nhạy cảm” sau vụ Trung Quốc ngang nhiên mang giàn khoan cắm vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Xem ảnh có thể thấy ông Tập cố giữ vẻ mặt bình thường, không thân thiện, trong khi Chủ tịch Việt Nam có vẻ rất chủ động giữ bộ mặt bình thản, không gần cũng không xa cách. Đấy cũng là một thông điệp, phản ánh khá chính xác thực chất quan hệ của hai bên: sau một thời gian cậu (Trung Quốc) chơi đểu tớ, cũng đừng mong là sẽ sớm có sự gắn bó khăng khít như môi với răng nhé.

Chủ tịch Trương Tấn Sang và ông Tập Cận Bình

Sau đó, trong phiên họp chính thức, Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng không ngại ngần gì mà không đưa hai chữ “Biển Đông” vào trong bài phát biểu của mình, bất chấp việc Trung Quốc từ trước khi thượng đỉnh diễn ra, đã khuyến cáo tất cả các nước đang có “vấn đề” với Trung Quốc, gồm Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, là chớ có mang chuyện tranh chấp ra hội nghị, để giữ thể diện cho tớ là nước chủ nhà.

Tóm lại, chỉ ngồi xem cho bằng hết những gì mà các hãng thông tấn nước ngoài quay được, cũng thấy thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh là một dịp để khán giả khắp thế giới phân tích những ẩn ý trong thời trang chính khách, trong ngôn ngữ cơ thể của chính khách. Quả là một màn kịch câm có nhiều cái để… đoán mò.

Ý kiến - Thảo luận

0:27 Saturday,15.11.2014 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
ừm, thái độ là dễ hiểu, tìm ảnh cho hợp thái độ thì cũng ko khó. Nhưng đểu cái là hai cái bắt tay Việt và Nhật của anh Khựa trông mặt anh í đều thiểu não giống nhau. Chứng tỏ có lẽ anh ấy làm diễn viên chưa tốt lắm! Mà chứng tỏ nữa về y học là cái cổ này có vấn đề - thuật ngữ hay gọi là "mất đường cong sinh lý cột sống cổ'
(ý là) Tạm chỉnh thế đ
...xem tiếp
0:27 Saturday,15.11.2014 Đăng bởi:  Raumuong Noigian
ừm, thái độ là dễ hiểu, tìm ảnh cho hợp thái độ thì cũng ko khó. Nhưng đểu cái là hai cái bắt tay Việt và Nhật của anh Khựa trông mặt anh í đều thiểu não giống nhau. Chứng tỏ có lẽ anh ấy làm diễn viên chưa tốt lắm! Mà chứng tỏ nữa về y học là cái cổ này có vấn đề - thuật ngữ hay gọi là "mất đường cong sinh lý cột sống cổ'
(ý là) Tạm chỉnh thế đã, rảnh sẽ chỉnh nốt cả tụi bay! Hừm 
11:23 Thursday,13.11.2014 Đăng bởi:  Trịnh Dũng

@:Beo Hồng: Xem đoạn clip thì thấy đúng là cái chăn mỏng, không phải áo khoác, nhưng có đúng là nó để sẵn ở trên tất cả các ghế hay không thì không chắc, bởi vì nếu nó cũng có trên ghế bà Tập thì hẳn là bà có thể sử dụng chứ không cần phải chờ đến ông Putin dùng chăn của ông ấy khoác cho. Nhưng theo tôi, điều quan trọng nhất trong cái vụ này, không phải l
...xem tiếp

11:23 Thursday,13.11.2014 Đăng bởi:  Trịnh Dũng

@:Beo Hồng: Xem đoạn clip thì thấy đúng là cái chăn mỏng, không phải áo khoác, nhưng có đúng là nó để sẵn ở trên tất cả các ghế hay không thì không chắc, bởi vì nếu nó cũng có trên ghế bà Tập thì hẳn là bà có thể sử dụng chứ không cần phải chờ đến ông Putin dùng chăn của ông ấy khoác cho. Nhưng theo tôi, điều quan trọng nhất trong cái vụ này, không phải là cái áo khoác hay cái chăn, mà chính là cái hành động khoác cho bà Bành của Tổng thống Nga. Có lẽ đó mới chính là ý của tác giả bài viết này khi soi vào sự kiện đó.
- Còn chuyện Trung Quốc không bao giờ khuyến cáo kiểu yếm thế thì tôi nghĩ chắc bạn Beo Hồng cũng có biết câu ngạn ngữ phương Tây "Không bao giờ nói không bao giờ" và điều này cực chuẩn trong ngoại giao! Có những việc mà bạn nghĩ rằng "không bao giờ" xảy ra nhưng nó vẫn cứ xảy ra và đó là điều hoàn toàn bình thường. Thằng Tàu là nước lớn, như bạn nói là "mạnh và thâm", thế nhưng nếu là người biết nhiều chuyện thâm cung bí sử, bạn cũng thừa biết là nó luôn khuyến cáo (yếm thế?) với các đồng chí Việt Nam là đừng có đem kiện nó ra tòa án trọng tài quốc tế về vụ "đường lưỡi bò" với lại tranh chấp Biển Đông. Vấn đề không (và chưa phải) nó sợ thua, mà là nó sợ mất mặt, mất thể diện với thế giới. Vậy thôi. Nên chuyện là nước chủ nhà, nó khuyến cáo qua các kênh không chính thức (để đảm bảo một hội nghị quốc tế diễn ra suôn sẻ) cũng là chuyện không có gì là yếm thế cả.

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả