|
|
|
|||||||||||||
Nghệ sĩ Việt NamNew Form II: Nguyễn Ngọc Lâm, Lê Lạng Lương, Trần Trọng Tri… tại Module 7 13. 11. 14 - 6:25 pmThông tin từ BTC. NEW FORM II NEW FORM là một dự án điêu khắc đương đại, nhằm nghiên cứu và thể nghiệm những khả năng sáng tạo mới trong điêu khắc, đồng thời đưa điêu khắc tiếp cận với những không gian sống hiện tại. Được thành lập bởi các nhà điêu khắc đang sống và làm việc tại Hà Nội, dự án New Form được xây dựng và hoạt động với khung thời gian ba năm, được chia thành ba giai đoạn, với mỗi định hướng công việc cụ thể trong từng giai đoạn. Trong giai đoạn 2 năm 2014, dự án New Form hướng đến việc kết nối tác phẩm điêu khắc vào những không gian kiến trúc sinh hoạt thực tế. Tại Manzi tháng 10-2014 trưng bày tác phẩm của các nghệ sỹ Phạm Thái Bình, Thái Nhật Minh, Khổng Đồ Tuyền và Hoàng Mai Thiệp, triển khai các điêu khắc thể nghiệm trong không gian nghệ thuật kết hợp với bar, cafe và những hoạt động biểu diễn. Triển lãm thứ hai tại Module 7 – không gian design nội thất và thời trang – là trưng bày của các nghệ sỹ Nguyễn Ngọc Lâm, Lê Lạng Lương, Phạm Bảo Sơn và Trần Trọng Tri. Là thành viên theo đuổi New Form từ thời gian đầu, đây là lần đầu tiên Nguyễn Ngọc Lâm giới thiệu công việc của mình trong triển lãm của dự án. Bắt đầu từ ý tưởng thể hiện mối quan hệ tự nhiên-nhân tạo mà nghệ sỹ theo đuổi trong nhiều năm trở lại đây, Lâm dường như ít làm mới mình hơn trong sáng tác lần này, nhưng chú trọng hơn vào tính thực tế của điêu khắc với ngữ cảnh quanh nó. Một thân cây tự nhiên với hình dáng gợi cảm cho một vật bày trang trí, Nguyễn Ngọc Lâm gắn vào đó các hình khối lập phương bằng thép không gỉ. Đặt vào không gian design của Module 7, nghệ sỹ muốn tìm kiếm sự liên hệ giữa điêu khắc và đồ vật dụng hiện đại: nó nằm trong cả sự đối lập giữa hình thức tự nhiên-nhân tạo của tác phẩm, và sự “lạ hóa” của nó trong không gian thẩm mỹ rất riêng này. Tiếp tục triển khai ý tưởng “Điêu khắc phong cảnh”, Lê Lạng Lương có những thay đổi đáng kể trong cấu trúc tác phẩm và phương án trưng bày. Trong triển lãm New Form 1, Lương trình bày điêu khắc là hai thể kết hợp của khối đặc và rỗng; vật liệu mềm mỏng của giấy với khối phẳng, lạnh nhưng không thiếu gợi cảm của kim loại đúc nguyên khối. Phương án bày kết hợp treo trên tường và đặt dưới đất như muốn tìm kiếm sự phản chiếu hoặc liên hệ giữa hai hình khối đối lập ấy trong một ý đồ tác phẩm. Ở New Form 2, nghệ sỹ đẩy mạnh hơn tính “ý niệm hóa” điêu khắc của anh bằng sự kết hợp giữa hình khối thực và “hình bóng” của nó trên tường. Sự hiển thị của hai dạng thực thể và hình bóng của điêu khắc trong một cấu trúc tác phẩm kết hợp với việc đặt để, yếu tố không gian tự thân và không gian xung quanh, cho thấy việc đi xa hơn của nghệ sỹ trong nghiên cứu thể nghiệm điêu khắc đòi hỏi sự đa chiều hơn về nhận thức, cũng như đưa cho khán giả những lựa chọn trong thưởng thức tác phẩm: quan sát bên ngoài, hoặc đi vào bên trong tác phẩm, đứng giữa tác phẩm thực và hình bóng của nó trên tường, như ranh giới giữa thực tế và ý niệm trong đời sống. Là một trong những thành viên theo đuổi thể nghiệm toàn diện của dự án, Phạm Bảo Sơn đưa ra những sáng tác có tính chuyển biến cao về hình khối, chất liệu và phương án bày đặt tác phẩm. Ở New Form 1, Sơn thể hiện ý tưởng về gió-mưa-nước, những sự vật không định hình, bằng điêu khắc kết hợp kính thủy tinh, gỗ, sắt hàn và đèn LED. Sáng tác chắc chắn có những gợi ý từ kiến trúc và design, cũng như sự mạnh dạn trong việc triển khai một ngôn ngữ điêu khắc hoàn toàn mới lạ đối với bản thân. Trong trưng bày lần này, nghệ sỹ vẫn sử dụng chất liệu và ngôn ngữ tạo hình trước đó để thể nghiệm một điêu khắc phát triển theo trục thẳng đứng với tính tương tác mạnh với không gian kiến trúc. Tác phẩm là một hình trụ vuông dựng đứng từ sàn tới trần nhà, bằng các vật liệu thủy tinh, inox với ánh sáng tự thân. Ý tưởng đối thoại với kiến trúc không chỉ là ngôn ngữ điêu khắc có sự liên hệ giữa các hàng cột chống nội thất, mà còn nằm ở sự đối thoại với đồ vật và tinh thần design của không gian này. Trước khi tham gia New Form, Trần Trọng Tri đã luôn theo đuổi các hình thức và phương án điêu khắc thể nghiệm cho thấy một quan điểm sáng tạo không bám vào phong cách và hình tượng nghệ thuật cố định. Tham gia và trưng bày New Form 1, nghệ sỹ triển khai một dạng điêu khắc địa hình, là một trụ thép cao 12m theo không gian hẹp của cầu thang ngôi nhà ống – kiểu kiến trúc khá điển hình của kiến trúc đô thị tại Hà Nội, với các khối hình trứng bám trên đó phát sáng tự thân. Ở New Form 2 là một hướng thể nghiệm hoàn toàn khác giữa điêu khắc và kiến trúc: một vật thể hình thuyền được đặt trong không gian trưng bày với ý nghĩa được coi là tác phẩm nghệ thuật. Từ đây, nghệ sỹ muốn đặt ra những câu hỏi về ý nghĩa tác phẩm: nó nằm trong ý thức nghệ sỹ, trong quá trình tạo tác, trong vị trí và không gian nó trưng bày, hay trong ý nghĩ của khán giả khi đứng trước tác phẩm và tương tác với nó (có thể nằm, ngồi lên tác phẩm) ?!. Sự hiện diện của designer Phạm Đam Ca đem lại những giải pháp đồ họa cho trưng bày tác phẩm điêu khắc. Bên cạnh mục đích nhận diện triển lãm, nhận diện tác phẩm, dẫn hướng và truyền thông điệp văn bản cần có, design triển khai một hướng sáng tạo riêng về thị giác với tinh thần chủ đạo là hệ thống nét, cùng sự kết hợp mảng đặc-rỗng trong các phương án nhận dạng. Từ những mảng hình được xác định trong giai đoạn 1, tổ hợp đồ họa tiếp tục biến đổi theo hướng biến thể (kết hợp mảng đặc, rỗng và nét) và tái tổ hợp (phân tán và sắp xếp theo trật tự khác). Sự song hành của ngôn ngữ đồ họa với trưng bày điêu khắc, kết hợp giữa chức năng phụ trợ tác phẩm với khả năng biểu hình riêng khiến đồ họa trở thành một ý tưởng sáng tạo độc lập như những sáng tác nghệ thuật. New Form Được hình thành từ một nhóm điêu khắc gia sống và làm việc tại Hà Nội, dự án New Form được thành lập với mong muốn tìm kiếm, nghiên cứu và thể nghiệm những khả năng tạo hình mới của điêu khắc và kết nối nghệ thuật với ngữ cảnh sống hiện tại. Bắt đầu hoạt động từ 2013, dự án New Form đầu tiên hướng tới những thể nghiệm trong sáng tạo điêu khắc, thay đổi hình thức và nội dung tác phẩm. Ở những giai đoạn tiếp theo, New Form hướng tới việc đưa những thể nghiệm điêu khắc kết nối với không gian sống và đời sống thực tại, từ đó tìm ra những khả năng đưa nghệ thuật tới gần với đời sống con người. New Form cũng nhằm tạo không gian thể nghiệm cho những gương mặt sáng tạo mới của điêu khắc và nghệ thuật Thị giác nói chung tại Việt Nam. Module 7 Thành lập vào năm 2002, Module 7 là công ty hàng đầu về tư vấn thiết kế nội thất tại Hà Nội với nhiều sản phẩm sáng tạo theo thiết kế riêng nhắm đến phong cách đơn giản, tinh tế, lịch lãm, lấy cảm hứng từ tinh hoa văn hoá Á Đông. Các thiết kế của Module 7 là sự kết hợp giữa thiết kế đương đại và tinh hoa văn hóa Việt Nam một cách nhuần nhuyễn. Sản phẩm được thiết kế và thi công tại các làng nghề thủ công truyền thống trên cả nước. Mỗi sản phẩm được làm ra đều mang trong mình giá trị văn hóa lâu đời của tay nghề truyền thống đồng thời cũng rất hiện đại. Module 7 nằm ở 83 Xuân Diệu, Hà Nội, cũng là một nơi thường xuyên diễn ra các triển lãm nghệ thuật và thiết kế. Ý kiến - Thảo luận
0:09
Friday,14.11.2014
Đăng bởi:
phạm quang hiếu
0:09
Friday,14.11.2014
Đăng bởi:
phạm quang hiếu
có vẻ đáng xem hơn rồi đây :)
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp