Soi học

Atalanta (phần 2): Phải lấy chồng vì mê táo vàng 16. 11. 14 - 6:53 am

Pha Lê

(Tiếp theo phần 1)

Sau vụ Meleager bị “má mì” thiêu chết, chân dài nhau nhảu Atalanta lâm vào thế dở khóc dở cười. Người thương chết rồi thì chắc chắn nàng rất buồn, tuy nhiên nhờ chuyện “bao trai quyền quý tử nạn vì nàng” mà Atalanta trở nên nổi tiếng khắp Hy Lạp.

Tượng Atalanta, đây là bản La Mã copy lại, có niên đại thế kỷ thứ 2. Tác phẩm này đúc theo tượng gốc bằng đồng thời thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên.

Trò đời trớ trêu, sự nổi tiếng cũng đem lại cho Atalanta lắm rắc rối. Ông bố đểu từng vứt Atalanta vào rừng vì không thích con gái, nay thấy con mình nổi tiếng lại mon men đến gặp và… nhận con về. Atalanta lưỡng lự, cảm thấy rằng không đồng ý tha thứ cho bố thì kỳ, nên nàng chấp nhận về ở với phụ thân nếu ông cho phép mình mãi làm trinh nữ, không phải lấy chồng.

Ông bố đồng ý, nhưng do Atalanta quá nổi tiếng lẫn xinh đẹp nên chẳng bao lâu sau hàng tá nam thanh có tiền có quyền cứ ùn ùn đổ về nhà nàng hỏi cưới. Ông bố đểu thấy ham nhưng chẳng muốn làm con nổi khùng, và đuổi khéo mãi không chàng nào chịu đi, hai bố con quyết định như sau: ai muốn cưới Atalanta là phải thi chạy với nàng. Kẻ thua phải lãnh án tử hình, người thắng sẽ rước nàng về dinh.

Cả Hy Lạp đều biết Atalanta nhanh nhất thế giới, điên mới dám thi chạy cùng nàng. Trai trẻ gõ cửa nhà Atalanta hụt dần. Tuy vậy một số trai (ngốc) cũng can đảm mò đến chạy đua với chân dài, sau đó các chàng này đua nhau xuống âm phủ gặp diêm vương Hades.

Nhưng ở đời, vỏ quít dày có móng tay nhọn, chân dài nhanh có đầu láu cá. Hy Lạp có một chàng trai đặc biệt láu cá tên Hippomenes. Anh này quyết lấy Atalanta làm vợ, và anh đã nghĩ ra một diệu kế.

Tượng Hippomenes, Guillaume Coustou, hiện nằm ở bảo tàng Lourve.

Hippomenes đến gặp Venus kể lể về nàng trinh nữ xinh đẹp Atalanta rồi quỳ lạy van xin Venus giúp mình. Nữ thần sắc đẹp thuộc loại mủi lòng với tình yêu và ghét các kiểu trinh nữ ngoan ngoãn nói chung nên đồng ý ngay. Nữ thần trao cho Hippomenes 3 trái táo vàng quý, dặn chàng đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng.

Hippomenes ôm táo đến nhà Atalanta, thách nàng thi chạy. Chân dài tặc lưỡi tiếc rằng trai xinh thế mà phải chết, thấy cũng tội nhưng rồi thôi cũng kệ, vì nàng không thích có chồng. Cả hai dắt nhau ra phố chạy đua trước mặt bàn dân thiên hạ.

Lúc xuất phát, Hippomenes chạy ngang ngửa người đẹp, vì chàng cũng là dân thể thao cừ khôi. Thế nhưng chỉ vài phút sau là Atalanta vượt lên dẫn trước, Hippomenes vừa hít bụi vừa ném trái táo đầu tiên ra khỏi đường đua.

Atalanta thấy trái táo đẹp quá. Không kìm được lòng, nàng chạy chệch hướng để nhặt táo.

“Atalanta và Hippomenes”, Guido Reni, 1625. Hai người đang cởi truồng chạy ngon ơ thì Atalanta chểnh mảng vì thích của lạ.

Hippomenes vượt lên dẫn trước. Thế nhưng chả bao lâu sau chân dài Atalanta đuổi kịp. Hippomenes đành ném trái táo vàng thứ hai vào bụi rậm. Người đẹp bèn chui luôn vô bụi tìm táo, quên cả đua.

Tưởng mình thắng rồi, ai dè lúc sắp cán đích thì Atalanta tiếp tục vượt mặt chàng trai. Hippomenes đành ném trái táo cuối cùng vào một bụi rậm khác, trong bụng chàng thầm vái Venus lia lịa. Thế là Atalanta tiếp tục lao đi lượm táo, để Hippomenes ung dung cán đích trước tiên.

“Cuộc đua giữa Atalanta và Hippomenes”. Nicolas Colombe, thế kỷ 17. Hippomenes có Cupid tình yêu chỉ lối, về đích trước. Atalanta mê táo hơn mê chiến thắng nên chịu thua.

 

“Nàng Atalanta chạy đua”, Jacob Jordaens, thế kỷ 17. Đích ngay trước mặt rồi mà Atalanta chỉ chú ý đến táo thôi, trong khi Hippomenes lo chạy thục mạng.

 

“Cuộc đua giữa Atalanta và Hippomenes”, Noel Halle, 1765. Hippomenes chuẩn bị ném trái táo cuối cùng trước khi về đích. Atalanta lom khom nhặt táo còn vẻ mặt của chàng trai nom rất khổ sở. Chắc chàng đang vái rằng mình kịp cán đích trước, không thì chỉ còn cách xuống âm phủ mua vui cho Hades.

Atalanta thua cuộc, theo cam kết nàng sẽ phải lấy Hippomenes, chấm dứt chuỗi ngày làm trinh nữ. Thôi thì tạm có thể xem đây là kết thúc có hậu. Tuy nhiên Hippomenes láu cá mà lại không biết điều. Cưới được người đẹp rồi là chàng quên bẵng ngay một người đẹp khác: nữ thần Venus. Lý ra Hippomenes phải tới đền của Venus, cúng kiến tạ ơn bà thần đã giúp mình. Vậy mà chàng quên béng, làm Venus nổi xung lên.

Thần Hy Lạp mà giận thì hậu quả sẽ vô cùng kinh khủng. Có bản nói Venus tức quá nên biến Hippomenes lẫn Atalanta thành sư tử, và bộ đôi vào rừng cùng nhau săn mồi cho tới chết. Có bản nói lúc Hippomenes và Atalanta vào đền của Zeus để tổ chức đám cưới, Venus ếm xì bùa cho cả hai “hứng chịu không nổi”. Họ yêu nhau ngay tại đền thiêng, khiến vị thần tối cao tức giận (dù ông cũng đi lang chạ với thiên hạ hoài chứ đứng đắn gì). Zeus bực mình nên biến bộ đôi thành sư tử.

Phác họa cảnh Atalanta và Hippomenes biến thành sư tử. Họ yêu nhau trong đền (bên phải) nên đành chịu phạt. Không biết tác giả của bản phác này là ai, tranh nom giống tranh minh họa cho sách. Nhưng chắc hình này vẽ từ cái thời thiên hạ chưa hiểu rằng sư tử cái sẽ không… có bờm.

Vậy đó, từ nay đi sở thú nếu thấy sư tử thì nhớ đến Hippomenes lẫn Atalanta nhé. Nhưng đừng cho ăn táo; không ăn đâu…

Ý kiến - Thảo luận

15:59 Saturday,18.3.2017 Đăng bởi:  phale
@Quân: Trong mấy bài trước có lần mình chú thích rồi. Ban đầu để Aphrodite nhưng thấy mọi người có vẻ bối rối tại không quen tên bằng Venus nên chuyển sang dùng Venus luôn để dễ học :)
...xem tiếp
15:59 Saturday,18.3.2017 Đăng bởi:  phale
@Quân: Trong mấy bài trước có lần mình chú thích rồi. Ban đầu để Aphrodite nhưng thấy mọi người có vẻ bối rối tại không quen tên bằng Venus nên chuyển sang dùng Venus luôn để dễ học :) 
23:20 Friday,17.3.2017 Đăng bởi:  Quân
đang thần thoại Hy Lạp lôi Venus vào đây làm gì thế, phải là Aphrodite mới đúng chứ =)))
...xem tiếp
23:20 Friday,17.3.2017 Đăng bởi:  Quân
đang thần thoại Hy Lạp lôi Venus vào đây làm gì thế, phải là Aphrodite mới đúng chứ =))) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nghèo cũng phải cho Tèo đi học

Hieniemic - Tranh từ báo NLĐ

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả