Kiến trúc

8m vuông mà ở được, giữa Paris 23. 11. 14 - 7:46 am

Phát Tường phỏng dịch từ Archdaily

“Đại lộ l’Opera”, do Haussmann quy hoạch, với những tòa nhà kiểu Haussmann. Tranh của Camille Pissarro

Trong những tòa nhà kiểu Haussmann ở Paris, cho người hầu gái thường là những chỗ khuất nẻo, rẻo rìa, chẳng có gì là hấp dẫn, nhất là với những ông chủ bụng đã to mà phải trèo thêm mấy cầu thang bộ mới lên được tới khu áp mái, đi len lỏi qua những hành lang hẹp rí…, mới hòng đến được một căn phòng cũng bé tí teo.

Đó là những khoảng không gian thừa thẹo, chẳng ra hình thù gì, nằm nơi cao nhất của những công trình đẹp đẽ và chặt chẽ về kiến trúc.

Qua năm tháng, những cô hầu gái cũng không còn là những cô hầu gái của ngày xưa, chịu chui rúc trong những ô tò vò ấy nữa, những căn phòng này dần trở thành nhà kho để người quản lý tòa nhà quăng vào những món đồ vô dụng.
 

Mặt tiền một tòa nhà kiểu Haussmann ở Paris

Thế rồi giá thuê nhà ở thủ đô ngày càng đắt đỏ. Thà ở chật ở bên bờ sông Seine ngay giữa Paris còn hơn thênh thang nơi ngoại ô đìu hiu, chủ các tòa nhà bắt đầu nhớ tới những thước vuông quý giá bị bỏ quên nơi áp mái – đó cũng là một món tài sản, có thể thu tiền về đều đặn mỗi tháng, khéo xử lý thì sẽ cho một cấu trúc với đầy đủ những đặc điểm của một căn hộ “xịn”: nhiều ánh sáng, không phải đụng mặt với hàng xóm, nhìn ra chỉ thấy những mái nhà lô nhô của Paris… Còn gì bằng nào!

Và văn phòng kiến trúc Kitoko Studio đã nhận được một hợp đồng như thế: cải tạo một căn phòng vốn dành cho người hầu gái trên tầng áp mái, rộng có 8m vuông, làm sao để bé thế nhưng vẫn đầy đủ chức năng: ngủ được, nấu được, ăn được, giặt được, làm việc được, lại đựng được tối đa các món đồ linh tinh. Làm sao không gian ấy phải đảm bảo cho khách thuê sống được một cách độc lập về mặt tiện nghi.
 

Chùm ảnh từ đây là của Fabienne Delafraye

Để nhồi nhét được nhiều chức năng như thế, các kiến trúc sư của Kitoko Studio đã áp dụng khái niệm “con dao Thụy Sĩ”. Đó là một con dao trông đơn giản nhưng nhờ thiết kế chặt chẽ cho phép các thành phần gấp và trượt, nó có thể chứa được trăm thứ bà rằn trong một thể tích rất bé: mấy lưỡi dao to nhỏ, kìm, tua-vít với cả chục loại mũi khác nhau, kéo, đồ mở chai, đồ khoan da, đồ móc dây, nhíp, bút bi, tăm nhựa… Căn phòng cần cải tạo này cũng thế, bé vậy nhưng mà có đủ: một cái giường, một cái bàn, hai cái ghế, một tủ quần áo, một cầu thang, một cái bếp con, một nhà tắm… Tất cả “trốn” trong một cái tủ tường rộng, có thể gấp vào kéo ra tùy theo nhu cầu sử dụng.

Các bạn xem cái clip trong link này để hiểu cách sử dụng căn hộ này.

Còn ai lười xem clip thì xem ảnh vậy:
 

Căn phòng này, nhìn từ trên xuống thì như vầy: một bên có cửa vào ra, giữa là một khoảng trống – khoảng này sẽ bị chật hết nếu ta kéo toàn bộ các ngăn kéo ở cái tù tường bên phải (nơi có cái giường) ra.

 

Cũng từ trên nhìn xuống nhưng đảo phía, sẽ thấy ở đầu có một cửa sổ (khu vực bếp) và một nhà tắm nhỏ

 

Trên thực địa là như thế này, cửa ra vào bên phải.

 

Bước vào phòng, thấy một cái tủ tường to cao tới trần

 

Kéo cửa lùa, bên trên là một cái giường đơn

 

Bên dưới là một hệ thống gồm ngăn kéo đựng đồ sách vở kiêm bậc cầu thang để leo lên giường

 

Kéo ra hết sẽ như thế này.

 

Một trong những ngăn tủ bên dưới là một cái bàn dành cho 2 người ngồi đối diện, với hai cái ghế treo.

 

Bỏ ghế ra, có thể ngồi ăn được rồi

 

Bên cạnh là một ngăn lớn, để treo quần áo và cất gối, mền dư

 

Lại có một ngăn nữa để cất những vật dụng hàng ngày, như túi xách, mũ nón…

 

Một cánh cửa mở ra, bên trong là tủ sách và bình nước nóng cho nhà tắm ngay bên cạnh. Nhà tắm cũng ẩn sau một cánh cửa nhỏ.

 

Cửa nhà tắm. Lưu ý bên trên có ô lấy sáng.

 

Bên trong nhà tắm, lát gạch men tít lên cao…

 

Từ bàn ăn nhìn ra bếp nấu. Trong hình không có, nhưng nếu xem trên clip, bạn sẽ thấy bồn rửa có nắp đậy.

 

Các ngăn tủ, thiết diện dọc

Bạn Sáng Ánh còn cho biết: Rất nhiều thế hệ sinh viên, nghệ sĩ, nhà cách mạng v.v. đã sống qua trong những phòng chật ở dưới mái này. 

Tủ lạnh vào mùa đông là một cái giỏ be bé có cột giây cho khỏi rơi để bên ngoài cửa sổ, thường thì chỉ đựng bơ thôi vì sinh viên, nghệ sĩ, nhà cách mạng v.v. thường chỉ ăn bánh mì phết bơ thôi chứ không có thịt cá. 

Nhà vệ sinh chung và ngày cuối tuần, các sinh viên, nghệ sĩ, nhà cách mạng v.v. đứng xếp hàng trước cửa, mỗi người cầm một cái nồi nước nóng (mới đun sôi trên lò cắm điện trong phòng) để tắm, tiện thể trao đổi về kiến thức, tình hình chính trị và trào lưu nghệ thuật.

Ý kiến - Thảo luận

6:07 Tuesday,25.11.2014 Đăng bởi:  admin
@ Sáng Ánh: thông tin của anh hay quá, Soi cho luôn vào bài rồi. Cảm ơn anh.
...xem tiếp
6:07 Tuesday,25.11.2014 Đăng bởi:  admin
@ Sáng Ánh: thông tin của anh hay quá, Soi cho luôn vào bài rồi. Cảm ơn anh. 
3:40 Tuesday,25.11.2014 Đăng bởi:  SA
Rất nhiều thế hệ SV, nghệ sĩ, nhà cách mạng v.v. đã sống qua trong những phòng chật ở dưới mái này.
Tủ lạnh vào mùa đông là một cái giỏ be bé có cột giây cho khỏi rơi để bên ngoài cửa sổ, thường thì chỉ đựng bơ thôi vì SV, nghệ sĩ, nhà cách mạng v.v. thường chỉ ăn bánh mì phết bơ thôi chứ không có thịt cá.
Nhà vệ sinh chung và ngày cuối tuần, các SV, ngh
...xem tiếp
3:40 Tuesday,25.11.2014 Đăng bởi:  SA
Rất nhiều thế hệ SV, nghệ sĩ, nhà cách mạng v.v. đã sống qua trong những phòng chật ở dưới mái này.
Tủ lạnh vào mùa đông là một cái giỏ be bé có cột giây cho khỏi rơi để bên ngoài cửa sổ, thường thì chỉ đựng bơ thôi vì SV, nghệ sĩ, nhà cách mạng v.v. thường chỉ ăn bánh mì phết bơ thôi chứ không có thịt cá.
Nhà vệ sinh chung và ngày cuối tuần, các SV, nghệ sĩ, nhà cách mạng v.v. đứng xếp hàng trước cửa, mỗi người cầm một cái nồi nước nóng (mới đun sôi trên lò cắm điện trong phòng ) để tắm, tiện thể trao đổi về kiến thức, tình hình chính trị và trào lưu nghệ thuật. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Mỹ học vị quan hệ (phần 2)

Nicolas Bourriaud - Như Huy dịch

Dòng sông và đô thị

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả