Deutsche Börse 2015: tắm biển ở Nga và đồng tính ở Nam Phi
23. 12. 14 - 7:58 am
Hoàng Lan dịch
Năm ngoái, anh Richard Mosses thắng giải nhiếp ảnh Deutsche Börse 2014 với series chụp Congo bằng máy hồng ngoại. Năm nay hội đồng Deutsche Börse lại tiếp tục xướng tên 4 ứng viên nữa cho mùa giải mới. Họ bao gồm: Nikolai Bakharev, Zanele Muholi, Viviane Sassen, cùng bộ đôi Mikhael Subotzky và Patrick Waterhouse.
Tác phẩm của 4 nhiếp ảnh gia này sẽ trưng bày tại The Photographers’ Gallery vào mùa xuân 2015, và sau đó chúng sẽ có mặt tại Museum für Moderne Kunst (Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại) ở Frankfurt.
Ban tổ chức sẽ công bố người thắng cuộc trong buổi lễ trao thưởng tổ chức tại The Photographers’ Gallery vào ngày 28. 5. 2015.
Và bây giờ, 4 gương mặt của vòng chung kết Deutsche Börse 2015:
Nikolai Bakharev (sinh năm 1946 tại Nga) từng theo học nghề thợ máy trước khi trở thành nhiếp ảnh gia vào những năm 1960s. Ông lọt vào chung kết nhờ series chụp chân dung những người đi tắm biển tại đất nước Nga. Hình: một tác phẩm chụp gia đình Nga tắm biển của Nikolai.
Series tắm biển này làm mờ ranh giới giữa công cộng và riêng tư. Nikolai chụp phần lớn ảnh của series vào những năm 1980s – thời điểm mà chụp lẫn lưu truyền ảnh có nội dung khỏa thân bị cấm đoán khắt khe. Dù vậy các gia đình chẳng mấy khi có dịp đi biển, nên họ đã nhờ Nikolai lén chụp ảnh giúp để có hình làm vật kỷ niệm. Ảnh: một cặp đôi Nga đi tắm biển, Nikolai chụp.
Tuy rằng các gia đình và các cặp đôi đều mặc đồ tắm chứ chẳng phải khỏa thân hết, và họ trông cũng có vẻ thích thú với chuyện tạo dáng cho Nikolai chụp hình; các tác phẩm của ông vẫn có cảm giác lén lút, giấu diếm, với một sự khêu gợi ngấm ngầm. Trong ảnh: một nhóm gia đình và bạn bè đi tắm biển tại Nga.
Zanele Muholi (sinh năm 1972 tại Nam Phi) lọt vào chung kết Deutsche Börse với tập ảnh “Faces and Phases 2006 – 2014” (Các gương mặt và các giai đoạn 2006 – 2014). Zanele Muholi tự cho rằng mình là một “nhà hoạt động xã hội bằng thị giác”. Cô chụp các bức chân dung đen trắng này với mục đích giúp người xem hiểu thêm về cộng đồng LGBTI (đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới, lưỡng thể) tại Nam Phi thời hậu apartheid. Ảnh: “Anele ‘Anza’ Khaba”, do Zanele chụp tại Johannesburg, 2010.
Bộ ảnh mang nhiều ý niệm và có cách tiếp cận rất cá nhân. Các bức chân dung trông vô cùng kiên quyết, mỗi bức còn đi kèm lời tự sự của chủ thể. Họ nói về sức ảnh hưởng của nạn kỳ thị người đồng tính, sự phân biệt chủng tộc, và bạo lực. Ảnh: “Tumi Pkopane”, Zanele chụp, 2010.
Đáng chú ý nhất là nạn “cưỡng hiếp để chữa trị” cho phụ nữ da đen đồng tính, và kiểu chữa trị này thường dẫn đến giết người. Ảnh của Zanele Muholi đã góp một phần quan trọng cho các công tác xã hội về bình đẳng giới tính tại Nam Phi. Hình: “Busi Sigasa”, Zanele chụp ở Johannesburg, 2006. Busi là người đầu tiên Zanele chụp. Cô bé là nạn nhân của nhiều vụ cưỡng hiếp “chữa bệnh đồng tính” và cuối cùng Busi bị nhễm HIV rồi qua đời năm 2007 ở độ tuổi 25. Những năm trước khi mất, Busi tham gia nhiều tổ chức từ thiện, tuyên truyền phòng chống HIV và cưỡng bức phụ nữ. Theo lời Zanele, Busi luôn lạc quan và luôn thẳng thắn công khai giới tính của mình.
Viviane Sassen (sinh năm 1972 tại Hà Lan) lọt vào vòng chung kết nhờ series ảnh bày trong triển lãm riêng của cô. Triển lãm có tên “Umbra”, từng tổ chức tại bảo tàng Nederlands Fotomuseum ở Rotterdam. Triển lãm bao gồm ảnh trừu tượng, tranh vẽ, sắp đặt ánh sáng đi kèm với thơ (thơ do Viviane cùng nhà thơ Maria Barnas viết riêng cho từng tác phẩm.) Hình: tác phẩm “Fomular GB1” (Công thức GB1), Viviane Sassen.
Sassen có cách tiếp cận khác biệt, mang tính thử nghiệm cao: hình chụp cận ảnh có màu sắc sặc sỡ, và bố cục có ánh sáng lẫn bóng tối tương phản nhau hoàn toàn. Ảnh của cô là nơi hình thể lẫn nội dung nằm mấp mé trên lằn ranh của tính trừu tượng. Ảnh: tác phẩm “Totem” (Vật thiêng), Sassen chụp.
Cái tên “Umbra” của triển lãm có nghĩa “bóng đen” trong tiếng La Tinh cổ. Đây cũng là từ thể hiện đúng tính cách các bức ảnh của Sassen: màu sắc sống động, bóng đen thăm thẳm – tất cả đều thể hiện nỗi sợ, sự khát khao, và những vinh nhục cá nhân. Nó cũng chạm tới các khái niệm trừu tượng hơn về thời gian và cái chết. Hình: “Zone 1”, Viviane Sassen.
Cuối cùng, bộ đôi Mikhael Subotzky (sinh năm 1981 tại Nam Phi) và Patrick Waterhouse (sinh năm 1981 tại Anh) lọt vào vòng trong nhờ tập ảnh “Ponte City” (Nhà chung cư Ponte City). Ponte City là tòa chung cư cao nghều, nằm tại thành phố Johannesburg. Nó xây vào năm 1975, và ban đầu Ponte City là nơi ở của “quý tộc” da trắng dưới chế độ apartheid. Lúc đầu tòa nhà cũng ưu tiên cho dân da trắng đến thuê/mua. Hình: tác phẩm “Không đề 1”. Mikhael Subotzky và Patrick Waterhouse chụp bên trong tòa nhà Ponte City.
Vào giai đoạn chuyển đổi chính trị của những năm 1990s, Ponte City trở thành khu tị nạn cho người da đen lẫn dân nhập cư từ khắp Châu Phi. Sau đấy do xuống cấp và bị chính quyền bỏ bê, tòa nhà trở thành biểu tượng của một đô thị suy tàn, thành trung tâm của các hoạt động tội phạm như mại dâm và buôn bán ma túy. Hình “Tòa nhà Ponte City (hình trục tròn cao, có chữ Voda trên chóp) nhìn từ khu Yeoville Ridge”, Mikhael Subotzky và Patrick Waterhouse.
Subotzky và Waterhouse bắt đầu dự án của họ vào năm 2007, họ chụp ảnh từng hộ dân còn sinh sống tại tòa nhà. Trong hơn 6 năm ròng, họ đã cần mẫn ghi lại bức chân dung của một xã hội thu nhỏ, một nền văn hóa, một tòa nhà, và một cộng đồng dân cư. Các bức ảnh vừa gần gũi vừa mang tính kích động đầy sâu cay. Hình: tác phẩm “Không đề 3”, Mikhael Subotzky và Patrick Waterhouse.
“Lisa và Pretty”, Mikhael Subotzky và Patrick Waterhouse.
Bây giờ, ta chờ đến tháng 5 để xem ai sẽ là người nhận giải Deutsche Börse 2015.