|
|
|
|||||||||||||
Chiêm tinhBốn con Hai: Gặp gỡ hay phân chia? 15. 12. 14 - 1:09 pmKay NguyễnNhư đã nói ở bài kỳ trước, mỗi một số đếm từ 1 đến 10 của bộ Tiểu Bí Mật đều có ý nghĩa riêng, cách nhanh thuộc Bộ Tiểu Bí Mật nhất chính là nhớ nghĩa gốc của cơ (cup – cái ly: tình cảm) – rô (pentacle – đồng tiền: vật chất) – chuồn (wand – cây gậy: công việc) – bích (sword – cây kiếm: tính toán) và nghĩa nhanh gọn của số đếm từ 1 đến 10. Nhắc lại “bài cũ” một tí xíu như thế rồi chúng ta sẽ đi sâu hơn cho bốn lá bài thuộc số Hai. Số 2: Sự gặp gỡ, phân chia – 2 cơ: Gặp bồ mới nè! (mà nếu có bồ sẵn rồi thì là làm hòa đó!) Hai Cơ: “Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng” Nếu tưởng tượng các con Ách chính là “nhất nguyên”, thì các con hai chính là “lưỡng nghi” – tượng gặp gỡ cũng là tượng phân cực thể hiện qua cơ-rô-chuồn-bích. Sự gặp gỡ của hai cái chén (hai cơ) gợi nhắc đến chén giao bôi, sự tương hợp. Hình ảnh của Rider-Waite là một cặp nam nữ đang nâng hai cái chén, ở giữa có một đấng thần thánh (sư tử có cánh) và biểu tượng rắn quấn (cây caduceus của thần truyền tin Hermes) tượng trưng cho sự chữa lành bệnh và sự thông tuệ – ngày nay hay dùng làm biểu tượng của ngành y học. Gặp gỡ tốt đẹp, hay là giảng hòa sau xích mích là ý nghĩa chung của Hai Cơ. Hình ảnh nam nữ gặp gỡ này ngay lập tức gợi nhắc chúng ta đến lá Tình Nhân (của bộ Đại Bí Mật). Đúng như vậy, hai Cơ chính là dạng thức nhẹ hơn, “bình dân” hơn của sự tương hợp thần thánh trong lá Tình Nhân. Chúng ta so sánh thử Hai Cơ của bộ Rider-Waite với 2 bộ thông dụng khác là bộ Thoth (của Alester Crowley năm 1938) và Shadowscape (của Stephanie Pui-mun Law năm 2010) sẽ hiểu rộng hơn ý nghĩa của nó. Với bộ Thoth mang tính ảo bí Đông Tây hài hòa hơn, ta sẽ thấy “nhất nguyên sinh lưỡng nghi” nằm ngay ở hình vẽ bên trên là một hoa sen đang chảy tràn nước xuống hai cái chén bên dưới, với chú thích cụ thể luôn nghĩa chung của lá bài bằng tiếng Anh là “Love” (Tình Yêu). Với bộ Shadowscape (của một nghệ nhân vẽ bài người Malaysia gốc Hoa lớn lên ở Mỹ) đó là sự quấn quýt trìu mến của một cặp mộc tinh (yêu tinh trong thân cây) và có luôn một trái tim chúm chím treo trên đầu để chúng ta… khỏi phải hiểu lầm! Cứ nhắc đến tiền là nghĩ ngay đến con rô. Ngạn ngữ phương Tây có câu so sánh rất thú vị là “nghèo đến mức chả có đến 2 đồng tiền để xoa chúng với nhau trong túi”. Nay mình có hai đồng nghĩa là vừa đủ để xoay trở – nhiều thì không nhiều nhưng chính vì vậy kích thích sự “quyền biến”, thu vén của gia chủ. Hình ảnh một anh hề đang tâng hai đồng tiền với nhau như trò tung hứng thể hiện sự linh động thu vén, tránh việc mới chồng chéo việc cũ, biết cân bằng, giỏi liệu việc. Anh hề cũng là có cái ý vui vẻ thu xếp sao cho được việc mình nhất. 2 Rô vui nhưng vui trong lao động, vất vả mà vui, sự vui nhẹ hơn sự vui “cầu được ước thấy” của 9 Cơ. Bộ Thoth thể hiện Hai Rô bằng chữ “Change” (thay đổi, chuyển dịch) và đến những hai hình bát quái được con rắn của sự thông tuệ (thần thoại Hindu) cuộn quanh, cũng là có cái ý nhị của tư tưởng “dịch học” trong đó. Còn bộ Shadowscape là hình ảnh tung hứng nhưng đang đứng trên mỏm đá khá chông chênh thì có vẻ hơi nhấn mạnh cái ý “nửa mừng nửa lo” cho nghệ thuật thăng bằng (ôm đồm nhiều quá đến một lúc mệt buông xuôi thì sao?) Hai Chuồn: “Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân” Ách Chuồn khởi sự bằng đam mê, Hai Chuồn bay bổng lưu loát chính nhờ vào thực lực, vào sự mạnh mẽ, độc đáo của chính ý nghĩa lá bài này. “Khởi nghiệp, khởi sự” là từ khóa cần nhớ khi thấy Hai Chuồn. Ở Rider-Waite, hình ảnh Alexander Đại Đế cầm trong tay quả cầu có chữa “châu Á” chứng tỏ khởi vọng bá vương của mình được chúc phúc bởi hai cây gậy trước và sau lưng ông ý chỉ sự hậu thuẫn mạnh mẽ, cũng như là định hướng trước sau đã rõ ràng hơn con Ách Chuồn. Thoth dùng hình ảnh minh họa cho Hai Chuồn là hai cây quyền trượng có đầu của Djores, một dạng không hành giả (tiếng Phạn dakini, tiếng Tây Tạng khadroma) là sứ giả trợ lực trong việc tu tập của các minh sư. Chữ tiếng Anh của lá 2 chuồn bộ Thoth là “Dominion” có nghĩa là chủ quyền, lãnh địa. Còn Shadowscape dùng hình ảnh một tù trưởng bộ lạc trẻ đang ngồi quan sát lãnh địa của mình cùng với một con sư tử – biểu trưng của quyền lực. Hai Bích: “Dùng dằng nửa ở nửa về” Ách Bích là sự quyết liệt của lý tính nhưng đến khi hai suy nghĩ (bích) gặp nhau lại đâm ra do dự ở con Hai Bích. Hình ảnh một người phụ nữ bị bịt mắt và đang bắt chéo tay cầm hai kiếm thể hiện tình trạng bị mắc kẹt, thế đứng chựng, sự lưỡng lự đó. Hai Bích gợi nhớ đến hình ảnh nữ thần Công Lý, nhưng ở đây thì không mong gì công lý mà chỉ mong cho “mụ” mở trắng mắt ra và xoẹt một phát phân thắng bại trắng đen cho nó xong nợ! Thoth ý nhị hơn, cũng có hai kiếm nhưng chặn giữa là đoá hoa sen minh thức, và chữ “Peace” (hoà bình) mang nghĩa khuyên bảo hơn, dĩ hoà vi quý hơn, vì biết chắc rằng tình trạng hai bích thì cũng sẽ có lúc bùng nổ mà thôi nên chỉ mon men dặn dò việc “hạ thủ lưu tình” của hai cây kiếm. Shadowscape là hình ảnh một người mang mũ trùm bí ẩn dường như sắp sửa xoẹt kiếm cắt đứt trái tim – đau lòng sẽ có đó nhưng mà là chuyện cần thiết nên làm khi rút được lá bài này. Ý kiến - Thảo luận
2:40
Saturday,20.12.2014
Đăng bởi:
Gà
2:40
Saturday,20.12.2014
Đăng bởi:
Gà
Những bài viết của chị Kay đều rất thú vị và đặc biệt hơn hẳn các bài viết tràn lan trên mạng. Mong rằng chị sẽ viết đều :). Cảm ơn chị nhiều lắm.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp