Chiêm tinh

Bốn con Ba: Tụ tập và phát triển 01. 01. 15 - 6:52 am

Kay Nguyễn

Như đã nói ở bài kỳ trước, mỗi một số đếm từ 1 đến 10 đều có ý nghĩa riêng, cách nhanh thuộc Bộ Tiểu Bí Mật nhất chính là nhớ nghĩa gốc của cơ (cup – cái ly: tình cảm) – rô (pentacle –  đồng tiền: vật chất) – chuồn (wand – cây gậy: công việc) – bích (sword – cây kiếm: tính toán) và nghĩa nhanh gọn của số đếm từ 1 đến 10. Nhắc lại “bài cũ” một tí xíu như thế rồi chúng ta sẽ đi sâu hơn cho bốn lá bài thuộc số Ba. 

Số 3: Sự tụ tập

– 3 cơ: Ba bà làm nên cái chợ là đây. Liên hoan ăn uống vui vẻ.
– 3 rô: Ba cục tiền đụng nhau? Hùn hạp làm ăn nè.
– 3 chuồn: Ba ý tưởng lớn đụng nhau? Thôi phải đi tìm thị trường mới là đây. 3 chuồn chinh phục lãnh địa mới
– 3 bích: Người ta thường nói, cãi nhau đừng cãi quá ba câu vì 3 câu cãi làm người ta buồn. Lá đau lòng là đây

Ba Cơ: “Đoàn viên vội mở tiệc hoa vui vầy”

Sự vui vẻ tụ hội của Ba Cơ được thể hiện bằng hình ảnh ba người phụ nữ đang nhảy múa và giương cao ba cái ly trong Rider-Waite, và là ba nàng tiên cá trong Shadowscape. Với Thoth, đó là “Abundance” (thịnh vượng) với hình ảnh ba chiếc cốc hình như chùm nho tượng trưng cho sum suê hoa quả của đất mẹ đang chảy tràn nước từ các hoa sen đầy đức hạnh.

Ba Cơ của Rider-Waite

 

Ba Cơ của Shadowscape

 

Ba Cơ của Thoth

Tuy nhiên có một lưu ý là nếu đang hỏi quẻ tình cảm mà lên Ba Cơ thì… chả vui tí nào! Vì tình cảm chỉ nên là chuyện hai người, ba cái chén chỉ nói lên việc có một người thứ ba đang chia sẻ hạnh phúc chảy tràn đó.

Ba Rô: “Hai bên ý hợp tâm đầu”

Sự xoay trở quyền biến của Hai Rô đã đơn hoa kết quả ở Ba Rô, khi thân chủ nhờ vào thực lực của mình đã tìm được đối tác/nhà đầu tư sẵn sàng góp thêm “1 tiền” vào “2 tiền” sẵn có để hợp tác làm ăn chung. Ba Rô luôn được so sánh với Tám Rô, khi việc làm ăn hùn hạp lớn của Ba Rô lại mang tính nhỏ lẻ hơn, đơn độc, mình làm mình hưởng ở Tám Rô.

Rider-Waite vẽ Ba Rô là một anh thợ điêu khắc ở nhà thờ được người bảo trợ đến bàn chuyện tài trợ nghề nghiệp, còn Thoth hình tượng hóa bằng hình tượng ba bánh xe tạo thành tam giác vững chãi và chữ “Work” (công việc, công nghiệp). Nhưng tôi vẫn thích sự điệu đà bóng bảy của Shadowscapes khi bài vẽ hình một người đàn ông đang nâng một người phụ nữ để cô ta vẽ lên những vòng tròn hoàn hảo.

Ba Rô của Rider-Waite

 

Ba Rô của Thoth

 

Ba Rô của Shadowscapes


Ba Chuồn: “Xăm xăm băng nẻo vườn khuya một mình”

Thực lực, sự mạnh mẽ, độc đáo của Hai Chuồn phát tiết ở tầm cao mới với Ba Chuồn, khi bạn phát huy tố chất lãnh đạo, làm chủ tình huống bằng cách… đi khai phá luôn lãnh địa mới.

Rider-Waite giữ hình ảnh người đàn ông quay lưng về phía người xem, bên cạnh là 3 cây gậy chống, thể hiện sự quyết liệt tìm đến một đích đến mới mẻ. Thi vị hơn, Shadowscape thể hiện người đàn ông ấy đang đứng trên một mỏm núi nhìn ngắm giang sơn gấm vóc mới mẻ của mình. Thoth dùng hình ảnh minh hoạ cho Ba Chuồn là ba bông sen phương Đông và chữ “Virtue” (Đạo đức) gợi nhớ Đạo đức kinh của Lão tử, trong đó có cổ vũ “vô vi” (làm mà như không làm) và “nhân ái”. Có lẽ Thoth luôn đi trước lá bài một bước và khuyên nhủ bá vương của Ba Chuồn trong việc trị vì lãnh thổ mới?

Rider-Waite

 

Ba Chuồn Shadowscape

 

Ba Chuồn của Thoth

Ba Bích: “Bâng khuâng duyên mới ngậm ngùi tình xưa”

Sự thiếu quyết đoán của Hai Bích đã dẫn đến hậu quả đau lòng ở Ba Bích. Cơ bản là sự phản bội, Ba Bích lên thường xuyên nhất ở những câu hỏi về ngoại tình, khi sự thu xếp dở dở ương do chần chừ lưỡng lự của Hai Bích làm cho ba bên đều đau khổ như nhau.

Nếu ở bộ Rider-Waite chỉ là hình ảnh của trái tim bị đâm ba nhát kiếm, thì Shadowscape thêm một hình thiên nga ngây thơ trong trắng bị đâm bởi ba cây kiếm và trái tim rỉ máu bên trên, càng tăng phần “kịch tích” cho câu chuyện tình tay ba này. Riêng Thoth trung lập và lý tính hơn với ba cây kiếm đâm vào nhau trong đó đã có hai cây bị bẻ cong chỉ những lực đối lập nhau, với chữ “Sorrow” (sầu muộn) chua nghĩa cho lá bài đầy đau đớn này.

Ba Bích của Rider-Waite

 

Ba Bích của Shadowscape

 

Ba Bích của Thoth

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả