Nghệ sĩ thế giới

Jeff Koons có đạo ý tưởng? Christie’s có mua hớ? 27. 12. 14 - 5:41 am

Phạm Phong tổng hợp và dịch

Tác phẩm của Jeff Koons

 

Theo AFP, một bức tượng của nghệ sĩ pop người Mỹ – Jeff Koons – vừa bị lấy ra khỏi triển lãm cá nhân của ông tại Trung tâm Pompidou, Paris, sau khi Koons bị cáo buộc là đạo ý.

Tác phẩm có giá nhiều triệu euro này diễn tả một con heo to và một con chim cánh cụt nhỏ, cùng nửa thân trên của một người phụ nữ nằm trên tuyết, trong một tấm lưới đánh cá để lộ cả vú.

Tên tác phẩm là “Fait d’Hiver” – là một lối chơi chữ trên một thuật ngữ của Pháp (“fait divers”) có nghĩa là “việc linh tinh”. Tác phẩm trông giống một quảng cáo hồi 1985 của hãng quần áo Naf-Naf, cũng tên như thế.

Quảng cáo của Naf-Naf hồi ấy là hình một cô gái nằm trên tuyết, rõ ràng là nạn nhân của một vụ tuyết lở, đang được một con heo hít hà. Con heo đeo một thùng rượu rum ở dưới cổ, nhắc nhớ tới bầy chó cứu hộ Saint Bernard nổi tiếng.

Quảng cáo của Naf-Naf

 

Tác phẩm của Koons

 

Mở ngoặc: Những thùng rượu ta thấy quanh cổ những chú chó cứu hộ Saint Bernard là sáng kiến của một họa sĩ người Anh 17 tuổi tên Edwin Landseer. Năm 1820, Landseer vẽ một bức tranh có tên “Những chú chó tai cụp vùng Alpine lay một khách du lịch bị ngất”. Bức tranh tả hai chú chó Saint Bernards đứng bên một người bị ngã, một con sủa báo động, một con cố hồi sinh người khách bằng cách liếm tay anh. Con này có một thùng rượu đeo quanh cổ, và theo Landseer thì trong đó đựng rượu brandy.

Tranh của Edwin Landseer

Mặc dầu nếu đang bị kẹt trong tuyết thì rất không nên uống brandy, vì rượu làm mạch máu giãn ra, khiến máu bốc lên da và thân nhiệt càng tụt nhanh; và mặc dầu chẳng có chú chó nào đeo những thùng rượu như thế (đeo làm sao chạy), nhưng hình ảnh đó vẫn khắc vào trí tưởng tượng của quần chúng nhân dân và lưu luyến đến tận bây giờ, đến nỗi giờ đây tới Thụy Sĩ, vẫn có những chú chó được đeo thùng rượu dưới cổ chỉ để… chụp hình, khi nào đi cứu hộ thì… bỏ ra.

.

 

Quay lại tác phẩm bằng sứ của Koons: ông cũng cho một phụ nữ nằm giống như trong quảng cáo, một con heo tiến lại gần, cổ cũng đeo thùng rượu.

Franck Davidovici, người sáng tạo ra hình ảnh của quảng cáo này, đã buộc tội Koons đạo ý.

Tuy nhiên giám đốc của Trung tâm Pompidou, ông Alain Seban, thì bảo vệ Koons, nói rằng “những vấn đề tương tự” cũng từng được đưa ra ở Mỹ đối với bộ tượng Banality của Koons, nhưng “nguyên tắc chính của các tác phẩm kiểu này là dùng những vật có bán ở các cửa hàng hoặc những hình ảnh in trên báo”.

Và tuy “quan trọng là bảo tàng có thể giải thích cho những nỗ lực nghệ thuật này”, nhưng tác phẩm vẫn bị rút ra, “theo đề nghị của người cho mượn”.

Tháng trước, một nhân viên tòa đã được gọi tới Trung tâm Pompidou để chụp ảnh tác phẩm của Koons và so sánh nó với quảng cáo của Naf-Naf. Tượng của Koons đã từng được bán cho Christie’s New York với giá khoảng 3 triệu euros (3.7 triệu dollars) hồi 2007, và tác phẩm này có 4 bản tất cả.

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả