Nghệ sĩ thế giới

Chơi non với chính trị:
cái giá của Quentin Shih 13. 10. 10 - 12:14 am

Ngọc Trà dịch

 

Khi nghệ sĩ trẻ người Trung Quốc đang lên vù vù Quentin Shih ra mắt bộ ảnh “Shanghai Dreamers”, thực hiện cho cửa hàng “đầu tàu” mới mở của Dior tại Thượng Hải vào tháng 8. 2010, hẳn anh nghĩ mình đã nắm chắc một thành công vang dội nữa. Dù sao thì anh cũng đã có một chặng đường như mơ từ khi bắt đầu làm việc với Dior vào năm 2008.

Nhưng lần này, mọi thứ hóa ra lại khác: Quentin đã làm dấy lên một làn sóng phản đối trong cộng đồng blog Trung Quốc. Họ nói tác phẩm của anh đầy tính phân biệt chủng tộc. Việc trầm trọng đến nỗi tác giả phải lên mạng để tự bảo vệ.

Trong series này, Shih dùng những người mẫu phương Tây vận đồ Dior tạo dáng giữa những hàng dài các mẫu “nhân bản vô tính” Trung Hoa thuộc thời kì “đồng phục hóa” Cách mạng Văn hóa. Tác động thị giác tuy rất mạnh mẽ, nhưng thông điệp thị giác làm nhiều người mất lòng. Với những người đang giảy nãy lên kia, những bức ảnh này hàm ý rằng người Trung Quốc là một đám đông nhạt nhòa đơn sắc, còn Dior (và phương Tây) tượng trưng cho chủ nghĩa cá thể đa dạng.

 

Như xát thêm muối vào vết thương, Shih lại chọn ra đúng thập niên 1970 – cái thời mà Trung Quốc vẫn còn đắm chìm trong Cách mạng Văn hóa – một cuộc cách mạng đem đến đau khổ, tù đày, và thậm chí là cái chết cho vô số nhân dân.

“Thân gửi Christian Dior, chiến dịch Shanghai Dreamers của các người thật là nhạt nhẽo, bôi bác, và là điển hình của Chủ nghĩa bài phương Đông, thế mà chúng tôi phải cho rằng nó là dũng cảm là hay hớm là mới mẻ ư?” một blogger tức giận viết. Kết luận: đây đúng là một chiến dịch mang tính phân biệt chủng tộc, và rất nhiều người có cùng quan điểm với blogger này.

Đổi lại, Shih nói trong lời bào chữa viết trên blog, rằng toàn bộ series là “tác phẩm nghệ thuật” của riêng anh, chỉ riêng anh, chẳng dính gì đến Dior. Nhưng luận điểm đó lại trở nên yếu ớt khi anh viết tiếp: “Tôi không có cái may mắn được chụp một người mẫu Trung Quốc mặc trang phục Dior – nếu được chắc tôi đã đưa cô ấy vào tác phẩm của mình rồi.”

Thế là “lộ” nhé, nếu thật sự tác phẩm này thực sự là của riêng anh, thế sao anh lại không kiểm soát được tình hình, để một việc quan trọng đến thế rơi vào tình trạng “may rủi”?

Mỉa mai ở chỗ chính sự hợp tác với Dior đang làm ảnh hưởng tiếng tăm Shih lại đã từng khiến Shih đi tới thành công. Hồi ấy, Shih là một trong số rất ít các nghệ sĩ đang lên được chọn trong Christian Dior và các Nghệ sĩ Trung Hoa, một lễ hội nghệ-thuật-gặp-gỡ-thời-trang được tổ chức tại trung tâm Nghệ thuật Đương Đại Ullens ở Bắc Kinh năm 2008 để đánh dấu 40 năm văn hóa Dior. Show diễn có sự góp mặt của các nghệ sĩ tên tuổi như Zhang Xiaogang (Trương Hiểu Cương), Liu Wei (Lưu Vĩ) và Zhang Huan. Sự có mặt của họ chẳng có gì vẻ vang cho danh tiếng họ: khi show diễn mở màn, hầu hết mọi người đều đồng ý là trong cuộc so găng giữa thời trang và nghệ thuật, các bộ váy áo vẫn chiến thắng. Buồn thay, các tác phẩm được gọi là “nghệ thuật” lại khó có thể sánh được với sự gợi hứng, vẻ chói sáng và tính độc đáo về kĩ thuật của Yves Saint Laurent, Galliano, hay chính Monsieur Dior.

Và thế thì dĩ nhiên người chiến thắng còn lại trong cuộc so găng này chính là nhiếp ảnh gia Quentin Shih, anh đã được chọn ra từ một loạt các nghệ sĩ tài năng đang lên và được trao cơ hội sáng tác nghệ thuật tại Paris dưới sự bảo trợ của Dior. Series ảnh “Stranger in a Glass Box” (Người lạ trong lồng kính) đã ra đời với sự góp mặt của siêu mẫu Trung Quốc Du Juan mặc trang phục Dior trong một chiếc lồng kính, được Shih đặt giữa các khung cảnh khác nhau của Trung Quốc, từ nhà máy đến nhà ga. Cũng như series ảnh hiện mọi người đang tranh cãi, những người Trung Quốc đứng ngoài nhìn vào chiếc hộp thời trang ấy cũng mặc các bộ trang phục cũ thời Trung Quốc 1970, nhưng họ là những nhóm “động” chứ không phải những mẫu nhân bản vô tính như trong cửa hàng Dior, và người mẫu (hồi ấy) mà dân chúng đang chăm chú nhìn vào cũng là người Trung Quốc.

Shih tiếp tục trở thành một dạng “nghệ sĩ nhà” của Dior, sáng tạo phần hình ảnh cho Dior Homme và mang các tác phẩm lồng kính của mình đi trưng bày từ Bắc Kinh cho đến Mát-xcơ-va, Singapore và California. Giờ thì sự nguy hiểm của việc quá thân cận với các ông chủ của chính mình đã trở nên rõ ràng. Shih dĩ nhiên muốn được công nhận một cách nghiêm túc là một nghệ sĩ, nhưng anh khó mà thuyết phục được ai khi đứng ra bảo vệ các tác phẩm “nghệ thuật” trông quá giống quảng cáo của mình.

Với một số quan sát viên, vấn đề phân biệt chủng tộc chỉ là chuyện phụ. Dẫu sao thì tất cả những người mẫu phương Tây kia trông cũng không thoải mái gì trong cái thế giới kì lạ mà Shih đã tạo ra. Trông họ như vừa tỉnh giấc đã gặp ác mộng, còn kém thoải mái hơn đám người Trung Quốc “vô tính” kia. Vấn đề chính lại là một vấn đề nhạy cảm: ai được cái quyền xem nhẹ một giai đoạn lịch sử đen tối và ai không? Có vẻ như Shih không thấy chút e ngại nào khi đem thập niên ’70 vào tác phẩm của mình, anh chỉ nhìn thấy khía cạnh “hài hước” trong những bộ đồng phục thời đó.

Trong lời bào chữa, anh nói rõ rằng anh biết Cách mạng Văn hóa không phải là trò đùa, nhưng mà có gì là thiếu tôn trọng đâu nhỉ nếu trong tác phẩm có tô hồng một chút cái giai đoạn ấy. Thực tế có vẻ như Shih nghĩ bấy nhiêu đã đủ biện hộ cho những gì anh làm. Rõ ràng “thực tại khách quan thì tàn khốc hơn rất nhiều so với đám người trông như mơ ngủ trong tác phẩm của tôi”, Shih viết trong lời bào chữa online, rõ ràng anh đã bỏ sót cái điểm chính yếu – cái điểm khiến một số người thấy việc tôn sùng thời đại đó trong một bức ảnh thời trang lại bực mình đến thế.

Thời kì Cách mạng Văn hóa vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng lên tầng lớp nghệ sĩ Trung Quốc, nhưng đối lập với việc những nghệ sĩ từng thật sự có trải nghiệm về Cách mạng Văn hóa thường tìm cách sử dụng các hình ảnh của thời kì ấy cho các mục đích châm biếm, đả kích hay khóc thương, thì Shih lại thu nhỏ thời kỳ ấy thành những thứ thuần túy thị giác – trông thì mạnh nhưng lại vô nghĩa.

Chuyện này ảnh hưởng về lâu về dài đến uy tín nghệ sĩ của Shih như thế nào thì còn phải chờ xem, nhưng rõ ràng nó chỉ ra mối nguy hiểm của sự “tác hợp” giữa thời trang và nghệ thuật, nếu nghệ sĩ không biết giới hạn của mình và bảo vệ mình. Bước vào lĩnh vực này, mọi người đều chấp nhận cuộc trao đổi tương xứng – nghệ sĩ cho các nhãn hiệu mượn uy tín và sự sắc sảo của mình, các nhãn hiệu mang đến sự sành điệu, và dĩ nhiên,cả tiền bạc. Nhưng khi các sản phẩm của sự hợp tác này bị chất vấn, thì dĩ nhiên chính nghệ sĩ là người phải đứng nơi ‘mũi tên hòn đạn’, họ buộc phải bảo vệ uy tín của mình, và biết rằng bằng bất cứ giá nào cũng không được thừa nhận mình đã làm việc vì tiền.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hãy bớt trách móc

Họa sĩ VI KIẾN THÀNH

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả