Bàn luận

Bỏ đi hay là “khởi nghĩa”? 09. 10. 10 - 5:16 pm

Vũ Lâm

  (SOI: Để tiện theo dõi bài, SOI thu hình bé lại. Nhưng để xem tranh rõ hơn, cũng như để đọc được số điện thoại của các họa sĩ, bạn cứ bấm thẳng vào tranh.)

Tranh của Nguyễn Phan Bách


Tôi có hứa hẹn viết một bài về triển lãm Bỏ đi của các họa sĩ Nguyễn Phan Bách, Nguyễn Thế Dung, Trần Đức Quyền, Lê Thị Minh Tâm, Nguyễn Đình Vũ. Các tác giả trong triển lãm bảo tôi rằng không được khen, cũng không được chê, có thế nào nói thế. Về khen hay chê thì tôi cũng chẳng quan tâm lắm. Trong những bài viết của tôi, tôi chỉ quan tâm đến những bức tranh sẽ làm tôi liên tưởng đến cái gì khác (sau khi “chén” tranh bằng mắt, thì tôi sẽ có những hiệu ứng cảm giác tiêu hóa và sướng khổ thế nào). Điều đó làm tôi rất băn khoăn mãi mà không “khởi tứ” viết cho nó thích thú được. Khi có “tứ” thì triển lãm cũng đã xong mất rồi (từ 26 – 30. 10).
 

*

Có vẻ như Bỏ đi là cuộc chơi vội vã không có nhiều toan tính  trước. Cái tên Bỏ đi được họa sĩ Nguyễn Phan Bách giải thích giản dị là trong nhóm có mấy họa sĩ gửi tranh dự thi giải của Quỹ Đan Mạch, nhưng đều bị loại cả. Thế nên một người bật ra ý lấy tên triển lãm là Bỏ đi. Việc chọn triển lãm 4 ngày ở Viet Art  cũng ngẫu nhiên, trong một cuộc cà phê của nhóm và do lịch của Viet Art đột nhiên có chỗ trống (do một nhóm khác đặt lịch nhưng bỏ) 

Nhưng cuối cùng để năm họa sĩ triển lãm có phải từ những lý do thực giản (thực sự quá đơn giản) như thế không?                       

Trong triển lãm, có bài giới thiệu rất hay và khéo léo của họa sĩ Lê Thiết Cương. Hay bởi họa sĩ chiết xuất cái ý “bỏ đi là về” của nhà Phật để làm cái tứ viết. Khéo léo bởi đọc xong bài viết thì rất khó đoán hiểu anh khen hay chê một họa sĩ đàn em nào trong nhóm cả. Có bạn thì anh bảo tranh cần bỏ đi nhiều thứ hơn nữa mới được là mình. Có bạn thì anh bảo nên bỏ luôn cả mình đi nữa thì mới thấy mình. Có thể thấy qua bài viết trình độ giác ngộ Phật đạo và kỹ thuật (phép) “đốn ngộ” càng ngày càng cao của họa sĩ đàn anh nổi tiếng. Đàn em muốn hiểu thế nào thì hiểu, chắc tùy “ngộ tính” cao thấp mà lúc nào đó sẽ đạt đạo và… hiểu lời sư huynh Lê Thiết Cương. 

Vẽ tranh, hay làm bất cứ việc gì dính dáng đến nghệ thuật, theo tôi nghĩ, đều là một sự “khởi nghĩa” trước cuộc sống. Có nhiều kiểu “khởi nghĩa”, từ “lớn” đến “vặt”, từ “tích cực” tới “tiêu cực”. Tức vợ quá bỏ đi uống bia, cáu sếp ngu bỏ đi không dám cãi, tụ họp để nói xấu sau lưng… cũng là một cách “khởi nghĩa”. Nhưng uống bia say rồi thấy mọi thứ lại đẹp, về giả lả nịnh vợ, chửi sếp một thôi một hồi cho đã miệng, sáng hôm sau đến cơ quan lại khúm núm như cũ. “Khởi nghĩa” kiểu như thế thì có một số người ngày nào cũng khởi nghĩa suốt. Cuộc sống, phương tiện và đám đông cứ ào ào cuốn đám “xà bần” nhỏ nhoi là chúng ta đi không kịp bấu víu vào đâu để dừng lại. Một hôm nào đó ta chợt “vướng” vào nghệ thuật, và đó là điểm đầu tiên để ta “khởi nghĩa”. Có thực thế không, ta là ai, ta phải làm gì mới đúng, cái gì là giá trị? Ta phải làm thế nào cho khỏi bị cuốn đi và làm thế nào cho nó sướng (nghĩa nôm của từ “hạnh phúc). Với hội họa, đó là sự khởi nghĩa bằng… mắt! Với văn chương, đó là sự khởi nghĩa chữ, vân vân và vân vân! 

Cuộc khởi nghĩa (nghĩa đen) nào cũng cần “lực lượng” (tiền, quân, cương lĩnh, sách lược, chiến lược…). Nếu không chóng thì chầy cũng bị “dìm trong bể máu”. Khởi nghĩa bằng nghệ thuật mà không có lực lượng thì sẽ bị “dìm trong biển lãng quên” của đời người, của dòng thông tin nơi thủ đô đang ào ào như cơn bão… Katrina! (Tôi chợt nhớ đến cơn bão khủng khiếp này bởi vì nó đổ bộ vào Mỹ, và có cái tên đẹp). 

Năm họa sĩ, nhìn thì thấy ai cũng có kha khá một số vốn không tồi để “khởi nghĩa”. Họ cùng được học hội họa, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật cả. Tuổi cũng chưa nhiều lắm để nản, trải từ 7x đến 8x (Trần Đức Quyền nhiều tuổi nhất, sinh 1973. Nguyễn Thế Dung trẻ nhất nhóm, sinh 1985), vừa vặn để có sức cong mà “bật” lại trước mọi áp lực chứ không phải mỏi mệt mà chấp nhận. 

Tranh của Nguyễn Phan Bách

Đầu tiên nói đến Nguyễn Phan Bách (người có tên đầu tiên trong danh sách, xếp theo đúng ký tự ABC). Bách (chắc khỏi phải giới thiệu lại tiểu sử và ông bố nổi tiếng của anh) đã có trong tay vốn là hai cuộc “khởi nghĩa” nhỏ (là hai triển lãm cá nhân trước đây). Anh học điêu khắc nhưng ra trường là bỏ đi vẽ. Lần này thì Bách ủ mưu một ý tưởng khởi nghĩa ngông cuồng lãng mạn nhất. Anh nhận thấy hình như là mỗi cá nhân phải có một Đấng, hay Đức Ngài nào đó để tôn thờ. Đa số con người không bao giờ tự tạo được cho mình một Đấng, hay Đức Ngài để “tiêu” riêng, hầu hết phải “xài” chung một Đấng, hay Đức Ngài sẵn có (Phật, Chúa, Thánh Alla…). Và mỗi người lại chế biến Phật, Chúa, Thánh Alla… theo quan niệm riêng của mình, với một mục đích nào đó. Đó có vẻ là một bệnh khó chữa của con người nói chung. 

Tranh Nguyễn Phan Bách

Còn Bách, anh định tìm và tạo một Đức Ngài cho riêng mình và nghệ thuật của mình, và anh phát hiện Đức Ngài của anh là… trẻ con. Vì trẻ con là một cây cầu có thể nối mọi người trong nhiều thế hệ đến với nhau, hòa giải với nhau những khó chịu phức tạp của cuộc sống thường nhật. Tôi nghĩ rằng “cương lĩnh” của cuộc “khởi nghĩa” của Bách lần này là một tham vọng chính xác. Chỉ có điều con đường thực hiện làm thế nào cho nhanh tới nơi mới là quan trọng. Cũng cần nói thêm là anh từ bỏ màu để chuyển sang đen trắng hoàn toàn. Điều này làm cho vị khán giả xem tranh đầu tiên và thường trực sát nách nhà anh là… bố anh – nhà văn Nguyễn Huy Thiệp – rất phiền lòng. Có lẽ bởi ông cho rằng nghệ thuật (vẽ) thì nên làm điều mà mọi người đều thích chứ không phải chỉ riêng mình thích. Kiểu như tích “Biện Hòa dâng ngọc” (tích này tra mạng ra ngay, khỏi kể dài dòng), có lẽ nhà văn cho rằng người làm nghệ thuật là người dâng ngọc cho đời. Dâng không khéo sẽ ăn đòn nặng, có khi mất mạng như chơi! 

Họa sĩ thứ hai tôi muốn bày tỏ khi xem tranh là họa sĩ Nguyễn Thế Dung. Cũng lạ là tranh anh “thông điệp rất rõ ràng” nhưng anh trình bày ý tưởng về tranh mình lại rất khó khăn. Dùng những con bò làm “lực lượng – nhân vật chính”, khổ tranh rất to, vẽ siêu thực với kỹ thuật kỹ lưỡng (kỹ thuật và sự công phu này hẳn làm họa sĩ Phạm Huy Thông rất phục). Xem tranh Dung, tôi chợt nảy ra một ý. Ta nhìn tranh, nghĩ ngợi, cảm xúc linh tinh, nhưng có biết rằng tranh nó cũng nhìn lại ta và nó cũng nghĩ hay không. Đố ai biết được các bức tranh sẽ nghĩ gì về người xem (cái ý này, vào tay cụ Anđécxen, hẳn sẽ có một truyện cổ tích ra trò…). Đang nghĩ như vậy thì một cái “bộ phận sinh đẻ’ của bò cái to tướng chình ình giữa phố, to hơn cả cái xe bus, nện thẳng vào mặt tôi. Thế là tôi lại nghĩ ra một ý khác. 

Nguyễn Thế Dung - Tĩnh, sơn dầu, 2010

 
Nói lan man, có lần tôi ở giữa rừng Pù Mát, gần một tháng trời, với các chiến sĩ biên phòng, tại một cái bản nhỏ của người Đan Lai ở Con Cuông, Nghệ An, không có sóng điện thoại, không có gì để liên lạc với “thế giới hiện đại”. Sau khi ra khỏi cửa rừng, bật điện thoại di động, thấy khoảng 200 cuộc gọi nhỡ, gần 100 cái tin nhắn đổ về làm máy treo luôn. Sau này tôi nghĩ rằng tôi có thể ở đó suốt đời mà không buồn chán. Nói chuyện này với một nhà thơ cùng quê Sơn Tây. Anh bảo, mày cảm thấy mày không buồn chán như người ở đó, bởi vì mày có nhiều không gian khác để nhớ. 

Những người “khách ở quê ra” như Dung, như tôi tuy “thân tại Hà Nội” nhưng “tâm tại quê”. Và thú nhất của đời người có lẽ là cái thú “xê dịch”, ở đây mà nhớ nơi kia. Nằm bên cạnh vợ mà nhớ cô hàng xóm. Đến với cô hàng xóm thì lại vừa nhớ vợ vừa nhớ cô bạn cấp hai… Có lẽ con bò của Dung cần lì lợm mà đi chơi nhiều nữa (sang Mỹ chẳng hạn), để tương đồng với sự dũng cảm mà ít nói của anh. Tôi thích thú nghĩ nếu như tháp Ép-phen, tượng Thần Tự do, đồng hồ Big Ben mà cũng lọt thỏm dưới háng bò của Dung thì… ép-phê lắm nhỉ!

Nguyễn Thế Dung - Nhịp sống - sơn dầu, 180 x 240cm,2010

Người thứ ba theo danh tự ABC là họa sĩ Trần Đức Quyền (nói thêm một chút Quyền là anh em sinh đôi của nghệ sĩ Trần Đức Quý – tức Quỷ, về ngoại hình thì hai anh em này giống hệt nhau). Nhưng Quyền có vẻ lặng lẽ hơn, ít có những ý tưởng và phi vụ “gây sốc” như ông anh em sinh đôi Quý – Quỷ. Học sư phạm mỹ thuật, nhưng ra trường anh không đi dạy ai mà kiếm sống bằng một nghề thú vị và cũng hơi nguy hiểm: nghề xăm mình. Xăm nhanh, đẹp, rẻ nên nghe nói anh bị nhận không ít lời đe dọa của những đối thủ cạnh tranh. 

Trần Đức Quyền - Phố 1, sơn dầu, 100 x 120cm, 2010

Loạt tranh Phố của Quyền là một loạt tranh thú vị, bởi cái sự ngồn ngộn, lúc nhúc, ngoe nguẩy của nhà cửa, phố xá, con người, đồ vật. Họa sĩ chỉ diễn tả chứ không phán xét. Mầu mạnh mẽ, hình vui, và chất liệu sử dụng có vẻ kỹ và đắt tiền. Có thể thấy được sự khoái trá của họa sĩ trong lúc vẽ. Sự khoái chí trong lúc làm việc thì đã là một phần thưởng lớn và đủ cho người sáng tác. Tôi nghĩ vui rằng, và cũng định lúc nào đó sẽ đem cái ý nghĩ vui ấy mà hỏi anh thật: Anh “xăm tranh” có khoái như “xăm người” hay không? Nhìn kỹ, tôi thấy giá như anh chỉ lẩy vài hình trong những bức vẽ đầy ăm ắp hình của anh, phóng to ra, với một bố cục nhiều khoảng không và khắc khoải hơn nữa, thì chắc anh sẽ “thắng to” chứ chẳng phải đùa… 

Trần Đức Quyền - Phố 6, sơn dầu, 100 x 100cm, 2010

Cuộc “khởi nghĩa” của nữ họa sĩ duy nhất trong nhóm – Lê Thị Minh Tâm có thể nói là cuộc “khởi nghĩa trong chăn” đúng chất phụ nữ, rất đàn bà. Đang được mọi người biết đến với những bức nude lạo xạo gờn gợn mà thấp thoáng rất nữ tính thì họa sĩ chuyển sang vẽ những bức tranh như… bức tường, với những hình vẽ, ký tự linh tinh beng đầy ăm ắp, trộn vào nhau.

Lê Thị Minh Tâm - Thôn nữ Việt, sơn dầu, 75 x 120, 2010

Với kiểu vẽ có tính đồ họa này, tôi nghĩ cô dịch chuyển chất liệu và “phom” thì sẽ thành công hơn. Trò chuyện với họa sĩ hôm cô là người đầu tiên mang tranh đến triển lãm, cô nói với tôi bạn nhìn kỹ mà xem, có nhiều bức hình gộp của nó lại là những chiếc áo nịt ngực của phụ nữ. Mình thích vẽ thế bởi nó nữ tính. Tôi liền đặt một giả dụ tại sao cô không đặt làm hẳn những chiếc nịt ngực bằng giấy bản bồi cứng, thật to, rồi vẽ lên đó, thì sẽ ra sao? 

Lê Thị Minh Tâm - Hotclub, sơn dầu, 75 x 120, 2010

Người cuối cùng trong cái danh tự ABC này là Nguyễn Đình Vũ. Vũ khởi nghĩa bằng kích thước tranh thật “khủng” với những mặt người đang “nhão rữa” ra chán nản, cũng to. Thú thực là xem tranh của anh, tôi lại không thích bằng xem qua ảnh. Và giữa các bức tranh to ấy, từ bức này sang bức khác, người xem (hình như) chưa có sự dịch chuyển được cảm giác. Có lẽ tranh Quyền và tranh Vũ cần đổi vị cho nhau thì hơn chăng? Một người thì nên to ra, một người thì nên bé lại… 

Nguyễn Đình Vũ - Chân dung 7, sơn dầu, 150 x 200, 2010

 Đi một lượt hết phòng tranh hôm vắng người, tôi âm thầm ra về. Bụng nghĩ đi nghĩ lại về cái từ “bỏ đi” của triển lãm này. Tôi cũng đang lặn ngụp trong cuộc sống và xe cộ ở cái nơi chật nhung nhúc này, vậy thì tôi có quyền, tuổi, tư cách gì để mà khen chê tranh họ? Chí của tôi rất bé, thích ô tô cùng lắm mơ đến xe Uaz. Như cánh trẻ thường nói là lý tưởng trong phạm vi của con số từ một đến sáu. Một vợ, hai con, nhà ba tầng, xe bốn bánh, đi chơi năm châu, và cuối cùng là nằm tầu sáu ván. Nhiều khi tôi cũng muốn bỏ đi lắm, hoặc nghĩ bụng bất cần hơn nữa là “bỏ con mẹ nó mà đi”. 

Nhưng cuộc đời rất ảo diệu và trêu ngươi, cái ta cần và cái ta thích muốn là hai việc khác nhau. Có khi làm theo ý nọ mà lại được cái kia. Có khi cố đuổi theo mãi mà chẳng được. Đúng như nữ họa sĩ Lê Thị Minh Tâm nhắc lại một ý thơ cổ hôm cả nhóm và tôi ngồi trò chuyện: Cố ý trồng hoa, hoa chẳng nở. Vô tình cắm liễu, liễu nên xanh. Có lẽ khôn ngoan ra thì nên tìm cách song hành hai cái tâm thái đó chăng? Thuận cái gì thì làm cái đó. Có những thứ thì nên “bỏ mà đi”, nhưng có những điều thì phải nên “vồ ngay lấy” và nghiến ngấu ăn tươi nuốt sống… thì mới hay.

Nguyễn Đình Vũ - Chân dung 6, sơn dầu, 150 x 100, 2010

Bỏ đi là một thái độ, mới chỉ là một nửa vế của hành động, như câu hỏi của tôi ở đầu bài: Bỏ đi hay là khởi nghĩa? Chúc cho cuộc khởi nghĩa của các bạn tôi đừng bị “dìm trong bể máu”, dìm trong “bể quên” của đám đông người đời những kẻ tầm thường (như tôi). Hoặc giả nếu lần này bị “dìm”, thì cái chí khởi nghĩa ấy không bao giờ bị nhụt, mai kia lại quật khởi tiếp. Bất quá, khởi nghĩa bất thành rồi bị giặc “beng” đầu như anh hùng cách mạng Nguyễn Thái Học, thì ông cũng còn câu nói bất hủ: Không thành công thì cũng thành nhân! 

Nhân tiện kể thêm về Nguyễn Thái Học, vài năm trước, có lần tôi sang làng Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đến nhà người em trai út của ông (lúc đó cụ em này râu dài lắm rồi, lại còn nặng tai) để cắt thuốc cho mẹ tôi. Người em trai này được đồng đội của Nguyễn Thái Học đưa sang Tầu trốn từ khi còn rất bé, nên hỏi chuyện thì cũng không nhớ gì về ông anh mấy. Sau đó tôi vào đình Thổ Tang, một ngôi đình rất đẹp để chơi, thấy di ảnh Nguyễn Thái Học được đặt thờ trong một cỗ kiệu trên đình. Người giữ đình bảo: Ở đây coi ông ấy chỉ sau thành hoàng làng. Có giỗ lễ gì, thì rước kiệu thành hoàng đi trước, kiệu ảnh Nguyễn Thái Học rước đi sau. Đấy, một kết thúc có hậu của một ông “giặc” – một người khởi nghĩa.

Ý kiến - Thảo luận

21:35 Wednesday,5.1.2011 Đăng bởi:  Lazy Nguyen
Hôm nay tôi mới đọc đến bài viết này chẳng biết người viết là ai. Khen không ra khen chê không ra chê. Văn nói có vẻ hơi ngông. Nhóm "bỏ đi" chắc có nhiều phản ứng hơn. Xin gác ngòi.
...xem tiếp
21:35 Wednesday,5.1.2011 Đăng bởi:  Lazy Nguyen
Hôm nay tôi mới đọc đến bài viết này chẳng biết người viết là ai. Khen không ra khen chê không ra chê. Văn nói có vẻ hơi ngông. Nhóm "bỏ đi" chắc có nhiều phản ứng hơn. Xin gác ngòi. 
20:48 Wednesday,13.10.2010 Đăng bởi:  duan
Bạn viết rất hay. Mong bạncũgn có một cuộc khởi nghĩa như vậy. Chúc bạn thành công.
...xem tiếp
20:48 Wednesday,13.10.2010 Đăng bởi:  duan
Bạn viết rất hay. Mong bạncũgn có một cuộc khởi nghĩa như vậy. Chúc bạn thành công. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả