Thị trường

Cách xử lý khi họa sỹ làm hỏng tranh giao cho khách 14. 01. 15 - 8:41 pm

Alan Bamberger - Thúy Anh dịch

“Gần đây tôi có bán một bức tranh to cho một nhà sưu tập địa phương. Trong khi giao tranh khuân tranh vào nhà, tôi nhắm sai kích cỡ cái cửa nên đã làm một góc tranh bị vướng gây vết rách khoảng 5cm. Với tôi chuyện này không có gì to tát, tôi nói với nhà sưu tập tôi sẽ sửa chỗ rách trông mới nguyên nhưng ông ta nói là không muốn bức tranh nữa và muốn nhận lại tiền, và rằng có thể sẽ mua bức khác sau. Tôi rất sốc. Tại sao tôi phải trả lại tiền khi tôi có thể sửa chúng hoàn hảo không ai nhận ra. Tôi nghĩ nhà sưu tập phản ứng hơi quá. Ông nghĩ sao?”

Hí họa của Hy Mayer (1907)

Trả lời:

Nếu là tôi tôi cũng làm như nhà sưu tập đó. Ông ta có quyền trả tranh nhận lại tiền. Trả lại tiền đi nếu ông ta cố nài, và đừng hỏi gì. Thật ra ngay khi tranh bị rách anh đã phải đề nghị giữ tranh lại trước khi khách yêu cầu. Dù có sửa giỏi đến đâu bức tranh cũng là một bức tranh bị rách được sửa lại.

Lập luận của anh cũng không ổn. Anh nói không ai có thể phát hiện chỗ rách nhưng thực tế người xem sẽ thấy ngay nếu nhìn mặt sau. Các nhà sưu tập giàu kinh nghiệm sẽ nghiên cứu cẩn thận mọi góc cạnh của tác phẩm trước khi mua. Sửa tài tới đâu đi nữa chỗ rách cũng không biến mất.

Chuyện tranh hư hỏng sẽ còn tệ hơn trong trường hợp họa sỹ không nói cho nhà sưu tập biết, tự sửa và nghĩ không bị phát hiện. Khi nhà sưu tập phát hiện ra, mọi mối quan hệ giữa nhà sưu tập và họa sỹ chấm dứt vĩnh viễn.

Đối với nhà kinh doanh mỹ thuật hay nhà sưu tập, tình trạng, điều kiện tranh đóng vai trò tối cao trong mọi quyết định mua hay không mua. Tình trạng nguyên vẹn chưa qua tu sửa là tốt nhất. Nếu tranh không phải hiếm mà tình trạng tranh không hoàn hảo thì họ sẽ không xem xét mua bổ sung vào bộ sưu tập vì tác phẩm hỏng được tu sửa có giá thấp. Còn nhớ khi ông trùm sòng bài Steve Wynn lỡ tay thúc thủng một lỗ to như đồng xu một bức tranh của Picasso mà ông định bán giá 139 triệu đô? Ông đã phải lập tức rút tác phẩm khỏi thị trường và chi 90 ngàn đô thuê một chuyên gia bảo quản mỹ thuật sửa chỗ hỏng. Bức tranh hoàn toàn được phục hồi nhưng giá chỉ còn 85 triệu đô – mất liền 54 triệu.

Một nhà sưu tập khác cũng bị tương tự, tranh bị ngấm nước do lũ lụt. Ông không muốn thấy lại bức tranh đó lần nào nữa. Dù có chữa tài đến đâu chỗ hỏng được phục hồi thì ký ức về chuyện đáng tiếc xảy ra là không thể xóa nhòa.

Hí họa của Makhmud Eshonkulov

Những yếu tố vô hình này có thể rất nực cười trong chuyện tiền bạc và giá trị nghệ thuật của tác phẩm, nhưng cứ hiểu đơn giản rằng mọi người thích tác phẩm hoàn hảo nguyên vẹn hơn là tác phẩm đã qua sửa chữa, và một khi càng ít thích tác phẩm người ta sẽ càng trả giá ít.

Nếu khách của anh quyết định giữ tác phẩm, ông ta không chỉ chịu mất mát tiền bạc mà kỷ niệm và hình ảnh chỗ rách của một bức tranh đã từng hoàn hảo sẽ mãi đeo bám tâm trí ông ta. Đó là lý do tại sao khách muốn trả lại – để quên đi tất cả những gì không may đã xảy ra. Điều này thậm chí còn ảnh hưởng đến mối quan hệ với anh bởi sau này hễ giao dịch với anh thì ông ta lại nhớ đến bức tranh bị vuột mất. Anh nghĩ chuyện này thật lập dị nhưng người ta thường không hành xử lý trí trong chuyện nghệ thuật.

Cũng có thể khách chưa kịp nghĩ kỹ. Anh đừng nản lòng, hãy nghĩ ra cách gì đấy ví dụ đề nghị sửa chỗ hỏng và hoàn lại 30 – 50% hoặc sửa bức này và tặng thêm bức khác nhỏ hơn đẹp không kém. Nếu ông ta không chịu thì lấy tranh về, hoàn đủ tiền, sửa lại, rao bán tiếp với giá thấp hơn và không giấu giếm sự việc.

 

Ý kiến - Thảo luận

10:24 Wednesday,21.1.2015 Đăng bởi:  ong Bắp
cảm ơn loạt bài viết bổ ích
...xem tiếp
10:24 Wednesday,21.1.2015 Đăng bởi:  ong Bắp
cảm ơn loạt bài viết bổ ích 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả