Phim “Cha và con và những chuyện khác…” của đạo diễn Phan Đăng Di, một bộ phim độc lập Việt Nam với kinh phí rất nhỏ đã lọt vào Vòng dự thi chính thức (Official Competition) của Liên hoan phim Berlin – một trong những liên hoan phim lớn nhất thế giới. Hãy cùng xem bộ phim này được làm ra như thế nào.
“Cha và con và những chuyện khác…” (tên khác: Sài Gòn nắng) tựa tiếng Anh: “Big father, small father and other stories…” của đạo diễn Phan Đăng Di nằm trong số 16 phim đầu tiên được chọn vào Vòng dự thi chính thức của Liên hoan phim Berlin năm nay. Trong ảnh là một cảnh quay với Đỗ Thị Hải Yến, Trương Thế Vinh và Lê Công Hoàng, 3 nhân vật chính của phim.
Khởi quay vào tháng 3 năm 2014 tại Sài Gòn, phim được gợi hứng từ một câu chuyện có thật đăng trên báo Thanh niên năm 1996 về một đám thanh niên trẻ làm giả giấy tờ đi thắt ống dẫn tinh để lấy tiền thưởng
Bối cảnh của phim gợi lại hình ảnh Sài Gòn của gần 2 thập kỷ trước. Nhân vật chính của phim tên Vũ, từ quê lên Sài Gòn học nhiếp ảnh, Vũ bắt đầu khám phá cuộc sống của một thanh niên trẻ xa nhà, cùng với đó là một tình yêu thầm kín với người bạn cùng phòng. Trong ảnh là cảnh Vũ và các bạn trọ băt xe về quê Vũ chơi sau một trận đánh lộn.
Bối cảnh quê Vũ được quay tại vùng rừng ngập mặn Cần Giờ – với lý do được đạo diễn nêu ra là để gợi cảm giác hoang sơ nơi “cha” của nhân vật chính đang sống (và hút thuốc?)
Tạo hình nhằng nhịt của rễ đước và thảm thực vật trong rừng ngập mặn cũng góp phần quan trọng để kể câu chuyện tình bạo liệt trong phim. Chọn bối cảnh này, đạo diễn Phan Đăng Di và cả đoàn phim đã phải đối mặt với 2 tuần quay trong điều kiện khắc nghiệt, với muỗi, dĩn và rắn rết.
Có những hôm, sau 6 tiếng đặt đèn vất vả thế này, một cơn mưa rừng bất ngờ đổ xuống, cả đoàn phim phải rời đi vì quá nhiều rắn bò ra…PS, công ty cung cấp thiết bị điện ảnh hàng đầu của Việt nam hiện nay, đã tham gia vào hàng trăm bộ phim được quay ở Việt Nam, cho rằng họ chưa gặp phim nào mà điều kiện quay lại khó khăn như phim này.
Tuy nhiên, tổ thiết kế mới là bộ phận chịu nhiều vất vả nhất khi phải sống trong rừng đước, cách xa khu dân cư trong 3 tuần để dựng cảnh. Việc dầm nước thế này diễn ra thường xuyên…
Khi thủy triều xuống, không phương tiện nào có thể di chuyển được vì nước cạn, tổ thiết kế phải lội bùn để kéo thuyền đạo cụ hoặc di chuyển diễn viên.
So với lúc quay trong rừng, bối cảnh tại Sài Gòn tương đối dễ thở hơn đối với các tổ chuyên môn trong đoàn phim, nhưng không hề dễ dàng hơn cho diễn viên. Đạo diễn Phan Đăng Di thường yêu cầu diễn viên uống cho đến say trong các cảnh nhậu…
Nhiều diễn viên tửu lượng không khá thường nằm vật ra vào cuối buổi quay. Trong ảnh là Đỗ Thị Hải Yến say bí tỷ sau một cảnh quay tại quán bar.
Để vào vai nữ chính, một vũ công ballet kiêm gái nhảy trong phim, Đỗ Thị Hải Yến không những phải uống say mà còn phải giảm 7kg trong vòng 1 tháng, phải quay lại tập ballet sau 17 năm rời sàn múa. (Đỗ Thị Hải Yến vốn học ballet từ nhỏ.)
Lê Công Hoàng, vai nam chính, chưa từng xuất hiện trước ông kính, đã phải bỏ công việc tại một ngân hàng để theo phim và chịu thất nghiệp khá dài sau khi phim đóng máy. Nay thì đoàn phim, nhờ sự giúp đỡ của những người bạn, đã tìm được cho anh một công việc mới.
Tuy phim lọt vào hạng mục tranh giải chính của một trong những Liên hoan phim quan trọng nhất thế giới cùng với phim của các đạo diễn cực kỳ tên tuổi đến từ những nền điện ảnh hang đầu, nhưng kinh phí của phim khá nhỏ, riêng cho phần quay phim làm hết khoảng 300,000 USD từ nguồn tiền của các nhà đầu tư tư nhân trong nước và một phần từ các quỹ nước ngoài. Hiện đạo diễn Phan Đăng Di vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hậu kỳ tại Pháp để kịp gửi phim cho Berlin vào cuối tháng 1.2015.
*
Thông tin về bộ phim:
Hãng sản xuất: DNY Productions (Việt Nam). Acrobates (Pháp), Busse&Halberschmidt (Đức) Volya Films (Hà Lan) Tên chính thức: Cha và con và những chuyện khác… Tựa tiếng Anh: Big father, small father and other stories… Năm hoàn thành: 2015 Thời lượng: 98 phút Kịch bản và đạo diễn: Phan Đăng Di Sản xuất: Trần Thị Bích Ngọc & Claire Lajoumar Diễn viên: Đỗ Thị Hải Yến, Lê Công Hoàng, Trương Thế Vinh, Nguyễn Hà Phong, Mai Quốc Việt, Nguyễn Thị Kiều Trinh