Trường phái

Nghệ thuật Tây Ban Nha (bài 2):
El Greco – người Hy Lạp lẫy lừng nơi đất khách 29. 01. 15 - 4:15 am

Anh Nguyễn

(Tiếp theo bài 1 về Rokeby Venus)

Được liệt vào hàng ngũ những nghệ sĩ Tây Ban Nha lừng danh nhất nhưng lại… không phải gốc Tây Ban Nha.

Được giới nghệ thuật thế kỉ 20 tôn vinh, được cả Picasso, Manet, Cezanne ngưỡng mộ, nhưng khi đương thời chỉ nhận được… cái nhíu mày “hắn vẽ cái quái gì thế nhỉ?” từ các đồng nghiệp.

“Dính dáng” một chút hậu Byzantine, một chút Mannerism, một chút Phục hưng Ý, một chút Đông Phương, song tác phẩm tạo ra lại lạ đời đến mức các nhà mỹ thuật tặc lưỡi một thôi một hồi cũng… chẳng biết xếp vào trường phái nào cho đúng.

Đó chính là El Greco.
 

“Đức Chúa mở ấn thứ năm” (Opening of the Fifth Seal) của El Greco, 1608 – 1614, được cho là có ảnh hưởng lớn đến bức “Các cô gái (điếm) ở Avignon” (Les Demoiselles d’Avignon) của Picasso. Các bạn bấm vào hình để xem hình lớn hơn.

Sinh ra ở đảo Crete phồn thịnh, thủy tổ của nền văn minh Minos rực rỡ, họa sĩ của chúng ta có cái tên dài dòng hoa mỹ “Doménikos Theotokópoulos” mà ông hẳn tự hào lắm, bởi rất thường thấy ông kí tên lên tranh bằng ký tự Hy Lạp đầy đủ, kèm thêm cả chữ Krēs (Creten) để khỏi ai lẫn Doménicos này với bất kỳ Doménicos nào khác nhé! Tuy nhiên, trừ các học giả làm nhiệm vụ tranh cãi xem bức này bức kia có phải của ông hay không, đại đa số mọi người nhớ đến ông với biệt danh El Greco ngắn gọn. El Greco, đơn giản, có nghĩa là “Người Hy Lạp.”
 

Chân dung được cho là tự họa của El Greco, 1595 – 1600, sơn dầu

Hệ thống tác phẩm đồ sộ của El Greco được chia làm ba phần chính: những tác phẩm ông sáng tác khi còn… tre trẻ ở Crete, những tác phẩm ông vẽ lúc học hành ở Venice và Rome mang dấu ấn Ý đậm đặc, và những tác phẩm gọi chung là “thời kỳ Tây Ban Nha” trong sự nghiệp của ông.

Ở tuổi 36, gã người Hy Lạp gói ghém bút, màu, toan, cùng nhiều hoài bão tới Toledo mong được làm vua Philip để mắt tới, hòng để lại tiếng tăm với núi sông. Vì lý do gì không biết, nhà vua không hài lòng với hai bức tranh ông vẽ, làm tan vỡ hy vọng được hoàng gia bảo trợ của El Greco. Nhưng mảnh đất Toledo giàu truyền thống tín ngưỡng, lại đang ở giai đoạn hoàng kim đã níu chân El Greco đến khi ông trút hơi thở cuối cùng, âu cũng là một mối duyên đặc biệt.

Như nhà thơ Hortensio Félix Paravicino nhận xét, đảo Crete sinh ra El Greco, nhưng chỉ sau khi qua đời ở Toledo ông mới đạt đến sự sống vĩnh hằng. Ở Toledo, El Greco trải qua một cuộc “lột xác” từ một họa sĩ hạng hai ở Venice trở thành bậc thầy vĩ đại không chỉ riêng của Tây Ban Nha, mà còn của cả nhân loại. Theo August Mayer, xu hướng hiện nay ở Tây Ban Nha là đương nhiên coi El Greco như một người con của đất nước Tây Ban Nha, một phần tất yếu của lịch sử Tây Ban Nha. Người ta bảo, khi đặt cạnh tranh El Greco, tranh Velasquez quá là… Ý, tranh Goya quá là… Pháp, chỉ có El Greco – một gã ngoại kiều mới biểu hiện rõ nhất tinh thần Tây Ban Nha. Một điều chúng ta biết chắc, Velasquez cũng phải học El Greco rất nhiều khi vẽ giáo hoàng Innocent X.
 

Cảnh Toledo do El Greco vẽ khoảng 1596 – 1600. Toledo – mảnh đất tuy không phải nơi chôn rau cắt rốn song là nơi bước chân phiêu bạt của người họa sĩ nghỉ lại đến cuối đời. Với bức tranh này, El Greco trở thành họa sĩ vẽ tranh phong cảnh đầu tiên trong lịch sử hội họa Tây Ban Nha. Tuy chỉ miêu tả cảnh vật, View of Toledo của El Greco chứa đựng nhiều thông điệp về sự xung đột và mang âm hưởng huyền bí. View of Toledo thường được so sánh với Starry Night của Van Gogh vì đều có bầu trời vần vũ nhiều cảm xúc, mặc dù Starry Night đem lại cảm giác êm đẹp hơn.

Vậy tóm lại, tranh của El Greco nó ra làm sao?

Đầu tiên, tranh của ông rất kịch tính. Từng cái nheo mắt, nhíu mày, khua tay, múa chân của các nhân vật đều chứa đựng nhiều cảm xúc muốn vỡ tung, bảo sao ông được phái Expressionism (biểu hiệu) coi là người đi trước. El Greco vẽ, không nhằm để cho ta thấy “nó trông ra sao” mà muốn ta hiểu “nó cảm thấy thế nào.” Tranh phong cảnh của ông (bức trên) giàu cảm xúc đã đành, đến tranh chân dung của ông lại càng biểu hiện ngời ngời tính cách người được vẽ, và khi xem tranh El Greco có “cảnh hành động” thì thật khó để không bị cuốn vào tình cảm của các nhân vật trong tranh.

Thánh Peter và thánh Paul, 1590 – 1600

Thứ hai là, El Greco có xu hướng kéo dài các nhân vật trong tranh ra như Mannerism. Ảnh hưởng Mannerism còn thể hiện ở chỗ ông rất thích chồng chất các nhân vật trong một khung hình hẹp cho thêm phần kịch tích. Bị… tra tấn thế hẳn là đau lắm, rồi lại phải trèo lên đầu lên cổ nhau, bảo sao các nhân vật của ông mặt mũi thường rầu rĩ không vui, hơi khắc khổ là đằng khác. Ví dụ ngay đây:
 

Sự tôn thờ của những người chăn cừu (Adoration of the shepherds) 1612 – 1614

Cuối cùng, rất dễ nhận ra tranh El Greco vì bảng màu tối kiểu Tây Ban Nha, thỉnh thoảng lại điểm xuyết chút màu sắc vàng, đỏ, xanh rất đắt, và kĩ năng sử dụng ánh sáng đặc biệt của ông. Trong tranh của El Greco, chúng ta không xác định được nguồn sáng hắt ra từ đâu, chỉ thấy dường như mỗi nhân vật đều có một luồng ánh sáng nội tại nào đó. El Greco có khả năng dùng ánh sáng để biểu đạt cảm xúc và kịch tính một cách tài tình. Hệ thống “lighting” phức tạp đấy thể hiện rõ trong những bức tranh nhiều nhân vật, ví dụ như:
 

Chôn cất bá tước Orgaz (The Burial of the Count of Orgaz), 1586. Bức tranh lung linh, rực rỡ, các nhân vật như đang sống trong tranh và… chuyển động.

Thử cùng ngắm kỹ hơn một bức tranh nổi tiếng của El Greco, El Espolio:
 

Đức Chúa bị lột áo (The Disrobing of Christ), 1579

Ở đây, El Greco diễn tả một cảnh khá ít thấy trong hội họa, bởi nó không nằm trong Phúc âm. “Apocryphal Gospel of Nicodemus” thuật lại cảnh Chúa bị lột bỏ bộ áo choàng và thay vào đó là chiếc khố vải trước khi bị đóng đinh câu rút. Bức tranh này được ông vẽ để treo tại nơi để các đồ thánh trong giáo đường của Toledo – nơi các thầy tu thay các bộ lễ phục khác nhau. Bức tranh sẽ giúp họ luôn nhớ đến đức Chúa bị sỉ nhục, lột quần áo mỗi khi họ thay đồ, miễn sao để Chúa không bao giờ rời xa tâm trí họ. Một lần nữa, El Greco lại sử dụng bố cục chữ nhật thẳng đứng dài yêu thích. Xung quanh Chúa là cảnh tượng hỗn loạn, ta dường như có thể nghe thấy tiếng quát tháo, khóc lóc. Ba Mary đau khổ co cụm lại ở góc trái bên dưới nhìn xuống người đàn ông đang đục lỗ trên câu rút. Chiếc áo màu đỏ của Chúa phản chiếu lên bộ áo giáp sáng choang của người lính bên cạnh – ám chỉ rằng tay họ đã “dính máu” trong việc giết Chúa và tội lỗi đó sẽ không thể bị gột rửa.

Trong bức tranh, Jesus là người duy nhất ngước mắt nhìn lên. Biểu hiện của người bình thản, tương phản hoàn toàn với những náo động xung quanh. Có thể nói chỉ nội trong cái nhìn đấy, Jesus đã tách xa khỏi thế gian tầm thường và được đón nhận vào thiên đàng. Tất cả những nhân vật xung quanh đều tập trung vào cái chết sắp diễn ra của Jesus – mừng vui hoặc đau khổ vì nó, song tâm trí Jesus đã sớm rời xa cái chết để hướng tới sự sống vĩnh hằng. Chiếc áo màu đỏ của Jesus rực rỡ như một viên hồng ngọc trên cái nền ảm đạm của bức tranh. Những đám mây phía trên đỉnh bức tranh như muốn mau kéo Jesus về với đức Chúa Cha.
 

Chúa bị đóng đinh câu rút, El Greco vẽ năm 1588. Chỉ còn hai Mary và thánh John bên cạnh người. Cái nền phong cảnh trừu tượng mang ý nghĩa biểu tượng hơn là thực tế, nói lên rằng Chúa đã qua đời nhưng lại sống đời đời.

Một vài ví dụ không đủ để diễn tả hết sự phong phú, khác lạ, không lặp lại mình của El Greco. Có lẽ yếu tố chung duy nhất xuyên suốt mọi tác phẩm của El Greco là khát vọng độc lập, không phụ thuộc vào bất kỳ điều gì ngoài sức tưởng tượng của bản thân. Có người đã nhận xét El Greco giống như hiệp sĩ Don Quixote, người ngắm nhìn thế giới xung quanh với một sự tò mò khôn tả. Đối với ông, những con người đi lại, nói cười, ăn uống,… quanh ông, không gì khác ngoài những sinh vật kì ảo mà ông nghiên cứu và khắc họa, song họ không nằm trong cõi thực tại chỉ có ông nhìn thấy. Như hiệp sĩ Don Quixote, ông tự tin dấn thân vào cuộc hành trình nghệ thuật vĩ đại và cuối đời khi mệt mỏi, El Greco nằm xuống trong vòng tay yêu mến của Toledo.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Hãy bớt trách móc

Họa sĩ VI KIẾN THÀNH

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả