PAOLO CIRIO: Facebook có thể rất nguy hiểm
15. 02. 11 - 12:53 pm
Hồ Như Mai dịch
.
Khi nghe tin hai nghệ sĩ Paolo Cirio và Alessandro Ludovico tuyên bố đã chôm dữ liệu và hình ảnh từ một triệu hồ sơ Facebook rồi đăng lên một trang hẹn hò giả là lovely-faces.com và coi đó là một phần của dự án nghệ thuật nhằm nhấn mạnh đến những mối lo lắng về sự riêng tư trên mạng, chúng tôi đã làm chuyện mà bất cứ nhà báo nào trong thời đại truyền thông xã hội cũng sẽ làm: đi tìm hồ sơ của Cirio trên Facebook, và bất ngờ tìm ra rất nhiều thông tin hữu ích ngay trong chính hồ sơ công cộng của anh. Ngoài chuyện mô tả công việc của mình là “định hình dòng chảy thông tin”, và đặc biệt quan tâm đến phụ nữ, hồ sơ của Cirio còn cung cấp thêm email, skype và số điện thoại di động của anh. Vậy là chúng tôi gọi ngay cho anh.
Phó tổng biên tập ARTINFO Ben Davis nói chuyện với Cirio khi nghệ sĩ đang đứng giữa sự náo nhiệt của Transmediale Festival ngay tại Berlin, nơi chủ đề là công nghệ và chính trị. Nghệ sĩ tham gia với tác phẩm sắp đặt mà một phần trong đó chính là Face to Facebook – tên của vụ tấn công Facebook – lần đầu được ra mắt.
Câu hỏi đầu tiên của tôi là: dự án này có thật đến bao nhiêu? Vì ngay lúc này ta vẫn chưa thấy được website nên rất khó chắc được rằng dự án đã thực sự được thực hiện, và bao nhiêu phần trăm chỉ là ý tưởng.
Dự án hoàn toàn có thật. Sau bài trên CNN chúng tôi bắt đầu có lượng truy cập khá lớn trên trang đó và vậy là tôi phải gọi ngay cho nhà cung cấp dịch vụ. Trong nửa tiếng tới anh cứ vào lại thử xem, họ có hứa với tôi sẽ khôi phục lại trang đó ngay. Ngay lúc này đây có hàng triệu người đang cố vào để xem hồ sơ của họ có trên trang hẹn hò của chúng tôi không. Anh biết đó, đây là một dự án nghệ thuật thôi, nên chúng tôi không tính đến chuyện có hàng triệu thắc mắc trong dữ liệu. Nhưng tôi vừa điện cho nhà cung cấp dịch vụ rồi, và họ hứa là trang web sẽ được khôi phục lại sớm.
Nói vậy tức là quả thực anh đã chôm đến một triệu hồ sơ Facebook?
Đúng vậy. Cũng mất khá nhiều thời gian – đúng ra là hai năm để hoàn tất dự án này. Một năm chủ yếu tôi tập trung tải hồ sơ xuống. Thực ra thì có nguyên một phần mềm làm chuyện này. Nó cứ thế chạy tự động xem qua các hồ sơ. Mỗi hồ sơ để công khai có 8 bạn kết nối công khai, như vậy cứ với mỗi người trong số 8 người đó, tôi lại quay vòng lại. Tóm lại là chương trình tự chạy được rồi tôi tải hết xuống. Một triệu hồ sơ đó là từ khắp nơi trên thế giới. Có cả Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Nam Phi – tôi cố gắng bao phủ cả thế giới.
Sắp đặt “Face to Facebook”
Sao anh lại chọn Facebook làm mục tiêu tấn công?
Bây giờ thì Facebook đúng là công ty hot nhất trên thế giới, đối với tôi chuyện này rất quan trọng để chứng minh rằng một công ty Internet có thể rất mỏng manh dễ vỡ trong công việc và công nghệ của chính nó. Tuy nhiên, dự án này không chỉ về Facebook. Facebook có rất nhiều vấn đề. Nhưng với tôi, dự án này chủ yếu nói về chuyện tìm kiếm thông tin và sức mạnh của thông tin, chuyện làm sao mà một cá thể đơn lẻ – Facebook lại có thể có được 500 triệu hồ sơ ở khắp trên thế giới và lưu giữ hết những thông tin này. Đối với tôi dự án tập trung vào nghiên cứu ngay chính vấn đề đó. Chuyện tấn công công ty nào không quan trọng. Quan trọng hơn là chuyện những công ty như thế này có sức mạnh ra sao. Tôi không biết anh đã xem hai dự án trước đó chưa: Một cái về Google và một cái về Amazon. Chúng tôi tập trung vào các công ty lớn, vào vấn đề quyền lực, thông tin, chuyện độc quyền hóa những thông tin đáng ra phải được quản lý theo cách khác.
Nhưng nếu tôi không lầm thì ngay trong chính tuyên bố nghệ thuật của mình, anh có nói rằng dự án còn phê phán cách người ta thể hiện mình trên Facebook và anh có dùng nhiều lời lẽ có ý phá hoại mô hình kinh doanh của Facebook, bằng cách làm cho người ta không muốn đăng tải thông tin cá nhân nữa.
Đúng rồi. Nếu anh nói về Facebook thì thực ra anh đang nói về người sử dụng, bởi chính những người sử dụng mới làm nên Facebook. Anh phải nói về người sử dụng – đó là điều quan trọng. Nhưng dự án này không tấn công người sử dụng. Đương nhiên là có sự khiêu khích, nói gì thì nói chúng tôi cũng chôm hết những hồ sơ công khai đó mà. Nhưng những dữ liệu đó anh hoàn toàn cũng có thể tìm được trên Google. Tóm lại vụ phá hoại này chỉ có tính “ý niệm”, “một giao diện mang tính ý niệm” chẳng hạn.
Nhưng không phải mục đích của anh là làm người ta không muốn dùng Facebook nữa sao?
Chuyện không dùng Facebook là rất khó. Tôi xem công nghệ nói chung, và ngay cả Facebook hoàn toàn là những thứ trung lập có khả năng tạo ra đủ mọi thay đổi. Vấn đề là Facebook cần được điều tiết. Nó không thể chỉ là một công ty tư nhân, do một người sở hữu. Như vậy là hoàn toàn thiếu dân chủ, hoàn toàn phi đạo đức, trái luân lý. Tôi thấy chuyện này không có gì phải cãi nữa. Dự án chỉ là một cách chỉ ra vấn đề thôi. Chúng ta cần điều tiết Facebook, và biến nó trở thành một công cụ có thể được sử dụng hợp lý – chứ không như tình trạng bây giờ.
Phía bên công ty đã có phản hồi gì với anh chưa? Tôi biết là trước đây anh từng nhận được thư cảnh cáo từ Google.
Không, tôi vẫn chưa nghe thấy gì cả. Nếu anh có đọc bài trên tạp chí Wired, có một nhà báo đã gọi cho Facebook và Facebook có nói sẽ xem xét. Tôi cũng chẳng biết trong một giờ tới thì chuyện gì sẽ xảy ra. Vào lúc này đây, chúng tôi chỉ đang phải đương đầu với cánh nhà báo thôi.
Giao diện trang Lovely-faces.com
Thế còn phản hồi từ phía công chúng? Phản hồi ban đầu của giới truyền thông hình như không hiểu được ý đồ chính của dự án. Nhiều người chắc phải giận dữ lắm. Anh có phản hồi nào từ chính những người bị anh chôm dữ liệu không?
Có, rất nhiều người giận dữ vì họ sợ chuyện bị lọt vào một hệ thống dữ liệu. Họ nói đại loại là “Nếu tôi mà có trong đó, tôi sẽ kiện anh.” Nhưng mặt khác cũng có nhiều nhận xét tích cực, nhiều người nói chẳng hạn như “Trời, vậy là anh làm được rồi, anh làm được một chuyện thật hay, thật thú vị.” Đương nhiên là dự án gây tranh cãi. Nó là hành động khiêu khích kia mà. Và như thường lệ, vài người nhảy vào nói rằng, “Mày mà nghệ sĩ gì, chỉ là thằng khốn nạn.” Và cũng có người hiểu, rồi nói “Anh đúng là thiên tài”. Đời lúc nào chả vậy. Mỗi người một khác. Nhưng cái chính là, ngay cả đối với những người giận dữ, từ giờ trở đi họ cũng sẽ thay đổi cách sử dụng Facebook.
Tôi tìm được tất cả các dữ liệu của anh trên Facebook. Anh thấy có trớ trêu không? Anh cũng dùng Facebook để đăng tải thông tin cá nhân, trong khi lại đi làm một dự án phê phán chuyện đưa thông tin cá nhân lên Facebook?
Một lần nữa, tôi không hề có ý nói người ta nên tẩy chay Facebook, bởi vì Facebook chỉ là một thứ công cụ. Anh có thể dùng công cụ theo cách hay ho hay dở tệ là chuyện của anh. Chuyện gì cũng vậy thôi. Giống như một con dao vậy. Anh dùng dao giết người hay cắt bánh mì đều được. Facebook cũng vậy. Vấn đề là nó cần được điều tiết. Tôi không nói Facebook vô ích – nhưng nó có thể rất nguy hiểm. Người ta cần nhận thức được cách sử dụng Facebook. Tôi không hề đưa thông tin cá nhân lên Facebook mà chỉ dùng nó để xúc tiến công việc và giữ liên lạc với những người cùng làm việc với mình. Nhưng tôi không đưa lên những thông tin nhạy cảm vì tôi biết được nguy cơ của việc đó. Cũng như đưa dao cho trẻ con chơi vậy: Nguy hiểm ở chỗ là trẻ con không biết chuyện cầm dao trên tay có ý nghĩa gì.