Điện ảnh

Hãy cứ bình dân như thế 03. 02. 15 - 12:44 pm

Lê Hồng Lâm

Một cảnh trong phim “Trúng số”

Điện ảnh Việt luôn có những cú chơi khăm ít ai ngờ tới. Hai năm trước Dustin Nguyễn giới thiệu bộ phim Lửa Phật mất 5 năm chuẩn bị với bao tâm huyết và cả một dàn sao bự, kinh phí nghe nói lên đến 2 triệu đô, format đúng chuẩn công thức một phim bom tấn Hollywood. Và kết quả là… trớt quớt. Ra khỏi rạp không biết nói gì, chỉ biết phim này chết chắc. Và quả là nó chết thật.

Hôm nay đi xem Trúng số. Tâm trạng nửa muốn đi nửa không vì xem trailer thấy có vẻ thảm họa, nửa đầu drama nửa sau chuyển tông sang hài lố. Quay dựng như phim video, tạo hình nhân vật xâu xấu quê quê như mấy phim truyền hình tỉnh, giữa thời buổi mà mọi thứ ở showbiz Việt đều long lanh quá mức so với thực tế. Nghĩa là sau dư âm dở khó quên của Lửa Phật, cộng thêm cái trailer không một chút mảy may hi vọng, đi xem chỉ để xem thêm một anh Việt kiều về nước và lụt nghề như thế nào.

Vậy mà trái ngược hẳn với tâm trạng sau buổi xem Lửa Phật, bộ phim thứ hai nghe nói chỉ mất 17 ngày quay (và chắc chỉ tốn dăm tỷ là cùng) của Dustin Nguyễn khiến mình và em Ngân Vi chạy một vòng quanh Sài gòn để nói về nó, về sự đáng yêu của nó, về những nhân vật đúng chất miền Tây, về một kịch bản cài cắm chặt chẽ bất ngờ, bi trong hài, hài trong bi. Bộ phim vừa như một câu chuyện cổ tích thời hiện đại giữa đời thường, vừa như một ngụ ngôn về cuộc sống. Cái đáng yêu là nó không lên gân, không giáo điều, không màu mè, không giả tạo. Điện ảnh (hay nghệ thuật) là vậy, đôi lúc khôn ngoan không lại với giời, tính toán kỹ đầu tư lớn lại thất bại. Cứ hồn nhiên giản dị lại ăn điểm.

Bối cảnh phim ở một tỉnh miền Tây Nam Bộ. Có vẻ như một vùng nửa quê nửa tỉnh. Nó có cả cái vẻ thuần chất của làng quê lẫn cái kệch cỡm học đòi lố bịch kiểu thành thị nửa mùa. Có cảnh đồng lúa xanh ngắt nhưng không còn cảnh con trâu đi trước cái cày theo sau. Thay vào đó là một vùng thị tứ đang bắt đầu đô thị hóa, thanh niên trai tráng ngồi nhậu nhẹt ghẹo gái; thẩm mỹ viện bắt đầu mọc lên. Có Ninh Dương Lan Ngọc vai một bà mẹ đơn thân đạp xe đi bán vé số nuôi con (vai hay nhất của cô bé này từ trước đến nay), một nhân vật tốt khiến người xem phải bực mình; nhưng bực mình xong thì cảm động. Có Phi Thanh Vân vai một cô nhà quê học đòi phẫu thuật thẩm mỹ để mơ đổi đời ở Sài Gòn hay Âu Mỹ. Có cặp vợ chồng bán xà bần duyên ơi là duyên do Dustin Nguyễn và Thu Trang đóng. Có một ông nổ ai đưa gì cũng kí nên ngồi khám bóc lịch mới ra trại sau 20 năm (do Chí Tài đóng) rồi sau đó gặp may trúng số đổi đời; đổi đời xong lại tính nào tật nấy, và lại mang vạ.

Ninh Dương Lan Ngọc trong phim

 

Vợ chồng Tư Nghĩa (Dustin Nguyễn) và Chín Cúc (Thu Trang)

 

Phi Thanh Vân trong phim

Hai tuyến nhân vật chính, do Lan Ngọc và Chí Tài đóng tưởng không liên quan đến nhau nhưng lại gặp nhau ở những điểm quan trọng và luôn có tác động qua lại (theo hướng tích cực) lẫn nhau. Và khá nhiều nhân vật khác ở cái thị tứ nửa quê nửa tỉnh đó, người tốt kẻ xấu, người quê mùa kẻ dị hợm lừa đảo. Nhân vật nào ra nhân vật đấy. Họ được khắc họa chính xác và vừa đủ. Đặc biệt là rất nhất quán về tâm lý và tính cách. Nhân vật nào cũng có đời sống riêng, họ xuất hiện để làm đa dạng hóa cái bộ mặt làng quê thời đổi mới, chứ không xuất hiện để phụ họa hay làm nền cho diễn viên khác. Có cảm giác biên kịch nghiên cứu về xuất xứ và tâm lý nhân vật khá kỹ càng.

Tuyền Mập và Chí Tài trong phim

Dustin Nguyễn trừ vai phản diện trong Dòng máu anh hùng xuất sắc, các vai sau của anh luôn là một anh Việt kiều đóng phim, gồng căng cứng, điển hình nhất là ông bố nông dân trong Cánh đồng bất tận. Trong bộ phim thứ hai do anh đạo diễn, Dustin chỉ đóng một vai phụ nhưng duyên bất ngờ. Có cảm giác như anh đã lột sạch cái vỏ Việt kiều để vào vai một anh nông dân thực thụ, từ cái vẻ thô lậu mộc mạc đến cái tốt bình dị. Nhưng hơn hết là cảm giác sau thất bại của Lửa Phật, Dustin Nguyễn đã có một hành trình để quyết liệt gạt bỏ những thứ vay mượn, hình thức để đi tìm những cái cốt lõi của người Việt Nam thực sự. Anh quyết chinh phục khán giả bằng cái vẻ mộc mạc, thô vụng nhưng chân tình, nghĩa khí. Ngay cả cái hài của anh cũng khác hẳn cái hài của Charlie Nguyễn: lố mà không phô, hài nhưng không kéo người ta xuống dưới thắt lưng quần. Đây chính xác là kiểu phim bình dân mà mình mong đợi lâu nay.

Dustin Nguyễn trong phim

Một bộ phim đáng yêu như Trúng số làm mình khi xem xong thấy yêu người nông dân, yêu cái sự mộc mạc hào phóng và cả cái nông nổi lố lăng của họ. Và cũng chẳng cần quan tâm đến kỹ thuật hay hình thức của nó. Nên dù chuyển cảnh nhiều chỗ cứ như… lật sách, bối cảnh đơn điệu và đôi lúc hơi cẩu thả vẫn không thấy khó chịu; bởi nó đã chinh phục người xem ở câu chuyện, ở nhân vật, ở phần hồn của nó. Phim này chiếu ở thành phố cũng ăn mà chắc về quê chiếu bóng kiểu cũ vẫn hốt bạc. Có điều khi ra khỏi rạp mình tin là khán giả không tặc lưỡi kiểu, phim hài nhảm ấy mà.

Xem phim này xong chỉ mong Dustin Nguyễn hãy cứ bình dân như thế.

*

Từ FB của Lê Hồng Lâm

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Marina Abramovic - Tuyên ngôn đời nghệ sĩ

Marina Abramovic – Khôi Nguyên dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả