Chiêm tinh

Bốn con Năm: Áp đặt và mâu thuẫn 13. 02. 15 - 1:21 pm

Kay Nguyễn

 

Như đã nói ở bài kỳ trước, mỗi một số đếm từ 1 đến 10 đều có ý nghĩa riêng, cách nhanh thuộc Bộ Tiểu Bí Mật nhất chính là nhớ nghĩa gốc của cơ (cup – cái ly: tình cảm) – rô (pentacle –  đồng tiền: vật chất) – chuồn (wand – cây gậy: công việc) – bích (sword – cây kiếm: tính toán) và nghĩa nhanh gọn của số đếm từ 1 đến 10. Nhắc lại “bài cũ” một tí xíu như thế rồi chúng ta sẽ đi sâu hơn cho bốn lá bài thuộc số 5. 

Số 5: Sự áp đặt

– 5 cơ: Tình cảm mà áp đặt dễ bị thất vọng nè. Nhưng mà đâu sau, còn nước còn tát. 5 cơ chỉ sự thất vọng nhưng cũng là cái ý lạc quan: của đổ hốt lại, đừng quá buồn nhé

– 5 rô: Đã ích kỷ (4 rô) còn tham thu thêm cái mới (số 1) thì sẽ mất sạch của đó nha. Lá 5 rô thường chỉ sự thất thu. Tất nhiên mới ở số 5 thôi còn 5 chặng nữa mới hết bài nên mất kiểu này không “sạch bách” như mất kiểu Tòa Tháp Sụp Đổ của bộ Đại Bí Mật

– 5 chuồn: Công ty mới thành lập xong (4 chuồn) mà đã có hợp đồng mới (số 1), nhiều người cạnh tranh nè. Đây là lá cạnh tranh kiểu bị dẫm chân lên thì cự lại, chứ không phải như lá 7 chuồn là kiểu “một mình chống mafia”, tệ hơn nhiều.

Năm Cơ: “Vớt hương dưới đất, bẻ hoa cuối mùa”

Cảm xúc thừa mứa, uể oải của Bốn Cơ trở thành hiện thực chán chê của lá Năm Cơ. Chẳng ngoa mà Thoth dành luôn chữ “Disappointment” (Thất vọng) để miêu tả lá bài này kèm hình ảnh hoa tàn nhị rữa nước cạn khô trong 5 cái chén được vẽ.

.

 

Còn Rider-Waite vẽ hình một người đàn ông chống cằm ngán ngẩm nhìn 3 cái chén đã đổ vỡ – nhưng thực ra chi tiết ít người chú ý nhất là hai cái chén còn lại của Năm Cơ lại vẫn còn nguyên: hi vọng vẫn còn đâu đây.

 

Shadowscape vẽ hình một mỹ nhân ngư ôm lấy một cái bình vẫn còn nước và một con cá tung tăng lội, để thể hiện rõ ràng hơn thông điệp lạc quan, “của đổ hốt lại”, “còn nước còn tát” này của lá Năm Cơ.

Tiếng là “vớt hương dưới đất, bẻ hoa cuối mùa”, nhưng đời Kiều ắt hẳn vẫn còn nhiều thứ trước mặt lắm, sau cuộc “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”.

Năm Rô: “Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm”

Sự ích kỷ, tham lam của lá Bốn Rô biến thành sự đứt khúc của bối ảnh một nhà nguyện trong ngày gió tuyết: người giàu ngại mở cửa ra bố thí còn người nghèo thì hoang mang khập khiễng bước đi trong lá Rider Waite.

.

 

Ở Thoth, đó là năng lượng bị ứ đọng, đen đủi và khóa chặt trong chữ “Worry” (Lo Lắng).

 

Shadowscape thể hiện một người phụ nữ tự giam mình lại trong một khối cầu ưu tư, mà quên rằng vẫn còn con bướm đỏ dẫn lối, chỉ cần cô ấy đứng lên và vươn ra bên ngoài “cầu cứu” thì mọi thứ sẽ ổn thỏa.

Năm Rô tượng trưng cho mất mát, buồn lo, nhưng chớ vì vậy mà quên đi rằng nó chỉ mới ở số 5, chúng ta còn một đường dài để đi đến điểm đến “thập toàn thập mỹ” của 10 Rô. Hãy đừng ngần ngại gõ cửa vào nhà thờ xin người giàu chút lòng từ thiện, họ cũng đang cần một nơi để tri ân cộng đồng vì những của cải mình có được.

Năm Chuồn: “Đem vào để đó lộn sòng ai hay”

Thành tựu ban đầu ngăn nắp sạch sẽ của Bốn Chuồn trở nên hỗn độn ở lá Năm Chuồn. Nếu “một mình chống lại mafia” là lá Bảy Chuồn, thì thật ra trong lúc hỗn độn sinh kế có ai đó lỡ tay dẫm phải lên chân mình, đó chính là lá “vô tình nước sông phạm nước giếng” của lá Năm Chuồn.

Rider-Waite thể hiện một đám đánh lộn, và nguyên tắc vàng là cứ thấy đánh nhau lung tung thì cứ… dạt ra một bên nghĩ cách đi đường khác.

 

Thoth dùng chữ “Strife” (Mâu thuẫn) với hình tượng một cây gậy to hẳn và đang lấn át 4 cây gậy nhỏ còn lại: vậy nếu bạn đang ở thế cây nhỏ thì tránh voi chẳng xấu mặt nào, còn nếu bạn nghĩ bạn ở thế cây gậy lớn thì cứ… đè nó thôi, làm gì được nhau 😀

 

Shadowscape lại có một ẩn dụ rất hay qua hình ảnh một đàn cáo đang đi săn thỏ, nhưng không hiểu đâu ra một người đàn ông lại xuất hiện nhảy vào… đánh cáo. Tinh thần này có thể hiểu là “làm chuyện đâm hơi”, vô duyên, tốt nhất người đàn ông này nên lánh đi chỗ khác cho thiên nhiên làm đúng nhiệm vụ của nó.


Năm Bích: “Cũng đà mặt dạn mày dày khó coi”

Sự nghỉ ngơi, suy gẫm sự đời của Bốn Bích khiến ta hình dung Năm Bích phải là quay trở lại trận chiến. Nhưng trận chiến của Năm Bích khá quái gở: trong Rider-Waite, đó là một người đàn ông đắc thắng ôm hết kiếm, còn hai người kia thì buông kiếm bỏ đi. Bạn cần phải xác định tình huống của bạn là kẻ đắc thắng chả có gì đáng tự hào kia, hay là hai kẻ chào thua nhưng ra đi chả nuối tiếc gì.

.

 

Shadowscape thể hiện một cuộc không chiến khi người đàn ông chẳng những có lợi thế đánh úp từ trên xuống, mà còn có sự trợ lực của hai con thiên nga đen: vậy thì có thắng cũng là chuyện đương nhiên, chả vinh dự gì.

 

Thoth thể hiện năm mũi kiếm kình nhau đến nhăn nheo héo úa, và chữ “Defeat” (bại trận) thể hiện rõ luôn quan điểm ở đây kẻ thắng cũng chính là người thua cuộc chứ chẳng vinh dự gì trong khi cứ hiếu chiến như vậy.

Ý kiến - Thảo luận

10:27 Wednesday,16.5.2018 Đăng bởi:  admin
Thảo Uyên ơi, Kay Nguyễn (tức Phương Khanh) giờ đang bận bịu với việc làm phim (bạn ấy vừa tham gia "Cô Ba Sài Gòn" năm ngoái xong) nên e rằng không còn thời gian viest cho Soi nữa rồi :-((
...xem tiếp
10:27 Wednesday,16.5.2018 Đăng bởi:  admin
Thảo Uyên ơi, Kay Nguyễn (tức Phương Khanh) giờ đang bận bịu với việc làm phim (bạn ấy vừa tham gia "Cô Ba Sài Gòn" năm ngoái xong) nên e rằng không còn thời gian viest cho Soi nữa rồi :-(( 
9:50 Wednesday,16.5.2018 Đăng bởi:  Bùi Thị Thảo Uyên
Mong cô ra tiếp 4 con sáu đến 4 con 10 và bộ hoàng gia đi ạ
...xem tiếp
9:50 Wednesday,16.5.2018 Đăng bởi:  Bùi Thị Thảo Uyên
Mong cô ra tiếp 4 con sáu đến 4 con 10 và bộ hoàng gia đi ạ 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả