Nhiếp ảnh

Gordon Parks và Alec Soth: những câu chuyện Mỹ 31. 03. 15 - 7:31 am

Hoàng Lan st và dịch

 

BOSTON – Bảo tàng Museum of Fine Arts vừa tổ chức một triển lãm lớn về ảnh của Gordon Parks (1912-2006) – một trong những nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Phi được yêu mến nhất mọi thời đại. Với tên “Gordon Parks: Back to Fort Scott” (Gordon Parks: Trở về Fort Scott), triển lãm sẽ cho ta thấy hiện thực cuộc sống của người da đen trong giai đoạn phân biệt chủng tộc vào những năm 1940, đồng thời nó còn thuật lại cuộc đời hấp dẫn của chính Parks. Ảnh: Gordon Parks, chân dung tự chụp.

 

Vào năm 1948, Gordon Parks trở thành nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Phi đầu tiên làm việc chính thức cho tạp chí LIFE. Với cương vị của một trong những nhiếp ảnh gia phóng sự Mỹ gốc Phi hiếm hoi trong ngành, Parks thường xuyên được LIFE giao cho chụp những chủ đề xã hội nhạy cảm mà họ không giao cho các đồng nghiệp da trắng. Lúc nhận chụp về hậu quả của việc chia trường theo chủng tộc (tức trẻ em da đen phải học khác trường với trẻ da trắng), Parks đã trở về thành phố Fort Scott – quê hương của ông. Ảnh: Bà Jefferson, Fort Scott, 1950 – một trong những người quen của Parks ở thành Fort Scott.

 

Parks đã rời khỏi Fort Scott hơn 20 năm về trước. Mẹ Parks mất lúc ông còn là một thiếu niên, Parks là con út trong gia đình đông đến 15 anh chị em, nên ông đành bỏ quê để tự bươn chải. Nhân lần công tác cho LIFE, tiện thể ông muốn ôn lại những ký ức về nơi mình sinh ra, rất nhiều trong số đó là ký ức liên quan đến nạn phân biệt chủng tộc nghiêm trọng. Parks dò hỏi và tìm gặp những người bạn thời thơ ấu, tất cả bọn họ cũng như Parks, đều mài đũng quần tại ngôi trường Plaza dành riêng cho trẻ da đen. Ảnh: “Cửa nhà ga Fort Scott”, Gordon Parks, 1950.

 

Trừ hai người biệt mất tăm tích, về sau Parks đã tìm gặp tất cả bạn học khóa năm 1927 của trường Plaza. Trong số đó chỉ còn một người trụ lại ở Fort Scott. Gặp các bạn cùng lớp nào, cuộc hàn huyên cũng nhanh chóng chuyển hướng thành cuộc bàn luận về đợt di cư lên miền Bắc mà nhiều người Mỹ gốc Phi ở phía Nam đang phải trài qua (đợt di cư này khá dài, diễn ra từ năm 1940 đến năm 1970). Ảnh: “Khách trọ”, Chicago, Gordon Parks, 1950.

 

Trong khoảng thời gian ngắn, Parks đã đến thăm hết những người bạn thời thơ ấu – phần lớn đã di cư và sống rải rác tại những thành phố như Kansas, Saint Louis, Columbus, Ohio, Detroit, và Chicago. Parks cùng ngồi trò chuyện với họ ở phòng khách và trên hiên nhà, lắng nghe họ kể cho ông câu chuyện đời. Ảnh: “Không đề”, do Parks chụp tại Columbus, Ohio, 1950.

 

Triển lãm bố trí ảnh theo mỗi thành phố và mỗi gia đình Parks đã ghé qua. Nó cũng trưng bày nhiều tác phẩm chưa xuất bản, bao gồn cả bản thảo 7 trang mà Parks viết cho báo LIFE. Triển lãm cho ta một cái nhìn hiếm hoi về cuộc sống thường nhật của người Mỹ da đen trước khi phong trào nhân quyền nổi lên mạnh mẽ. Ảnh: “Chồng và vợ, sáng Chủ Nhật”, Detroit, Gordon Parks, 1950.

 

Triển lãm “Back to Fort Scott” diễn ra từ 17.1 đến 13. 9. 2015. Trong ảnh là: “Bên ngoài rạp Liberty”, Columbus, Gordon Parks, 1950. Rạp Liberty là một trong số ít rạp dành cho người da đen, vào thời này thì ngay cả lúc đi xem phim người da đen cũng không được chung rạp với người da trắng.

 

SAN FRANCISCO – Cũng tại Mỹ, Gallery Fraenkel đã tổ chức triển lãm đơn đầu tiên cho nhiếp ảnh gia Alec Soth. Mở cửa từ 5. 2 đến 4. 4. 2015, triển lãm “Alec Soth: Songbook” (Alec Soth: Sách nhạc) bao gồm khoảng 20 tác phẩm mới, chưa từng xuất bản bao giờ. Ảnh: Triển lãm của Alec tại Gallery Fraenkel, hình do chính Gallery cung cấp.

 

Alec Soth nổi tiếng nhờ các bức chân dung lẫn phong cảnh hơi nhuốm màu rùng rợn; chúng từng được xuất bản trong các tập sách ảnh như “Sleeping by the Mississippi” (Ngủ bên bờ sông Mississippi), Broken Manual (Sách dạy sống tách ly), và “Niagara”. Gần đây Alec chuyển hướng sang chụp cuộc sống cộng đồng tại vùng quê. Từ năm 2012 đến 2014, Soth đã đi khắp nước Mỹ tìm kiếm dấu hiệu của cuộc sống xã hội trong kỷ nguyên mà ai nấy cũng thích sống “ảo” trên mạng. Ảnh: Cade and Cody, Michigan, Alec Soth, 2012.

 

Để cuộc tìm kiếm dễ dàng hơn, Soth giả làm phóng viên của một tờ báo cộng đồng. Chu du từ phía Bắc bang New York đến thung lũng Silicon ở California, Soth tham gia hàng trăm cuộc gặp gỡ, vũ hội, lễ hội và các buổi họp mặt gia đình. Ảnh: Cuộc thi Miss Model, Alec Soth, 2012.

 

Với Songbook, Soth đã lược bỏ tính chất phóng sự của những bức ảnh hòng nhấn mạnh cái cốt của nó. Rời rạc, vui tươi, nhưng cũng u buồn, Songbook là bài miêu tả du dương về sự căng thẳng giữa chủ nghĩa cá nhân vốn luôn mạnh mẽ ở Mỹ, với khát vọng mong muốn được bình thường giống như mọi người trong cùng cộng đồng và được cộng đồng chấp nhận. Ảnh: cô Bree, hoạt náo viên của đội Liberty, Texas. Alec Soth, 2012.

 

Gần Gainesville, Georgia. Alec Soth, 2014

 

Gần Gainesville, Georgia. Alec Soth, 2014

 

Nhà trọ Magic Castle. Alec Soth, 2012

 

Alec Soth (ảnh) sinh năm 1969, hiện đang làm việc tại Minneapolis, Minnesota. Tác phẩm của Soth đã tham gia triển lãm tại nhiều bảo tàng, trong đó có triển lãm ở Jeu de Paume, Paris; Bảo tàng ảnh Winterthur, Thụy Sĩ; và Trung tâm Nghệ thuật Walker, Minneapolis. Song song với triển lãm, nhà xuất bản Mack Books của London đã phát hành “Alec Soth: Songbook”, trong đó bao gồm 75 ảnh in tam sắc, 20 tấm trong triển lãm “Songbook” cũng sẽ có mặt trong sách.

Ý kiến - Thảo luận

21:43 Wednesday,1.4.2015 Đăng bởi:  Bàn-Văn-Lùi
Chèng đéc, hoá ra anh cu trỏng lộn-tu hè :)))
Nể ,,, nhẹ ?
...xem tiếp
21:43 Wednesday,1.4.2015 Đăng bởi:  Bàn-Văn-Lùi
Chèng đéc, hoá ra anh cu trỏng lộn-tu hè :)))
Nể ,,, nhẹ ? 
21:15 Tuesday,31.3.2015 Đăng bởi:  Hoàng Lan
@Bàn-Văn-Lùi: Hình này không lộn tu đâu bạn. Nếu nhìn kỹ thì dòng chảy thác nước như vậy là đúng vật lý, anh chàng kia treo ngược thôi. Ảnh gốc ở đây: http://hyperallergic.wpengine.netdna-cdn.com/wp-content/uploads/2015/03/014_Soth_Near-Kaaterskill-Falls-2012.jpg

Xin lỗi là lu bu công việc nên không trả lời bạn kịp khi bạn comment, làm phiền cả bạn lẫn Soi, mình nhờ Soi chỉnh lại hì
...xem tiếp
21:15 Tuesday,31.3.2015 Đăng bởi:  Hoàng Lan
@Bàn-Văn-Lùi: Hình này không lộn tu đâu bạn. Nếu nhìn kỹ thì dòng chảy thác nước như vậy là đúng vật lý, anh chàng kia treo ngược thôi. Ảnh gốc ở đây: http://hyperallergic.wpengine.netdna-cdn.com/wp-content/uploads/2015/03/014_Soth_Near-Kaaterskill-Falls-2012.jpg

Xin lỗi là lu bu công việc nên không trả lời bạn kịp khi bạn comment, làm phiền cả bạn lẫn Soi, mình nhờ Soi chỉnh lại hình rồi. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Vì sao đại gia ta chưa bỏ tiền mua tranh ta?

Phạm Huy Thông - Nguyễn Hồng Sơn - Phạm Quốc Trung

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả