Nhiếp ảnh

Giải ảnh World Press 2015 (phần 2):
Những câu chuyện buồn và khó 21. 02. 15 - 9:08 am

Hoàng Lan dịch

Sau phần giải ảnh đơn, World Press tiếp tục vinh danh nhiều nhiếp ảnh gia của năm với phần ảnh câu chuyện. Người chiến thắng năm nay là:

Anh Jérôme Sessini về nhất trong hạng mục “Tin tức tại chỗ”. Dưới ánh mặt trời tháng Bảy thiêu đốt của miền đông Ukraine, Sessini chụp lại thân thể người nằm la liệt khắp cách đồng rộng. Đây là kết quả đáng buồn khi chiếc Boeing 777 của Hàng không Malaysia – chở 298 người từ Amsterdam đến Kuala Lumpur – bị tên lửa bắn hạ vào ngày 17. 7. 2014.

 

Trong mục “Tin tức chung”, anh Pete Muller thắng nhất nhờ dũng cảm chụp lại series về bệnh dịch Ebola. Trong hình: hai nhân viên y tế tại Trung tâm chữa trị Ebola Hastings đưa một người đàn ông – đang trong cơn mê sảng do nhiễm Ebola – trở về buồng cách ly. Bệnh nhân đã trốn khỏi nơi chăm sóc khi lên cơn. Chức năng thần kinh bị suy sụp mạnh là triệu chứng thường gặp ở những ai nhễm Ebola giai đoạn cuối. Người đàn ông trong hình qua đời chỉ vài giờ sau khi được Pete chụp ảnh.

 

Ẵm thưởng trong mục “Thể thao” là anh Kieran Doherty. Những khán giả không đủ may mắn để mua vé xem các trận đấu chính tại Giải vô địch Wimbledon sẽ đành mua vé ground pass (vé vào khuôn viên). Làm thẻ cho phép họ đi quanh khu vực ngoài sân đấu (thường thì họ sẽ chẳng thấy gì trừ khi trèo lên vai nhau, nên con nít hay được bố mẹ vác vai để xem đấu tennis). Ảnh: cảnh mà các khán giả có vé vào khuôn viên sẽ nhìn thấy, xa xa bên trái là banh tennis tung bay. 

 

Tại mục “Vấn đề đương thời”, anh Giovanni Troilo về nhất với series chụp thành phố Charleroi. Xem hình bạn sẽ thấy đường ống dẫn gas to, đen thui chạy dọc trên mái các ngôi nhà xây gần mấy xưởng đúc thép ở Charleroi. Đây là một thị trấn gần Brussels, Bỉ, đang trải qua giai đoạn suy thoái công nghiệp, hứng chịu nạn thất nghiệp, với số lượng dân nhập cư gia tăng và tội phạm thì tràn lan. Những con đường, một thời từng sạch sẽ ngăn nắp, ngày nay trở nên hoang vắng và bỏ bê.

 

.

Tất nhiên đề tài buồn không nhất thiết sẽ cho ra ảnh buồn. Trong mục “Cuộc sống thường nhật”, anh Michele Palazzi về nhất với bộ ảnh chụp dân du mục Mông Cổ. Trong thập kỉ vừa qua, kinh tế Mông Cổ đã phát triển với tốc độ chưa từng thấy, với GDP tăng hơn 10% mỗi năm. Điều này chủ yếu nhờ vào ngành công nghiệp khai khoáng: một khối lượng lớn đồng, vàng và trên hết là than đã thu hút tất cả các tập đoàn quốc tế khổng lồ của ngành công nghiệp này đầu tư vào Mông Cổ. Trong môi trường luật lệ lỏng lẻo, cư dân địa phương – nhóm vốn có lối sống truyền thống, dựa vào hoạt động du mục chăn thả của tổ tiên – đang bị khủng hoảng. Nhiều gia đình đã rời bỏ lối sống du mục và chuyển đến trung tâm thành thị để tìm việc làm. Tuy nhiên, một số khác vẫn cố gắng duy trì, hàng ngày họ đối phó với ô nhiễm và cỏ cây ám độc. Dù điều kiện mưu sinh khó khăn hơn họ vẫn quyết không từ bỏ văn hoá sống của tổ tiên.

 

Cô Sofia Valiente cũng giành giải nhất ở mục “Chân dung” nhờ không bi kịch hóa một để tài khó. Trong hình: Richard – một tội phạm tình dục – đang chơi bóng rổ. Tại Nam Florida, phần góc Đông Nam của hồ Okeechobee, có một cộng đồng nhỏ tên là Miracle Village (ngôi làng thần kì). Nơi đây là nhà của hơn 100 tội phạm tình dục sau khi họ ra tù. Trong số những hạn chế suốt cuộc đời của những ai từng là tội phạm tình dục, việc tìm kiếm một nơi ở là khó khăn lớn nhất: họ phải sống ít nhất 2,500 feet (khoảng 762 m) cách trạm xe buýt, trường học , hay nơi có trẻ em tụ tập. Vì vậy, Miracle Village rất biệt lập: làng cách thị trấn gần nhất tới năm dặm (hơn 8 km) và cách thành phố gần nhất 40 dặm (64.4 km)

 

Anh Anand Varma lại thắng thế trong hạng mục “Thế giới tự nhiên” nhờ không ngại chụp những thứ ai cũng cho là ghê. Người ta thường cho rằng sinh vật kí sinh thật xấu xa, chúng chẳng khác gì những kẻ hút máu thấp kém. Nhưng ta cũng phải phục lăn khi thấy một số sinh vật này phát triển khả năng khống chế cơ thể lẫn trí óc của vật chủ tài tình đến mức khó tin. Ảnh: Một con cua đực bị nữ hóa do nhiễm kí sinh. Con cua ngừng phát triển càng, và phần bụng của nó phình to ra để có chỗ cho lũ kí sinh đẻ trứng. Chú cua sẽ nuôi trứng đến khi chúng nở. Lúc đó, hàng ngàn ký sinh con sẽ phân tán ra để tiếp tục đi kí sinh các chú cua khác.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả