Nghệ sĩ thế giới

Nghệ sĩ lớn mới đặt được câu hỏi lớn: Antony Gormley và biến đổi khí hậu 13. 03. 15 - 7:24 pm

Mark Brown - Hồ Như Mai dịch

Tác phẩm về biến đổi khí hậu của nghệ sĩ Antony Gormley đã được ra mắt lần đầu tiên trên báo Guardian.

Tác phẩm Connection (Kết nối) được báo đăng kèm với trích đoạn từ cuốn sách của Naomi Klein, cũng về biến đổi khí hậu, nhằm nâng cao nhận thức về những tác động của con người với hành tinh, về chuyện chúng ta đang mộng du vào một “nhân tai” khổng lồ.

Antony Gormley, “Connection”. Ảnh: Antony Gormley

Tác phẩm bằng chất liệu thuốc nhuộm aniline trên giấy, diễn tả một cái bóng khổng lồ, gợi âu lo, đổ lên một nền màu chói gắt, có thể là nhân tạo hay tự nhiên. Cả cơ thể người và bối cảnh đều có vẻ độc hại, khiến nảy lên những câu hỏi về việc con người đang làm ảnh hưởng đến hành tinh như thế nào thông qua quá trình biến đổi khí hậu.

“Điều quan trọng ở đây là hình ảnh này không phải chỉ giáo điều. Tôi hi vọng tác phẩm sẽ cho bạn cơ hội đặt mình vào vị trí của cái bóng, để nghĩ về sự kết nối và phụ thuộc của chính ta với thế giới chung quanh… đặc biệt là cái thế giới nguyên sơ đã bị chúng ta, lần đầu tiên trong lịch sử muôn loài, làm mất ổn định,” Gormley nói về tác phẩm.

Bản in tác phẩm được phát hành kèm theo tờ Guardian số thứ Bảy ngày 7 tháng 3, và được phát cho những người tham gia diễu hành phản đối biến đổi khí hậu ở trung tâm London cùng ngày.

Gormley muốn chia sẻ tác phẩm, vì cũng như những người diễu hành, ông rất lo lắng về những tác hại không thể cứu vãn mà chúng ta đang gây ra cho hành tinh này. “Chúng ta đang mộng du vào một ‘nhân tai’ khổng lồ.”

Gormley nói rằng mình đã quá chán ngán với đám chính trị gia không thể nghĩ quá năm năm tới – “đám này đơn giản là không thể nghĩ cho lâu dài được.” Gormley từng chia sẻ với Guardian về một tác phẩm chưa từng được công bố, tựa đề Evening IV (Buổi tối IV), chất liệu than, casein và mực Ấn Độ trên giấy. Tác phẩm này cũng đi kèm với một cuốn sách của Klein, This Changes Everything – Capitalism vs. Climate (Tạm dịch: Điều này thay đổi tất cả: Chủ nghĩa tư bản đối đầu với Khí hậu).

Antony Gormley, “Evening IV”. Ảnh: Antony Gormley

Sách của tác giả người Canada cho rằng chủ nghĩa tư bản không thích hợp để xử lý những thử thách của quá trình nóng lên toàn cầu. Klein cũng cho rằng giải quyết biến đối khí hậu cũng sẽ góp phần giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong xã hội.

Gormley đồng tình. “Nếu sự chia rẽ giàu nghèo đã quá thâm căn cố đế, ai cũng nhận thức được, thì sự chia rẽ giữa những người phải mất nhà cửa vì mực nước biển dâng lên, vì nhiệt độ tăng cao, sẽ còn đau đớn hơn nữa.

“Như Naomi Klein không ngừng chỉ ra, chúng ta phải đánh động đến giới chính trị gia. Chủ nghĩa tư bản tồn tại bằng thói ăn xổi ở thì, nên giới chính trị gia và chủ nghĩa tư bản sẽ không giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu. Chúng ta cần tìm một cách định nghĩa giá trị khác, không phải chỉ là giá trị mua bán trên thị trường.”

“(Nhưng) không ai muốn đối diện với sự thật rằng không khí, nước và ánh nắng là những tài nguyên không hề miễn phí.”

Antony Gormley, “Evening” 2003. Ảnh: Antony Gormley

Trước đó, Gormley từng thực hiện các tác phẩm khám phá những câu hỏi xoay quanh biến đổi khí hậu, chẳng hạn như tác phẩm Another Place (Một nơi khác), gồm có 100 tượng sắt đúc lại cơ thể của chính nghệ sĩ, đặt trên bãi biển Crosby, nhìn ra mặt nước từ cửa sông Mersey đến sông Alt. Những bức tượng ấy đặt ra những câu hỏi về quan hệ giữa nhân loại với thiên nhiên, liệu chúng ta có phải là một chủ thể độc hại và liệu chúng ta có thể sinh sống bền vững không.

Gormley tin rằng dân số loài người sẽ chựng lại ở con số 7-8 tỷ, mặc dù Liên Hiệp Quốc từng dự đoán nó sẽ đạt mức 9 tỉ vào năm 2050, đặt ra những vấn đề khổng lồ. “Liệu ta có đủ thức ăn không? Với thử thách biến đổi khí hậu, liệu ta có còn đạt được công bằng xã hội không? Với tôi đây vừa là thử thách lớn nhất, cũng vừa là thảm họa tiềm ẩn lớn nhất.

“Đối diện với nguy cơ của một ngày tận thế, liệu ta có thể nhân đó mà nỗ lực thực sự tìm kiếm một cơ chế quản lý toàn cầu, trong đó con người và các thế lực thiên nhiên cùng tồn tại một cách bền vững không?”

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả