|
|
|
|||||||||||||
Đi & ỞCacao trên đồi đá (kỳ 2): Làm sao để tưới được cây khi đồi thiếu nước? 11. 04. 15 - 6:27 amPha Lê(Tiếp theo kỳ 1) Sau khi gầy lại rừng cho ngọn đồi, bác Phước lấy 3 hecta nhỏ để trồng cacao. Ai từng làm nông hay trồng cây ở nhà đều biết rằng nước để tưới tiêu là tối quan trọng, và nếu không chặt phá cây thì bản thân đồi núi có một lượng nước nhất định. Ở một ngọn đồi màu mỡ thì hệ thống rễ cây giữ chặt đất không cho nó trôi đi, đồng thời tạo hệ sinh thái thích hợp cho các vi sinh có ích phát triển. Khi mưa xuống, đồi núi như một cái bọt biển hấp thu nước và giữ lại một lượng nước rất lớn trong đất và hệ thống rễ cây. Khi mùa khô đến, lượng nước này nhả ra từ từ qua các hệ thống suối rạch xuyên suốt đồi núi. Tuy nhiên tại đồi của bác Phước, nạn chặt cây lấy gỗ đã khiến lớp đất tốt trôi đi hết. Dù đã trồng lại rừng nhưng bác Phước nói chắc phải mấy chục năm nữa thì môi trường sinh thái của đồi mới khôi phục lại hệ thống lưu trữ nước tự nhiên. Vào mùa khô, nếu dùng phương pháp tưới cây bình thường bằng vòi thì chỉ khoảng 20-30 phút là lượng nước đã cạn và phải chờ 1-2 ngày sau lượng nước mới phục hồi, hoàn toàn không đủ và không thích hợp để trồng trọt trên qui mô lớn. Phải làm sao đây? Đành cậy vào mưa trong mùa mưa nhiều. Bác Phước xây một cái đập nhỏ trên đỉnh đồi để hứng nước mưa và lấy nước tích tụ mà ngọn đồi nhả ra từ từ. Vào mùa khô thì hồ đập này rất cạn. Tuy nhiên, khi mưa xuống nước lại nhiều quá sức, làm vỡ đập, nước chảy xuống ngập cả một góc đồi. Đập bị vỡ đến ba lần, đắp lại tới lần thứ tư thì đập mới đủ kiên cố để chịu áp lực nước. Rút kinh nghiệm, bác Phước xây một hồ chứa ở lưng đồi để dẫn nước từ đập xuống, giải tỏa áp lực để đập không vỡ nữa. Hồ này đủ độ lớn để chứa cũng như ổn định hóa nguồn nước trên thượng nguồn. Lúc tôi đến thăm, tôi còn thấy bác Phước ngâm tre trong hồ để lấy tre xây nhà và dựng các kiến trúc khác trên đồi.
Lúc vừa đứng ngắm cái hồ đào ở lưng đồi vừa xoa chân vì bị kiến cắn, tôi phát hiện ra vật gì cao cao lạ lạ bằng gỗ tre phía bên kia hồ. Hỏi bác Phước thì bác bảo rằng đấy là nhà bác làm… cho dơi. Bác nói nhờ dơi mà đồi không có muỗi, rất tiện cho những ai sống ở đây. Tuy nhiên, dù cố trữ nước mưa cỡ nào thì lượng nước này vẫn không đủ để nuôi cây cacao trong suốt mùa khô nếu tưới kiểu thông thường – tức múc gáo hoặc lấy vòi xịt ào ào. Cách hiệu quả nhất để đối phó với lượng nước nhỏ là sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Lý do: khi tưới bằng vòi, một lượng nước lớn xả xuống mặt đất, đa số phần nước sẽ trôi đi hết. Tưới tiêu kiểu này cũng chẳng hiệu quả vì tốc độ hấp thu của cây sẽ không đủ nhanh để lấy hết nước trước khi nó trôi đi, vừa phí phạm vừa không bền vững lâu dài. Hệ thống tưới nhỏ giọt bao gồm những ống, vòi đặt thẳng vào điểm nhất định bên gốc cây, người trồng có thể kiểm soát cho nước nhỏ giọt từ từ, tránh tình trạng hao phí. Cây sẽ tập trung hấp thu nước và phát triển rễ ở điểm này, tiết kiệm năng lượng hòng giữ sức mà ra hoa kết trái. Lượng nước thấm xuống đất cũng nhỏ và chậm, cho cây thời gian hấp thu hết nước tưới. Khổ nỗi, vào thời điểm hiện tại thì hệ thống tưới nhỏ giọt vĩ mô vừa linh hoạt vừa có hiệu quả cao là hệ thống của Israel. Chi phí của nó lên đến 40-50 triệu một hecta. Tuy bác Phước có thể bỏ tiền túi mua hệ thống về lắp cho đỡ mệt nhưng bác thấy rằng nếu làm vậy thì bác không thể phổ biến cách tưới này cho các bạn nông dân trong vùng.
Thế là bác bỏ công nghiên cứu hệ thống của Israel, nghĩ cách thay thế một số thiết bị đắt tiền bằng linh kiện nuôi cá bồn, cải tiến rồi chế ra hệ thống tưới nhỏ giọt chi phí thấp cho nông dân Việt Nam, rút số tiền phải trả cho hệ thống này thành khoảng 10 triệu một hecta. Bác cũng áp dụng nó cho vườn cacao trên đồi, mùa khô tưới đủ nước để cây “thoi thóp”. Bác còn phủ rơm lên từng gốc cây, ngăn không cho nước bốc hơi khỏi mặt đất vào những hôm nắng gắt.
Từ một ngọn đồi bị chặt phá trơ trụi, xói mòn đến mất đất mất nước, không trồng trọt được lẫn đem lại nguồn thu nhập gì cho người dân, nơi này bỗng trờ thành đồi xanh với 3 hecta cacao. Dù vậy, đường vẫn còn dài lắm, bác Phước sẽ phải chiến đấu như thế nào với côn trùng lẫn với những người thấy đồi xanh lại nên muốn “chặt tiếp”? Chờ kỳ sau nhé. Ý kiến - Thảo luận
12:32
Sunday,21.2.2016
Đăng bởi:
Pha Lê
12:32
Sunday,21.2.2016
Đăng bởi:
Pha Lê
@Nguyễn Minh Thức: Cảm ơn bạn đã quan tâm, nhưng bạn hỏi nhà bác Phước thì có chết mình cũng không dám cho, ai lại đưa thông tin cá nhân lên mạng được bạn.
Còn nếu bạn muốn đi thăm đồi cacao của bác (chứ không phải nhà bác), bạn lên trang web của hãng stonehill (bán sản phẩm cacao của Lộc) http://stonehill.vn/contact/ rồi gửi cho hãng cái mail, bạn hỏi xem bao giờ bác Phước có ở trên đồi (bác lên trên ấy khá thường xuyên), bạn rảnh thì bạn bỏ một ngày lên đó gặp bác Phước và xem ngọn đồi của bác ấy. Cũng gần TP HCM thôi bạn, đi lẫn về mất nửa ngày hoặc 1 ngày.
10:20
Sunday,21.2.2016
Đăng bởi:
Nguyễn Minh Thức
Xin chào tác giả bài viết, chào bác Phước và anh Lộc!
Tác giả có thể cho tôi biết địa chỉ cụ thể nhà bác Phước được không? ...xem tiếp
10:20
Sunday,21.2.2016
Đăng bởi:
Nguyễn Minh Thức
Xin chào tác giả bài viết, chào bác Phước và anh Lộc!
Tác giả có thể cho tôi biết địa chỉ cụ thể nhà bác Phước được không?
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Còn nếu bạn muốn đi thăm đồi cacao của bác (chứ không phải nhà bác), bạn lên trang web của hãng stonehill (bán sản phẩm cacao của Lộc) http://stonehill.vn/contact/ rồi gửi cho hãng cái mail, bạn hỏi xem bao giờ bác Ph
...xem tiếp