Nghệ sĩ thế giới

31. 3. 1885: Kẻ “giang hồ” Jules Pascin ra đời 01. 04. 15 - 10:39 am

Bop Lavender tổng hợp và biên dịch

 

Một góc trong triển lãm “Jules Pascin” tại bảo tàng Panasonic Shiodome Museum, Tokyo Shimbun, từ 17. 1 đến 29. 3. 2015

Sinh ra ở Bulgaria trong một gia đình có mẹ là người Secbia gốc Ý, còn cha là người Tây Ban Nha gốc Do Thái, cậu bé Julius Mordecai Pincas từ nhỏ đã có máu nghệ sĩ và phiêu lưu. Nổi tiếng trong thế giới nghệ thuật với biệt danh Pascin hay Jules Pascin, hoặc “Hoàng tử Montparnasse”. Trong Thế chiến I, ông làm việc tại Hoa Kỳ. Ông được biết đến như một họa sĩ của Paris, nơi ông thành danh cùng với trào lưu Hiện đại và giới nghệ thuật khu Montparnasse những năm 1910 – 1930.

Năm 17 tuổi, cậu thiếu niên Pascin đã sớm thoát ly gia đình tìm thầy học vẽ và khám phá thế giới. Cha cậu, một đại sứ quyền thế của Hoàng đế nước Áo, cũng là một thương gia giàu có, rất bực với kế hoạch sống đời giang hồ của cậu con trai.

Một mợ chủ lầu xanh ở Bucarest đã phát hiện ra năng khiếu hội họa của cậu thiếu niên. Bà khuyên cậu chuyên tâm vào hội họa, thường kể cho cậu về họa sĩ Toulouse-Lautrec, một người quen của bà, hay về Degas, và khuyến khích cậu nên tới Paris tạo dựng sự nghiệp.

Jules Pascin,”Ngủ khỏa thân”, 1928

Tuy nhiên, vì quá trẻ, Pinkas chỉ dám quyết bỏ nhà đến Vienna vào năm 1903. Tại Vienna, anh đã ghi danh vào trường họa, rồi gặp George Grosz (người Đức, về sau trở thành một nhân vật hàng đầu của  các phong trào DADA ở Berlin và Hiện thực Mới, đồng thời cũng là cây cọ biếm hoạ xã hội cực kỳ nổi tiếng.)

Năm 1904, 19 tuổi, tại Munich, anh có dịp tiếp xúc với Paul Klee, Wassily Kandinsky và Alfred Kubin. Tại đây, anh đã nhận được các đơn hàng vẽ tranh minh họa cho các tạp chí châm biếm như Lustige Blätter Simplicissimus.

Minh họa của Pincas cho tờ Simplicissimus

Sau một kỳ nghỉ ngắn ở Berlin, Pincas đến Paris vào ngày 24 tháng 12 năm 1905, và được các “ma xó” ở kinh đô ánh sáng nồng nhiệt chào đón: Rudolf Lévy, Walter Bondy và thương gia nghệ thuật Henri Bing. Bing lại  giới thiệu anh với nàng Hermine David (vào thời điểm đó nàng đang là học trò của Jean-Paul Laurens tại Họa viện Julian và cũng đang hành nghề như một họa sĩ chuyên vẽ tiểu họa trên ngà voi).

Cũng trong năm 1905, theo yêu cầu của gia đình – những người không tán thành lối sống phóng túng của Pincas – anh đã thay tên đổi họ thành JULES PASCIN. Dưới bút danh này, anh tiếp tục vẽ rất nhiều tranh mô tả đời sống của thế giới gái giang hồ, và nhanh chóng được các thành viên của giới nghệ thuật Paris chấp nhận.

Jules Pascin, “Hai cô gái trên sàn nhà”, 1909

Năm 1908, Pascin ghi tên vào học vẽ tại Trường họa Matisse. Anh dành nhiều thời gian tới thăm bảo tàng Louvre, đặc biệt quan tâm tới các họa sĩ thế kỷ 18: Watteau, Fragonard, Greuze và Boucher.

Năm 1910, Pascin gặp Lucy Vidil, người về sau trở thành mẫu vẽ cho Trường họa Matisse. Anh đã đề nghị cô đến ngồi làm mẫu tại xưởng vẽ của mình, và rồi nhanh chóng yêu nàng say đắm. Pascin kiếm được bộn tiền nhờ các đơn hàng đặt vẽ tới tấp, song là người hào phóng, thích tụ tập bạn bè, tiền bạc cũng chả ở lâu trong túi “kẻ đầu têu”. Cả vùng Montparnasse và Paris luôn “phát hoảng” với những bữa tiệc ầm ĩ của anh cùng cánh văn nghệ sĩ như André Warnod, André Salmon, André Derain và Kisling. Theo lời kể của sử gia Georges Charensol: “Vừa mới chọn được góc ngồi trong quán cà phê Dôme hoặc Sélect thì chỉ nhoằng phát đã có dăm bảy ông bạn quây tới; đến 9 giờ, khi chúng tôi rời quán để đi ăn trưa thì cả nhóm đã lên tới hai chục mạng, và sau đó, cho đến chiều tối, lúc tất cả nhất trí kéo về Charlotte Gardelle hay Princess Marfa ở khu Montmartre – nơi Pascin thể nào cũng ‘cướp dùi’ của tay trống trong ban nhạc jazz – thì anh đã phải gọi tới chục chiếc taxi mới chở hết bầu đoàn.” 

Jules Pascin, “Chân dung Lucy Krohg”, sơn dầu và chì, 1912

Năm 1913, Pascin gửi một số bức tranh của mình tới triển lãm Show Armory ở New York và được các đại lý nghệ thuật ở đây đánh giá cao. Đấy cũng là lần đầu tiên anh tiếp xúc với nước Mỹ.

Khi những loạt súng đầu tiên của Chiến tranh thế giới thứ nhất vang lên, Pascin hủy hợp đồng với các tạp chí Đức, bỏ xưởng vẽ, tìm cách vượt biển. Sang Mỹ, anh lại được rước đón bởi các chiến hữu cũ ở Paris như Max Weber và Maurice Sterne – người sẽ tiến cử anh với giới nghệ sĩ tiền phong của New York. Tại đây, anh đã gặp John Quinn, người sau đó trở thành nhà sưu tập tranh của Pascin, cũng như nhà phê bình Henry McBride. Một năm sau, người ta đã thấy nữ họa sĩ Hermine David, hậu duệ của danh họa cách mạng Jacques-Louis David, thường xuyên dính chặt lấy anh, và thế là cứ mỗi mùa đông, hai người lại đi nghỉ ở Charleston, bang Louisiana, hoặc sang Cuba – nơi anh sẽ vẽ hàng loạt tranh màu nước tuyệt đẹp. Pascin vẫn duy trì mối quan hệ liên tục bằng thư từ với Lucy.

Jules Pascin, “Hermine nằm trên giường”, màu nước trên giấy (không rõ năm sáng tác).

Quay lại Paris vào năm 1920, Pascin – lúc này đã mang quốc tịch Mỹ – kết hôn với Hermine, rồi anh gặp lại người tình cũ Lucy lúc đó đã là vợ của họa sĩ Na Uy Per Krogh và có một cậu con trai tên là Guy Krogh. Anh lại thường xuyên tổ chức tiệc tùng với các chiến hữu như Francis Carco, Pierre Mac Orlan, André Salmon, Paul Morand, Foujita, Kiki, Man Ray, Max Ernst và Soutine.

Giữa năm 1921 và năm 1922, Pascin chia tay Hermine, ổn định chỗ ở tại số nhà 36 đại lộ Clichy và vẫn tiếp tục giữ tình bằng hữu thân thiết với nàng. Cũng giống như tranh của mình, Pascin là người đàn ông gợi cảm và tinh tế. Trong suốt cuộc đởi, ông đã vẽ nhiều phụ nữ: Kiki, Aicha, Jacqueline Godard, Zniah Pichard, chị em nhà Pelmutter, Julie Luce, và nhiều người khác. Ông rất thích đi chơi ngoài trời với Hermine David, Lucy và chồng cùng cậu con trai Guy Krogh, và/hoặc với nhóm chị em giang hồ thân thiết.

Jules Pascin, “Khỏa thân với mũ xanh”

 

Giữa năm 1920 và 1930, kẻ lãng tử Pascin đã nhiều lần chu du khắp Bắc Phi, châu Âu và Hoa Kỳ. Năm 1926, ông dự định sang Palestine định cư, nhưng rồi đổi ý, chỉ ghé thăm Cairo và về lại Paris qua ngả Tunisia. Trong chuyến đi này ông cũng vẽ được khá nhiều tranh.

Năm 1927, Pascin trở lại New York để giải quyết một số công việc làm ăn, và gặp lại Lucy ở đó.

Từ năm 1927 đến 1930, Pascin mắc chứng trầm cảm, ông uống rượu nhiều hơn bao giờ hết và đã đốt cháy cả quãng đời còn lại trong cồn, rượu.

Pascin chưa bao giờ thôi yêu Lucy. Sau khi vật lộn với bệnh trầm cảm và chứng nghiện rượu, ngày 2 tháng 6 năm 1930. Pascin đã tự tử trong xưởng vẽ của mình. Trước khi chết, ông cắt tĩnh mạch lấy máu viết trên cánh cửa phòng dòng chữ “Vĩnh biệt Lucy”. Trong di chúc, ông để lại tất cả gia tài cho cả Lucy và Hermine.

Pascin vào năm ông qua đời – 1930

Ngày 7 tháng 6 năm 1930, tất cả các gallery nghệ thuật ở Paris đều đóng cửa để tiễn biệt ông; hàng nghìn người đã đi theo xe tang đưa ông đến một nghĩa trang nhỏ của khu Montparnasse. Một giáo sĩ Do Thái đã đọc lời cầu nguyện và lặp đi lặp lại câu “Hãy thanh thản nhắm mắt”.

Sau cái chết của ông, cả Hermine, vợ ông, và Lucy, người tình xưa, đã cùng nương tựa vào nhau để qua khỏi cú sốc tình cảm, và rồi họ sẽ về sống cùng nhau dưới một mái nhà cho đến cuối cuộc đời.

Với họa pháp thuộc Trường phái Paris, tranh của Pascin thường có các nhân vật quen thuộc là những cô gái giang hồ, những người đàn bà yếu đuối, bạn bè, … rất giàu chất thơ, song cũng đẫm mỉa mai, chua xót.

Jules Pascin, “Đôi bạn”

*

Từ FB của Bop Lavender

Ý kiến - Thảo luận

18:12 Wednesday,1.4.2015 Đăng bởi:  cứ từ từ
Cảm ơn bạn Bop Lavender đã dịch bài này , dịch rất hay ,câu chuyện vô cùng thú vị , không biết cuộc đời Pascin đã được dựng thành phim chưa nhỉ, có cuộc đời nghệ sĩ nào giống với 1 bộ phim hơn gã này không
...xem tiếp
18:12 Wednesday,1.4.2015 Đăng bởi:  cứ từ từ
Cảm ơn bạn Bop Lavender đã dịch bài này , dịch rất hay ,câu chuyện vô cùng thú vị , không biết cuộc đời Pascin đã được dựng thành phim chưa nhỉ, có cuộc đời nghệ sĩ nào giống với 1 bộ phim hơn gã này không 
11:23 Wednesday,1.4.2015 Đăng bởi:  quách hải thảo
...:)...có vẻ rất...bầy nhầy...
...xem tiếp
11:23 Wednesday,1.4.2015 Đăng bởi:  quách hải thảo
...:)...có vẻ rất...bầy nhầy... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả