Nghệ sĩ thế giới

Tháng Tư ngày 8 giỗ Pi 09. 04. 15 - 11:46 am

Bop Lavender

 

Chân dung Pablo Picasso do Robert Doisneau chụp năm 1952

Tên đầy đủ: Pablo Diego José Francisco de Paula Juan Nepomuceno María de los Remedios Cipriano de la Santísima Trinidad Clito Ruiz y Picasso

Tên ngắn gọn
: Pablo Picasso hay Picasso (còn zân ta quen gọi yêu là Pi)

Sự nghiệp
: ai chả biết.

Ngày 8 tháng Tư: ngày giỗ thứ 42 của Pi, phải biên lại đây kẻo quên mấy mẩu trò chuyện đáng nhớ nhất của danh họa với ông bạn thân Brassaï liên quan tới sự ra đời của cái tên ngắn gọn “Picasso”, sự nghiêm túc trong việc ký tên lên tranh, và cả tinh-thần-làm-chủ cao độ những gì thuộc về bản thân, hehe.
 

Picasso (áo nhạt màu) và nhiếp ảnh gia Brassaï. Ảnh của Lucien Clergue

*

Thứ Tư, ngày 20 tháng 10 năm 1943:

(Chiếc bàn, ngày hôm qua còn đầy bụi bặm, hôm nay đã sạch sẽ tinh tươm. Các cuốn catalog, tờ rơi, sách báo, và những lá thư được phủi bụi cẩn thận, thậm chí được xếp thành những chồng ngay ngắn. Picasso xuất hiện, thấy tôi ngỡ ngàng, thì khoái lắm.)

Picasso: Cả đêm hôm qua tôi đi tìm cái đèn pin mà không thấy, ông ạ. Đến bực khi có đứa thó đồ của mình. Tôi đã phải bới tung tất cả, lật hết các đống sách để truy tìm cái đèn mất tích. Nhưng vì thế mà tôi lại dọn sạch sẽ được mọi thứ, hehe.

Brassaï: Thế cái đèn, ông thấy nó chưa?

Picasso: Thấy rồi. Hóa ra nó ở trên gác, trong phòng tắm, ông ạ.

(Picasso có việc phải vào thành phố. Ông ra khỏi nhà. Ngay sau đó, một ma-đam ló vào, dưới nách cắp một cái bọc được gói ghém cẩn thận. Ma-đam muốn gặp “riêng” Picasso. Bà ấy mang đến một món đồ, và tin rằng hẳn là họa sĩ sẽ quan tâm, rồi sẵn sàng chờ ông cả buổi sáng, nếu cần. Hai tiếng sau, Picasso trở về, bà khách mở cái bọc, rồi lấy ra một bức tranh nhỏ: “Thưa ngài Picasso,” ma-đam thỏ thẻ, “cho phép tôi giới thiệu với ngài một bức tranh cũ của ngài.” Ông, có vẻ cảm động, bồi hồi ngắm tác phẩm xinh xắn đã lâu không gặp lại.)

Picasso: Vâng, đó là một bức tranh của Picasso. Chính xác đấy. Tôi đã vẽ nó ở Hyères. Suốt cả mùa hè năm 1922 tôi đã ở đó mà.

Khách: Ngài có thể làm ơn ký giúp lên đây được không ạ? Bất luận thế nào, sở hữu một tác phẩm đích thực của Picasso mà lại thiếu mất chữ ký của tác giả thì đau quá! Khách khứa thấy nó trong nhà chúng tôi rất dễ vu cho nó là hàng giả.

Picasso: Mọi người cứ luôn nhờ tôi ký lên các bức tranh cũ của tôi. Điều đó thậm vô lý! Dù có hay không có chữ ký thì tôi cũng đã để lại dấu vết của mình trên tranh rồi. À, mà có thời kỳ tôi thường ký lên mặt sau của toan đấy. Tất cả các tác phẩm của tôi trong giai đoạn Lập thể, cho đến khoảng 1914, đều có tên tôi và ngày tháng ghi ở đằng sau khung tranh. Tôi biết có kẻ còn đồn thổi câu chuyện rằng Céret, Braque và tôi nhất quyết không ký tên lên tranh của mình. Phịa đấy! Chúng tôi không muốn ký lên tranh là bởi vì e rằng chữ ký sẽ can thiệp vào bản thân bố cục của nó. Thậm chí, về sau, cũng vì lý do đó, hoặc do có người đòi hỏi, lắm lúc tôi phải đánh dấu lên mặt sau của tranh. Nếu bà không thấy chữ ký của tôi cùng với ngày tháng, đấy là do cái khung đã che mất nó, thưa bà.

Khách: Nhưng bức tranh do chính tay ngài vẽ cơ mà, thưa ngài Picasso, vì sao ngài lại từ chối ký giúp một chữ ký nhỉ?

Picasso: Ồ không, thưa ma-đam! Nếu tôi ký bây giờ, tức là tôi đã cố tình giả mạo đấy. Tôi đặt bút viết con số 1943 lên bức tranh vẽ từ năm 1922 ư. Không, tôi không thể làm thế được, xin hãy thông cảm cho tôi, ma-đam nhé.
 

Picasso lúc làm việc. Ảnh của Lucien Clergue

(Bị từ chối, bà khách cuộn bức tranh lại và ra về, còn chúng tôi tiếp tục câu chuyện về chữ ký. Tôi hỏi Picasso lý do vì sao ông lại cố tình chọn cái tên “Picasso”của bà mẹ.)

Picasso: Bạn bè tôi ở Barcelona vẫn gọi tôi bằng cái tên đó. Mà kỳ lạ lắm, cái tên này nghe lại vang dội hơn “Ruiz” cơ đấy. Có lẽ đó là lý do tôi chấp nhận nó. Ông có biết tôi thích nhất điều gì ở cái tên đó không? Vâng, chắc chắn là vì nó có hai chữ “s”, mà ở Tây Ban Nha, điều này rất hiếm. Chữ “Picasso” có nguồn gốc từ tiếng Ý, như ông biết đấy. Việc đặt cho ai một cái tên hoặc một người chọn lựa một cái tên nào đó rất là quan trọng đấy nhé. Ông cứ thử hình dung mà xem, tôi gọi mình là “Ruiz”? “Pablo Ruiz”? “Diego José Ruiz”? Hoặc “Juan Ruiz-Népomucène”? Tôi đã thử không biết bao nhiêu cái tên. Ông có để ý là trong những cái tên Matisse, Poussin, và Rousseau Nhà Đoan đều có hai chữ “s” không?

[Rồi Picasso hỏi tôi rằng liệu có phải chính tôi cũng lấy bút danh “Brassaï” là vì cái tên đó có hai chữ “s” hay không. “Tên đó có gốc gác từ tên của thành phố quê tôi,” tôi nói với ông, “tên thành phố đó có hai chữ ‘s’, mà phụ âm kép thì tạo nên âm vọng, đấy mới là lý do chính để tôi chọn nó.”]

*

Thứ Hai, ngày 25 tháng 10 năm 1943


(Picasso để tôi lại một mình, với sáu hiện vật bằng đồng nhỏ xíu ông lấy ra khỏi cái tủ “bảo tàng”. Vì không tìm được khoảng tường trống nào trong cái studio bừa bộn này làm phông chụp hình, tôi quyết định tự đóng lấy một bức vách. Mà thế thì phải có đinh. Tôi nhờ Marcel tìm giúp. Mà thật kỳ lạ, trong cái hầm lò nghệ thuật này có tới hàng chục tấm toan, hàng trăm cái bút lông và tuýp sơn, thế mà chẳng có nổi mấy cái đinh ghim. Marcel đã phải đi đến một quyết định hết sức khó khăn là nhổ vài cái đinh có sẵn trên tường, bằng con dao díp. Khi Picasso quay lại, ít phút sau, ngay lập tức mắt ông dán chặt vào sáu cái đinh “nhục nhã” kia.)

Picasso
: Ái chà, những cái đinh này là CỦA TÔI.

Brassaï
: Vâng, đúng là đinh CỦA ÔNG.

Picasso
: Hừ, tôi phải thu hồi lại.

Brassaï
: Đừng làm thế! Tôi cần chúng để đóng một cái vách đấy.

Picasso: Thôi được, cầm lấy đi. Tôi nhường ông. Dùng xong phải trả lại tôi đấy. Chúng là những cái đinh CỦA TÔI .

(Trính dịch từ nguyên tác “Brassaï – Conversation with Picasso”)

*

Còn đây là ảnh chụp một dịp cô tài tử BB đến thăm, cụ Pi trổ tài “ga-lăng” mọi nhẽ, từ trong nhà, ra ngoài sân.

Brigitte Bardot đến thăm xưởng của Pablo Picasso, 1956, dịp liên hoan phim Cannes. Bộ ảnh này của Getty Image

 

.

 

.

 

.

Chả biết các cụ nghệ ta có ai nuông mỹ nhân được như Pi chưa hè ???

Ý kiến - Thảo luận

4:07 Tuesday,14.4.2015 Đăng bởi:  mở ngoặc
Dù cách thể hiện khác nhau, nhưng Picasso cũng mắc chứng sợ đàn bà giống Felicien Rops :-)
...xem tiếp
4:07 Tuesday,14.4.2015 Đăng bởi:  mở ngoặc
Dù cách thể hiện khác nhau, nhưng Picasso cũng mắc chứng sợ đàn bà giống Felicien Rops :-) 
16:10 Friday,10.4.2015 Đăng bởi:  Phạm xuân Nghị

Chu cha ôi ! Lần đầu tiên tôi được biết cái tên đầy đủ của họa sĩ bậc thầy của hội họa thế kỷ XX người Tây Ban Nha đấy ! Cảm ơn trang Soi đã cung cấp những thong tin mỹ thuật bổ ích, hấp dẫn trong phong cách văn học rất lôi cuốn!
Bài hóm lắm và ấn tượng thì đương nhiên rồi !
Chúc sức khỏe và thành tựu, Soi nhé !


...xem tiếp
16:10 Friday,10.4.2015 Đăng bởi:  Phạm xuân Nghị

Chu cha ôi ! Lần đầu tiên tôi được biết cái tên đầy đủ của họa sĩ bậc thầy của hội họa thế kỷ XX người Tây Ban Nha đấy ! Cảm ơn trang Soi đã cung cấp những thong tin mỹ thuật bổ ích, hấp dẫn trong phong cách văn học rất lôi cuốn!
Bài hóm lắm và ấn tượng thì đương nhiên rồi !
Chúc sức khỏe và thành tựu, Soi nhé !

 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tranh chưa khô đâu (cãi chưa xong đâu!)

Roberta Smith – Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả