Đi & Ở

Tinh thần Brahmin, văn hóa Brahmin 30. 04. 15 - 6:47 pm

Phó Đức Tùng

(Các bạn xem danh sách các bài trong loạt này ở cuối bài)

*

Boston 14. 04. 2015

Khu trung tâm Boston gồm nhiều mô nhỏ, với những trọng tâm khác nhau: khu phố Tàu, phố Ý, khu Mỹ đen, Do Thái, Ái Nhĩ Lan, khu nhà hát, khách sạn, mua sắm, tài chính, bến cảng, chợ, hành chính, công viên v.v… Những mô này có kích thước khá nhỏ, bán kính đi bộ chỉ khoảng 100-200m. Chúng được phân định ranh giới một cách tương đối bởi những tuyến đường chính. Giao thông cơ giới chủ yếu chạy trên những mạch chính này. Một số tuyến chính cũng là tuyến mua sắm. Trong nội bộ từng mô, gần như rất ít giao thông, chủ yếu đi bộ. Ta có thể nhẩn nha ngắm nghía, quan sát những nét đặc biệt trong kiến trúc, công năng, sinh hoạt của từng khu.

Tuy nhiên, gần như không có khu phố đi bộ chuyên biệt. Chỗ nào cũng có thể đi bộ, và chỗ nào xe cũng có thể tới nơi. Những đường xá trong nội bộ từng mô phố tương đối nhỏ, xe vẫn vào được, nhưng rất ít xe, và thường chỉ chạy một chiều, tốc độ rất chậm, nên đi bộ thoải mái. Trẻ con còn có thể chơi giữa đường. Những đường giao thông chính, nhiều xe hơn thì vỉa hè lại rất rộng, đi bộ thoải mái, và tốc độ giao thông cũng tương đối chậm. Người đi bộ có thể qua đường tại đèn xanh đèn đỏ, nhưng ngoài ra có vạch ngựa vằn ưu tiên ở tất cả các góc phố, và cũng có thể qua đường bất kỳ chỗ nào, thường thì xe vẫn dừng lại nhường.

Một con phố ở trung tâm Boston. Ảnh từ trang này

Tuy có những mô tập trung công năng, nhưng mọi khía cạnh công năng, văn hóa đô thị đều nằm rải rác khắp nơi. Người ta có thể đi theo những tuyến để khám phá từng chủ đề. Chính thức được in vào bản đồ, đánh dấu trên đường phố là tuyến đỏ, freedom trail, liên kết những di tích lịch sử quan trọng liên quan tới lịch sử đấu tranh dành độc lập tự do tại Boston; tuyến xanh blue, là tuyến dạo bờ nước, bến cảng; tuyến tím kết nối những di sản của văn hóa Mỹ đen. Ngoài ra, những tổ chức xã hội khác nhau cũng đề xuất những tuyến khám phá theo các chủ đề khác nhau: tuyến xanh liên kết các không gian xanh, sinh thái, tuyến văn hóa Ái Nhĩ Lan, văn hóa Ý, Do Thái.
 

Đi theo tuyến đỏ của Freedom Trail tới các di tích. Ảnh từ trang này

Nếu thích mua sắm thì phố Newsbury là một phố mua sắm rất đặc biệt. Phố này gồm toàn biệt thự xinh xắn, sang trọng, xây liền kề. Mỗi biệt thự là một boutique shop đẹp đẽ. Từ những loại hàng độc, hàng designer, tới những thương hiệu nổi tiếng thế giới cũng đều nằm trong những căn nhà cổ xinh đẹp này, và chỉ khác nhau biển hiệu, cách trang trí nội thất, chứ không thương hiệu nào có thể nổi bật bởi một tòa nhà đồ sộ. Đường đi bộ cũng xinh đẹp, rợp bóng cây, xẩm tối là lên đèn rực rỡ. Đèn đường thấp, ấm cúng. Khách đi khá đông, nhưng thư thái tản bộ, ngắm cảnh, tán chuyện, thỉnh thoảng ghé vào hàng, chứ không hùng hục đi như ở các khu mua sắm thông thường. Cũng có thể hình dung những tuyến hành trình kiến trúc, âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, ẩm thực, tôn giáo, học thuật v.v. tùy theo ý của mỗi người.

Một đoạn phố Newsbury. Ảnh của xS☺B☺s, từ trang này

Bất kỳ chủ đề gì, ta cũng có thể tạo ra những tuyến có chất lượng, có nghĩa là kết nối đủ một số lượng điểm hấp dẫn, đẳng cấp cùng chủ đề. Nhưng bất kỳ một điểm nào, cho dù là khách sạn, nhà hàng, nhà hát, di tích lịch sử, địa điểm văn hóa, sắc tộc v.v. đều không quá lớn, quá nổi bật về hình thức bên ngoài, khiến cho nó bị bật ra khỏi tổng thể xung quanh. Có thể nói, bức tranh đô thị Boston là một tấm thảm Ba Tư được dệt với mắt rất nhỏ, rất tinh, bởi rất nhiều sợi có màu sắc, chất liệu khác nhau. Những mô khác nhau trong đô thị như những hoa văn khác nhau trên tấm thảm đó, có thể có hình thù, màu sắc rất khác nhau, nhưng vẫn là những phần của một tấm thảm. Các khu phố Tàu, phố Ý, còn giữ được một số nét đặc trưng, nhưng cũng không hẳn như ở Tàu, ở Ý, và không ảnh hưởng nhiều tới ấn tượng tổng thể của thành phố.

Đặc biệt, ta biết Boston là một trong những thành phố thu hút nhiều khách du lịch loại nhất nước Mỹ. Nhưng trong trung tâm nhỏ này, người ta hoàn toàn không thấy không khí của một khu du lịch, mà là một thành phố sống. Không có những nỗ lực quá đáng để thu hút khách. Không có nhiều quầy souvenir, không có quảng cáo danh thắng. Đầu đường nào cũng có bản đồ công cộng, chỉ rõ đường lối và những điểm nhấn, những tuyến du lịch chính, như freedom trail được chỉ dẫn rất tế nhị mà rõ ràng bằng một chỉ gạch đỏ lát dưới vỉa hè, thành ra cũng ít thấy những du khách cắm đầu vào bản đồ du lịch. Mọi nơi đều đẹp, đều thích, chứ không dồn vào vài điểm nên cũng không thấy những đoàn du khách có người cầm cờ vẫy đường, hùng hục lao đi rồi bu lại ở một danh thắng nhất định. Nói chung trong cả dòng người, gần như không phân biệt được ai là dân Boston, ai là du khách.
 

Phố Newsbury. Ảnh từ trang này

Nghe đồn là bản sắc tổng thể của Boston được quyết định bởi một văn hóa quý tộc cục bộ rất đặc trưng, gọi là văn hóa Brahmin. Hình mẫu con người Brahmin đặc trưng là những học giả được đào tạo từ bé về khoa học kỹ thuật, có đầu óc logic, sáng suốt, đồng thời có thẩm mỹ và kiến thức văn hóa nghệ thuật cao. Mặt khác, mẫu người này phải thành đạt, hiệu quả trong làm ăn, kinh doanh sản xuất, lại cần luôn giữ được tinh thần trách nhiệm với gia đình, xã hội, ý thức chính trị v.v…, luôn giữ được mức thăng bằng giữa lợi nhuận và đầu tư phúc lợi xã hội, chiến lược phát triển, khuyến khích khoa học nghệ thuật chung. Tầng lớp Brahmin có quan hệ với nhau rất mật thiết, thậm chí còn có thổ ngữ riêng, phong tục tập quán riêng, như dạng câu lạc bộ hay hội kín. Tuy tầng lớp này chỉ là một nhóm nhỏ ở Boston, và cũng không giao lưu mạnh ra các giới khác, nhưng thang giá trị của Brahmin thể hiện trong mọi chi tiết đô thị, cuộc sống, và được áp dụng cho mọi sắc tộc, tạo nên một bản sắc chung.

Locke-Obe: một nhà hàng “rất Brahmin” ở Boston.

Đêm nhạc giao hưởng

Nếu bạn quan tâm tới một tour âm nhạc, thì sợi tơ nối sẽ dẫn bạn qua rất nhiều nhà hát, nhạc viện, trường nhạc tầm cỡ thế giới, với những trọng tâm, đối tượng phục vụ khác nhau, rồi chia nhỏ theo những mao mạch li ti tới từng phòng hòa nhạc nhỏ trong các tòa nhà, các công ty lớn, trường học, câu lạc bộ, tới từng phòng khách gia đình. Mọi thử nghiệm, mọi thể loại âm nhạc, mọi quy mô và đối tượng đều có không gian để thử nghiệm, trình diễn, thưởng thức. Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất trong tuyến âm nhạc chắc chắn là phòng hòa nhạc giao hưởng thành phố, nơi tôi đi qua đầu tiên và cũng là điểm dừng cuối cùng trong mấy ngày tham quan Boston. Đây cũng là một điểm sinh hoạt văn hóa điển hình và lâu đời của tầng lớn Brahmin Boston.

Nhắc lại, tòa nhà của dàn nhạc giao hưởng Boston nổi tiếng thế giới này là một tòa nhà gạch thấp bé, giản dị so với những công trình xung quanh, trông hơi giống nhà kho, mà nếu không đến sát tận nơi đọc biển tên sẽ không ai nhận ra là một phòng hòa nhạc giao hưởng lớn. Vỉa hè trước nhà hát hẹp, thậm chí hẹp hơn mức bình thường, được che bởi một tấm hiên nhẹ, đơn giản như cái mái hiên di động. Mái hiên này thấp và kéo dài hết chiều dài nhà, che tầm nhìn lên phía trên tòa nhà, càng khiến nó có vẻ nhỏ bé. Cửa vào nhà hát cũng là mấy cánh cửa kính khung gỗ đơn giản, không trang trí, như cửa vào một kiosk ven đường. Đây vốn chỉ là cổng phụ, cổng chính ở một đầu hồi, có cột Hy Lạp trông hoành tráng hơn, nhưng hiện không thấy dùng, có thể do có công trường xây dựng. Nhưng kể cả nhìn từ mặt tiền thì cũng vẫn lọt thỏm so với những công trình khác xung quanh (nếu nhìn ảnh thì khó hình dung vì không có sự so sánh) 

Nhà hát Boston thật ra đầu hồi cũng có cột Hy Lạp

 

Hồi 1950 còn vào ở cửa này. Ảnh từ trang này

 

Nhưng anh Tùng vào ở cổng hông này, với mái hiên bé

Buổi hòa nhạc bắt đầu lúc 8 giờ, thì khoảng 7h45 mới có những khách đầu tiên tới. Bên trong nhà hát cũng không có đại sảnh, không có cầu thang hoành tráng, mà chỉ có một hành lang hẹp dẫn tới các cửa vào. Không có chỗ để lân la, trưng diện, uống cocktail, cắn hạt dưa, khoe quần áo đẹp, tìm gặp người quen hay bình luận, khoe kiến thức như ở các nhà hát lớn khác. Khách đều ăn mặc bình thường, đến dồn dập, đi vào thành dòng rồi nhanh chóng chảy vào các cửa như vào tầu điện ngầm. Vé xem chỉ khoảng 20-30 USD, tương đương một bữa ăn trưa bình thường. Sinh viên các trường nhạc có thể đăng ký xin vé cho tất cả các buổi hòa nhạc. Thực ra tiền vé chẳng thể đủ cho chi tiêu của dàn nhạc. Nhà hát này chủ yếu nhờ vào quyên góp của các đại gia.

Bước qua cửa là phòng hòa nhạc rộng, cao, hình hộp chữ nhật vuông vức, đơn giản nhưng trang trọng, tông màu trắng ngà với hoa văn dát vàng. Trong vòng 15 phút, cả phòng hòa nhạc rộng mênh mông đã kín người, ổn định. Đúng 8h, phòng đã giảm đèn, đóng cửa, im phăng phắc, không một tiếng chuông điện thoại, không xào xạc nói chuyện. Trên sân khấu bắt đầu tiếng lên dây đồng loạt, không thông báo, nhắc nhở, không giới thiệu.

Bên trong phòng hòa nhạc. Ảnh từ trang này

Mở đầu là tác phẩm dreamscape của Schuller. Nhạc đương đại, mơ hồ khó hiểu, đúng là dreamscape. Nhưng phải ngạc nhiên là âm thanh của phòng hòa nhạc trông có vẻ đơn giản này vô cùng hiệu quả. Ngồi ở phía khá sau, nhưng chỉ cần nhắm mắt lại thì cảm giác như cả dàn nhạc ở ngay trước mặt, từng bè từng nốt nghe rõ mồn một. Hết bài, một ông già lụ khụ 90 tuổi ngồi hàng đầu, đứng dậy, quay lại cúi chào khán giả. Không ai giới thiệu, mọi người đều hiểu, ông chính là Schuller, tác giả của nhạc phẩm, tiếng vỗ tay rộn lên. Ông cụ vừa sáng tác bài này cách đây 2 năm, hôm nay công diễn ở đây. Chào xong, cụ lặng lẽ đi về, không ai chúc tụng, không ai tặng hoa, coi như một chuyện thường ngày.

Tiếp đến là Concerto số 27 của Mozart, solist là Richard Goode. Concerto này tương đối đơn giản, ít thủ pháp, ít đoạn khó, kỹ thuật cao siêu. Những sinh viên trung cấp thường đã học tới bài này. Dàn nhạc tương đối nhỏ, chỉ có dàn dây và sáo, oboe, bassoons, horn. Nhưng tác phẩm này lại là một trong những tác phẩm được trình diễn rất nhiều lần tại nhà hát Boston từ nửa thế kỷ nay, với những tên tuổi lừng danh như Serkin, Perahia, Ashkenazy, Eschenbach, Kissin, Goode v.v.

Âm thanh vừa cất lên, tôi đã lập tức nhận thức được sự khác biệt. Tiếng dàn dây mềm, bóng, vừa dày vừa đều, âm thanh cộng hưởng với nhau, khiến ta cảm giác như nhung lụa gấm vóc trải ra lớp lớp. Thế rồi tiếng đàn piano ngân lên trong vắt, như châu ngọc rắc lên, hạt nào hạt nấy lóng lánh cao quý. Thế rồi có lúc tiếng solo như đứa trẻ tung tăng, như con bướm bướm bay lượn. Dàn nhạc như gió, như mây, như sóng vỗ lên bờ, nâng đỡ từng nốt piano một, như mẹ hiền bồng đứa con nhỏ, như cây đơm hoa. Chưa bao giờ tôi được nghe một sự phối hợp nhuần nhuyễn tới như vậy giữa dàn nhạc và solist. Ở Việt Nam, nghe một bản concerto như vậy, thường có cảm giác dàn nhạc và solist là hai bè, đối đáp lẫn nhau, cũng có lúc bổ trợ, nâng đỡ cho nhau, nhưng chưa bao giờ cảm thấy hai thứ liền thành một cơ thể tuyệt đối đến từng nốt như vậy. Quay sang, cậu em sáng tác đã ngủ ngon lành, miệng há hốc, như đứa trẻ nằm võng nghe tiếng hát ru. Thanh niên nói chung cần có những kích động mạnh hơn để có thể cảm thấy hưng phấn. Thế nhưng cứ ngủ ngon như vậy, cái hòa âm hoàn hảo kia vẫn ngấm dần vào người, như tiếng mẹ ru, dần tạo nên cái gu thẩm mỹ âm nhạc lúc nào không biết. Còn nếu ta chú tâm vào nghe, sẽ thấy rằng sự khác biệt ở đây không phải là hình khối bên ngoài, mà là, cái lóng lánh tinh vi và hài hòa đến hoàn hảo. Nó tạo ra sự sang quý của một tuyệt phẩm. Cũng giống như một chuỗi hạt bằng nhựa rởm, và chuỗi ngọc ruby, có thể cùng hình thức, màu sắc, nhưng cái sang cái hèn, khác nhau về chất. Đa số chỉ có những người đã đứng tuổi, từng trải nhiều, trầm tĩnh, có đủ bề dày thẩm mỹ mới có thể nhâm nhi cái sự khác biệt này, tựa như ta chiêm ngưỡng cái patina không thể thay thế trong một món đồ cổ quý giá vậy.
 

Bên trong nhà hát. Ảnh từ trang này

Cuối cùng là bản giao hưởng “Heldenleben” (đời anh hùng) của Richard Strauss. Nhạc sỹ viết giao hưởng này lúc hơn 80 tuổi, như một hồi quang phản chiếu, lướt lại tất cả mọi thăng trầm, ố ái hỷ nộ, mọi dự án lớn trong cuộc đời mình. Với lối tư duy như Wagner, bản nhạc được thiết kế phức tạp, dầy dặn, với toàn bộ dàn nhạc giao hưởng cổ điển, đầy đủ các ban bệ. Bản nhạc không có những cao điểm thiên tài, nhưng chắc chắn, chặt chẽ. Từng khối âm thanh bám sát lấy nhau, nhô lên ngụp xuống, tỏa ra thu lại, bài bản như trận pháp, không có chỗ nào rối loạn. Nghe bản giao hưởng này, có thể hình dung ra ngay hình ảnh cả trung tâm đô thị Boston biến hóa theo thời gian, dịch chuyển, phát triển, biến hóa, nhưng vẫn chặt chẽ, nặng chịch như những tòa nhà gạch trần, bê tông. Tác phẩm kết thúc bằng một hòa âm rầm rộ, đánh dấu điểm kết của cuộc đời, rồi vút lại như ngôi sao băng, lịm vào yên tĩnh, như linh hồn nhạc sỹ đã dời khỏi chốn bụi trần, thoát mọi hình hài, trở về với vĩnh hằng.

Ba tác phẩm, thuộc ba thể loại rất khác nhau, nhưng cũng cho thấy được chiến lược văn hóa cũng như nhu cầu của khán giả: thử cái mới, giữ lấy cái tinh quý, và đảm bảo sự ổn định, bền vững, chắc chắn, và cuối cùng là nhu cầu tín ngưỡng, transcendent. Cái tinh thần Brahmin vẫn hiển hiện rõ nét như thuở nào.

Ý kiến - Thảo luận

19:33 Thursday,30.4.2015 Đăng bởi:  Bàn-Văn-Lùi
Chèng đéc:

"...Quay sang, cậu em sáng tác đã ngủ ngon lành, miệng há hốc, như đứa trẻ nằm võng nghe tiếng hát ru. Thanh niên nói chung cần có những kích động mạnh hơn để có thể cảm thấy hưng phấn..."

Xin hỏi khí không phải:

Cậu thanh niên (không nghiêm túc lắm kia) của bác Tùng có trót

NGÁY VANG NHƯ SẤM

giữa khán phòng không ạ ???

Màn kéo-bễ ở Nhà hát N
...xem tiếp
19:33 Thursday,30.4.2015 Đăng bởi:  Bàn-Văn-Lùi
Chèng đéc:

"...Quay sang, cậu em sáng tác đã ngủ ngon lành, miệng há hốc, như đứa trẻ nằm võng nghe tiếng hát ru. Thanh niên nói chung cần có những kích động mạnh hơn để có thể cảm thấy hưng phấn..."

Xin hỏi khí không phải:

Cậu thanh niên (không nghiêm túc lắm kia) của bác Tùng có trót

NGÁY VANG NHƯ SẤM

giữa khán phòng không ạ ???

Màn kéo-bễ ở Nhà hát Nhớn vẫn thường xuyên xảy ra đó, bác Tùng.

Đến ngượng với những lần có khách ngoại quốc. Trong lúc ban nhạc đang cử hành những du dương thanh tao, bỗng ở một góc kín, đột ngột vang lên những chuỗi âm thanh nhịp đều như vắt chanh PHÌ PHÒ PHÌ PHÀ PHÌ PHÒ KHỪ ... khiến dàn nhạc trên sân khấu đang chơi phải rựng hết tóc gáy, mà bà con khán thính khán giả nghiêm túc thì tím mặt vì uất.

Bác nên nhắc nhẹ cậu em mới phải chứ ạ ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Cuối cùng không nhịn được nữa, tôi phải nói ra tên những kẻ đốt tôi đây…

Bài phỏng vấn độc quyền ông Cột Nhà Cháy của phóng viên Đen Nhẻm, báo Bồ Hóng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả