Tin tức

Tin-ảnh: Chia buồn với Nepal, điêu khắc ở sân bay ma, cổ vật lậu bị bắt 29. 04. 15 - 8:53 am

Hoàng Lan dịch

 

PHÚC CHÂU – Các vị tăng lạy tượng Phật trong lúc 300 Phật tử cầu nguyện cho các nạn nhân của trận động đất ở Nepal tại chùa Khai Nguyên thuộc thành phố Phúc Châu, phía đông tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc hôm 26. 4. 2015. Các tổ chức cứu trợ cùng chính phủ khắp thế giới đang nỗ lực giúp đỡ Nepal sau tai ương, tuy nhiên đường sá hư hại, lưới điện đứt, các bệnh viện đang trong tình trạng quá tải nên công tác cứu hộ ở đất nước vốn đã nghèo khó này càng thêm phần khó khăn. Ảnh: China Out.

 

Các chuyên viên cứu hộ người Nepal và dân thường tụ tập quanh tòa tháp sụp Dharahara tại Kathmandu vào ngày 25. 4. 2015. Trận động đất mạnh 7.9 độ đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho thủ đô Kathmandu, dư chấn của nó mạnh đến nỗi cơn rung chuyển còn lan đến các nước lân cận. Ảnh: Prakash Mathema.

 

Kết hợp với ảnh tư liệu cũ cho dễ so sánh: hình bên trái chụp một anh quản tượng đang cưỡi chú voi đi ngang qua tòa tháp Dharahara – xây từ thế kỉ 19 tại Kathmandu, ảnh bên phải chụp các cứu hộ viên và người dân tụ tập quanh chân tháp bị sụp sau trận động đất. Ảnh cũ chụp vào ngày 27.10.1998, còn ảnh mới chụp hôm 25.4.2015. Các cứu hộ viên đang dốc sức tìm người sống sót sau trận động đất (số người thiệt mạng hiện lên tới hơn 2000), họ cố đào để tìm những ai còn kẹt trong đống đổ nát tại thủ đô Kathmandu. Người ta phải dùng máy bay để cứu các nạn nhân ở khu cắm trại dưới chân núi Everest sau khi vụ động đất kéo theo tuyết lở, làm khu trại bị vùi sâu trong tuyết. Ảnh: Devendra M Singh / Prakash Mathema

 

CASTELLON – Điêu khắc của nghệ sĩ Ripolles đứng sừng sững một cách buồn rầu tại “sân bay ma” Castellon, thuộc tỉnh Castellon, Tây Ban Nha vào hôm 23. 4. 2015. Chính quyền đã đóng cửa sân bay sau khi nó được xây dựng xong. Castellon cách một sân bay khác ở thành phố Valencia khoảng một giờ lái xe (rõ vô duyên), nó hiện là biểu tượng cho sự thừa mứa của cơn sốt xây dựng – nguyên nhân đẩy đất nước này lún vào cơn khủng hoảng kinh tế hồi năm 2008. Sân bay Castellon khánh thành năm 2011 nhưng lại thiếu giấy phép cần thiết để lưu thông hàng không, thế nên nó bị bỏ hoang suốt bốn năm. Các nhà quy hoạch từng mong rằng Castellon sẽ lôi kéo nhiều du khách đến vùng bờ biển đầy nắng của tỉnh, nhưng kế hoạch này bất thành. Ảnh: Jose Jordan.

 

CAIRO –  Cỗ quan tài – một trong hơn 120 cổ vật tuồn lậu ra khỏi Ai Cập nhưng sau đó bị hải quan Mỹ tịch thu – bày trước báo giới ở sân bay quốc tế Cairo hôm 24. 4. 2015. Các món này nằm trong danh sách của chính phủ về các cổ vật bị buôn lậu, gồm lô quan tài vẽ màu của triều đại thứ 26 (664 – 525 trước Công nguyên), một tấm bia từ thời Tân Vương Quốc (thế kỷ 16 – 11 trước Công nguyên), và nhiều đồng xu Hy Lạp-La Mã cổ. Ảnh: Hosam Atef.

 

ROME – Ảnh chụp phù điêu vữa đắp trên tường nhà thờ dị giáo cổ Basilica Porta Maggiore. Nhà thờ này thuộc học phái Pythagorean và Neopythagorean – bên trong tạc nhiều cảnh từ tích thần thoại đến các tập tục bí ẩn – có niên đại khoảng đầu thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Người ta tình cờ phát hiện ra nó vào năm 1915 khi đang xây dựng một tuyến đường ray xe lửa. Khu nhà thờ ngầm sâu 9m dưới lòng đất này sẽ sớm mở cửa đón công chúng sau đợt trùng tu tỉ mẩn và dài hơi nhằm giúp công trình cổ trở nên vững chãi, an toàn hơn. Hoạt động trùng tu cũng sẽ giải quyết tình trạng thấm nước cũng như ô nhiễm sinh học cho nhà thờ. Ảnh: Filippo Monteforte, chụp hôm 24. 4. 2015

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả