|
|
|
|||||||||||||
Ăn uốngẨm thực Nhật (phần 2): Nấu kombu và cá bào, khi cương khi nhu 28. 02. 16 - 6:48 amPha LêKỳ trước chúng ta đã tìm hiểu về nguyên liệu kombu, wakame, và katsuobushi. Nhưng nấu chúng thế nào nhỉ? Giống bao nguyên liệu Nhật khác, chúng nó nom thì đơn giản nhưng nấu lại hơi kỳ công. Hiểu sẽ làm được, còn không hiểu, sai một ly là món sẽ khác tới… nghìn dặm. Cách nấu kombu và katsuobushi Chỉ cần nhớ thế này: katsuobushi có thể ăn ngay, kombu cần chế biến. Katsuobushi có vị mặn dễ chịu, giống cá khô nhưng nhẹ hơn, nên ta có thể dùng nó rắc lên các nguyên liệu như xa-lát, đậu phụ… để tăng độ ngon.
Điều cần lưu ý nữa: katsuobushi ưa lửa nhưng không ưa được lâu, còn kombu vô cùng kỵ nhiệt độ cao. Nước dùng dashi – loại nước dùng phổ biến nhất quốc gia anh đào – sử dụng hoặc kombu, hoặc katsuobushi, hoặc cả hai nguyên liệu này. Thoạt đầu nghe thấy dễ nhưng dashi không phải loại nước dùng muốn nấu sao là nấu. Đối với nước dashi ngon nhất – loại dùng cả kombu và katsuobushi – đầu bếp cần bỏ kombu vào nước lạnh trước, vặn lửa cho nước vừa sủi bọt nhẹ là vớt ra liền, chứ để nước sôi là kombu sẽ trở nên tanh tanh đắng đắng. Sau khi vớt kombu, chờ nước sôi sùng sục là cho nhúm katsuobushi vào. Cá katsuobushi cần nhiệt lớn để ra vị ngọt nên nước phải sôi. Tuy nhiên nó vẫn là cá, nấu lâu sẽ ra mùi khó chịu và chẳng thêm được bao nhiêu chất ngọt nên vừa cho katsuobushi vào nước sôi là tắt bếp liền, không “hầm” như ninh xương heo. Ngâm katsuobushi từ 5, 10 giây đến 5 phút trong nước nóng đã tắt lửa, sau đó đem lọc qua cái rây. Katsuobushi loại dưới trung bình cần ngâm 5 phút để “bòn rút” chất ngọt, còn katsuobushi loại honkarebushi đỉnh cao chỉ cần ngâm 5 tới 10 giây thôi, do khuẩn nấm đã chuyển hóa toàn bộ protein trong cá khô thành amino acid ngon lành rồi, honkarebushi ngâm lâu lại mất chất.
Nước dashi tiện vì nấu rất nhanh, không cần hầm 3 tới 8 tiếng chi cho oải, chỉ cần biết phải nhẹ chỗ nào, mạnh chỗ nào, nhanh chỗ nào là ổn. Nước dùng thoảng vị ngọt của kombu, vị mặn và mùi nồng dễ chịu của cá khô katsuobushi. Tất nhiên nấu dashi kiểu “siêu cầu kỳ” sẽ lâu, nhà hàng xịn không bao giờ thèm nấu kombu cả, họ cho rằng đã “nấu” trong nước nóng là kombu mất ngon rồi. Thay vào đó, họ ngâm kombu trong nước nguội độ… 6 tiếng, rồi mới lấy nước ngâm kombu đi nấu katsuobushi để ra nước dùng dashi. Như vậy dashi ngon hơn nhiều, nhưng chúng ta nấu ở nhà chẳng cần cầu kỳ vậy nếu không rảnh. Các món canh từ nước dashi Thế dashi làm thành món gì? Nước dùng mà, tất cả món nào cần nước dùng cứ xài dashi thôi. Các món canh, món hầm, món mì nước, món nước chấm nào của Nhật cũng có dashi hết. Đặc biệt món canh miso thường thấy ở nhà hàng Nhật là dùng dashi đấy, cứ pha dashi nóng với tương miso là ra canh ngay.
Ngoài canh miso, Nhật còn có món canh nấu trong ấm trà, gọi là dobin mushi (dobin là ấm trà, mushi là hấp, tức món này phải hấp nguyên cái ấm trà, chứ không nấu trong nồi như canh). Món nhìn rất hoành tráng, ăn vô cùng ngon, nhưng cách làm chỉ là bỏ nguyên liệu sống vào ấm trà, rót nước dashi vô, đem nguyên cái ấm đi hấp cho tới khi mọi thứ bên trong vừa chín. Món này chẳng cần pha tương miso luôn vì nguyên liệu bên trong sẽ hòa với “bột ngọt tự nhiên” của kombu – vốn có sẵn trong nước dashi, và sẽ giúp món dobin mushi thơm ngon lạ lùng. Dobin mushi truyền thống thường có tôm hoặc cá, bạch quả, nấm… thực khách rót nước dùng ra để húp trước, sau đó moi các thứ bên trong ra ăn. Dobin mushi ngon ngọt hơn miso là do đầu bếp bỏ hết nguyên liệu và nước dashi vào ấm trà, đậy nắp lại rồi đem hấp cả ấm. Như vậy nhiệt rất “hiền lành”, tỏa đều xung quanh ấm, làm món ăn chín gián tiếp qua hơi nước chứ không trực tiếp như nấu trên lửa. Ấm lại kín nên mọi thứ đỡ mất vị như khi ta nấu canh tơ hơ.
Ngày nay dobin mushi có thể có thêm thịt gà cùng nhiều nguyên liệu khác nữa. Thay vì hấp nguyên ấm trà, nhà hàng lười sẽ ăn gian bằng cách dùng nồi nấu chín nguyên liệu với dashi ở ngoài trước, sau đó… bỏ vào ấm rồi bưng ra. Dobin mushi đắt hơn do nó phụ thuộc nhiều vào chất lượng của dashi cộng với chất lượng của nguyên liệu bỏ bên trong. Trái lại, canh miso dễ chữa cháy hơn. Tương miso vốn nồng nên nếu nước dashi không ngon, tương miso sẽ giúp át bớt phần dở. Nếu nguyên liệu trong canh miso không tươi, tương miso cũng sẽ giúp loại bớt mùi thum thủm. Dobin mushi không có miso gì hết, nó phụ thuộc vào độ ngon của dashi và nếu nguyên liệu bên trong không tươi tốt cũng sẽ khó giấu diếm, nên người nấu cần cẩn thận hơn nhiều. Dù dobin mushi có cao cấp và đắt hơn canh miso, nhưng nói cho cùng cả hai vẫn có cái ngon riêng, chỉ cầu nấu ra được dashi ngon là sẽ có canh ngon ngay thôi. Tôi từng nấu canh miso đậu bắp, canh su hào bằng nước dashi, ăn ngon phết, lại không cần hầm xương mấy tiếng đồng hồ. Mới hai nguyên liệu mà thấy người Nhật chế ra lắm món quá nhỉ, kỳ sau chúng ta nghiên cứu các nguyên liệu khác nhé. Khuyến mãi: kombu sau khi nấu nước dùng Kombu nấu với nước sôi lăn tăn là vớt ra, sau đó kombu mất chất ngọt nên dù ta có thể lấy lại để nấu nước dùng lần hai, nước dùng sẽ không ngon nữa. Tuy nhiên người Nhật chẳng bỏ phí gì đâu, mỗi ngày sau khi lấy kombu nấu nước là họ giữ kombu lại, tới khi gom được lượng rong kha khá, họ đem chúng đi nấu cho mềm rồi ngâm chua để làm xa-lát trộn. Không thì đem sên kombu đã nấu đó với đường, nước tương, rượu sake… ra thành món kiểu “kombu kho”, ăn mằn mặn ngòn ngọt rất thích.
* Địa chỉ: Các shop Nhật trên đường Lê Thánh Tôn như Tokyo Shop 15A8 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Q.1, hoặc Akuruhi số 05 Lê Thánh Tôn Phường Bến Nghé, quận 1 đều có bán tảo bẹ kombu và katsuobushi. Tất nhiên katsuobushi loại tầm tầm thôi, thường là loại cắt sẵn đóng bịch, lâu lâu có loại nguyên miếng to chưa bào, nhưng phải hỏi chủ tiệm hoặc nhân viên bán hàng thì họ mới lôi ra cho, và không có bàn bào Nhật thì cũng không nên mua loại chưa bào nhé, dao thường bào không ra đâu. * Ẩm thực Nhật: - 17. 11: Bạn biết nhiều về ẩm thực Nhật Bản chưa? - Ẩm thực Nhật (phần 1): Kombu bột ngọt và cá khô đập bể đầu - Ẩm thực Nhật (phần 2): Nấu kombu và cá bào, khi cương khi nhu - Ẩm thực Nhật (phần 3): Miso muôn sắc cầu vồng - Ẩm thực Nhật (phần 4): Miso cho tướng, cho vua, cho não dân thường - Ẩm thực Nhật (phần 5): Mirin – đứa con út ngọt ngào - Ẩm thực Nhật (phần 6): Đơn giản hay cầu kỳ thì vẫn là trứng hấp - Ẩm thực Nhật (phần 7): Mơ umeboshi, thuốc của người bình dân - Ẩm thực Nhật (phần 8): Ochazuke – từ món đuổi khách đến món quý tộc - Ẩm thực Nhật (phần 9): - Ẩm thực Nhật (phần 10): muốn chiến thắng, hãy gọi một tonkatsu - Ẩm thực Nhật (phần 11): Khi cơm là… tráng miệng - Ẩm thực Nhật (phần 12): Sanma, thanh kiếm mùa thu chỉ nên ăn nướng - Ẩm thực Nhật (phần 13): đến người ăn tạp cũng phải thèm shoujin ryouri - Ẩm thực Nhật (phần 14): Soba, ngồi mát ăn mẹt tre - Ăn lắm rong biển kombu có sợ bội thực i-ốt? Ý kiến - Thảo luận
20:15
Thursday,29.11.2018
Đăng bởi:
Phúc
20:15
Thursday,29.11.2018
Đăng bởi:
Phúc
Cảm ơn bài viết của chị Pha Lê, nhờ các bài viết này mà em hiểu thêm về ẩm thực và cách nấu món ăn của Nhật Bản!
17:33
Wednesday,28.12.2016
Đăng bởi:
Nhung
Pha Lê ơi, bạn viết bài về rong biển đi
...xem tiếp
17:33
Wednesday,28.12.2016
Đăng bởi:
Nhung
Pha Lê ơi, bạn viết bài về rong biển đi
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp