Nghệ sĩ thế giới

29. 4: Frank Auerbach – người vĩ đại chọn sống đời đơn sắc 30. 04. 15 - 11:40 am

Bop Lavender biên dịch

 

Frank Auerbach (trái) và Lucian Freud trong quán cà phê, 2002 © Kevin Davies

Frank Helmut Auerbach (1931 – ): danh họa người Anh gốc Đức. Ông nhập quốc tịch Anh năm 1947.

Cùng với Francis Bacon, Lucian Freud, ông được coi là một trong ba họa sĩ vĩ đại nhất Anh quốc thời hiện đại.

Frank Auerbach bắt đầu nổi tiếng ở London vào những năm 1950 với tiếng tăm “là một trong những họa sĩ biểu hình trẻ tuổi sung sức nhất”. Còn nhà phê bình David Sylvester, ngay từ năm 1961 (khi Auerbach mới tròn 30 tuổi), đã không ngại ngần gọi Auerbach là “họa sĩ vĩ đại nhất đang làm việc ở Anh quốc”.
 

“E.O.W on her blue Eiderdown II”


Biểu hiện mà không biểu hiện

Mặc dù đôi khi được xem là họa sĩ biểu hiện, song Auerbach không phải là một họa sĩ biểu hiện theo đúng nghĩa của từ này. Trong tác phẩm của mình, ông không quan tâm đến việc tìm kiếm một trạng thái cảm xúc hay tâm linh – những đặc trưng của hội họa biểu hiện – mà thay vào đó, ông nỗ lực thể hiện lên toan những trải nghiệm cuộc đời. Theo ông, trải nghiệm cuộc đời về cơ bản là hỗn loạn, do đó, người nghệ sĩ cần thể hiện một bố cục của sự hỗn loạn đó theo ‘trật tự’ riêng của mình. Do đó, tranh của Auerbach là sự phát triển những mối quan hệ căng thẳng của các đối tượng riêng biệt, đặc biệt là những nhân vật ông vẽ, hay mối quan hệ về vị trí tương đối giữa các đối tượng trong cảnh quan thành phố.

“Mornington Crescent”, sơn dầu trên bảng cứng

Ông thường được giới sử học nghệ thuật gộp vào Trường phái London (London School), cùng với các họa sĩ biểu hình Michael Andrews, Francis Bacon, Lucian Freud, Leon Kossoff và R.B. Kitaj.

Sơn cho dày rồi nạo

Là một trong những họa sĩ sáng tạo nhất thời hiện đại về kỹ thuật xử lý chất liệu sơn dầu, trong các tác phẩm trứ danh của mình, ông đã áp dụng một phương pháp vẽ biểu hình vô cùng độc đáo: vẽ sơn cực dày và sử dụng kỹ thuật nạo sơn để tạo hình (có chút gì đó giống kỹ thuật mài trong ‘vẽ’ tranh sơn mài của ta chăng ?).

Với tranh chân dung, Auerbach không bao giờ chuẩn bị lớp sơn lót nền hoặc vẽ phác trước. Ngược lại, với tranh phong cảnh, ông thường vẽ ký họa trước, rồi hoàn tất tác phẩm trong studio (với kích thước lớn); đôi khi ông sử dụng tới 200 bản phác thảo cho một bức tranh duy nhất.
 

“Đầu của E.O.W. IV, 1961”


Vẽ đi vẽ lại cái đầu

Chủ đề chính trong tranh của ông: một vài người thân quen và và những phong cảnh gần gũi nhất.

Một trong những chủ đề ông thích vẽ đi vẽ lại là đầu người (kể cả tranh và ký họa). Trong tranh của ông, chiếc đầu dường như được vật chất hóa bằng cơn bão đường nét và sắc màu, tạo nên một cảm giác về cường độ tâm lý và hoạt động nội tâm. Năng lượng như tỏa ra khắp xung quanh, ra khỏi nhân vật của ông. Dẫn lời của David Bomberg, thầy mình, ông nói: “bất kỳ ai cũng có thể vẽ được một bức tranh có bố cục sáng sủa, nhưng chỉ người họa sĩ đích thực mới có thể vẽ được một chiếc đầu cho ra hồn.”
 

.


Hâm mộ và được hâm mộ

Những họa sĩ tiền bối được Auerbach yêu thích là Rembrant, Constable và Turner

Không chỉ được hâm mộ và có ảnh hưởng tới nhiều lớp họa sĩ trẻ, chính danh họa Lucian Freud (hơn Auerbach chín tuổi) cũng là một fan hâm mộ Auerbach cuồng nhiệt. Auerbach được các nhà phê bình đánh giá là ‘một phần quan trọng trong cuộc đời Freud’.
 

Lucian Freud và Frank Auerbach ở studio, tháng 5/1975 @ Harry Diamond

Chính tình bạn và những cuộc gặp gỡ dường như không bao giờ chán với Auerbach đã giúp Freud tìm ra lối đi mới trong hội họa của mình khi ông từ bỏ lối vẽ chính xác, gần như hàn lâm của thời kỳ đầu những năm 1950, và chuyển sang một bút pháp phóng khoáng hơn, tự do hơn.

Chỉ đến khi Freud mất, công chúng mới biết Freud đã âm thầm sưu tập tranh của Auerbach trong nhiều năm trời, và đã di chúc hiến tặng bộ sưu tập vô giá của mình gồm 15 tuyệt tác và hàng chục bản vẽ của Frank Auerbach cho chính phủ Anh quốc.

Một tấm bưu thiếp Auerbach tặng Freud (vẽ chân dung mình và vợ)

Nhìn lại cuộc đời

Auerbach sinh ra ở Berlin, con trai của Max Auerbach, một luật sư chuyên về phát minh sáng chế, và Charlotte Nora Burchardt, người vốn được đào tạo mỹ thuật căn bản. Chưa đầy 8 tuổi, ông đã được/bị gửi sang Anh quốc năm 1939 theo chương trình Sơ tán trẻ em (Kindertransport), một chương trình di tản gần 10.000 trẻ em, chủ yếu là người Do Thái, sang Anh nhằm tránh những cuộc đàn áp của Đức Quốc xã . Auerbach rời Đức vào 1939, cha mẹ ông vẫn ở lại Đức, và sau đó đã chết trong trại tập trung của Đức quốc xã năm 1942.

Tại Anh, trong thời niên thiếu học ở Bunce Court School (gần Faversham, Kent), Auerbach đã thể hiện năng khiếu không chỉ trong các bộ môn nghệ thuật nói chung mà rất nổi bật ở lớp diễn xuất sân khấu. Ở tuổi 17, ông gần như đã trở thành một diễn viên, thậm chí còn tham gia một vai diễn nhỏ tại Nhà hát Unity, St Pancras. Tuy nhiên, với ông, hội họa vẫn là đam mê lớn nhất. Ông tới London và thi vào Trường mỹ thuật St Martin, khóa 1948-1952, rồi học tiếp ở Học viện Nghệ thuật Hoàng gia từ năm 1952 đến năm 1955. Ông tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Hoàng gia với tấm huy chương bạc và bằng danh dự hạng nhất. Từ năm 1947 đến năm 1953, ông cũng dự thêm các khóa giảng bài tại Trường đại học Bách khoa Borough, London với họa sĩ giáo sư David Bomberg, người đã ảnh hưởng rất nhiều tới tư duy sáng tác và quan điểm nghệ thuật của Auerbach. 
 

Frank Auerbach thời sinh viên, tháng 7/1948 @ Daniel Farson

Ngày rời trường Cao đẳng Nghệ thuật Hoàng gia, ông đã có ngay một triển lãm chính thức đầu tiên, năm 1956, tại Beaux Arts Gallery ở London. Về triển lãm này, phê bình gia kiêm curator lừng danh David Sylvester nhận xét: “đây là cuộc triển lãm cá nhân thú vị nhất và ấn tượng nhất của một họa sĩ Anh kể từ cuộc triển lãm của Francis Bacon năm 1949.”

Những giai đoạn màu

Trong thập niên 1950-1960, tranh đơn sắc của Auerbach đen xạm, u buồn với những nhân vật với cặp mắt trống rỗng, vô hồn. Đây là thời kỳ ông bị sốc nặng sau khi biết tin vĩnh viễn không bao giờ gặp lại cha mẹ mình. Về sau, tranh ông tươi sáng hơn, lạc quan hơn với một bảng màu sống động, phóng túng.
 

“Nhìn về phía nhà ga Mornington Crescent”, 1972 – 1974 .

Không giống như nhiều nghệ sĩ đình đám, Auerbach không sưu tầm nghệ phẩm, cũng chẳng ‘sưu tầm’ mỹ nhân (khác các đại-ranh-họa ta nhể hehe).

Năm 1954, ông mua lại studio của bạn mình, Leon Kossoff, và liên tục sáng tác chỉ tại studio duy nhất kể từ 1954.

Ông hầu như không uống rượu, không bao giờ đi du lịch và hiếm khi xuất hiện ở chỗ đông người.

Theo bà Julia, vợ ông, “ông ấy chỉ cắt tóc hai lần một năm, mặc những bộ quần áo cho đến khi chúng nát bươm, và không hề để ý tới tiền bạc. Mỗi tuần, ông ấy làm việc bảy ngày và năm buổi tối. Một năm ổng có đúng một ngày nghỉ!”.

“Chân dung Julia”

Hiện nay, tranh của Frank Auerbach có mặt trong sưu tập của khoảng 50 bảo tàng và các Phòng tranh danh tiếng trên thế giới.

Châm ngôn của ông: “Thật điên rồ nếu thức dậy vào buổi sáng mà lại làm việc gì khác chứ không vẽ !”

*

Từ FB của Bop Lavender

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả