Gẫm & Bình

Nhân xem triển lãm, nghĩ về cái hư vô của nghệ thuật hôm nay 06. 05. 15 - 4:11 am

Cứ Từ Từ

 

Toàn bộ hình trong bài là từ Internet, tại triển lãm ở Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc.

Mấy năm đổ lại đây, kinh tế Trung Quốc phảt triển, dân tình đột nhiên khấm khá, và như người Việt nói: Phú quý sinh lễ nghĩa, một bộ phận không nhỏ người Trung Quốc đại lục bắt đầu mon men tiếp cận những giá trị tinh thần mà họ cho rằng sẽ nâng tầm bản thân. Các khán phòng giao hưởng bắt đầu chật kín khán giả, các nghệ sĩ danh tiếng thế giới bắt đầu chọn Trung Quốc làm điểm dừng chân, và liên quan hơn là các triển lãm nghệ thuật bắt đầu hút khách; tất nhiên mình nói ở đây là nói khách ngoại đạo, tức những bộ phận công chúng không hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Giờ đang lúc vào hè, thời điểm mà các học viện nghệ thuật bắt đầu rậm rịch trưng bày triển lãm tốt nghiệp. Và phải kể đến một thói quen mới hình thành của công chúng yêu nghệ thuật Trung Quốc, đó là những cuộc “hành hương” nhân mùa bế giảng. Họ đi tàu, ô tô, máy bay… lần lượt qua các tỉnh thành, nơi đồn trú của các học viện nghệ thuật lớn hoặc các nhà bảo tàng lớn; họ đem theo gia đình, con nhỏ, bồ nhí… đến tham dự các cuộc triển lãm, xem xong ở đây, họ lại kéo sang chỗ khác, cứ thế no tai chán mắt thì họ về.

.

Nhân tiện đang có việc ở Bắc Kinh, mình tiện chân ghé qua xem triển lãm tốt nghiệp thạc sĩ của Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc xem sao, cùng lắm đáp thêm tàu cao tốc đi Thiên Tân cách trăm cây số xem Học viện Mỹ thuật Thiên tân làm ăn như thế nào, chứ bảo đáp máy bay hay tàu mà đi sang các tỉnh khác thì… chưa thừa nhiệt đến mức đó. Từ tỉnh nọ sang tỉnh kia của Trung Quốc nếu ngồi tàu nhanh cũng mấy ngày đường, ngồi máy bay thì quá tốn, sợ nhất là chẳng biết thanh minh với vợ thế nào về khoản thâm hụt lương tháng mấy nghìn tệ, lại tưởng nuôi vợ bé bên này thì nguy.

Thế là năm nào giờ này mình cũng ghé qua một hay hai học viện nghệ thuật chơi. Nói là đi chơi cho vui thôi, chứ đi xem triển lãm của nghệ sĩ Tàu thì mệt lắm. Vừa to, vừa lắm, vừa loằng ngoằng… Đi cả buổi sáng mới xem chưa hết một nửa, máy ảnh thì chán chả buồn mang, người xem đông, đứng đợi cho vãn người để chụp cái ảnh chắc phải mắc màn ngủ lại mất. Đấy là đang nói mấy lĩnh vực mà mình quan tâm, chứ trẹo sang lĩnh vực khác như sắp đặt, trình diễn, nội thất, kiến trúc…. thì chắc phải mua vé ngủ trọ vài ngày chứ chẳng ngoa. Mỗi năm nghe nói Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc cho ra lò tới hơn 2000 sinh viên, hơn 2000 tác phẩm trong mỗi đợt triển lãm tốt nghiệp là một con số bội thực – bội thực với một người Việt Nam quen ăn uống nhỏ nhẹ như mình.

.

Mà cái đám sinh viên Tung Của mới “đáng ghét” làm sao, chúng nó làm to, làm kĩ, đầu tư cả đống tiền cho tác phẩm… mà cái nào cũng lạ tai lạ mắt, chưa nói đẹp hay xấu, đáng yêu hay đáng ghét, chỉ nói riêng về khoản “ độc và lạ” thôi thì cũng đã làm người ta phải “khó chịu”. Ai cũng biết ở cái đất nước tỉ dân này, muốn ngoi ngóp được trong cuộc sinh tồn buộc con người ta phải vắt, vắt hết tinh lực cho bằng bạn bằng bè, bởi nếu không sẽ có cả vạn thằng ngay chớp mắt trèo lên đầu lên cổ. Chính thế nên nhiệm vụ đặt ra cho mỗi sinh viên, nhất là ở những học viện có số có má, là phải cố gắng sao cho tác phẩm của mình vừa to, vừa ấn tượng, vừa gây sốc, vừa lệch tông với đại đa số, lại vừa có thể ra tiền. Đáng lưu ý là ở các học viện bên Tàu, sinh viên được quyền bán trác tác phẩm của mình ngay trong lễ tốt nghiệp, chứ không bị cuỗm sạch rồi ném vô kho như trường Yết Kiêu chúng mình. Đó là những động lực thôi thúc đám người này ngày đêm ủ mưu tính kế mong cho ra được tác phẩm ưng ý và nhất là đáng xem với công chúng.

.

Nhưng cũng vì tác giả phải vắt quá nhiều óc để thai nghén ra tác phẩm nên khán giả cũng phải vắt óc không ít để tiêu hóa tác phẩm. Mỗi cuộc triển lãm thường niên cho thấy một cuộc đấu trí không khoan nhượng giữa công chúng và các nghệ sĩ trẻ. Người xem thì liên tục tỏ ra ta đây đương đại cấp tiến, đòi hỏi phải thay đổi thực đơn thường xuyên cho hai mắt, thấy tranh tượng lỗi mốt một tí là bước ngay. Tác giả thấy thế cũng quyết tâm không vừa, liên tục ủ mưu sao cho công chúng phải mắt chữ O mồm chữ A mới hả chí tang bồng.

.

Thế là có cung có cầu, một cuộc “vật lộn” giác quan diễn ra. Các món hàng độc lạ bày ra la liệt, người tám lạng kẻ nửa cân. Tác phẩm nào xuất sắc lắm thì được người xem chiếu cố cùng lắm 20 giây, lại còn được mấy em teen chân trắng nõn sán lại chụp ảnh, thế là vinh dự cho tác giả ghê gớm.Còn mấy tác phẩm tầm tầm bậc trung ý à, 2 giây, thậm chí chả buồn liếc, hoặc nhanh như cái chớp mắt đã là ân cần lắm rồi. Thế mới thấy cái nghề này nó bạc bẽo. Bỏ ra tâm huyết mấy tháng trời để mua được cái nhìn ỡm ờ của quần chúng, xem ra một tác phẩm nghệ thuật cũng không đáng giá bằng vòng một của em Can Lộ Lộ, ít ra còn khiến các quý ông lăn tăn được mấy phút đồng hồ. Nói thế cho vui, chứ cái gì cũng có cái giá của nó, để trở thành một danh gia lưu danh thiên cổ cũng phải ngậm thử không ít bồ hòn, nhất là trong cuộc cạnh tranh đương đại nóng đến bốc khói này. Ôi chao!!! Nghĩ đến đã thấy nản.

.

Các cuộc đấu trí cứ thế trưng ra trong mỗi gian triển lãm rộng vài trăm mét vuông, người xem thấm mệt ngồi phịch xuống bên mấy chai nước khoáng chỏng chơ đã nốc cạn. Mùa hè nóng, nóng người, nóng mắt, nóng cả đầu, bởi tác giả nào cũng muốn “đốn hạ” người xem bằng cả trí tuệ đương đại hùng vĩ của bản thân. Tác phẩm đã huyền bí,ngay đến cái tên thuyết minh thôi cũng càng làm cho người xem phải điên đầu lộn ruột. Rốt cuộc cũng chẳng ai đủ nghị lực để vượt qua cái mê lộ tư duy cao siêu thâm diệu của các nghệ sĩ trẻ. Khán giả nhìn, và nếu họ thấy thích, họ sẽ tiếp tục nhìn, chứ họ sẽ không nghĩ đâu, bởi có thừa não mới đi ngẫm nghĩ cả nghìn cái trò ú tim lập lờ đó.

Toàn bộ hình trong bài là từ Internet, tại triển lãm ở Học viện Mỹ thuật Trung ương Trung Quốc.

Người viết bài này sau khi ù tai hoa mắt, cũng vội vàng tự thưởng cho mình một bầu trời tháng Năm xanh xanh. Tôi lao ra khỏi khán phòng để mặc cho các kí ức lộn xộn tùy ý tan xèo trong những cơn gió hiếm. Thế đó, một cuộc đại triển lãm hoành tráng kết thúc như hư vô, nó gây ấn tượng chẳng khác một bong bóng xà phòng, nó đến, nó đi không dấu vết, và tôi lại tiếp tục lao vào cuộc sinh nhai mà chẳng nhớ nổi một tác giả nào trong đầu.

P/s: Vì lười đem máy ảnh, nên tất cả ảnh minh họa đều lấy từ trên mạng, phần lớn chụp trước lễ khai mạc triển lãm tốt nghiệp thạc sĩ 2015 của học viện mỹ thuật trung ương Trung Quốc

Ý kiến - Thảo luận

7:03 Friday,29.5.2015 Đăng bởi:  ong Bắp
tác phẩm nhạt nhẽo và nghiệp dư do:
1- tác giả vốn sống nông cạn. họ không phân biệt được phong cách và lặp lại chính mình.
2 - tác giả dễ dãi với chính bản thân mình. cứ bôi quẹt qua loa thành tranh vẽ.
3 - muốn nổi danh nhanh. nghệ thuật chưa bao giờ nhanh và dễ.

nguyên nhân khách quan:
1- thiếu đội ngũ phê bình chửi thẳng mặt cái dốt và xấu cho nghệ sĩ và
...xem tiếp
7:03 Friday,29.5.2015 Đăng bởi:  ong Bắp
tác phẩm nhạt nhẽo và nghiệp dư do:
1- tác giả vốn sống nông cạn. họ không phân biệt được phong cách và lặp lại chính mình.
2 - tác giả dễ dãi với chính bản thân mình. cứ bôi quẹt qua loa thành tranh vẽ.
3 - muốn nổi danh nhanh. nghệ thuật chưa bao giờ nhanh và dễ.

nguyên nhân khách quan:
1- thiếu đội ngũ phê bình chửi thẳng mặt cái dốt và xấu cho nghệ sĩ và công chúng thấy.
2 - tiên đề 1 kéo theo sự xuống cấp quan điểm thẩm mỹ làm định hướng cho nghệ sĩ.

cảm ơn tác giả vị một tiêu đề hay. 
10:12 Wednesday,6.5.2015 Đăng bởi:  phạm quang hiếu
Chứng bội thực hình ảnh (nhân tạo) :)))
...xem tiếp
10:12 Wednesday,6.5.2015 Đăng bởi:  phạm quang hiếu
Chứng bội thực hình ảnh (nhân tạo) :))) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả