Kiến trúc

Milwaukee: nơi đìu hiu lại đầy lễ hội 08. 05. 15 - 6:49 am

Phó Đức Tùng

(Các bạn xem thêm danh sách các bài của loạt này ở cuối bài)

Milwaukee 16. 04. 2015

“The German Athen of America”

Với 600 ngàn dân nội đô, 2 triệu dân toàn vùng đô thị, Milwaukee là thành phố lớn nhất của bang Wisconsin. Với lượng dân này, Milwaukee có quy mô tương đương với Boston hay Philadelphia. Hôm đầu tiên đi dạo thăm trung tâm thành phố, cảm giác của tôi là đô thị này gần như không có lõi trung tâm. Ngay Trịnh Hữu Tuệ ở đây từ vài năm cũng không biết tòa thị chính ở đâu.Vừa hỏi xong, ngước lên đọc biển ở một tòa nhà trước mặt thì hóa ra là tòa thị chính. Đi bộ loanh quanh vài bước, đã lại không hình dung được tòa thị chính này ở đâu. Đó là vì tòa nhà này không có gì đặc biệt, và cũng không nằm ở một vị trí đặc biệt nào để người ta có thể nhớ.

Tòa thị chính ở Milwaulkee. Ảnh của jacobeclark’s Bucket

Trong thành phố có vài tòa cao ốc, có thể dùng làm landmark từ xa. Còn lại thì muốn đi đến đâu, chủ yếu đi ô tô. Nhìn chung, xét về tổng thể đô thị, thành phố này không có được độ compact và hấp dẫn cần thiết, mặc dù từng điểm như bảo tàng, trường đại học, tòa nhà cụ thể này kia có thể cũng đạt một đẳng cấp nhất định. Đường phố ít người đi bộ, cửa hàng cửa hiệu cũng không có nhiều. Nhà cửa nhiều chỗ xuống cấp, nhiều lỗ hổng chưa được lấp đầy. Trịnh Hữu Tuệ cho rằng có hai nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng hoang vắng ở khu trung tâm. Thứ nhất là do khủng hoảng kinh tế, và thứ hai là do dân da đen nhập cư vào khu trung tâm nhiều, khiến dân da trắng dạt hết ra ngoại ô.
 

Trung tâm Milwaukee, bố cục khá lỏng lẻo. Hình lấy từ trang này

Vì sao trung tâm đìu hiu?

Hai câu hỏi đặt ra là:

1. Cho dù khủng hoảng thì tại sao ấn tượng của việc xuống cấp lại rõ rệt nhất ở khu trung tâm chứ không phải ở vùng ngoại ô? Một thành phố khủng hoảng giống như cơ thể bị yếu. Và trong quá trình tan rã, những khu vực nào kém sức sống nhất sẽ bị sa sút đầu tiên, trong khi một số vùng nhỏ hợp lý thậm chí có thể phát đạt thêm. Khi một thành phố yếu đi, việc không phát triển tràn lan mà tập trung lại một điểm cũng là một chiến lược thường thấy.

2. Tại sao dân da đen lại có thể chen vào một lõi trung tâm toàn da trắng, để dân da trắng phải dạt ra, hay là vì lõi trung tâm này đã bị bỏ rơi nên dân da đen và dân nghèo khác mới chen vào được? Theo Wiki thì Milwaukee đạt đỉnh cao dân số hơn 700 ngàn người vào những năm 60. Sau đó thì xảy ra việc White Flight, thành phố mất đi cả trăm ngàn người, đồng thời khu trung tâm cũng mất đi rất nhiều sức hút. Và người ta cho rằng nếu Milwaukee không kịp thời có chính sách khuyến khích dân da màu nhập cư thì thành phố còn chịu hậu quả nặng nề hơn nhiều, như đã xảy ra đối với nhiều thành phố lân cận mà người ta gọi là “Rust bell”.

White Flight: Làn sóng người da trắng rời trung tâm ra ngoại ô sống, để lại đô thị cho những “tộc” khác. Ảnh từ trang này

Lần theo những câu hỏi này, thứ nhất tôi giở lại các bản đồ Milwaukee. Toàn bộ thành phố này, từ trung tâm đến ngoại ô, đều được chia thành bàn cờ. Ở phía ngoài, đất rẻ hơn, thì ô bàn cờ chính sẽ to hơn, mỗi cạnh có thể tới 1 đến 1,5km. Càng vào trung tâm, ô chia càng nhỏ dần. Tới trung tâm thì mỗi ô phố chính còn cạnh khoảng 400m. Mỗi ô phố này lại được chia nhỏ hơn thành những ô dày khoảng 50-60m. Nhưng do những đường chia này đều chạy suốt, và tỷ lệ giữa đường chính và đường phụ không khác nhau nhiều, nên không có cảm giác thực sự của những ô phố lớn, mà gồm toàn là những ô nhỏ cùng cấp. Không có những địa điểm nào thực sự có vị thế, giá trị đặc biệt và có rất nhiều điểm có tính chất tương tự như nhau. Không có những đặc điểm nào trên mặt bằng cho ta hình dung một sự tập trung tự nhiên. Do đó, mật độ tập trung của các dịch vụ, cửa hàng cửa họ, công trình công cộng ở đây còn thấp hơn Philadelphia nhiều. Lý do mà nhiều người bỏ khu trung tâm ra mua nhà bên ngoài, khiến cho trung tâm bị bỏ bê một phần có lẽ cũng là do khu trung tâm này không thực sự mang lại những chất lượng đô thị khác với bên ngoài, trong khi ở ngoài, điều kiện sống cho từng hộ cá thể lại thoải mái, rộng rãi hơn rất nhiều.

Milwaulkee với những ô cờ, nhìn từ trên cao. Ảnh của Amazing Travel Photos, từ trang này


Khi để nông dân chia ô cờ

Mặt khác, đọc lại wiki thì biết lịch sử thành phố bắt đầu từ giữa thế kỷ 19, chủ yếu bởi những dân Đức nhập cư. Nhóm người sáng lập này gồm hai thành phần chủ yếu: nông dân đi tìm đất rẻ để lập trang trại, trồng lúa mì, và thị dân có tư tưởng cách mạng, xã hội chủ nghĩa chạy khỏi chế độ quân chủ Đức, mong tìm được một mảnh đất mới cho lý tưởng dân chủ của mình. Họ là những người đã đặt nền móng cho những nét đặc trưng nhất của Milwaukee, và cũng chính là những người đã khiến thành phố này trở thành thủ phủ của công nghiệp bia.

Một bức hình từ bảo tàng Pabst Mansion cho thấy một postcard diễn tả khu nhà máy bia Pabst Brewery hồi 1900 ở Milwaukee. Ảnh từ trang này

Đối với nông dân, quan trọng là có ô trang trại bằng phẳng, vuông vức. Đối với người cộng sản, quan trọng nhất là sự bình đẳng xã hội. Cả hai nhu cầu này đều được thỏa mãn một cách dễ dàng bởi hệ thống chia bàn cờ đã có tiền lệ ở Philadelphia. Những người Đức lập cư ở Milwaukee đông và sung sướng với ý tưởng dân chủ kiểu Philadelphia tới mức thành phố này từng được gọi là “the German Athen of America” (ta biết rằng Philadelphia được coi như Athen của Mỹ).

Một postcard của Milwaukee khoảng 1900 cho thấy nhân vật chính có đặc điểm rất giống một người Đức vào thời ấy: vui vẻ, phúc hậu, rất thích bia, cưỡi một cái xe chở thùng bia quanh thành phố, có con chó chạy theo dây xúc xích. Hình từ trang này

Theo sự tưởng tượng của tôi thì chính do nông dân lập trang trại nên mạng ô cờ của Milwaukee thưa hơn Philadelphia, ít phân chính phụ hơn. Cách phân chia tương tự như chia ruộng trên nền đất bằng. Cùng là ý tưởng dân chủ và mạng ô cờ, nhưng người dân Philadelphia chủ yếu là công nhân, sống trong những dãy nhà liền kề. Còn người dân Milwaukee có gốc nông dân, chủ yếu thích sống biệt lập, trong biệt thự. Họ cần có cảm nhận của đất, không chỉ dưới chân, dưới hầm, mà là đất thật, có cây cỏ, xung quanh nhà. Nhà nghèo, hoặc gần trung tâm thì đất chật hơn, nhưng kiểu gì cũng phải là đất vườn bốn phía. Tất nhiên đây chỉ là suy đoán cá nhân. Nhưng ở cùng thời điểm đó, tại Đức cũng có những lý thuyết đô thị mainstream cổ súy cho việc phải bám lấy đất, coi đó là một yếu tố tâm lý rất quan trọng không thể thay thế được.

Sau này, Milwaukee đi lên nhờ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Nông dân gần như không còn, mà chỉ còn thị dân, nhưng cái cấu trúc ban đầu của đô thị, đã được định hình bởi cấu trúc mặt bằng, thì rất khó có thể thay đổi. Tất nhiên ở đây chúng ta không thấy những kiểu cấu trúc làng nông nghiệp nhỏ như ở Đức hay châu Âu, vì đây là dạng nông nghiệp kiểu khác. Ta có thể hình dung thời xưa đây là vùng miền Tây hoang dã, với những cao bồi và nông dân da trắng đặt chân tới đây, quăng dây chia đất để lập đồn điền, trang trại. Cách chia ô cờ ở đây có lý do tương tự như việc chia đất cho quân lính trong những đô thị thuộc địa của đế chế La Mã ngày xưa. Phần thị tứ chỉ là một sinh hoạt rất phụ của cộng đồng này.
 

Bản đồ mình họa Milwaulkee hồi 1872

Đọc lịch sử Milwaukee thì thấy có 3 thời kỳ chính, do 3 chủ đồn điền lớn mua 3 khu vực lớn rồi xẻ đất ra bán dần cho người nhập cư. Không thấy nói đến những quy hoạch ban đầu với những ý tưởng lớn, do một quy hoạch sư đại tài nào đó chủ trì. Chỉ xét riêng những tiêu chí không gian tạo nên bản sắc đô thị như điểm, tuyến, diện, khối theo phương pháp của Lynch thì cũng thấy là khu trung tâm này không có những chiến lược rõ ràng để có thể tạo nên bản sắc.

Thành phố của thiên nhiên, lễ hội

Ngược lại với phần xây dựng của đô thị, thế mạnh ở Milwaukee là cảnh quan thiên nhiên. Ở Milwaukee, khám phá tự nhiên, cảnh quan sinh thái là tour có ý nghĩa hơn là khám phá không gian xây dựng trong lõi trung tâm. Cả thành phố là một khu vườn rộng. Vườn quanh từng nhà, cây rợp ven đường, và công viên khắp nơi. Hồ Michigan là một điểm mạnh cảnh quan. Hồ này cũng với mấy hồ khác tạo thành ngũ hồ của Mỹ, trữ tới 20% tổng lượng nước nước ngọt bề mặt trên thế giới. Hồ to như biển, nhưng lại ít những nguy cơ thiên tai sóng gió hơn bờ biển. Hệ thống công viên ven hồ, ven sông đã sớm được chú trọng trong quy hoạch đô thị và được thiết kế bởi Olmsted. Yếu tố công viên kết nối giữa cảnh quan hồ và thành phố, cũng là nơi đặt những công trình văn hóa, di tích, tượng đài quan trọng. Thiên nhiên ở đây đã được nâng tầm thành nghệ thuật, mặc dù vẫn giữ nét đặc trưng tự nhiên.
 

Lake park Milwaukee, tự nhiên nhưng rất hiệu quả. Hình từ trang này

Càng đi xem nhiều công viên, mới thấy Olmsted quả là bậc thầy. Nhìn vào mặt bằng thì thấy sơ sài, đơn giản, nhưng khi vào thực tế thì vô cùng hấp dẫn. Những đường đi được bố trí khéo léo, khiến cảnh quan thay đổi theo từng bước chân. Mọi sự trông rất tự nhiên, như không làm gì, mà thực ra có sự bố trí tỉ mỉ từng gốc cây, bụi cỏ.

Công viên Whitnall, ảnh của Mike Morbeck

Gần đây, Milwaukee được coi là thành phố của các lễ hội, sự kiện. Nhiều lễ hội lớn tầm cỡ quốc tế và quốc gia diễn ra ở đây, chủ yếu trong bối cảnh công viên, mặt nước.

Các lễ hội lớn nhất được tổ chức tại những công viên. Hình lấy từ trang này

Điều gì có thể khiến cho một thành phố vốn cũng không có gì thực sự hấp dẫn lại có thể trở thành điểm đến được ưa thích của những lễ hội, sự kiện? Theo tôi thì một phần, bởi vì cảnh quan thiên nhiên ở đây đã được nâng tầm, đủ để thích ứng được với những nhu cầu hội hè, chứ không như thiên nhiên thuần túy hoang dã. Phần nữa, có lẽ cũng giải thích được bởi phong cách sống làng quê, quanh năm đơn giản, ít sự kiện, chỉ tưng bừng tập trung trong một số ngày lễ hội, như những hội làng ngày mùa truyền thống. Lễ hội có sức sống, sức hấp dẫn đặc biệt đối với dân bản địa, và từ đó cũng thu hút được những khách thập phương trẩy hội.

Tại Brady Street Festival. Ảnh từ trang này

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả