Thị trường

Nhờ thuyền trưởng Takei, Rago chịu ngừng một cuộc đấu giá 22. 05. 15 - 7:14 am

Deborah Vankin, Hoàng Lan dịch

 

Tranh sơn dầu của Estelle Peck Ishigo là một trong hơn 450 tác phẩm của bộ sưu tập về trại giam tập thể thời Thế chiến II. Bảo tàng Quốc gia người Mỹ gốc Nhật hiện đang sở hữu bộ sưu tập này. (Nguồn ảnh: Rago Auction / JANM)

Gần đây, một buổi đấu giá đã gây ra nhiều tranh cãi: sàn Rago định đem bán các hiện vật và tác phẩm hiếm của những người Mỹ gốc Nhật sáng tác khi còn sống trong các trại giam tập thể vào thời Thế chiến II. Nhằm tránh xích mích và để ngăn cuộc đấu giá, Bảo tàng Quốc gia người Mỹ gốc Nhật ở Los Angeles đã mua lại hết các tác phẩm này.

Bảo tàng chính thức công bố việc mua lô tác phẩm tại dạ tiệc gây quỹ hàng năm, bao gồm 450 món xém tí nữa là lên sàn đấu giá vào hôm 17. 4 tại Trung tâm Rago ở New Jersey. Hàng vạn người Mỹ gốc Nhật, trong đó gồm nhiều cựu tù nhân và con cháu họ, đã tham gia phản đối trên các phương tiện thông tin xã hội sau khi biết về kế hoạch đấu giá này. Tệ hơn nữa là trong số các vật đem đấu giá, một số mòn còn là quà biếu của các tù nhânvới mong muốn đời sau sẽ sử dụng chúng cho mục đích giáo dục, chứ không phải kiếm lợi.

Cuối cùng, Rago đã ngưng buổi đấu giá.

Nơi thích hợp nhất dành cho bộ sưu tập chính là Bảo tàng Quốc gia người Mỹ gốc Nhật.

Trong ảnh là George Takei – cựu diễn viên kiêm uỷ viên ban quản trị của Bảo tàng Quốc gia người Mỹ gốc Nhật. Ông đã góp sức thương lượng trong vụ thu mua các tác phẩm lẫn vật phẩm  từ trại giam thời Thế chiến II (Ảnh: Jay L Clendenin / tờ Los Angeles Times)

Mang vai trò nòng cốt trong việc thuyết phục nhà đấu giá ngưng bán tác phẩm là ủy viên ban quản trị Bảo tàng Quốc gia người Mỹ gốc Nhật kiêm diễn viên George Takei (thủ vai Sulu trong loạt phim truyền hình “Star Trek” nổi tiếng). Vốn là một nhà hoạt động dám phát biểu thẳng thắn về các vấn đề công bằng xã hội, Takei thông báo trong một cuộc phỏng vấn với tờ Los Angeles Times rằng ông đã thuyết phục được David Rago – nhà đồng sáng lập của Trung tâm Rago – hủy buổi đấu giá.

“Nhiều bức ảnh và tranh có mặt ông bà cha mẹ của một số người, và họ cảm thấy rằng mình rất gắn bó với chúng”, Takei nói. Bản thân ông thời còn nhỏ cũng từng bị quản thúc trong hai trại giam tập thể cùng gia đình. “Hành động đặt những vật phẩm đó lên sàn để bán cho kẻ ra giá cao nhất, rồi sau đó nhìn chúng lặn mất tăm hơi trong một bộ sưu tập của ai đó, là một hành động vô cảm. Nơi thích hợp nhất dành cho bộ sưu tập này chính là Bảo tàng Quốc gia người Mỹ gốc Nhật. Tôi đã nói chuyện với David Rago sau khi hàng loạt người lên tiếng phản đối, anh đã suy nghĩ rất thận trọng và đã tiếp thu ý kiến”.

Bộ sưu tập mà bảo tàng mua lại này bao gồm các bức tranh sơn dầu và màu nước, vẽ cuộc sống đằng sau hàng rào kẽm gai ở các trại giam. Bộ sưu tập còn có các bức điêu khắc gỗ, nội thất chạm trổ bằng tay và ảnh trắng đen chụp các tù nhân. Nhìn chung, chúng phản ảnh một thời kỳ đen tối trong lịch sử nước Mỹ khi gần 120.000 người gốc Nhật – hai phần ba trong số đó là công dân Mỹ ngày nay – bị ép chuyển tới sống ở các khu trại giam khắp miền Tây và Nam vào năm 1942. Sau khi chiến tranh kết thúc vào năm 1945 thì họ mới được thả ra.

Greg Kimura, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Bảo tàng Quốc gia người Mỹ gốc Nhật.

“Các tác phẩm này là vô giá”, Greg Kimura, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Bảo tàng Quốc gia người Mỹ gốc Nhật, cho biết. “Đối với chúng tôi, bộ sưu tập này không chỉ là các tác phẩm nghệ thuật; chúng là những minh chứng vô cùng quan trọng cho lòng khát khao và niềm hy vọng của gia đình chúng tôi – nhiều người trong số đó giờ đã mất – họ làm nên những tác phẩm nghệ thuật trong lúc bị chính tổ quốc của mình giam lỏng sau hàng rào kẽm gai”.

Giới quan chức của Bảo tàng không chịu tiết lộ rằng liệu có một hay nhiều mạnh thường quân đã mua lại bộ sưu tập cho bảo tàng, cũng như tổng số tiền là bao nhiêu. Takei cho biết ông có góp tiền nhưng lại không nói cụ thể là bao nhiêu, “Tôi có viết tiền lên tấm séc. Tôi đã đóng góp một phần,” ông bảo.

Tổ chức Heart Mountain Wyoming – đặt trụ sở ngay tại nơi từng là trại giam tập trung Heart Mountain thời thế chiến II – cũng tham gia phản đối vụ đấu giá ở Rago, họ ước lượng rằng giá trị tối đa của bộ sưu tập là khoảng 26,900 USD – có thể không bằng một góc bức tranh của danh họa nào đó, nhưng là một bộ sưu tập đầy ý nghĩa.

Ý kiến - Thảo luận

18:15 Friday,22.5.2015 Đăng bởi:  Bàn-Văn-Lùi
chèng đéc !
"... ước lượng rằng giá trị tối đa của bộ sưu tập là khoảng 26,900 USD – có thể không bằng một góc bức tranh của danh họa nào đó, nhưng là một bộ sưu tập đầy ý nghĩa..."
Quá hay, ra đòn nhanh và gọn như các võ sĩ đạo!
Bầy tui nao nao nhớ nước nam ta cũng có những bộ tranh (ký hoạ, màu nước, phác thảo...) giá trị mỹ thuật thì nhỏ nhưng mà ý ngh
...xem tiếp
18:15 Friday,22.5.2015 Đăng bởi:  Bàn-Văn-Lùi
chèng đéc !
"... ước lượng rằng giá trị tối đa của bộ sưu tập là khoảng 26,900 USD – có thể không bằng một góc bức tranh của danh họa nào đó, nhưng là một bộ sưu tập đầy ý nghĩa..."
Quá hay, ra đòn nhanh và gọn như các võ sĩ đạo!
Bầy tui nao nao nhớ nước nam ta cũng có những bộ tranh (ký hoạ, màu nước, phác thảo...) giá trị mỹ thuật thì nhỏ nhưng mà ý nghĩa lịch sử lại to, bị bán cho các thương lái ván hoá ngoại (Thái, Singapore...) trong sự thờ ơ của cãc quan chức văn hoá nội và nỗi hồi hộp đợi lại quả của những cò mồi bồi danh đít-lơ nghệ thuật :(
Buồn thúi ruột ! 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả