Gẫm & Bình

Cá cược với Soi không:
Camille Henrot sẽ thắng? 20. 10. 10 - 7:09 am

Ngọc Trà dịch

 (Soi: Còn ngày kia thôi là giải Marcel Duchamp sẽ công bố. Bài lần này giới thiệu ứng viên cuối cùng: Camille Henrot.  Các bạn đọc nhé, sau đó bạn nào thích cá độ với Soi thì cá. Soi tin là cô này sẽ thắng cuộc. Lý do, theo Soi:
1- Cô này mang tinh thần “found-objects” của Marcel Duchamp rõ hơn 3 ứng viên kia
2. Pháp muốn có một đại diện thật cầu kỳ, uyên thâm, ít nhất không có tiền thì cũng phải có danh thơm lý luận, hơn đám nghệ sĩ Anh, Mỹ.
Bạn nào tham gia cá cược vụ này thì gửi thư cho soihouse nhé. Ai thua thì mất một chầu bia. Chuyện này nghiêm túc, Soi không đùa.)

Tevau – Sắp đặt – Bản chất của mối quan hệ giữa hiện tại, quá khứ và tương lai. Hình dáng của thời gian được thể hiện ở đấy như một dải liên tục, trong trường hợp này là một ống nước cứu hỏa có thể cuộn lại từ hai đầu mà không bị xoắn.

Sinh năm 1978, thoạt tiên Camille Henrot thích thử nghiệm bằng phim, với ý tưởng khác thường là dùng chính film như một “đồ vật” và một vật liệu nghệ thuật. Thế rồi rẽ vào điêu khắc, cô bắt đầu xử lý những mối quan hệ giữa các nền văn hóa khác nhau trên thế giới. ARTINFO Pháp gần đây đã ghé qua studio của cô ở Paris để nói về mối quan tâm của cô đối với ngành nhân học và những dự án gần đây cũng như sắp tới của cô. Đặc biệt, cô còn là một trong bốn ứng cử viên chung kết của giải Marcel Duchamp sẽ công bố vào cuối tháng 10. 2010.

*

Ngành học của cô tại Ecole Nationale Supérieure des Arts Déscoratifs tại Paris dựa rất nhiều vào kĩ năng và kĩ thuật. Điều này ảnh hưởng đến các tác phẩm của cô như thế nào?

Tôi thấy khía cạnh kĩ thuật hấp dẫn đấy chứ. Với tôi, phải có sự liên kết giữa bản thân tác phẩm và cách nó được tạo nên. Trong tác phẩm của tôi, tôi đặc biệt thích thú với nghề thủ công, với cách thức mà thủ công có thể góp vào một giải pháp kinh tế cho toàn cầu.

 

Cô dự định trưng bày cái gì tại FIAC mùa thu này? (FIAC – Foire Internationale d’Art Contemporain, Liên hoan Nghệ thuật Đương đại Thế giới – đồng tổ chức triển lãm cho giải Marcel Duchamp)

Hiện tôi đang có các tác phẩm của dự án lấy cảm hứng từ truyện ngắn của Juio Cortázar – The Island at Noon (Đảo trưa), một phần của dự án này có thể anh đã nhìn thấy tại show Perspective ở Louis Vuitton. Nó nói về việc đối xử với các dạng lai tạp văn hóa, tham vọng, đổ vỡ, các nguyên mẫu và những biến dạng của chúng. Xuất phát điểm là ý tưởng coi văn hóa như một “mối quan hệ của diễn dịch”. Chúng ta có thể mô tả lịch sử nghệ thuật như một lịch sử của những sự hiểu lầm. Lịch sự này phát triển giống như một chuyện tình, có đam mê, có sở hữu, có thiếu hiểu biết, và cuối cùng kết thúc bằng hành động phi thường của diễn dịch.

Price of Danger (Giá của hiểm nguy) – Cánh máy bay bị cắt, mất hẳn chức năng gốc, chỉ còn là một món đồ trang trí với những mẫu tự của Melanesia và Celtic khắc cách điệu.

 
Những loại phương tiện nào được sử dụng trong triển lãm ấy?

Sẽ có một bức tượng và một bộ phim. Bộ phim cho phép tôi diễn tả những ý nghĩ phức tạp hơn, một cái gì đó không có ngay mà phải qua thời gian mới lộ dần. Ở trường, tôi học về hoạt hình, và tôi đang bắt đầu làm phim theo truyền thống của điên ảnh thể nghiệm. Với tôi, phim và điêu khắc là những hành động đối chọi với thời gian, vì phim chiếu lại một hiện tại vẫn tiếp diễn, mà không cần một sự tồn tại vật chất nào cả, còn điêu khắc, như một vật thờ cúng có tính che chở, biểu đạt mong muốn đạt đến cái phi thời gian.

Dự án này sẽ khám phá địa vị của phim và các đồ vật mang tính dân tộc học. Nó sẽ cho thấy một nghi lễ bắt nguồn từ đảo Pentecost (một phần của đảo quốc Vanuatu phía nam Thái Bình Dương), một nghi lễ đã tạo cảm hứng cho môn nhảy bungee ngày nay. Tôi thấy việc ảnh hưởng ngược này rất thú vị. Bougainville khám phá ra hòn đảo vào kì nghỉ Pentecost, và đấy là lí do vì sao nó được đặt bằng tên ông. Nhưng những sự tình cờ cũng có thể có ý nghĩa, khi bạn xem xét việc Vanuatu là một quốc gia có hệ ngôn ngữ thoại lớn nhất thế giới. Như trong sách Acts, ngôn ngữ lửa của Pentecst cho ta sức mạnh để nói mọi thứ tiếng. Đó chính là sự khởi đầu của toàn cầu hóa.

Cynopolis (Thành phố chó) – Bộ phim với ý tưởng về ta chọn giữ cái gì trong quá khứ và cái gì thì thải bỏ.

Tôi muốn nói về dự án “Objets Augmentes” (Vật thể tăng cường) của cô, trong đó những vật bình thường được phủ kín nhựa đường. Chúng có tác dụng như những vết tích khảo cổ học của thời hiện tại hay sao?

Đấy là một cách gọi tên hay, nhưng hơi hạn chế với tôi. Trong dự án của tôi, có một ý là cái hiện đại và cái cổ kính không còn đối lập nhau nữa. Việc đó liên hệ nhiều hơn đến nhân học, là một ngành xác lập những lí thuyết và rồi giải-cấu chúng. Trong mối quan hệ của chúng ta với các đồ vật, tôi không nghĩ chúng ta có gì khác biệt với những nền văn hóa được cho là “không có lịch sử”.

Trong sắp đặt ở Louis Vuitton, hầu hết các tác phẩm là có liên hệ đến các  khái niệm trong nhân học, đùa với các khái niệm đó một chút, và cho thấy rằng những mẫu thức (pattern) ấy có thể được kết hợp với các phạm trù nhận thức khác. Những vật lai ấy (hybrid) ấy khiến ta đặt lại câu hỏi về tính “nhất thể” của những cái giống nhau với những cái đối nghịch, cũng như phải chăng hệ thống cấp bậc không còn giá trị nữa. Tương lai không còn đặt vào thời gian nữa mà đặt vào không gian. Đấy là lí do vì sao các nghiên cứu nhân học hiện tại đã tuyên bố đây là thời cáo chung của những thứ đồng nhất, cả về văn hóa lẫn kinh tế, các nghiên cứu đó đặc biệt làm tôi hứng thú.

Augmented Objects (Vật được gia cố) – Sắp đặt – Sự trả thù của vô hình dạng đối với hình dạng.

Cô khởi đầu với những ý tưởng được cấu trúc rất chắc. Thế còn hình thức của tác phẩm sẽ thay đổi đến mức nào trong lúc cô làm việc tại studio?

Chính mạng lưới các kết nối sinh ra từ việc đọc và các ý tưởng của tôi mới mang tính cấu trúc – như trong một cuộc điều tra vậy. Các hình thức (của tác phẩm) thì không nên cố định quá, để cho cái cảm giác hào hứng khi nhìn mọi thứ tồn tại vẫn còn lại được. Ví dụ, với một bộ phim, tôi tiến hành theo cái mà Arnold gọi là “lí lẽ có tính tưởng tượng”, là một hình ảnh dựa cả trên cảm xúc lẫn kiến thức. Nhiều mảnh ghép sẽ phải khớp với nhau và tôi cố gắn kết chúng – đó là sự bất lực trong việc bảo tồn mọi thứ qua thời gian, nạn đào trộm mộ ở Ai Cập, một bài báo về “kinh tế học” của sự khan hiếm, rồi một chút âm nhạc của Biosphere.

Đôi lúc, điểm khởi đầu có thể là một cảm giác bực dọc nào đó liên quan đến những thứ tìm thấy trong một catalog đấu giá hay trên eBay. Những nét phác thảo đầu tiên rất gần với những vật (mà tôi) ham muốn, rồi tôi tách mình ra khỏi chúng. Với Objets Augmentés, tôi đã mua vài thứ ở chợ trời Belleville, tôi thích nơi này gọi là kho báu công cộng. Khi trải chúng ra sàn studio, tôi nhận thấy chúng đều là những công cụ; những công cụ ấy tách rời bàn tay người làm ra khỏi món đồ vật. Tôi muốn làm một cái gì đó mới mẻ từ những công cụ này, để tạo thành các vật thể “được gia cố”, được bao bọc trong cái ý nghĩa mà chúng (phải) mang theo, nhưng những ý nghĩa ấy vượt lên khỏi chúng và không thể diễn tả bằng ngôn ngữ. Tôi cũng nghĩ đến những chiếc đầu lâu bọc thạch cao ở Bảo tàng Con người.

Sanctuary (Chốn tôn nghiêm) – Sắp đặt này trêu ngành nhân học truyền thống cứ bạ nghiên cứu vật gì thì cũng phải coi đó là vật lạ, không phải chính nó, và chê bai nền văn hóa mà nó đã thâm nhập.

Hiện tại cô đang làm gì?

Mấy cái lồng gỗ anh thấy ở đây là một phần tác phẩm được Pompidou Center mua cho sắp đặt Elles, bắt đầu vào tháng Chín. Đó là một nhóm các hình dạng được tạo thành từ những mặt phẳng trái tay (left-hand planes). Trong kiến trúc, các mặt phải trái tay tạo thành các bề mặt dễ uốn. The Cages – những hình dạng vừa hữu cơ vừa hình học – là một cách diễn đạt bằng vật chất mong ước của con người muốn hạn chế mọi thứ. Treo lơ lửng trên không, chúng cho phép không khí đi qua, và vì không có cửa, chúng không thể nhốt cái gì vào bên trong. Mong muốn cầm tù của chúng đã bị làm cho thành không thể.

 

 

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả