Ở Đâu - Làm Gì

Tản văn có phải fast-food? Hãy đến nghe Đỗ Phấn, Phạm Xuân Nguyên, và Nguyễn Trương Quý trả lời 29. 06. 15 - 1:46 pm

 

.

Trung tâm Văn hóa Pháp – L’Espace và Nhà xuất bản Trẻ kính mời quí vị đến dự Tọa đàm chuyên đề “Tản văn có phải fast-food ?”.

Thời gian : 18h00, thứ Tư ngày 1. 7. 2015
Địa điểm : Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp
24 Tràng Tiền, Hà Nội

Diễn giả: Họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn
Nhà văn Nguyễn Trương Quý
Dẫn chương trình: Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

Hai thập niên đầu thế kỷ 21, người ta nhận thấy có một dòng chảy các tác phẩm thể loại có tính chất phi hư cấu: tản văn, tạp văn, tùy bút hay đoản văn. Tên gọi nào là chính xác, cũng như liệu có thể phân biệt chất văn chương và thông tấn của chúng? Ảnh hưởng của chúng sâu rộng đã khiến hầu như mọi cây bút đều thử sức, và đã có người được biết đến nhờ thể loại này. Trên thị trường sách, tản văn là thể loại hấp dẫn người đọc vì sự gần gũi đời sống và còn vì sự ngắn gọn tương đồng với hệ thống mạng xã hội, Internet. Nhưng tản văn có phải là đồ ăn nhanh của thời đại đọc nhanh không?

Thể loại có vẻ phụ này trong các dòng sách lại tạo nên sự sôi động của đời sống văn hóa đọc Việt Nam thời gian gần đây. Các tản văn của các tác giả Việt Nam như Nguyễn Việt Hà, Đỗ Phấn, Nguyễn Trương Quý, Nguyễn Ngọc Tư… được NXB Trẻ in thành một vệt là một bức chân dung sinh động của xã hội. Cuộc tọa đàm giữa nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, họa sĩ-nhà văn Đỗ Phấn và nhà văn Nguyễn Trương Quý sẽ làm nổi bật sự có mặt ý nghĩa của thể loại phi hư cấu này.

Hội thảo bằng tiếng Việt, vào cửa tự do.

*

Ngoài ra, xin giới thiệu mốt số tựa sách tản văn mới nhất của Nhà xuất bản Trẻ:


Tạp bút Bảo Ninh
Những bài báo ngắn ký tên Nhật Giang, Bảo Ninh, Mã Pí Lèng… in phần lớn trên báo Văn Nghệ Trẻ và các tờ báo khác được tập hợp trong cuốn sách có cái tên giản dị – Tạp bút Bảo Ninh – thực sự cho thấy một nhà văn công dân Bảo Ninh.

Cả với những bài như một tiểu luận nhỏ, văn chương Bảo Ninh vẫn đầy ắp cảm xúc chân thành: giận dữ với thói đê tiện, dịu dàng với cái đẹp cùng những kỷ niệm đời người của năm chiến tranh và sau này. Chiến tranh đã là cái mốc – Cuộc sống, con người trong và sau chiến tranh luôn là nỗi ám ảnh thổn thức mãi khôn nguôi.

 


Mỗi góc phố một người đang sống (Nguyễn Trương Quý)
Tác giả đã có lời ngỏ ngay mở đầu cuốn tản văn tiếp tục về đề tài Phố: điều gì đọng lại sau mỗi chuyến đi. “Cái gì làm nên giá trị bất thành văn cho từng không gian sống? Mỗi con phố phải có gì hơn là nhà cửa, hàng cây, vỉa hè, nếu như không phải là ở đấy có những con người làm nên trạng thái sống của chúng…” Là con người, khuôn mặt, lời ăn tiếng nói, lối giao tiếp. Neo lại trong lòng là trạng thái nóng lạnh, cảm giác hạnh phúc hay buồn bực hoặc sửng sốt. Đó cũng là điều khiến nơi này ấn tượng hơn, nơi kia ấm áp tình cảm, thanh lịch nho nhã, hay thô lậu lừa đảo – những cảm xúc đi theo rất lâu trong mỗi người.

“Mỗi bài tản văn như một cuộc du ngoạn được dẫn dắt qua không gian của hoài niệm, của ghi chép về xã hội, của những tham chiếu văn hóa sâu xa và những sáng tạo hài hước pha cay đắng. Những cuốn sách của Nguyễn Trương Quý đưa chúng ta đến với Hà Nội, cho chúng ta có được cơ hội trở nên thông thạo nơi này cùng một trong những nhà quan sát sắc sảo nhất của nó” – Jacob O. Gold.

 


Đi xuyên Hà Nội (Nguyễn Ngọc Tiến)
Sau các cuốn tản văn 5678 bước chân quanh Hồ Gươm, Đi dọc Hà Nội, Đi ngang Hà Nội và tiểu thuyết Me Tư Hồng, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến lại tiếp tục chủ đề những câu chuyện đời sống Hà Nội theo dòng lịch sử qua cuốn tản văn mới, Đi xuyên Hà Nội. Hà Nội của nhiều góc cạnh: những bước hình thành nên thành phố kiểu phương Tây do người Pháp lập bên cạnh những phố Hàng của Kẻ Chợ, những thú chơi hay phong tục của thời trước, những thăng trầm lịch sử. Có khi là câu chuyện nhiều ngổn ngang trong thân phận những ngôi biệt thự cũ giờ cái còn cái mất. Có khi là những phận đời nổi trôi theo thời cuộc…

Cuốn sách là sự cố gắng nhìn vào bản chất của đô thị ở khía cạnh khoa học nhân văn gần gũi, có sự khảo cứu sâu rộng các nguồn tư liệu, nên độ hấp dẫn nằm ở chính sự sống động ấy. Tất cả dựng nên một cách tự nhiên chân dung một Hà Nội vừa tài hoa vừa xô bồ, cổ kính mà luôn đầy chất đương đại.

 


Đàn bà yêu thành phố (Kiều Bích Hương)
Đàn bà yêu thành phố là cuốn sách thứ hai của Kiều Bích Hương, một người Việt đang sống ở châu Âu. Nhưng khác với ký Vợ Đông chồng Tây, cuốn này tập hợp những ghi chép tản mạn ngắn về những điều mắt thấy tai nghe ở xứ người. Vốn là phóng viên báo Tiền Phong, nên cách nhìn của chị cũng mang đầy tính phát hiện, xâu chuỗi, kết luận, như những phóng sự điều tra nhỏ. Chuyện quà Tết, chuyện nhà dưỡng lão ở bên cạnh nhà trẻ, nên sống biệt thự hay sống nhà chung, muôn kiểu tìm vợ, các lối dẫn về hạnh phúc. Hay những câu chuyện giáo dục, ẩm thực đặc trưng Âu Á…

 


Còn nhớ nhau không (Lê Minh Hà)
Chưa đến 200 trang, nhưng tập sách mang sức nặng của ký ức miên man về một thời chưa xa. Dòng sông trong vắt, “một dòng sông trong tâm thức hình như vẫn bền bỉ chảy suốt từ bấy đến giờ”, cánh đồng tháng mười chiều sương xuống thơm mùi lúa nếp non rang, những mùa hạ bần thần nhớ kem, nhớ tiếng chuông xe điện và một trời phượng vĩ… Cảnh đẹp và người lành, đọc sẽ thấy mơ màng ngạc nhiên đến nao lòng, là bởi giọng văn Lê Minh Hà. Đúng như họa sỹ, nhà văn Đỗ Phấn nhận thấy, “Một giọng kể độc đáo. Ào ạt, sôi động, cô đọng và khúc chiết là những cảm giác sẽ đến ngay từ những dòng đầu tiên… Một cây bút tản văn có hạng. Điều này, rất tiếc, không thể cứ rèn luyện là được. Giống như trong hội họa, hòa sắc là thứ trời cho họa sĩ, cũng không thể rèn luyện. Có đi học khắp cả đông tây kim cổ thì cũng vậy mà thôi”.

 


Sợi tơ nhện (Cao Huy Thuần)
Vẫn thủ thỉ giọng Chuyện Trò đặc sản, vẫn thủy chung với thiên chức nhà giáo-nhà văn, tác giả Cao Huy Thuần lại trải lòng cùng độc giả, rút tâm tình se thành Sợi Tơ Nhện.

Con chữ đa sắc thái cứ tung tẩy nhảy nhót nhiều biến điệu, thoắt trang nghiêm, thoắt dí dỏm, thoắt huyền bí, thoắt ly kỳ, dẫntâm trí người đọc qua ngoằn ngoèo các nẻo chuyện. Thực và ảo đan xen mang hình hài chuyện cổ tích thời nay, chuyện ngụ ngôn đương đại.

Đung đưa đủ các thứ chuyện, chuyện triết cao siêu, chuyệnđời bình thường, chuyện trộm cướp, chuyện tình yêu, chuyện bướm, chuyện hoa, chuyện ma, chuyện Phật, chuyện sống, chuyện chết…, tất cả kết tinh thành câu chuyện làm người. Sợi Tơ Nhện mong manh nhờ thế mà trở nên bền chắc. (Giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Duy)

*

Các tác phẩm đã được in gần đây tại NXB Trẻ:
Ngồi lê đôi mách với Hà Nội, Hà Nội thì không có tuyết (Đỗ Phấn)
Đong tấm lòng (Nguyễn Ngọc Tư)
Con giai phố cổ, Mặt của đàn ông (Nguyễn Việt Hà)
Cách nhau chỉ một giấc mơ (Nguyễn Thị Hậu)
Thả hy vọng (Trần Đức Tiến)
cùng nhiều tác phẩm khác.

Xin trân trọng giới thiệu.

 

Ý kiến - Thảo luận

16:50 Monday,29.6.2015 Đăng bởi:  thỏ hấp lâu
Hoạ sỹ Đỗ Phấn làm sao mà nổi tiếng mới nói hay bang hoạ sỹ Lê thiết Cương nhỉ ? Mỗi bài giới thieu triển lãm anh ấy viết chẳng khác gì một tản văn. Em đề nghi Hội nhà văn nên in một quyển các bài viết của anh Cương, in riêng chứ đừng kèm tranh ai vào. Anh viết nhiều và đăng ở rất nhiều tờ báo lớn uy tín, trên nhiều lĩnh vực, từ gốm đến ảnh, từ gi
...xem tiếp
16:50 Monday,29.6.2015 Đăng bởi:  thỏ hấp lâu
Hoạ sỹ Đỗ Phấn làm sao mà nổi tiếng mới nói hay bang hoạ sỹ Lê thiết Cương nhỉ ? Mỗi bài giới thieu triển lãm anh ấy viết chẳng khác gì một tản văn. Em đề nghi Hội nhà văn nên in một quyển các bài viết của anh Cương, in riêng chứ đừng kèm tranh ai vào. Anh viết nhiều và đăng ở rất nhiều tờ báo lớn uy tín, trên nhiều lĩnh vực, từ gốm đến ảnh, từ giấy dó đến giấy báo...Thật ra mà anh chuyển sang làm giam khảo thì thật uổng phí một tài năng, anh đúng là một nhà tong hợp liên hiệp ngành văn nghệ, vẽ cũng được mà nâng đỡ cho các hoạ si cũng tốt, mà viết cũng hay. Mà anh nói rất thẳng thán, ra ván đề chứ không quanh co chối tội đâu. Em mà có quyền, em bau anh Cương là tổng chỉ huy của liên hiệp văn nghệ thuật Hà Nội, văn phòng ở 51 Trần Hưng Dạo ấy 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả