Đi & Ở

Trở lại Manhattan: đi không chán chân, nhìn không chán mắt 11. 07. 15 - 7:40 am

Phó Đức Tùng

(Tiếp theo bài trước)

New York 24. 04. 2015

Khu Manhattan. Ảnh từ Internet

Gần 20 năm mới trở lại, thấy khu trung tâm Manhattan vẫn gây hưng phấn như ngày nào. Cơ man là cao ốc đẹp đẽ, đủ mọi kích thước, vật liệu, phong cách. Xem kiến trúc ở đây thích hơn Chicago vì nó có nhiều trường phái, nhiều phong cách hơn, và các tòa cao ốc cách nhau một đoạn, nên người đi bộ vẫn có thể dễ dàng nhìn thấy nhiều tòa nhà một lúc mặc dù vẫn là mạng ô cờ chứ không bị chắn tầm mắt như ở trung tâm Chicago.

Cấu trúc đô thị cổ ở đây được giữ lại nhờ mạng chia ô và việc giữ lại khối nhà thấp khoảng 5 tầng. Những cao ốc quá mức này đều phải giật vào ở những tầng trên, vì vậy không gian hai bên đường vẫn giữ được tỷ lệ gần gũi. Đặc biệt dãy mặt tiền tầng 1 gần như giữ nguyên cấu trúc, tỷ lệ và công năng của những phố mua sắm sầm uất cổ truyền, tạo thành mạch ngang liên tục, chứ không bị gắn với tòa tháp. Ngay tầng 1 của tòa Empire State nổi tiếng vẫn là quán bia, cửa hàng rất ấm cúng.
 

Tòa nhà Empire State (cao nhất trong hình). Ảnh từ Internet, không rõ người chụp.

Cũng giống như Boston, New York đã kết hợp được một cách hài hòa và nhuần nhuyễn giữa cái cũ và cái mới, giữa tỷ lệ gần gũi của người đi bộ với skyline hùng vĩ của một đô thị quốc tế. Đặc biệt là đi dọc các phố, thấy rất ít những bách hóa tổng hợp lớn hoặc thương hiệu lớn, mà có một tỷ lệ rất lớn những hãng nhỏ, những hàng đặc biệt, cho những nhu cầu rất khác nhau. Ngoài đường cũng có rất nhiều loại hàng rong, lúc thì lẻ tẻ một hai xe, lúc thì tập trung thành những cụm chợ nhỏ. Khác với những thành phố nhỏ không thể đủ số người để nuôi vô số những phân khúc thị trường nhỏ, chỉ một vài hãng lớn là thâu tóm hết cả, ở New York, mọi nhu cầu, mọi phân khúc nhỏ nhất đều có thể đủ lượng khách để nuôi một chỗ bán nhỏ. Cũng hoàn toàn khác như khi vào những outlet ngoại ô, ta cũng có một tập hợp rất nhiều hãng và vô số mặt hàng, nhưng việc duy nhất ta làm là vục mặt vào đống hàng hóa, lăn hết từ biển giảm giá này tới biển giảm giá kia, thì ở trung tâm New York, ta có thể sung sướng đi bộ, ngắm phố phường, nhà cửa, người đi, và đồng thời liếc qua các mặt hàng trưng bày ở cửa kính. Khi nào thấy có gì thật thích, hoặc mỏi chân, hoặc cần tìm chỗ giải quyết, thì mới chui vào một cửa hàng, nhân tiện mua sắm luôn. Nếu ở Boston, ta có thể thư thái dạo chơi, tưởng tượng mình như những quý tộc sang trọng, thì ở New York, ta lại hòa mình vào dòng người vui như trẩy hội. Càng đi, ta càng cảm thấy rõ là vấn đề chất lượng đô thị không chỉ nằm ở chỗ ta có đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm để mua, mà ở chỗ ta có thể tự phát hiện ra bản thân mình qua những sự đa dạng vô vàn của các khả năng, và đặc biệt là vấn đề giao tiếp, dịch vụ. Các cửa hàng nhỏ, đặc biệt bao giờ cũng có mức giao tiếp và dịch vụ cao hơn là ở những siêu thị và bách hóa lớn.
 

Ở Broadway, Manhattan. Ảnh của Jordan Ewert

Sau từng ấy năm, thấy trung tâm Manhattan phát triển ngày một sạch hơn, đẹp hơn và đồng bộ hơn. Không những mấy tuyến chính như các đại lộ 4,5,6,7 đông vui, đẹp đẽ đã đành, mà vùng rìa ngoài cũng rất phát triển. Những trục đường phía tây, từ đại lộ số 8, số 9 trở ra, ngày xưa rất bệ rạc, hình dung như trong vở nhạc kịch West Side Story. Bây giờ, tất cả các trục, ra tới tận bờ sông Hudson, đa số đều sạch đẹp, sầm uất.

Times Square vui như Tết. Trời rét căm căm, mà lại có một chú Tàu trần như nhộng, mặc độc chiếc quần sịp nhỏ xíu, trong suốt, từ ngực xuống tới rốn viết hai chữ Thanh Nam bằng lối đại tự, đi nghêng ngang khắp nơi, thiên hạ xúm vào chụp ảnh. Mấy em Tàu non ngồi ghế gần đó, ngượng ngịu che mặt, sợ bị vào ảnh cùng chàng, nhưng mắt vẫn ti hí qua kẽ tay, cười rinh rích. Góc khác lại có một lão béo tròn như một con voi đứng ngúng nguẩy, môi tô đỏ cờ, mắt đánh xanh lơ, cũng gần như trần truồng, lấp loáng giữa những hằn mỡ mông có mảnh bikini đỏ chót, bé như một sợi chỉ. Bên cạnh lão béo là một quả nữ thần tự do xanh lè, cao lênh khênh, đang xòe một tập tiền 1 đô đếm nhoay nhoáy. Mickey, Donald ngoáy đít tưng bừng xung quanh.
 

Ở Times Square. Hình từ trang này

Central Park ngày càng đẹp và có vẻ gắn kết hơn với đô thị xung quanh. Ngay xưa, có cảm giác cái công viên quá lớn khiến cho đô thị bị chia cắt. Cũng có thể vì lẽ đó mà các vùng đông tây nam bắc trở thành những khu đô thị rất chênh lệch, cả về công năng lẫn đẳng cấp. Nhưng bây giờ thì thấy mọi thứ có vẻ rất liền lạc. công viên không có hàng rào, từ đâu cũng đi được vào. Olmsted thiết kế thì tài tình, đường lên lối xuống, mở ra đóng vào, mỗi bước một biến đổi, đi không chán chân, nhìn không chán mắt. Trông ra xa thì cây to trùng điệp, cành tán lớp lớp dày đặc như rừng. Nhưng bước đến đâu mở ra đến đó, xung quanh bãi cỏ mênh mông, tha hồ chạy nhảy, tắm nắng, thể thao. Giữa công viên có đồi đá to, toàn phiến đá tự nhiên, người trèo đã bóng lừ. Trời nắng đẹp, mọi người lên ngồi nằm sưởi nắng la liệt như hải cẩu. mình cũng làm một chỗ dưới nắng, nằm ngủ ngon lành. Mở mắt dậy thì mặt trời đã xuống từ lúc nào.
 

Central Park. Ảnh từ trang này

Trời tối, chân mỏi rã rời, định về Times Square ngắm cảnh nhộn nhịp ban đêm, nhưng lại nghĩ vừa mỏi vừa lạnh, bèn lên xe buýt về lại Chinatown. Chờ mãi xe mới đến, lên xe thì nó không dùng tiền giấy để mua vé, chỉ dùng tiền xu, hoặc là thẻ metro. Xu thì không có, thẻ thì phải mua ở ga tàu điện ngầm. suýt nữa phát điên. Nhưng mà cậu da đen lái xe bảo thôi bọn mày cứ vào đi, tao cho đi nhờ không mất tiền. Thế là trong cái rủi lại có cái may, tiết kiệm được mấy đồng. Ngồi xe ê cả đít mới về đến nhà. Thế mới biết hôm đó mình đi bộ xa thật.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Phê bình: siêu nghệ thuật?

John Ryan Recabar – Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả