Gẫm & Bình

Đọc chậm: Mắt nhìn tay vẽ thiên nhiên để đến Thiền 29. 07. 15 - 9:00 am

Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc

(Hay: THỰC HIỆN HÒA BÌNH NỘI TÂM BẰNG MẮT NHÌN TAY VẼ)

Tác giả – họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, tại lều vịt Hồ Tây của ông. Ảnh tư liệu của gia đình

Đức Phật đã tóm lược sự giác ngộ của mình dưới gốc Bồ Đề bằng mấy lời vắn tắt: “Nơi ta nhãn sanh, trí sanh, tuệ sanh, minh sanh, quang sanh”. Như vậy chứng tỏ trước đó Phật cũng như chúng sinh đã không nhìn sự vật bằng con mắt của trí tuệ mà bằng mọi thứ thiên kiến của tham sân si, và cũng do việc này ta được thấy rõ tấm màn mê vọng chấp trước thường xuyên ngăn lấp bao phủ các giác quan hết sức tinh tế vốn là những cửa ngõ vẫn sẵn sàng mở rộng để tiếp nhận những gì là sinh diệu của thiên nhiên. Sau khi giác ngộ, Phật luôn nhắc đến việc nhận chân sự thật và cuộc sống “như thật”. Khai, Thị, Ngộ, Nhập chính là bốn bước dẫn đến việc thấu nhập vào bản chất các sự vật và hiện tượng của thiên nhiên, và sự thấu nhận này quyết không thể thực hiện được bằng thứ giác quan kém thành thục và nhạy bén, cũng như sự chứng ngộ chân lý trong thiên nhiên không thể nào đạt được bằng một cuộc sống giả dối nói một đằng làm một nẻo – có ý đồ hay nhưng chẳng có tay có tài thể hiện.

Ai đã từng tập vẽ tập đàn – và ai đã được cái may mắn tiếp xúc với những tay nghề lão luyện trong các ngành nghệ thuật, tất đều phải tin chắc ở sự thông đạt siêu việt tuyệt vời của những giác quan điêu luyện và những chuyện thiên nhãn, thiên nhĩ… của chư Phật đã dày công tu luyện nhất định không thể là những chuyện hoang đường. Tay đàn của Bá Nha, tai nghe của Tử Kỳ, mắt nhìn tay vẽ của họa sỹ, ý thức về hình khối và bàn tay tạo hình của nhà tạc tượng… Nếm một chén rượu nho mà có thể biết rõ là rượu đã làm bằng nho của vùng nào, hái vào năm hạn hay năm mưa, pha chế theo phương pháp nào và để ở hầm của địa phương nào, vào khoảng thời gian nào… Những khả năng cảm thông nhạy bén và những bàn tay tạo tác diệu kỳ như vậy ngày nay vẫn là những chuyện thật ở quanh ta, nói chi đến những hình hài bằng xương thịt nguyên vẹn không bị hủy hoại của các Thiền sư như Lục Tổ Huệ Năng và vị Thiền sư của ta ở chùa Đậu – đã mấy thế kỷ nay chứng minh việc tu tập của các bậc đại đức không phải là chuyện mũ ni che tai, bưng miệng bịt mũi, lo sợ chốn chạy mọi cám dỗ và thử thách của cuộc sống.

Trái lại, tu tập là tôi rèn cho mình một trí tuệ có khả năng vui sống hài hòa cùng một nhịp điệu với cuộc sống vĩnh hằng trong mười phương ba cõi. Thiền được coi là pháp môn chính cho việc tu tập này. Trí tuệ Thiền chỉ là khả năng nhập một với thiên nhiên, toàn tâm toàn ý với phần diệu hữu trong Thiên nhiên. Để đạt được trạng thái này, trước đây các nhà tu Thiền đã phải gạt bỏ những tạp niệm bằng nhiều biện pháp. Nhưng, như người lo đuổi chim để giữ lúa, chim bay đi thì sâu bọ lại tha hồ phá hoại ngầm. Miệng thì tụng niệm nhưng tâm viên ý mã chẳng có căn cứ nào nên hiệu quả rất là hạn chế.

Trinh Hữu Ngọc, “Nắng Văn Miếu”

Nay có phương pháp mắt nhìn tay vẽ có thể gọi là phù hợp về mọi phương diện với nhu cầu của Thiền định. Cổ họa Á Châu hoàn toàn là chuyện nhập tâm, công bút, kể cả chân dung cũng chỉ là vẽ theo trí nhớ qua phương pháp nhận xét bí truyền về tướng mạo. Cái “như thật” trong thiên nhiên không được kịp thời ghi nhận tại chỗ như “quả xoài trong bàn tay”. Cũng có thể công nhận bốn bước Khai-Thị-Ngộ-Nhập làm bốn cấp Thiền của phương pháp mắt nhìn tay vẽ.

KHAI như Sơ Thiền – yêu cầu tập luyện sự phối hợp mắt và tay. Với phương pháp nhận xét và ghi chép có thể để cho bất cứ ai cũng kiểm tra và công nhận sự đúng hay sai về mặt nào đó một cách chính xác. Việc này tương đương với yêu cầu miệng đọc tay viết hoặc tâm niệm miệng tụng. Do có sự vận dụng việc phối hợp hai khả năng hoạt động ăn khớp và hài hòa nên mọi tạp niệm đều được tự động gạt bỏ. Ví dụ: đường thẳng đứng có được nhận xét và ghi chép theo đúng với đường dây dọi hoặc đúng với kim đồng hồ chỉ 6 giờ không? Và các đường chếch khác có thể đặt tên là mấy giờ? Đây là việc khai tâm để thu nhận lấy 12 giờ 60 phút như những chữ cái dùng để ghép vần thành tiếng sau này. Việc tuy đơn giản nhưng nguyên việc nhất tâm chú ý vào sự nhận định và ghi chép này đã hướng hành giả về phía vô dục rồi.

THỊ như Nhị Thiền – có yêu cầu nhìn thấy đường nét chính và phụ – khỏe mạnh vững vàng hay thướt tha lả lướt – thế thăng bằng theo chiều hướng dọc hay ngang ở độ chếch mấy giờ – việc ghi chép nhanh gọn tổng quát sao cho bất cứ ai xem cũng đều nhận thật là như vậy. Mắt nhìn tay làm theo chiều hướng nhận xét này tất nhiên loại trừ mọi thiên kiến và chấp trước khả dĩ làm loạn tâm loạn ý. Và tự nhiên dù muốn hay không tâm cũng hướng đến Định.

NGỘ như Tam Thiền – khi đã nhận định được đúng đắn phần tổng quát thì tự nhiên đã phần nào thấy và biết được có cái gì đó nằm trong cái “như thật”. Bảo nó là duy nhất đúng chăng? Không phải, vì chỉ cần nhìn các bạn cùng học cùng nhìn cùng ghi theo cùng một phương pháp như ở những địa điểm khác nhau thì thấy ai cũng có phần đúng của mình mà bản vẽ của ai vẫn là riêng của người đó không bản nào giống bản nào. Bảo nó là đẹp chăng? Cũng chưa rõ vậy, vì nó không có tự tướng để mọi người đều nhận định chính xác được. Đây mới chỉ như ngẫu nhiên bắt gặp qua cái “như thật” của thiên nhiên. Chủ tâm không hề có ý đi tìm, nhưng rõ ràng là vị cây giây quấn, cuộc gặp gỡ này như mở ra một cửa lớn cho nhìn thấy một chân trời vừa xa vừa rộng.

NHẬP như Tứ Thiền – như bị kích động mạnh, tuệ nhãn bỗng nhiên bừng mở và này: ngoài đường nét, hình khối, sáng tối, đậm nhạt, còn cả màu sắc lung linh ấm lạnh và chất liệu khác nhau của vật thể – thần sắc khác nhau của nét sống. Kể cả không gian và thời gian cũng như có thần thái riêng biệt thách thức mắt nhìn tay vẽ thế nào để có thể kịp thời ghi được cái phần linh diệu ấy của thiên nhiên và từ tự giác đến giác tha – bằng cái diệu dụng của nghệ thuật ghi rõ và vĩnh cửu hóa được cái diệu hữu vô thường của thiên nhiên cho ai nấy đều được thấm thía về cái chân, cái thiện, cái mỹ cùng bao nhiêu phép màu của Trời-Đất hằng giây hằng phút kiên trì diễn biến để luôn kịp thời bảo vệ cuộc sống vĩnh hằng.

Thượng tọa Thích Minh Châu đến thăm họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc tại lều vịt Hồ Tây, 1987. Ảnh tư liệu của gia đình

Này là giọt nước cho ta đỡ khát – hạt gạo cho ta no lòng – hoa thơm quả ngọt với cách đóng gói và bảo quản diệu kỳ – cho ta thưởng thức mùi vị tươi mát thơm lành. Này là chim trời cá nước thú rừng cho đến con sâu cái kiến chị ong cô bướm chú ve. Này là cây cỏ với muôn hình muôn vẻ. Mỗi mỗi đều như được phân công và chịu phần trách nhiệm vảo vệ sự hài hòa của cuộc sống cộng đồng.

Một khi hành giả được thấy rõ muôn vàn phép lạ và vô vàn công lao cũng như lòng thương xót vô biên của Trời-Đất đối với cuộc sống – nhận chân việc sắp xếp và tổ chức cho muôn triệu loài đều được no ấm khỏe mạnh vui tươi, không sưu không thuế – biết nghe và biết nhận lẽ hùng biện của sự im lặng bao la và lòng độ lượng khó bì của Trời-Đất – thấy rõ được cái diễm phúc được Trời-Đất che chở và được nuôi dưỡng bằng muôn vàn tài lạ phép màu – thông suốt luật nhân quả và lẽ vô thường của mọi sự mọi vật thì tự nhiên có một thái độ sống như như tự tại ham làm lành, tránh việc ác, lòng luôn tràn ngập sự hiếu kính đối với ơn trên – và sự bình đẳng khoan nhường đối với muôn loài muôn vật – không bị lửa tham thiêu đốt – không bị sóng ái dục nhận chìm – không bị giam cầm trong ngục tù sân hận và cũng không bao giờ bị sa lưới vô minh.

Ước vọng hòa bình của nhân loại chỉ có thể biến thành sự thật qua việc mỗi người chúng ta đều chuyển mê khai ngộ – và đều có thể nói như Đức Phật: “Nơi ta Nhãn sanh, Trí sanh, Tuệ sanh, Minh sanh, Quang sanh.”

Viết xong hồi 10 giờ sáng ngày 5 tháng 5 năm 1986
Tại lều vịt Hồ Tây

Trịnh Hữu Ngọc

Lều vịt Hồ Tây – nơi sống và sáng tác của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc. Ảnh tư liệu của gia đình.

*

SOI: Về tác giả-họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, mời các bạn đọc thêm đoạn trích sau trong bài của anh Phó Đức Tùng.

Ý kiến - Thảo luận

10:44 Wednesday,29.7.2015 Đăng bởi:  candid
Một bài viết rất hay, cám ơn Soi đã đăng. Lưu lại để đọc dần dần.
...xem tiếp
10:44 Wednesday,29.7.2015 Đăng bởi:  candid
Một bài viết rất hay, cám ơn Soi đã đăng. Lưu lại để đọc dần dần. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả