Nghệ sĩ thế giới

Doris Salcedo: không có lời giải thích thì tưởng cửa hàng đồ cũ 11. 07. 15 - 10:52 pm

Phạm Phong tổng hợp và dịch

NEW YORK – Từ 26. 6 tới 12. 10. 2015, bảo tàng Solomon R. Guggenheim Museum giới thiệu triển lãm tổng kết đời đầu tiên và rất lớn của Doris Salcedo – một nghệ sĩ vừa nên thơ vừa rất cực đoan, có nhiều ảnh hưởng trong làng nghệ thuật thế giới. Trong hình: sắp đặt của Doris Salcedo tại bảo tàng Solomon R. Guggenheim, New York. Ảnh của David Heald.

 

 

Doris Salcedo sinh năm 1958, là một điêu khắc gia gốc Colombia. Bà tốt nghiệp cử nhân Mỹ thuật tại Đại học Bogotá, Jorge Tadeo Lozano vào năm 1980, sau đó tới New York, hoàn tất cao học Mỹ thuật tại đại học New York. Rồi bà quay về Bogotá giảng dạy tại trường Đại học Quốc gia Colombia. Tác phẩm của bà lấy cảm hứng từ trải nghiệm đời sống của bà tại Colombia, và thường được sáng tác bằng cách phối các món đồ nội thất.

 

 

Tác phẩm của Salcedo tràn ngập cảm giác của mất mát và chết choc. Những chủ đề này nảy sinh từ lịch sử cá nhân của nghệ sĩ. Các thành viên trong gia đình Salcedo đã bị mất tích trong giai đoạn rối ren về chính trị ở Colombia. Nhiều tác phẩm của bà nói về việc: ta có thể than khóc về cái chết của một người thương yêu, nhưng sự biến mất của họ mới chính là một khoảng trống khó mà chịu đựng nổi. Trong hình là tác phẩm “Disremembered I, 2014” (Không nhớ), chất liệu: tơ lụa, kim khâu, 89 x 55 x 16 cm, thuộc bộ sưu tập của Diane và Bruce Halle

 

 

Doris Salcedo gửi gắm vấn đề về quên và nhớ trong các tác phẩm sắp đặt của bà. Trong tác phẩm như Unland chẳng hạn, làm từ 1997, Salcedo dùng những vật thông thường trong nhà, như bàn ghế, và biến chúng thành những kỷ vật của nạn nhân trong cuộc nội chiến ở Colombia. Trong hình: tác phẩm “Unland”, do Herbert Lotz chụp. Một món nội thất có vẻ rất thông thường như trong hình thực tế được làm bằng hai chiếc bàn đã bị phá hỏng ghép lại, phủ bằng một mảnh vải trăng trắng, đồ là từ một chiếc áo tunic của trẻ mồ côi. Nhìn sát vào tác phẩm, có hàng trăm sợi tóc người mảnh mai như những sợi chỉ kết mảnh tunic vào mặt bàn. Nếu mảnh tunic như một tấm da, thì bàn là một hóa thân của cơ thể, không phải của một trẻ mồ côi riêng lẻ nào, mà là của cả một cộng đồng trẻ mồ côi.

 

 

Một sắp đặt của Doris Salcedo. Ảnh: David Heald

 

 

Salcedo sử dụng những đồ vật từ quá khứ, những đồ vật thấm đẫm cảm thức về lịch sử. Thông qua những sắp đặt đương đại này, những đồ vật ấy minh họa cho dòng chảy của thời gian. Ảnh: David Heald

 

 

 Trong hình là tác phẩm “Atrabiliarios” (chi tiết), 1992–2004. Chât liệu: giày, sơn, gỗ, da động vật, chỉ phẫu thuật, 40 cái hộp.

 

 

Chi tiết tác phẩm “A Flor de Piel”, 2014 gồm những cánh hoa hồng, chỉ, kích thước 1333.5 x 650 cm. Ảnh: Patrizia Tocci

 

 

Plegaria Muda (chi tiết), 2008–10. Gỗ, xi măng, đất, cỏ, 166 phần, mỗi phần 164 x 214 x 61 cm. Ảnh do Jason Mandella chụp. Đây là sắp đặt gần đây nhất của nghệ sĩ, gồm những món điêu khắc khác nhau, trên có mọc những cụm cỏ xinh xinh. Tác phẩm gợi đến cơ thể người, với tỉ lệ tương ứng cỗ quan tài, ám chỉ một nghĩa trang bị bỏ hoang, biểu tượng cho hàng ngàn dân thường Colombia đã mất tích và bị giết trong nội chiến. Tác phẩm này đầu tiên được bày tại Mexico, sau đó bày tại Thụy Điển, Lisbon, Rome, London và Brazil suốt từ 2010-2013.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả