Nhiếp ảnh

Harry Gruyaert: khi kẻ mê điện ảnh đã chọn ảnh màu 21. 01. 16 - 4:32 am

Hoàng Lan st và dịch

 

Ở Paris, thời ông hai mươi mấy tuổi, Harry Gruyaert đi xem phim đến năm, sáu lần một tuần. Ông luôn khát khao chu du khỏi thành phố quê hương Antwerp, nơi chính ông nhận xét rằng “chẳng có gì để học ở đó cả”. Ảnh: Harry Gruyaert

 

Gruyaert chuyển đến thủ đô nước Pháp với hy vọng trở thành một nhiếp ảnh gia. “London và New York cũng là những nơi tôi muốn đến, nhưng Paris gần hơn, ở đấy còn có một số nhiếp ảnh gia tôi từng nghe danh”, ông cho biết. “Paris lại có nhiều bộ phim hay, và tôi học mọi thứ từ phim”. Trong ảnh: “Paris 1985”.

 

Ở độ tuổi 73 và là thành viên của hãng ảnh Magnum lừng lẫy, nghệ sĩ Gruyaert vốn khoái rong ruổi cuối cùng cũng an cư ở Paris – nơi hai cô con gái 23 và 28 tuổi của ông sinh sống – nhưng chẳng có dấu hiệu gì cho thấy rằng ông sẽ nghỉ hưu. Gruyaert đang rất hào hứng với việc ảnh của ông đang trưng bày trên các bức tường của nhiều trạm tàu điện ngầm ở Paris. Ông chứng kiến cảnh những tác phẩm màu rực rỡ cao hơn 6m của mình vui đón hành khách đi tàu, trừ những kẻ cáu bẳn khó chịu nhất. Ảnh: “Đường phố Paris”, 1985

 

Trong suốt những năm 70 và đầu những năm 80, Gruyaert sống trong chiếc xe Volkswagen Kombi, chu du từ nơi này đến nơi khác, với máy ảnh và thiết bị để phía sau xe. “Đó gần như là nhà của tôi”, ông nói. Ảnh: “Thành phố Galway”, Ireland, 1988

 

“Tôi sẽ để ảnh rải rác tại nhà cô bạn gái này, hay một người bạn nọ, và có lẽ tôi đã làm mất vài tấm trên đường đi đây đó. Thế nên một trong những lý do tôi gia nhập Magnum là vì tôi muốn có một nơi cố định để lưu giữ ảnh của mình. Và để người ta dễ bắt liên lạc với tôi nữa”. Ảnh: “Bãi biển Agamie”

 

Gruyaert lớn lên trong một gia đình công giáo, “nơi tôn ti từ trên xuống dưới là Chúa, Giáo hoàng và bố tôi”, ông nhăn mặt nói. Thực ra, bố của Gruyaert làm việc cho Agfa-Gevaert – một hãng sản xuất phim chụp ảnh. Nhưng Gruyaert nói: “Dù rằng nhà chúng tôi có máy ảnh, bố chưa bao giờ quan tâm đến nhiếp ảnh cả, ông bắt tôi theo học một trường đào tạo các nghề lao động chân tay. Dĩ nhiên tôi chỉ trụ nổi trong ngôi trường này chừng vài phút”. Ảnh: “Sông Niger”, Mali

 

Năm 18 tuổi, Gruyaert tự bỏ nhà đến Brussels để học một khóa về điện ảnh và nhiếp ảnh. Đây chính là lúc ông bắt đầu dành hết thời gian của mình ở rạp chiếu bóng. “Trường dạy dở tệ, và tôi chẳng học được gì cả. Nhưng nhờ xem phim mà tôi bắt đầu tìm hiểu về bố cục và chuyển động… Tôi đến các gallery xem tranh, tôi mua tạp chí và sách, và tôi dần dà phát hiện ra cách nhìn một cảnh để chụp hình nó”. Ảnh: “Kỷ niệm ngày thắng trận Waterloo”, Bỉ, 1988

 

Gruyaert đặc biệt quan tâm đến màu sắc, và bắt đầu dùng màu theo cách những nhiếp ảnh gia khác dùng ánh sáng: để nhấn mạnh bố cục và tạo độ sâu cho ảnh. Ông đi trước thời đại của mình. Hồi ấy, ảnh màu gần như chỉ dành riêng cho việc chụp quảng cáo. “Rất ít người dấn thân vào mảng ảnh màu khi thực hiện các dự án cá nhân”, Gruyaert nói. “Nhưng sau đó tôi đi New York và tôi trải nghiệm Pop Art. Những bức tranh của Warhol hay Lichtenstein giúp tôi nhìn màu sắc theo cách khác”. Ảnh: “Bãi biển của thị trấn Fort Mahon”, Pháp, 1991

 

Gruyaert không có gì để nuối tiếc khi nhìn lại sự nghiệp chụp ảnh màu của mình, ông liên tục cho ra lò hết bức ảnh sống động này đến bức khác. “Màu sắc mang lại nhiều hứng khởi”, Gruyaert giải thích. Ảnh: “Hiên của một khách sạn”, Gao, Mali, 1988

 

“Màu sắc cuốn hút, gợi cảm. Tôi coi nó như một bí ẩn mà mình luôn thích thú quay lại tìm cách giải mã hết lần này đến lần khác. Ngay cả bây giờ khi tôi ngắm ảnh của mình tôi vẫn muốn đùa với chúng và chỉnh chúng một tí. Tôi như họa sĩ [Pierre] Bonnard – người nhờ bạn mình đánh lạc hướng viên bảo vệ trong bảo tàng để ông có thể sửa tranh của chính mình khi chúng đã nằm trong cái khung treo trên tường”. Ảnh: “Phòng thay đồ trên cát”, 1991

 

Tranh vẽ là một phép so sánh thú vị – người ta từng so ảnh của Gruyaert với các bức vẽ của họa sĩ Mỹ Edward Hopper. “Có thể họ đúng. Tôi chưa bao giờ ngắm tranh của Hopper và nghĩ rằng ‘mình phải thử chụp kiểu này’”, Gruyaert nói. Ảnh: Một bức không rõ tên của Gruyaert

 

Tuy nhiên ông thêm, “Nhưng cách một họa sĩ vẽ nên một bức tranh gây ảnh hưởng lớn lên tôi, và tôi cũng chịu ảnh hưởng từ cách một đạo diễn dựng nên cảnh phim. Khoảnh khắc mà mỗi yếu tố trong khung hình kết hợp lại với nhau để tạo thành một tổng thể… màu vàng ở đây, xanh ở kia, một cấu trúc đẹp ở chỗ nọ và bỗng nhiên, một người bước vào trong khung hình. Tôi luôn cảm thấy rằng hình ảnh ấy thật kỳ diệu”. Ảnh: “Thị trấn Quarzazate” Morocco, 1986

 

Ý kiến - Thảo luận

13:11 Tuesday,24.5.2016 Đăng bởi:  Quân Vũ
Những bức ảnh của ông là niềm cảm hứng cho tôi.
...xem tiếp
13:11 Tuesday,24.5.2016 Đăng bởi:  Quân Vũ
Những bức ảnh của ông là niềm cảm hứng cho tôi. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Dòng sông và đô thị

Phó Đức Tùng

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả