Gẫm & Bình

Tại “Chuyển Động Ngầm”: người bảo có “lờ”, người nói không 16. 07. 15 - 7:46 am

Ghi chép ảnh của Phạm Huy Thông

CHUYỂN ĐỘNG NGẦM
Triển lãm điêu khắc của Khổng Đỗ Tuyền

Khai mạc: 17:30, thứ sáu 03. 07. 2015
Trò chuyện với nghệ sỹ: 15:00, chủ nhật 05. 07. 2015
Triển lãm: 03 – 10. 07. 2015
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

.

Triển lãm cá nhân của nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền được bày ở Bảo tàng Mỹ Thuật Việt nam đã kết thúc, nhưng nó vẫn để lại dư vị trong tâm trí những người đi xem nghệ thuật ở Hà Nội. Điều tôi chú ý đầu tiên khi nhìn thông tin về triển lãm là trong phần giấy mời điện tử có xinh xắn hai logo của nhà tài trợ. Đây là điều không mấy phổ biến khi phần lớn các nghệ sĩ khác bày triển lãm cá nhân ở Bảo tàng thì tự oằn lưng ra mà gánh hết chi phí. Không biết hai cái logo bé xinh kia gánh được cho anh Tuyền mấy phần nặng, nhưng dù sao đây cũng là điều rất đáng mừng.

Các tác phẩm trong triển lãm của anh Tuyền chủ yếu bằng sắt hàn, đây là chất liệu mà nhiều thành viên của khác của nhóm New Form cũng sử dụng. Nghe nói nhà điêu khắc Đào Châu Hải là người đầu tiên khởi xướng và truyền lại cảm hứng sử dụng sắt hàn cho các đồng nghiệp kế cận. Nhưng bàn đến việc này thì lại lan sang mảng lịch sử điêu khắc Việt Nam đương đại. Hiểu biết của tôi về mảng này rất hạn chế nên không dám đi sâu.

Vì sắt là chất liệu “nhà trồng được” nên công tác trưng bày trong triển lãm Chuyển Động Ngầm cũng rất điệu nghệ. Các miếng sắt lớn được gia công làm nền để dán những lời giới thiệu nho nhỏ.

 

Ánh sáng hai phòng triển lãm được chỉnh lim dim, âm âm tối, làm toát lên sức nặng của các khối điêu khắc lầm lũi. Trong hình là tác phẩm “Chuyển Động Ngầm VI” – Sắt hàn – 22×66.5x19cm – 2015

 

Một tác phẩm khác sử dụng cả kim loại và gỗ. Xét về sức nặng thị giác thì cũng chưa biết mèo nào cắn mỉu nào.

 

“Chuyển Động Ngầm XIII” – 31x55x10cm – 2015 – theo ghi chép của tôi thì đây cũng là sắt hàn, nhưng có lẽ tôi ghi nhầm vì tác phẩm trên nhìn rõ ràng là gỗ. (Tác giả Khổng Đỗ Tuyền cho biết sau đó là sắt + gỗ)

 

Tác phẩm sắp đặt điêu khắc lớn nhất triển lãm đặt ở giữa phòng trong có tên “Chuyển Động Ngầm I” – Sắt hàn + Sơn + Gương – 152x300x136cm – 2015. Người cầm chai bia phía sau kia là họa sĩ Vũ Hồng Nguyên, người lãnh đạo CLB Họa sĩ trẻ Hà Nội từ mấy thế hệ về trước.

 

“Chuyển Động Ngầm V” – Sắt hàn – 12x10x90cm – 2015

 

“Chuyển Động Ngầm II” – Sắt+Gỗ phủ sơn – 88x270x56cm – 2015

 

“Chuyển Động Ngầm VIII” – Sắt hàn – 21x19x50cm – 2015

 

“Chuyển Động Ngầm XV” – Sắt hàn – 20x150x50cm – 2015

 

“Chuyển Động Ngầm IV” – Sắt hàn + Đồng – 20x19x118cm – 2015

 

Ba khối “Chuyển Động Ngầm” X, XI & XII – Sắt hàn – Kích thước đều vào khoảng 20x20x20cm

Đáng chú ý là ở phòng phía ngoài có 3 khối sắt hàn rất lớn được đặt tên rất lãng mạn. Tôi vì mải mê, và hí hửng ngắm mấy khối này nên quên mất không chụp ảnh cho đầy đủ. Nhiều người tới xem triển lãm đều nhìn thấy những yếu tố tính dục rất mạnh mẽ từ 3 khối sắt này. Các chi tiết đều gợi cho người xem nghĩ đến những bộ phận sinh dục người phụ nữ. Tôi nghĩ, tính âm cao độ nhưng lại được thể hiện trên chất liệu cứng rắn là sắt hàn và được đặt trên các khối vuông vắn chắc nịch tạo ra tương phản nội tại cho mỗi tác phẩm. Chứa đựng trong mình cả yếu tố âm lẫn dương, các tác phẩm đó  tự có sự vận động– phải chăng đó cũng làm một dạng chuyển động ngầm?

Trong buổi nói chuyện nghệ thuật, cũng có người đem ý này hỏi nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền. Câu hỏi thì văn hoa trau chuốt, nhưng tôi có thể hiểu rút gọn là: “…Có phải mấy tác phẩm này anh làm về cái Lờ đúng không?” Tác giả đương nhiên từ chối ý đó, anh có cách giải thích khác về các tác phẩm của mình. Phần giải thích của anh không quá dài, nhưng tôi thấy nếu không đăng nguyên văn được thì không nên tóm lược vì sợ “tam sao thất bản”. Mà câu trả lời của tác giả đối với tôi, trong trường hợp này, thực ra là không quan trọng. Vì mỗi tác phẩm sẽ có giá trị khác nhau qua bộ lọc khác nhau của mỗi người xem. Mà đầu óc u muội của người xem (là tôi) thì chả thấy được cái chuyện gì ngoài chuyện ấy nên cố nhét thêm các chuyện khác vào cũng không thể nào nhét được. Thôi đành, nghệ thuật mà.

Ba tác phẩm lớn bày ở phòng bên ngoài.

 

Hình ảnh trong buổi Art Talk. Nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền và các đồng nghiệp ngồi đối thoại với công chúng ngồi xen kẽ giữa những tác phẩm.

  

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả