Nghệ sĩ Việt Nam

Nguyễn Nghĩa Phương bình về “Mơ” của Đặng Việt Linh 24. 07. 15 - 7:26 am

Thông tin từ BTC

.

.


Khai mạc: 18h ngày 25. 7. 2015
Tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Triển lãm mở cửa tự do: từ ngày 25. 7. 2015 đến 29. 7. 2015.

” là triển lãm cá nhân đầu tiên của Đặng Việt Linh, đánh dấu chặng đường sáng tác chuyên nghiệp của Linh trong 3 năm qua.

Qua bộ tranh “”, Linh truyền đạt tới người xem, ước mơ con người sống hướng tới những gì tốt đẹp, luôn vui vẻ, sống tự do, trân trọng những điều mà mình đang có, hết mình, rất bản năng nhưng không mất đi những nét hoang dại tự nhiên, dám phiêu lưu và mạo hiểm, dám mơ và dám theo đuổi đến cùng giấc mơ của mình.

“Nhạc rừng”, giấy dó bột màu, 60 x 80cm


Giới thiệu về các tác phẩm trong triển lãm

Quan điểm của Đặng Việt Linh về các tác phẩm trong triển lãm: “Trong ý nghĩ của tôi, thế giới hiện đại luôn phẳng và công bằng. Mọi ngôn ngữ, văn hóa, chủng tộc… đều có sự kết nối và giao thoa tạo nên tổng thể của một xã hội văn minh và hội nhập. Vì vậy các tác phẩm của tôi thường sử dụng mảng phẳng làm ngôn ngữ tạo hình chính kết hợp với rất nhiều các họa tiết trang trí truyền thống và hiện đại không chỉ ở riêng Việt Nam mà còn của nhiều dân tộc khác. Đặt chúng trong cùng một tổng thể, khung cảnh để tạo nên sự hòa hợp, giao lưu mang tính cộng đồng bởi chúng ta sinh ra giống nhau.”

Hầu hết các hình thể  trong loạt tranh màu guache trên giấy dó của Linh được vẽ lên một cách tự nhiên và bồng bềnh trong một không gian vô định. Các mảng màu hay chi tiết được phân biệt với nhau bởi những nét trắng càng làm cho tính chất trang trí của những mảng phẳng gia tăng, qua đó tạo cho người xem cảm nhận về một không gian nhẹ nhàng, thanh thản và vui tươi rộn rã. Hình tượng nghệ thuật trong tranh của Linh là những kết hợp đa nguyên, đa chiều.

Với Đặng Việt Linh, họa sỹ luôn mơ và mộng về một thế giới mà ở đó loài người như sống trong một khu vườn địa đàng, nơi không có sự phân biệt văn hóa, sắc tộc mà chỉ có tự do, niềm vui, hạnh phúc và lòng nhân ái ngự trị.

“Trước lúc hoàng hôn”, giấy dó bột màu, 60 x 80cm

Học mỹ thuật công nghiệp, Đặng Việt Linh say mê sáng tạo những bức tranh nghệ thuật  tạo hình độc lập. Trong khi mỹ thuật công nghiệp đòi hỏi tư duy lý trí mạch lạc, những bức tranh của Linh lại vô cùng tự do, ngẫu hứng, gần như bỏ qua những luật lệ tạo hình thông thường, trường quy. Đó là những vấn đề đầu tiên nảy sinh khi được biết về Đặng Việt Linh và xem tác phẩm của họa sỹ trẻ này. Thực ra ở đây có mâu thuẫn gì không? Sâu xa mà nói thì không có sự đối nghịch nào giữa hai loại hình mỹ thuật có các chức năng khác nhau là mỹ thuật tạo hình và mỹ thuật công nghiệp. Trong sáng tạo nghệ thuật thị giác ngày nay, sự tự do, táo bạo và “bất thường” luôn được chú ý và lôi cuốn, cho dù đó là nghệ phẩm ứng dụng hay nghệ thuật thuần túy. Mà muốn có được những điều khác lạ thì nghệ sỹ cần biết phiêu và dám “mơ”, mơ về một miền xa lạ, mơ về một nơi huyền bí có màu sắc hoang tưởng hay về một câu chuyện không đầu không cuối. Với Đặng Việt Linh, họa sỹ luôn mơ và mộng về một thế giới mà ở đó loài người như sống trong một khu vườn địa đàng, nơi không có sự phân biệt văn hóa, sắc tộc mà chỉ có tự do, niềm vui, hạnh phúc và lòng nhân ái ngự trị.  

Là một họa sỹ rất trẻ, sinh năm 1993, Đặng Việt Linh vừa giống, vừa không giống như bao người trẻ cùng thế hệ. Sinh ra và lớn lên trong thế giới hội nhập, rõ ràng Linh và thế hệ của anh đã có nhãn quan khác về thế giới chung và thế giới riêng của mỗi con người. Trong thế giới nghệ thuật của riêng Linh có sự hiện diện và pha trộn đến mức khó phân biệt các nguồn gốc văn hóa, nó được tạo nên bởi những câu chuyện vừa xa xưa, vừa đương đại, mang những ẩn số từ các thời đại, từ các miền đất vốn từng xa lạ với nhau. Với ý nghĩ: thế giới hiện đại luôn phẳng và công bằng; mọi ngôn ngữ, văn hóa, chủng tộc… đều có sự kết nối và giao thoa tạo nên tổng thể của một xã hội văn minh và hội nhập, Đặng Việt Linh đã sáng tác bộ tranh hơn 20 bức rực rỡ sắc màu với hình thể tự do, bay bổng phiêu diêu đến siêu thực. Những tác phẩm của Linh là sự giao kết, biến hóa của các mảng màu phẳng tươi sáng để tạo nên ngôn ngữ tạo hình chủ đạo cho việc thể hiện ý tưởng nghệ thuật từ rất nhiều các họa tiết mang đậm tính trang trí. Những mô típ trong tranh của Linh mang các tín hiệu nhận diện văn hóa truyền thống và thẩm mỹ hiện đại không chỉ của riêng Việt Nam mà còn của nhiều dân tộc khác trên thế giới. Đặt chúng trong cùng một tổng thể, khung cảnh, họa sỹ mong muốn hình ảnh hóa những giấc mơ của mình về một sự hòa hợp, giao lưu mang tính cộng đồng của tất cả con người trên trái đất này, bởi anh cho rằng chúng ta sinh ra đều giống nhau, đều có ước mơ và khát vọng như nhau.

“Vườn xuân”, giấy dó bột màu, 60 x 80cm

Loạt tranh màu guache trên giấy dó của Đặng Việt Linh thu hút lập tức người xem bởi những mảng màu rực rỡ tươi vui như hân hoan nhảy múa trên nền giấy vân trắng. Hầu hết các hình thể được vẽ lên một cách tự nhiên và bồng bềnh trong một không gian vô định. Các chi tiết được phân biệt với nhau bởi những nét trắng càng làm cho tính chất trang trí của những mảng phẳng gia tăng, qua đó tạo cho người xem cảm nhận về một không gian nhẹ nhàng, thanh thản và vui tươi rộn rã. Hình tượng nghệ thuật của Linh là những kết hợp đa nguyên, đa chiều, ở đó có những thiên thần, những chú ngựa với đôi cánh trắng; có thần vệ nữ; có hình rồng, phượng trong văn hóa phương Đông; những thiếu nữ Việt xưa và nay, những con người với trang phục sắc tộc rực rỡ; những con thú kỳ dị thường thấy trong tranh dân gian, tranh thờ ở nhiều nơi trên thế giới. Những hình thể bay lượn, những bản hòa tấu đầy sắc màu trong các bố cục của Linh như được tuôn trào từ đâu đó trong nghệ thuật tranh kính Châu Âu, nghệ thuật trang trí thảm vùng Trung Á, Tiểu Á; những hình thể  do thổ dân Châu Phi, Mỹ La Tinh hay Châu Đại Dương sáng tạo, những trang phục và tranh dân gian Việt Nam; từ những nền mỹ thuật tôn giáo qua mỹ thuật Phục Hưng, hội họa của Henri Matisse, Gustav Klim, của các nghệ sỹ siêu thực trước đây và bây giờ. Có thể nói, bằng thủ pháp tổng hòa (syntheticism) Đặng Việt Linh  đang tạo nên một không gian thẩm mỹ, không gian văn hóa mang tính nhân loại, thể hiện cảm thức và tâm thức của một người sống trong thời đại hội nhập. Nghệ thuật của Linh phản ánh lẽ tự nhiên trong suy nghĩ và tình cảm của thế hệ trẻ hôm nay nhưng đồng thời nhất quán trong việc xây dựng hình thể, hình tượng và ngôn ngữ biểu đạt. Điều đó cho thấy nghệ thuật ấy nảy sinh, tuôn trào từ trái tim, từ những giấc mơ có thực, những giấc mơ trong sáng, nhân bản về một xã hội hạnh phúc.

Bộ tranh trong triển lãm “” của Linh, sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào thời gian sắp tới, là hành trình đi tìm lời giải cho câu hỏi anh luôn trăn trở: “Ngoài thế giới thực tại xô bồ chúng ta đang sống thì còn có thế giới nào khác không ?”. Biểu hiện những ám ảnh, những cuộc phiêu lưu của bản thân mình trong những giấc mơ, hay cơn mê, đắm chìm vào thế giới tưởng tượng để tự giải thoát là cách không ít họa sỹ từ trước tới nay đã làm. Sự đi tìm lời giải cho những trăn trở tinh thần của họa sỹ, cho đời sống khát khao bộc lộ cái tinh thần là vô tận. Mỗi người là một cá tính, một tiểu vũ trụ, vì vậy mỗi họa sỹ có con đường riêng để đi tìm lời giải ấy. Bộ tranh “” của Đặng Việt Linh là một giấc mơ đẹp thông qua những ngôn ngữ tạo hình khác lạ mà không xa lạ. Sự biểu hiện giấc mơ của Linh cũng là những gì mà con người mơ ước: một đời sống tốt đẹp, luôn vui vẻ, tự do, trân trọng những điều mà mình đang có và ở nơi đó mỗi người đều sống hết mình, bản năng một chút, hoang dại một chút, phiêu lưu và mạo hiểm một chút, dám mơ và dám theo đuổi đến cùng giấc mơ của mình.

Họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương

*

Một số nét về tác giả Đặng Việt Linh

Sinh ngày: 19 tháng 11 năm 1993, tại Việt Trì, Phú Thọ. Hiện đang sống tại Hà Nội. Sinh viên năm thứ 4 trường Đại Học Mỹ Thuật Công Nghiệp Hà Nội, chuyên ngành Hội họa

Từng tham gia:

–  Triển lãm khu vực III của Hội Mỹ thuật Việt Nam (2008, 2011, 2013, 2014)
–  Triển lãm của Quỹ Đan Mạch (2013, 2014)
–  Triển lãm tại Hàn Quốc (2014)
–  Đạt giải nhì trong triển lãm “Tranh ảnh đề tài dân tộc miền núi phía bắc Việt Nam (2007)
–  Tác phẩm có trong bộ sưu tập của các nhà sưu tầm Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam

Ý kiến - Thảo luận

8:31 Friday,24.7.2015 Đăng bởi:  lc
Đã sống hết mình rồi thì khó mà " bản năng một chút, hoang dại một chụt" được anh Phương a ! Chất trung dung và rụt rè của đa số dân cư Yết Kiêu zone thực ra rất lãng mạn, đong đầy mơ ước. Nhưng nếu không đập phá thì chẳng có sáng tạo, và cơn bí may thay lại giúp cho ra đời một cây bút bình tranh. Thôi cũng là góp phần để mỹ thuật gần tới tuần thái lai ...
...xem tiếp
8:31 Friday,24.7.2015 Đăng bởi:  lc
Đã sống hết mình rồi thì khó mà " bản năng một chút, hoang dại một chụt" được anh Phương a ! Chất trung dung và rụt rè của đa số dân cư Yết Kiêu zone thực ra rất lãng mạn, đong đầy mơ ước. Nhưng nếu không đập phá thì chẳng có sáng tạo, và cơn bí may thay lại giúp cho ra đời một cây bút bình tranh. Thôi cũng là góp phần để mỹ thuật gần tới tuần thái lai ... 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Chất liệu và lòng tự trọng

Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả