Tuần qua Đoàn Lê có bài thơ sau đọc mãi vẫn không hiểu nói gì:
Kho hóa chất Thiên Tân phát nổ Giật mình soi chỉ số môi trường Trung Hoa ô nhiễm phi thường Mỗi mâm 1 chú lên đường – chết non
* Chuyện năng lượng sống còn phải nhớ Loài người tăng số nợ thiên nhiên Hủy hoại nguồn sống triền miên Tiết cmn kiệm liền nghe chưa!!
* Bãi biển Cửa Đại vừa trôi mất Phú Quốc đà phéng đất trồng rừng Nghỉ mới chả dưỡng tưng bừng Hậu quả kệ mẹ – cứ dùng tính sau
* Vườn Cầm Thảo xiết bao cần thiết Điểm công viên phải biết phát huy Khẩn trương dẹp chuyện dời đi Mai đây hậu thế lấy gì mà xem
* Thời đại mới đính kèm bệnh tật Lòi ra cây gọi nhất chi hoa Giá rổ vãi cả Ta bà Điều nghiên lợi hại chẳng ma nào làm
* Chuyện thảm án, ngân hàng, tiền tệ… Chém khắp nơi thôi kệ đếch bàn Môi trường sức khỏe việc gần Ngẫm rồi giữ lấy phúc phần cháu con
Để hiểu được bài thơ “đau đớn” này, xin đọc bản điểm tin sau:
1. Những vụ nổ ở kho chứa hóa chất tại Thiên Tân đang đe dọa đến cả bầu trời Bắc Kinh. Nhưng không cần đến những vụ nổ đó, con số sau khiến những người đang định cho con đi học bên Tàu (“cho nó kỷ luật”) cũng phải giật mình mà nghĩ lại: ô nhiễm không khí ở Trung Quốc do những phân tử nhỏ PM2,5 (tức có đường kính dưới 2,5 micromètres, có thể đọng lại trong phổi) đã và đang giết 1,6 triệu người mỗi năm ở đất nước này, tức là hơn 4.000 người mỗi ngày, hay cứ 6 người Trung Quốc lục địa thì có 1 người chết yểu. Đây là kết luận của một nghiên cứu của trường Berkeley (Mỹ) danh tiếng.
Nguyên nhân: đầu tiên là từ khói xe, thải ra NO¬2 và những phân tử nhỏ (đối với động cơ diesel). Nhưng trên tất cả là từ khí thải máy sưởi đông, từ xây dựng và các nhà máy chạy phần lớn bằng than. Trung Quốc lấy 64% nguồn năng lượng từ các mỏ than, và than là thứ nhiên liệu ô nhiễm nhất. Từ đây tới 2017, nếu muốn thắng được cuộc chiến ô nhiễm, Trung Quốc phải dừng hàng trăm trung tâm khai thác than, chuyển sang khí đốt hoặc các nguồn năng lượng mới có thể tái tạo. (Theo Audrey Garric, Le Monde)
Ô nhiễm ở một thành phố của Trung Quốc. Ảnh từ trang này
2. Nói chuyện môi trường thực chẳng ai quan tâm, một phần ai cũng nghĩ cả chục ngàn năm nữa Trái Đất mới tan tành, cạn kiệt, nhưng không nghĩ tới việc này thì quả có hơi cạn nghĩ. Cũng theo Le Monde, từ cách đây 20 năm, tổ chức phi chính phủ Global Footprint Network đã nhận thấy một điều nguy hiểm: nhân loại luôn tiêu hoang năng lượng, quá mức thiên nhiên có thể tái tạo bù vào.
Tổ chức này, vốn giỏi toán, nhận thấy chính xác ngày 13. 8. 2015 vừa qua, trái đất chúng ta đã tiêu hết số tài nguyên được phép tiêu của năm, bắt đầu xài lậm vào nguồn dự trữ của mình.
Thời hạn này, từ 20 năm nay, cứ ngày càng một sớm lên. Hồi 1975, mãi đến cuối tháng 11 mới rơi vào tiêu lậm. Đến 2005 đã là ngày đầu tháng 9. Và bây giờ mới là giữa tháng 8. Tức là, tính từ ngày 14. 8. 2015, nhân loại chúng ta bắt đầu tiêu tiền nợ thiên nhiên, và cái giá phải trả cho món nợ ấy là: cạn kiệt nguồn nước, cạn kiệt rừng, mực nước biển dâng, tích tụ chất thải và các chất khí của hiệu ứng nhà kính.
Hy vọng đọc xong cái tin này, bạn tắt bớt 1, 2 bóng đèn không cần thiết, hoặc tắt cái máy nước nóng vẫn bật suốt ngày đêm ở trong nhà tắm đi.
3. Nước ta được cái luôn đi ngược xu thế bảo vệ trái đất của thế giới. Thí dụ mới nhất là ở Phú Quốc, khi có quá nhiều dự án du lịch nộp đơn, chính quyền Phú Quốc đã xin Chính phủ được điều chỉnh quy hoạch chung: tăng thêm 2.000 ha cho du lịch, giảm 2.000 ha rừng phòng hộ. Cái “hay” là được chấp thuận rồi!
Một bài tính ngắn hạn quá. Và bài học mất bãi biển Cửa Đại ở Hội An còn đang hôi hổi kia, thế mà thay vì trồng thêm rừng phòng hộ trên cả nước, thì lại đi phá rừng phòng hộ cũ để làm khu nghỉ dưỡng. Cẩn thận sau này lại thi nhau chèn bao cát giữ bờ! (Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Trong ảnh là công nhân khẩn trương xây dựng con đường xuyên qua rừng phòng hộ vào các dự án du lịch ở Bãi Sao, Phú Quốc. (Ảnh: Đình Dân, Tuổi Trẻ. Báo Tuổi Trẻ cũng có loạt bài về tình trạng mua bán đất rừng phòng hộ tại Phú Quốc, đến nỗi Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải phải yêu cầu tỉnh Kiên Giang kiểm tra thực hư. Hóa ra là có thật, và đúng thôi, được Chính phủ “bật đèn xanh” gián tiếp bằng cách cho thay đổi quy hoạch, cho phá bớt rừng phòng hộ thế kia mà!
4. Nhưng lại có tin vui đây, đặc biệt cho trẻ con: theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Thảo Cầm Viên của TP Hồ Chí Minh sẽ không bị dời đi đâu như tin đồn suốt hai năm qua.
Phát biểu trong buổi lễ thưởng nóng Thảo Cầm Viên vì nhiều thành tích (đặc biệt là cho sinh thành công ba con hổ trắng Bengal), Chủ tịch thành phố Lê Hoàng Quân nói chắc nịch: “Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, không thể xem thường những công viên như thế này được, mà phải biết bảo vệ, phát huy vai trò của nó để những thế hệ tiếp theo không chỉ sống trong một thế giới ảo trên internet mà có không gian để thực tế, học tập, nghiên cứu”.
Đến 2015 là Thảo Cầm Viên đã tròn 150 tuổi.
Năm 2009, một cặp hổ khoảng 2 tuổi được Thảo cầm viên đưa từ vườn thú Elmvale (Canada) về nuôi. Hổ đực tên Lem, hổ cái tên Luốc. Vừa qua, cặp hổ đã cho ra đời 3 hổ con, rất may là rất giống bố. Đây là em bé nhất, được tách riêng ra nuôi cho đảm bảo. Ảnh và tin: Tuổi Trẻ
5. Môi trường ô nhiễm, thức ăn độc hại, đâm ra lắm bệnh; thời hiện đại mà săn lùng các loại thuốc lá lủng khéo còn hăng hơn thời phong kiến chưa có trường Y. Hiện, một cây mới tên là “thất diệp nhất chi hoa”, hay nôm na là cây 7 lá 1 hoa đang được ái mộ, với giá cao ngất còn hơn cả linh chi.
Công dụng thì bao giờ những cây này chằng là “bá bệnh”, chữa được đủ thứ mà không ai rõ độc tính kèm theo là thế nào. Phe Tây y cũng gàn dở, bao giờ cũng thế, chẳng có những nghiên cứu hộ nhân dân xem thực hư nó ra sao. (Theo Dân Việt)
Trưởng khoa y học cổ truyền bệnh viện 108 ThS. Hoàng Khánh Toàn cho biết: Nhiều nghiên cứu của các tác giả Trung Quốc cho thấy, dịch chiết thất diệp nhất chi hoa góp phần kéo dài thời gian sống của những bệnh nhân bị ung thư dạ dày và ung thư phổi. Gần đây người ta phát hiện ra thành phần cây này có trong một số đơn thuốc chữa ung thư của người Trung Quốc. Người Trung Quốc còn sử dụng cây này trong nhà để đuổi rắn. Dùng lá đắp vào vết rắn cắn, con trùng đốt. Người Tây Âu thì dùng cây 7 lá 1 hoa để làm thuốc tẩy, chống co thắt, sưng tấy. Theo trang này