Đi & Ở

Trời Bắc Kinh (phần 1): dưới mái vòm của trường quốc tế 17. 08. 15 - 8:43 am

Oliver Wainwright – Minh Thảo dịch

.

Tập dưỡng sinh trên phố. Ảnh từ trang này

Cảnh tượng như thể bước thẳng ra từ một bộ phim khoa học giả tưởng: là cảnh một đời sống thường nhật, nhưng với một nét khác biệt rõ rệt khiến bạn nhận ra mình đang ở trên một hành tinh khác hoặc trong một kỉ nguyên tương lai xa xôi.

Một lớp học thể thao đang trong nhịp sinh hoạt bình thường nơi ngoại ô Bắc Kinh. Một bầy trẻ chạy đuổi theo một quả bóng trên sân cỏ nhân tạo, được kẻ dọc ngang bằng những đường vạch sặc sỡ và được chiếu sáng sắc nét bằng những ngọn đèn cao áp ánh sáng trắng chói lòa. Tất cả dường như rất bình thường – trừ việc khung cảnh sân chơi quen thuộc này đang ở dưới một mái vòm khổng lồ phồng căng.
 

Một lớp học thể thao bên trong mái vòm bơm phồng chứa không khí trong lành của trường Quốc tế Anh tại Bắc Kinh. Ảnh từ trang này.

“Có thay đổi một chút là phải đi qua một cái khóa khí (airlock) trên đường vào lớp,” Travis Washko, phụ trách môn thể thao tại trường Quốc tế Anh ở Bắc Kinh (British School of Beijing) nói. “Nhưng bọn trẻ thích điều đó, và bây giờ phụ huynh đã có thể an tâm rằng con cái họ đang chơi trong một môi trường an toàn.”

Lí do phải dùng mái vòm đó trở nên rõ ràng ngay khi bạn bước ra ngoài. Một tấm mền xám treo trên bầu trời, nhúng chìm quang cảnh trong một màn sương mù nhạt màu và gần như che khuất những tòa nhà bên kia đường. Một lá cờ đỏ treo trên cổng chính của ngôi trường để cảnh báo đó là ngày không-ra-ngoài: bằng mọi giá phải ở trong nhà. Ngày tận khí [1] đã đến.

Chất lượng không khí ở Bắc Kinh từ lâu đã là một mối lo, nhưng những tác động của nó lên đời sống thường nhật do độ ô nhiễm không khí trầm trọng giờ đây có thể trông thấy được ngay trong những thay đổi về mặt kiến trúc của thành phố. Các tòa nhà cao tầng và các khoảng không gian được cấu trúc lại, nhịp sống hàng ngày phải thay đổi để cuộc sống bình thường có thể đi tiếp dưới màn khí độc.

Ảnh từ trang này

Khẩu trang giấy từ lâu đã quá quen thuộc ở đây, nhưng bây giờ loại “siêu dụng” có thêm bình lọc – là loại khẩu trang bạn vẫn đeo vào ngày cắt a-mi-đan – thường xuyên xuất hiện trên đường. Vào những ngày xấu trời, làn xe đạp hoàn toàn trống vắng vì mọi người đều ở nhà hoặc trốn vào môi trường máy lạnh của những khu mua sắm kín mít. Cứ như thể dân số 21 triệu người của thủ đô Trung Quốc đang tham gia một cuộc diễn tập đông người toàn thành phố để chuẩn bị cho cuộc sống trên một hành tinh khắc nghiệt. Chỉ có điều đó không phải diễn tập: không khí độc hại đã hiện diện ngay tại đây.

Ảnh từ trang này

The British School là trường mới nhất trong số các trường quốc tế tại Bắc Kinh đổ công sức vào việc xây dựng một bong bóng nhân tạo, trong đó mô phỏng một môi trường bình thường bên dưới tấm áo chùng sương khói. Hồi đầu năm, trường Quốc tế Bắc Kinh gần đó đã phải chi 3 triệu bảng cho hai nhà vòm che phủ 6 sân tennis với hệ thống lọc khí theo tiêu chuẩn bệnh viện, noi gương trường tư đặc biệt Dulwich College của Anh, là trường đã mở nhà vòm không khí sạch cho riêng mình từ năm ngoái.

“Ô nhiễm là điều mà mọi bậc cha mẹ đều đang nói đến,” Nicole Washko, vợ của Travis, cũng làm việc tại ngôi trường hai cô con gái của họ đang theo học, nói. “Ngày càng có nhiều gia đinh nhân viên quốc tế rời khỏi đất nước này vì lo cho sức khỏe con cái họ. Thế nên nếu các trường khác đều có nhà vòm, thì chúng tôi cũng phải có một cái.” Tối thiểu thì các bậc cha mẹ cũng mong có một môi trường học tập không độc hại, khi mà họ đang phải đóng học phí 20.000 Bảng một năm.
 

Mái vòm của trường Quốc tế Anh quốc tại Bắc Kinh. Ảnh từ trang này. Chụp nhân dịp nào mà trời trong veo? (Các bạn đọc ở cuối bài nhé)

Gần đây, The British School đã thực hiện một cuộc đại lọc khí toàn bộ, như đang chuẩn bị cho cuộc chiến một mất một còn với bầu khí quyển, bằng việc lắp đặt rèm cửa lọc khí trên các cửa lớn và gần 200 máy lọc khí gắn trần bổ sung cho loại đặt trên sàn trong mỗi lớp học. Các cửa sổ phải đóng cho kín, và học sinh phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về an toàn không khí. Các lớp tiền-tiểu học[2] phải ở trong nhà khi chỉ số chất lượng không khí (AQI) chạm 180 – đo theo thang điểm 500 chính thức bằng nhiều máy cảm biến đặt khắp thành phố. Đối với học sinh tiểu học, ngưỡng tối đa là 200, trong khi học sinh các lớp lớn được phép đối mặt với môi trường ở ngưỡng 250. Các chuyến đi dã ngoại của trường sẽ bị hủy khi chỉ số vượt quá 300. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên rằng mức phơi nhiễm an toàn là… 25.

Biểu đồ Chỉ số Chất lượng Không khí của Trung tâm Giám sát Môi trường Thượng Hải. Hình từ trang này

“Trước kia chúng tôi nhận thấy lịch tập thể thao của trường thường xuyên phải hủy, và tụi nhỏ bị bứt rứt vì ở trong nhà phần lớn thời gian,” Travis Washko nói. “Nhưng giờ chúng tôi đã có nhà vòm, thời tiết hoàn hảo quanh năm.”

(Còn tiếp)

*
Chú thích của người dịch:
[1] airpocalypse: chơi chữ từ “apocalypse” – Khải Huyền, với “air”, không khí.
[2] reception class: tạm dịch là lớp tiền tiểu học. Trong hệ thống giáo dục Anh, reception class là năm đầu tiên tại trường tiểu học, là cầu nối giữa mẫu giáo (nursery) và tiểu học.

*

(Đây là cmt của bạn Nhạn Thê, Soi thấy quan trọng nên đưa vào đuôi bài để các bạn không bỏ sót:

Bức ảnh chụp Trường quốc tế Anh quốc tại Bắc Kinh có thể đã được chụp trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh, tháng 11-2014.

Dịp này có hàng ngàn đại biểu quốc tế đến Bắc Kinh dự hội nghị, trong đó có rất nhiều đại biểu từ VIP đến cực VIP tới thủ đô Trung Quốc nên lãnh đạo Trung Quốc đã tiến hành một loạt các biện pháp đồng bộ nhằm tạo ra một bầu không khi tương đối trong lành để tạo ấn tượng tốt đẹp về Trung Quốc, làm dịu bớt cái ấn tượng xấu xí mà bất cứ ai đã có nhiều dịp tới Bắc Kinh đều có dịp trải qua: bầu không khí cả ngày xám xỉn, nhờ nhờ như trước một cơn mưa không bao giờ tới.

Một cặp đôi chụp ảnh đám cưới phản đối sự ô nhiễm ở Bắc Kinh. Ảnh từ trang này 

Từ trước khi hội nghị diễn ra cả 6 tháng, họ đã đóng cửa béng khoảng 300 nhà máy gây ô nhiễm ở xung quanh Bắc Kinh! Phải đóng cửa sớm thế để lượng chất thải gây ô nhiễm do các nhà máy này gây ra có thời gian giảm từ từ!

Cao trào nhất là trong tuần lễ diễn ra Thượng đỉnh, số nhà máy phải tạm ngừng sản xuất lên đến con số khổng lò: khoảng 10.000 nhà máy! Ấy là chưa kể mấy chục ngàn nhà máy khác nhận được lệnh “ở trển” phải sản xuất cầm chừng để hạn chế khói bụi tuôn ra làm ô nhiễm bầu trời.

Cũng trong tuần lễ diễn ra Hội nghị, Trung Quốc thi hành chính sách bắt buộc xe hơi đi vào thành phố theo biển số chẵn lẻ, nên tức khắc là trong mỗi ngày, về lý thuyết, với khoảng 4 triệu xe hơi, Bắc Kinh giảm phắt một cái xuống còn một nửa, tức là tối đa chỉ còn 2 triệu chiếc. Học sinh tiểu học được nghỉ học một tuần lễ để hạn chế ra đường. Các gia đình cán bộ và nhân dân được “khuyến khích” đi du lịch ra ngoài khu vực Bắc Kinh. Một số cơ quan nhà nước có trụ sở tại Bắc Kinh áp dụng chính sách cho cán bộ nghỉ phép được ăn nguyên lương trong thời gian diễn ra Hội nghị nên rất nhiều cán bộ nhân viên cơ quan nhà nước Trung Quốc trong dịp này hỉ hả mong mỗi năm Thượng đỉnh APEC diễn ra chừng 2-3 lần thì tốt quá.

Hơn thế nữa, trong thời gian 2 ngày cao điểm diễn ra Hội nghị của các nhà lãnh đạo APEC (tức là tầm nguyên thủ hoặc đứng đầu chính phủ (mấy ngày trước đó chỉ là hội nghị cấp Bộ trưởng hoặc cấp chuyên viên), đã lan truyền những tin đồn rộng rãi trong giới nhà báo nước ngoài (có tới hàng ngàn người) tới đưa tin về hội nghị (đây mới chính là “đối tượng” chủ yếu mà Bắc Kinh muốn nhắm tới để tạo hình ảnh đẹp về không khí trong lành), là chính quyền đã sử dụng biện pháp bắn tên lửa khí tượng để phá những đám mây mù bao phủ trện bầu trời thành phố Bắc Kinh. Đây cũng chính là biện pháp tốn kém mà Bắc Kinh đã từng thực chiện trong thời gian diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008 để tạo hình ảnh đẹp!

Trong thế này cơ mà (ảnh từ Internet)

Kết quả là trong mấy ngày APEC 2014, bầu không khí ở Bắc Kinh xanh trong văn vắt giống như trong bức ảnh chụp trên SOI, cứ như thế chưa từng có khói bụi ô nhiễm bao giờ.
Cũng phải nể các bạn Tàu vì đã dám quyết và chịu chi cực tốn kém để có một hình ảnh fake trong mấy ngày hội nghị. Hình ảnh thì fake nhưng quả thật trong mấy ngày ấy, không khí ở Bắc Kinh trong lành thật.)

Hồ Nhạn Thê, trời trong văn vắt. (Ảnh từ trang này)

Ý kiến - Thảo luận

7:49 Wednesday,19.8.2015 Đăng bởi:  SA
Bạn có thể tải về bản XLS của WHO ở đây:
http://www.who.int/phe/health_topics/outdoorair/databases/cities-2011/en/
...xem tiếp
7:49 Wednesday,19.8.2015 Đăng bởi:  SA
Bạn có thể tải về bản XLS của WHO ở đây:
http://www.who.int/phe/health_topics/outdoorair/databases/cities-2011/en/ 
7:41 Wednesday,19.8.2015 Đăng bởi:  SA
Tùy là đo thứ gì, NO2 thì London vẫn có thể ô nhiễm cao hơn Bắc Kinh

http://www.bloomberg.com/news/articles/2014-05-27/london-s-dirty-secret-pollutes-like-beijing-airpocalyse

Đo PM10 (bởi WHO) ở đây, Bắc Kinh (121)London (29) nhưng New Delhi (198)

http://qz.com/136606/here-are-the-worlds-worst-cities-for-air-pollution-and-theyre-not-the-ones-youd-expect/

Đo PM2.5, thì New Delhi (153), Bawsc Kinh (56) và London (16)
...xem tiếp
7:41 Wednesday,19.8.2015 Đăng bởi:  SA
Tùy là đo thứ gì, NO2 thì London vẫn có thể ô nhiễm cao hơn Bắc Kinh

http://www.bloomberg.com/news/articles/2014-05-27/london-s-dirty-secret-pollutes-like-beijing-airpocalyse

Đo PM10 (bởi WHO) ở đây, Bắc Kinh (121)London (29) nhưng New Delhi (198)

http://qz.com/136606/here-are-the-worlds-worst-cities-for-air-pollution-and-theyre-not-the-ones-youd-expect/

Đo PM2.5, thì New Delhi (153), Bawsc Kinh (56) và London (16) 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nói lại với Mỹ Ngọc

Người xem Hà Nội

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả