Bryan Edwards: chỉnh sửa nặng tay để cho ra những thứ giản dị
22. 08. 15 - 7:59 am
Hoàng Lan st và dịch
Bryan Edwards rất thích chụp ảnh tĩnh vật. Ảnh của Bryan thiên về dòng ý niệm, và anh có phong cách phối màu vô cùng đặc trưng, mang đậm ảnh hưởng của miền Tây Nam nước Mỹ. Byran cũng có kinh nghiệm chỉnh sửa ảnh bằng photoshop, và từng là nhà chỉnh ảnh chính thức cho nhiếp ảnh gia Stan Musilek tại San Francisco cho tới khi anh chuyển đến sống ở New York. Tại thành phố này, anh cùng vài người bạn đã mở công ty chuyên chụp và chỉnh sửa ảnh Adjusted. Bryan bắt đầu có tiếng sau khi bức chụp bản sao con cá trout (một loại cá hồi nước ngọt) thắng giải thường niên của tạp chí nhiếp ảnh PDN
Sau đây là bài phỏng vấn với Bryan:
“Dưa hấu”, Bryan Edwards
Anh bắt đầu chụp ảnh tĩnh vật và ảnh sản phẩm cho các công ty quảng cáo từ khi nào? Anh có kinh nghiệm gì về mảng thiết kế hình ảnh không?
Tôi bắt đầu hứng thú với ảnh tĩnh vật khi bước vào năm thứ hai đại học, lúc ấy tôi là sinh viên của khoa nhiếp ảnh phóng sự ở Viện Kỹ thuật Rochester. Tôi nhanh chóng nhận ra rằng ảnh phóng sự là loại có lắm biến cố mà mình không thể nào kiểm soát được; nên tôi đi tìm cái gì đấy mà mình có thể tự do sắp xếp để chụp.
Tôi phát hiện ra dòng nhiếp ảnh tĩnh vật khi xem các sinh viên lớp trên thực tập ở studio. Ý tưởng đi đến một studio trống và tạo ra một tác phẩm gì đó từ những thứ đơn giản thực sự rất hấp dẫn đối với tôi.
Còn về thiết kế thì tôi đang yêu một cô chuyên viên đồ họa được bảy năm nay rồi. Cô ấy rất rành các kỹ thuật thiết kế đồ họa truyền thống và thích tự sắp xếp ra các hình khối bằng tay nếu có thể. Cô ấy chỉ cho tôi nhiều thứ và qua đó giúp tôi hoàn thiện kỹ năng của mình.
Anh thường làm việc theo nhóm hay là anh thích đơn thương độc mã? Hiện thời thì tôi đang làm việc một mình. Tôi thuê trợ tá khi cần, và tôi đang sắp xếp để hợp tác cùng các chuyên viên đạo cụ. Tôi cố học càng nhiều kỹ năng càng tốt để giúp cho việc sáng tác trong studio. Tôi theo học các khóa về kỹ thuật hàn với điêu khắc tượng ngoài trời ngắn hạn ở vài trường đại học, và tôi luôn học thêm cách sử dụng những phương tiện mới – những thứ sẽ giúp tôi xây dựng ý tưởng cho ảnh mình chụp. Nếu không hành nghề nhiếp ảnh gia thì tôi chắc chắn đã là một anh thợ chuyên dựng mô hình rồi.
“Diêm và bật lửa”, Bryan Edwards
Anh có một phong cách rất gọn gàng và sinh động. Anh lên kế hoạch để chụp ra cái ý niệm cũng như cái bố cục tỉ mỉ của mình như thế nào? Tôi luôn mang theo mình những tấm thẻ ghi chú nhỏ. “Thẻ ghi chú” là để giúp tôi sắp xếp ý tưởng, còn “nhỏ” là để giảm thiểu nguy cơ… mất sổ. Tôi phác thảo ý tưởng trên giấy khổ lớn ở nhà nhưng hạn chế đem chúng đi khắp nơi vì thế sẽ dễ làm mất vài tờ ở đâu đó. Đôi lúc tôi nhanh chóng chủ động hiện thực hóa những ý tưởng này thành hình chụp, những lúc khác tôi tà tà đi ngắm nghía cửa tiệm bán đồ cũ hoặc tiệm bán các thứ linh tinh trước – ở đó thường có cả một dãy trưng bày toàn đồ nhựa gia dụng xếp theo màu, chúng trông rất tuyệt.
Một khi đã tìm được vật liệu để chụp trong studio thì điều còn lại là chụp thử. Tôi chụp bằng máy ảnh 4×5 với màn hình kỹ thuật số ở mặt sau; máy giúp tôi chụp thong thả, cho tôi thời gian để tôi chú ý đến những chi tiết nhỏ bé. Máy kỹ thuật số còn nhanh chóng giúp tôi đưa ảnh lên photoshop ngay trong lúc chụp để xem xét xem kiểu nào được và kiểu nào không.
“Thuốc lá”, Bryan Edwards. Cái này ngụ ý hút thuốc là hại sước khỏe, tự giết mình?
Điều gì ảnh hưởng đến cách anh chọn màu? Mùa đông tối mịt của vùng Rochester đã tạo cảm hứng cho tôi sử dụng… càng nhiều gam màu sáng càng tốt. Tôi thích dùng màu pastel làm chủ đạo, vì đó là màu của vùng sa mạc Sonoran nơi tôi lớn lên. Tôi cũng dùng bảng Color-Aid để thử các kiểu phối màu trước khi chụp sản phẩm. Mặc dù hiệu chỉnh bóng trên Photoshop, tôi vẫn luôn cố gắng chụp màu nền đúng với thực tế.
“Cá trout”, Bryan Edwards
Câu chuyện đằng sau bức ảnh đoạt giải chụp con cá trout treo tường là gì? Ông tôi là người mê câu cá và tin rằng mỗi người nên có một câu chuyện hay liên quan đến câu cá. Hàng năm ông đều đi câu tại hồ Neultin ở Manitoba, Canada. Đây là một trong những hồ đầu tiên áp dụng chính sách “bắt và thả” – tức câu cho vui rồi thả cá đi, không đem về. Điều này nghĩa là bạn có thể câu được những con cá trout già đầu to nhất thế giới tại đây. Tôi đi với ông hồi 8 tuổi và may rủi sao lại câu phải một con cá trout dài những 36 inch (91.44cm). Vì không đem cá về được nên bạn chỉ có thể gửi kích cỡ với ảnh chụp đến một nơi chuyên làm bản sao bằng sợi thủy tinh. Từ đó đến giờ tôi vẫn giữ bản sao con cá ấy, và mới đầu tôi chụp hình bản sao con cá chỉ để ghi lại kỷ niệm đẹp, ai ngờ đâu ảnh lại đoạt giải.