Tuần này quan tâm đến khoa học, Đoàn Lê đọc báo Tây và báo ta rồi có bài thơ sau:
NO2 với đà phát triển Lạ kỳ thay lùi tiến tương quan Tăng trưởng-ô nhiễm lan tràn Hoang sơ nghèo khó không gian tuyệt vời * Chuyện thần thoại ở nơi đói rách Viễn vọng đài đặc cách mọc lên Chém cha cái khó triền miên Công nghệ cứ phải ưu tiên hàng đầu
Quê mình có từ lâu rồi nhé Mấy trăm năm ì mẹ đến nay Dự án làm mới mặc bay Quẩn quanh mấy món từ ngày xa xưa * Selfie lắm – nguồn đưa rận chấy Cứ tưởng hay nghe đấy mà kinh Bác sĩ chém vãi thần linh Tây mà rảnh gớm – nhiệt tình như ta * Quốc khánh tới cờ hoa rực rỡ Bảy chục năm xứ sở tự do Tạm gác mẹ hết âu lo Tểnh tênh thưởng lấy vài giờ hân hoan
Để hiểu được bài thơ này, xin đọc nội dung bên dưới: 1.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances mới đây nhận thấy: trước kia, mức nitrogen dioxide (NO2) độc hại (thải ra từ động cơ xe ô tô và những nhà máy nhiệt điện) tăng rất cao và rất nhanh ở những thành phố như Damascus, Aleppo, Tehran và Cairo vào đầu những năm 2000s. Thế rồi Mùa Xuân Ả-rập diễn ra ra trong khu vực này làm ảnh hưởng tới nền kinh tế, kéo theo việc.. giảm ô nhiễm. Mùa Xuân Ả Rập như thế đã mang lại một luồng không khí tươi mới theo đúng nghĩa đen cho vùng Trung Đông. Đó là kết luận của giáo sư Jos Lelieveld của Viện Hóa Max Planck – tác giả của nghiên cứu này.
Về phương pháp: nhóm nghiên cứu đã dùng dữ liệu vệ tinh theo dõi lượng thải NO2 theo thời gian ở vùng Trung Đông. Họ thấy mức NO2 thải ra có liên quan mật thiết đến những thay đổi về chính trị và xã hội trong vùng. Thí dụ ở Cairo, cho tới 2010, lượng NO2 thải ra tăng với tốc độ từ 5% đến 7%/năm trong 5 năm liền. Thế rồi Cách mạng Ai Cập nổ ra, kinh tế Ai Cập khó khăn, xăng dầu thiếu thốn, mức thải NO2 cũng tụt theo. Còn ở Tehran, mức giảm này còn đi liền với việc Hoa Kỳ thắt chặt cấm vận vào 2010…
Nghiên cứu cho thấy: nếu bàn về tác động của con người vào biến đổi khí hậu thì cũng phải tính đến những biến cố chính trị-xã hội.
Nghiên cứu cũng chỉ ra sự liên quan giữa ô nhiễm không khí với tăng trưởng kinh tế. Thí dụ sự sụp đổ về kinh tế hồi 2008 và suy thoái kéo theo sau đó đã góp phần làm giảm thải carbon ở Hoa Kỳ. (Kết luận này thì người thường chúng ta cũng hay nhận ra, chỉ không làm nghiên cứu mà đăng báo thôi: nghĩa là đến những nơi nghèo khó, hoang sơ thì không khí thường là trong trẻo hơn nơi thành phố). Theo Time
2.
Theo Le Monde, hai mái vòm kim loại sáng loáng của hai kính viễn vọng vừa mọc lên tại đỉnh Entoto nhìn xuống Addis Abeba – thủ đô nước Ethiopie nghèo khó – trở thành trạm quan sát thiên văn đầu tiên của xứ Đông Phi.
Một kính viễn vọng tại Trung tâm Nghiên cứu và quan sát Entoto. Ảnh: James Jeffrey
Ethiopie là nước gắn liền với những hình ảnh nghèo đói khủng khiếp của những năm 1980s, nay bắt đầu dám mơ tới ước mơ không gian.
“Người ta nghĩ chúng tôi là bọn điên. Chính phủ thì chỉ tập trung vào đảm bảo lương thực chứ không nghĩ đến một chương trình không gian. Chúng tôi thì nghĩ khác, đói nghèo không thể là một trở ngại,” Solomon Belay nói. Vị giáo sư thiên văn học này trong ròng rã 10 năm đã theo đuổi ước mơ, đấu tranh với các quan chức rằng ý tưởng chinh phục không gian không phải là điều xa xỉ ở xứ đói nghèo này, và giờ ông đã trở thành giám đốc của đài quan sát.
“Chương trình không gian này cũng sẽ phục vụ tốt cho nông nghiệp mà,” ông trấn an và cho biết tầm quan trọng của những quan sát bằng vệ tinh đối với việc trồng trọt.
Nhưng giờ đây, đài quan sát không gian này mới chỉ thuần là một đài quan sát, một thứ biểu tượng, một bước đầu tiên để nâng tầm khoa học của Ethiopie.
Kính viễn vọng ở núi Entoto. Ảnh: James Jeffrey
Công đầu thuộc về Mohammed Al-Amoudi, một doanh nhân người Saudi gốc Ethiopie, đã bỏ ra 3 triệu USD để lắp hai ống kính viễn vọng đường kính 1m, cho phép các sinh viên và khoa thiên văn trường đại học Addis Abeba được thực tập tại chỗ, thay vì phải mua vé máy bay ra nước ngoài ngắm trăng sao.
Vấn đề là, địa điểm đặt hai ống kính này là đỉnh Entoto lại thường xuyên bị mây mù bao phủ trong suốt mùa mưa, và quá gần luồng ánh sáng đô thị của thủ đô Addis Abeba, nên không thể cạnh tranh với các đài quan sát lớn trên thế giới, như đài SALT (Southern African Large Telescope) của nam châu Phi.
Hiện người ta đang xem xét sẽ xây đài thiên văn thứ hai, trên đỉnh Lalibela (phía Bắc), cao gần 4.000m so với mực nước biển.
“Chúng ta dùng công nghệ không gian mỗi ngày, từ điện thoại cầm tay với dự báo thời tiết. Công nghệ này là nền tảng. Chúng ta không thể đợi được nữa, không sẽ chìm trong đói nghèo,” Kelali Adhana, giám đốc của Hiệp hội thiên văn Đông phi, nói.
Việt Nam ta thì hồi 2013 mới phục dựng được đài thiên văn cổ nhất nước ta là Quan Tượng Đài – một kiến trúc quan trọng ở Kinh thành Huế, được xây dựng năm 1827 dưới triều vua Minh Mạng. Ảnh từ trang này
Ở Hải Phòng, thứ Bảy và Chủ nhật, người ta có thể đến Đài khí tượng Thủy văn Phủ Liễn xem… mây mù, mặc dù “đây là chiếc kính thiên văn FS-152 do hãng TAKAHSHI, Nhật Bản sản xuất với giá trọn bộ là 1,5 tỉ đồng, được đánh giá là một trong những loại kính thiên văn dạng thông dụng hiện đại nhất thế giới”.
Còn 10 kính thiên văn mới (thuộc một tổ hợp có cả bảo tàng) thì nghe nói đã được lập quy hoạch, ở Bình Định, không rõ tiến độ thế nào. Trong lúc chờ đợi thì dùng kính hiển vi xem tạm vi trùng vậy. Ảnh minh họa từ trang này
3.
Nhà khoa học rất khác nghệ sĩ, mà lắm khi cũng rất giống nghệ sĩ, ở chỗ: mơ mộng và rảnh.
Một nhóm các bác sĩ Nhi khoa ở Wisconsin (Mỹ) vừa mới cảnh báo: chụp ảnh selfie có thể làm bùng lên dịch chấy (chí) ở lũ thiếu niên. Nhóm bác sĩ này bảo có một khuynh hướng đang tăng dần là “social media lice” (chấy truyền thông xa hội), là chấy lan từ đầu xanh này sang đầu xanh khác khi bọn trẻ chụm đầu chụp ảnh selfie. Bác sĩ Sharon Rink trong nhóm nói với kênh truyền hình địa phương là WBAY2 là bà chứng kiến một làn sóng thiếu niên đến chỗ bà để trị chấy – điều mà 5 năm trước không hề nghe.
Các bác sĩ nói rằng, chấy ngày nay đã thăng tiến cùng công nghệ, khó chữa hơn ngày xưa rất nhiều. Ảnh của Getty Images
Bác sĩ Rink nói: “Hiện người ta chụp selfie mỗi ngày, chứ không đến tiệm chụp hình như nhiều năm trước. Nên khả năng tiếp xúc với đầu người khác là rất cao.”
Bà khuyên: “Nếu bạn có gàu ngứa trên đầu và lại đang tuổi thiếu niên, bạn nên kiểm tra xem có chấy không, trước khi đổ hết cho gàu.”
Trên trang web chính thức, Trung tâm Kiểm soát Bệnh khuyên người ta nên tránh tiếp xúc kiểu đầu kề đầu, nhấn mạnh thêm con gái dễ mắc chấy hơn con trai do hay chụm đầu vào nhau (nói xấu con khác?)