Gẫm & Bình

Tiffany Chung: Làm sao gãi được ký ức? 04. 11. 10 - 5:55 am

Hiền Hòa

GÃI VÀO NHỮNG BỨC TƯỜNG KÝ ỨC

Triển lãm của Tiffany Chung
Khai mạc 18h, 4. 11. 2010 (giờ Mỹ)
Tại Trung tâm mỹ thuật Tyler Rollins (529 West 20 Street, 10-W, New York)
Kéo dài đến 32. 12. 2010

 
Xem cái cách mà Tiffany Chung làm “tân họa đồ” trong triển lãm Gãi vào các bức tường ký ức, ngoài cảm giác hài hòa về mặt thị giác, đó còn là một sử truyện được kể bằng thái độ trung lập với cái nhìn bao dung.

“Tân họa đồ” theo phong cách của Tiffany Chung, mới nhìn thoáng qua, thấy khá đơn giản, đó chỉ là những tấm bản đồ sẵn có được vẽ lại. Nó như những ảnh chụp từ vệ tinh, cũng bao gồm những ký hiệu điểm, ký hiệu đường và ký hiệu diện đúng với tỷ lệ mà bản đồ đó vốn có. Ví dụ khi vẽ Gò Vấp, sông Mê Kông, Hiroshima, Nagasaki, Bức tường Berlin, châu Âu… thì Tiffany Chung dùng chính cái sườn bản đồ của các địa điểm này để vẽ lại.

Tác phẩm One giant great flood 2050 (tạm dịch: “Đại hồng thủy” năm 2050), 110 x 70cm, tổng hợp vật liệu gồm thêu, vi mực, sơn dầu, cồn, giấy và giấy da giả

Thế nhưng, về mặt thao tác, những tác phẩm của Tiffany Chung đã mở rộng biên độ vật liệu và chất liệu cho bản đồ, tăng sự kỳ công bằng việc dùng phối hợp các kỹ thuật, các vật liệu tổng hợp; về mặt ý niệm, đó là cách tái cấu trúc lại những văn cảnh, những địa điểm cũ được nghệ sĩ chọn lựa để làm mới.

Cảm hứng tính nữ trong tác phẩm của Tiffany Chung khá đậm nét, tạo ấn tượng và thật khó lẫn lộn. Nhìn thoáng qua, có cảm giác như ta đang nhìn một tà áo dài, một vạt áo… với các đường thêu, nét vẽ, rồi gắn đá quý, gắn cườm… lấp lánh. Thế nhưng, khi những phụ kiện tưởng chừng như đơn lẻ đó “liên kết lại”, ta thấy hiện ra ý niệm và chủ đích mà nghệ sĩ muốn hướng đến, trở nên những câu chuyện đầy ẩn ý.

Tác phẩm Hiroshima, 110 x 82cm, tổng hợp vật liệu gồm thêu, gắn cườm kim loại và nút áo, 2010

Tuy gọi là “tân họa đồ”, nhưng đó lại là những ký ức cũ, đã bị sự định kiến dựng xây thành các bức tường kiên cố, khó vượt qua. Tiffany Chung không những muốn bắc nhịp cầu bao dung để xóa nhòa sự e dè, kì thị, mà dường như cô còn muốn bắc những chiếc thang để vượt qua các bức tường định kiến. Chính vì vậy mà lịch sử và những biến cố của nó, theo cách nhìn của nữ nghệ sĩ này, phải là một cuộc hòa giải và đi tiếp, để làm sao những cột mốc và thời điểm mãi mãi chỉ là ký ức được nhắc nhớ, chứ không phải để chung sống.

Tác phẩm Gò Vấp, 140 x 92cm, sơn dầu và cồn trên giấy, 2008

Tiffany Chung sinh 1969 tại Đà Nẵng, lấy bằng thạc sĩ nghệ thuật tại ĐH California (Santa Barbara, Mỹ) vào năm 2000, sống và làm việc chủ yếu tại Sài Gòn. Được đánh giá là một trong những nghệ sĩ đương đại nổi bật của Việt Nam, chuyên làm điêu khắc, video art, nhiếp ảnh, đa phương tiện và cả pop art, Tiffany Chung đã thực hiện khoảng 15 triển lãm cá nhân và gần 20 triển lãm chung tại nhiều nước trên thế giới. Năm 2009, cô có tác phẩm tiêu biểu tại Triển lãm lưỡng niên quốc tế dành cho nữ nghệ sĩ tại Incheon (2009 Incheon International Women Artists’ Biennale), Hàn Quốc.

Ý kiến - Thảo luận

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Nếu... thì tư cách gì để bình phẩm?

Ngô Lực - Thành viên KCBT

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả