|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & Bình“Mọc” – Thiên nhiên và nữ quyền 21. 09. 15 - 5:56 pmBài viết của Đỗ Thu Hằng, ảnh do Phạm Huy Thông cung cấp.Để hình dung tốt hơn về không gian triển lãm, các bạn có thể xem thêm video theo đường link tại đây. Nhân dịp 58 năm ngày Quốc khánh Malaysia (31. 08. 1957) và 70 năm Quốc khánh Việt Nam (02. 09. 1945), triển lãm “Mọc” với sự góp mặt của 4 họa sĩ Malaysia và 5 họa sĩ Việt Nam đã được trưng bày tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội. Các họa sĩ Malaysia và các họa sĩ Việt Nam trong triển lãm đều là những người có đóng góp nhất định trong đời sống nghệ thuật của mỗi nước. Hơn 30 tác phẩm của các họa sĩ được thể hiện với nhiều hình thức khác nhau: điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt, hội họa và đồ họa. Những tác phẩm này xoay quanh các vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu, nữ quyền, sức mạnh của cái đẹp… Qua cái nhìn và cách biểu đạt của các nữ nghệ sĩ, người xem thấy được sự quan trọng của những vấn đề tưởng chừng hết sức bé nhỏ, đơn giản. Chúng ta đã và đang có cái nhìn hời hợt tới mọi thứ đang gắn bó với mình. Các nữ tác giả đề cập đến những vấn đề này bằng cảm nhận tinh tế và cách thể hiện nữ tính.
Mỗi tác phẩm lại đem tới người xem một cảm nhận, suy nghĩ và ấn tượng khác nhau. Những nữ họa sĩ Malaysia thể hiện là những con người cứng cỏi: họ tiếp cận chủ đề một cách dứt khoát và mạnh mẽ nhưng với cách thể hiện vẫn nữ tính, hài hòa… Những nữ họa sĩ Việt Nam thì đem người xem đến cảm giác an toàn hơn, nhẹ nhàng, tình cảm và sâu lắng nhưng không kém day dứt. Hòa hợp với nhau trong không gian chung của triển lãm, nhưng mỗi tác phẩm là một dấu riêng. Trong số các họa sĩ Malaysia, nghệ sĩ thị giác Christine Das đem lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất ở bút pháp khác biệt. Chị vốn là người học thiết kế đồ họa nên những tác phẩm cũng mang đậm nét phong cách của một người thiết kế. Những đường nét khỏe khoắn, cứng cỏi nhưng khi đan quyện lại trở nên uyển chuyển, nhẹ nhàng và tinh tế. Với tác phẩm tham gia triển lãm của chị lần này, chị thể hiện sự quan tâm của mình đến Mẹ thiên nhiên. Nét bút của chị uyển chuyển, gợi cho người xem cảm giác đượm buồn khi liên tưởng về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Christine Das chia sẻ: “Tôi cảm thấy bắt buộc phải diễn tả vẻ đẹp của Mẹ Tự Nhiên thông qua hình ảnh nghệ thuật của mình bởi giữa Mẹ và con người đang xảy diễn ra một cuộc đấu tranh dữ dội, làm cho Mẹ Tự Nhiên yếu dần đi đến mức báo động. Vẻ đẹp và sự bí ẩn của thiên nhiên đã thu hút sự chú ý của tôi, làm tôi cảm động sâu sắc ngay từ khi còn trẻ. Thiên nhiên đem lại cho tôi nguồn cảm hứng và đồng thời cũng làm tôi rơi lệ”.
Cũng hướng sự quan tâm của mình tới tự nhiên, Lisa Foo lại chọn diễn đạt bằng nghệ thuật sắp đặt: ánh sáng, tranh ảnh, cành khô, lá khô… Tác phẩm của Lisa Foo được đặt ngay giữa phòng trưng bày, cô thu thập rất nhiều lá khô, gom thành những đống nhỏ. Một số các chùm lá khô, quả khô được cô treo lên lơ lửng. Người xem có thể di chuyển vào giữa hoặc đi xuyên qua tác phẩm. Lá khô là “nguyên liệu” quen thuộc và thân thiện được nghệ sĩ góp nhặt từ tự nhiên, nhưng trong tác phẩm này, khi chúng được chất thành đống, một chút buồn, một chút rờn rợn được gợi lên. Cảm giác chết chóc, hay cao hơn nữa là những liên tưởng về ô nhiễm môi trường được nhắc đến một cách khéo léo. Đi vào trong tác phẩm, đứng giữa những đống lá, người xem có cơ hội suy nghĩ về mối liên quan giữa họ và tự nhiên. Vấn đề biến đổi khí hậu là vấn đề hàng đầu hiện nay do xu hướng công nghiệp hóa toàn cầu diễn ra. Chính điều đó đã ảnh hướng trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta. Qua tác phẩm của mình, Lisa Foo hi vọng nghệ thuật có thể giúp con người phần nào nhận diện chính bản thân mình trong thế giới tự nhiên, cũng như thế giới do chính con người tạo ra. Khác với nghệ sĩ Malaysia, những nghệ sĩ Việt Nam cũng thể hiện sự quan tâm của mình đến tự nhiên theo hướng khác. Các tác phẩm sơn mài trừu tượng của họa sĩ Hiền Nguyễn cho người xem thấy được sự nhạy cảm của con người trước thời tiết và môi trường. Chất liệu sơn mài với phương pháp kĩ thuật truyền thống, đòi hỏi người làm nghệ thuật một sự kiên nhẫn đối với chính cảm xúc của mình. Chị chia sẻ : “Chất liệu sơn mài truyền thống rất phức tạp và khó ở chỗ mình phải thực hiện trong thời gian dài và phải tiên liệu sự thay đổi hiệu quả của màu sắc, vì đặc tính chất liệu rất khác với chất liệu thông dụng khác”. Thế nhưng sự kìm nén cảm xúc đó lại tạo nên sự thành công trong tác phẩm của chị. Có sự tinh tế với cách chuyển màu và chuyển lớp trong tranh sơn mài của Hiền Nguyễn. Các lớp màu chỉ chênh nhau ít nhưng lại rất hiệu quả. Phong cách trừu tượng cùng với sự nhuần nhuyễn trong hòa trộn màu sắc của chị đã làm cho người xem cảm nhận được sự tinh tế, nhạy cảm của người nghệ sĩ trước tự nhiên. Một dịch chuyển nhỏ cũng khiến cho tâm hồn người nghệ sĩ dao động.
Bên cạnh những tác phẩm với chủ đề tự nhiên thì chủ đề về phụ nữ và trẻ em cũng được các nghệ sĩ đưa vào trong các sáng tác của mình. Yante Ismail hướng nghệ thuật của mình theo chủ đề nữ quyền. Trong xã hội mà cô sống, người phụ nữ luôn bị đặt thấp hơn giá trị con người của họ và cách họ tồn tại trong xã hội cũng bị quy định bằng những định chế tôn giáo. Hình ảnh những cô gái đầy đặn khỏa thân trong tranh Yante là sự thách thức những chuẩn mực văn hóa và tôn giáo vốn có. Các tác phẩm của Yante không chỉ thể hiện cơ thể nữ giới căng tràn sức sống mà còn thể hiện thần thái cương quyết. Tác phẩm “Woman, Outraged” (tạm dịch Đàn Bà – Giận Dữ) vẽ một cô gái khỏa thân. Tư thế của cô gái vừa như phô bày, vừa che đậy. Ánh mắt cô gái nhìn sâu vào người xem và mái tóc của cô xõa tung ra tứ phía. Trên mái tóc còn điểm xuyết một vài chi tiết như xúc tu. Cả mái tóc của cô gái trông như một con bạch tuộc đang giương vòi phô trương sức mạnh của mình. Những mái tóc buông xõa như trêu ngươi những quy định về chuẩn mực trang phục. Xã hội – tôn giáo luôn bắt người phụ nữ phải nhún nhường, ẩn mình nhưng trong tác phẩm của Yante, người xem có thể thấy được ước mơ thoát xác. Những nhân vật nữ trong tranh kiên quyết đòi hỏi sự giải thoát, đòi hỏi được trao quyền. Tác phẩm của Yante như những lời thách thức cho những chuẩn mực xã hội mà xưa nay người phụ nữ đã mặc nhiên phải thừa nhận.
Cũng chủ đề về phụ nữ, Kok Lee Fong (Jasmine) đã có nhiều tác phẩm và hoạt động nghệ thuật. Nhưng kể từ khi bị đau lưng, chị đã thấy cho mình một cơ hội trải nghiệm cuộc sống khác biệt. Trong thời gian bệnh tật, Kok Lee Fong cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ hết sức mạnh hàn gắn cũng như chữa lành vết đau của nghệ thuật và cái đẹp. Tác phẩm “Beauty and Strength” (tạm dịch: Vẻ Đẹp Và Sức Mạnh) là tác phẩm điêu khắc kết hợp giữa đồng, sợi cước và len. Kok Lee Fong dùng những dây đồng làm khung cho tác phẩm và được bện hoặc đan móc thêm nhiều sợi len , sợi cước với những màu khác nhau tượng trưng cho những bộ phận trên cơ thể. Tác phẩm của chị mỏng manh nhưng dẻo dai, như một cơ thể phụ nữ sự khỏe khắn và tràn đầy sức mạnh. Chị chia sẻ rằng: “chị sử dụng nghệ thuật như một phương pháp tự trị liệu có khả năng giúp chị thoát khỏi những nỗi đau thể xác cũng như tâm lý. Chị muốn diễn đạt cảm nhận của mình về vẻ đẹp của phái nữ cùng sự kết hợp với sức mạnh của cuộc đời này để ngợi ca chính quá trình làm lành vết thương của mình thông qua nghệ thuật”. Bên những tác phẩm điêu khắc, chị còn có một series tác phẩm hội họa về phụ nữ. Tác phẩm “Sensuality Dress Batik 1” (Tạm dịch: Váy Batik Gợi Cảm 1) được thể hiện bởi những đường nét nhẹ nhàng, uốn lượn cùng gam màu ấm với những hình ảnh ý nhị, gợi cho người xem những liên tưởng đến bộ phận sinh dục nữ. Cách tạo hình hoa theo hình thể của người phụ nữ với đường nét uyển chuyển, sự chuyển màu tinh tế và êm dịu vì thế vẫn có thể đem đến một cái nhìn thân thiện không dung tục.
Đối ngược lại với cách thể hiện chủ đề phụ nữ của các họa sĩ Malaysia, các họa sĩ Việt Nam lại chọn cho mình một cách thể hiện dịu dàng, mượt mà và sâu lắng. Bằng chất liệu lụa, Nguyễn Thu Hương cuốn hút người xem qua cách tạo hình độc đáo của mình. Vẫn là những mảng bẹt, những khoảng trống lơ lửng, những gam màu trầm, lạnh của lụa nhưng Hương đã hòa trộn chúng ở mức độ vừa phải và cho ra hiệu quả riêng. Những hình xoắn tròn sâu thẳm đan xen lẫn nhau, chồng chất lên nhau gợi lên những ẩn ức cá nhân. Một dáng vẻ người phụ nữ cùng những vòng xoắn đan xem lẫn nhau giúp phá vỡ không gian bình lặng làm tăng xúc cảm của nhân vật và trạng thái khiến cho tranh lụa mềm mịn, nuột nà và có vẻ êm đềm mà lại chứa đựng những tâm hồn hoàn toàn khác, hoàn toàn trái ngược. Cách thể hiện đó, giúp Nguyễn Thu Hương phần nào nói lên được con người phụ nữ hiện đại ngày nay, một câu chuyện phụ nữ đương đại, nhẹ nhàng, êm ả và mềm mại mà vô cùng mạnh mẽ.
Vũ Bạch Liên “mang trong mình những băn khoăn trước bao khó khăn, sự thay đổi tiêu cực và tích cực của đời sống, xã hội… đồng thời mong muốn tìm tòi biểu hiện của cái tôi khó hiểu ở bên trong”. Tác phẩm của chị đem lại dấu ấn riêng trong chủ đề phụ nữ và trẻ em. Tác phẩm khắc gỗ độc bản “Cõi” của Vũ Bạch Liên đã đem lại một cái nhìn trắc ẩn, lòng yêu thương trắc ẩn của con người hướng tới phụ nữ và trẻ em. Trong tác phẩm này, Vũ Bạch Liên sử dụng rất nhiều những vòng xoáy hướng tâm. Có thể, vòng xoáy là dấu vân tay con người là biểu tượng cho kiếp người hoặc sự chất chứa, dồn nén… Tất cả những vòng xoáy nhỏ xếp chồng lên nhau đều hướng lên một nguồn ánh sáng, một dấu vân tay lớn hơn màu đỏ khác biệt. Đó là sự tích cực và tiêu cực của xã hội của đời sống con người. Biểu đạt thành công qua ngôn ngữ tạo hình của nghệ thuật đồ họa mới, những tác phẩm của Vũ Bạch Liên cũng thể hiện sự khắt khe, đòi hỏi ngờ vực với mọi thứ xung quanh và đôi khi là ngờ vực chính bản thân mình.
Bằng sự kết hợp trong triển lãm “Mọc”, các nghệ sĩ hai nước Malaysia và Việt Nam giúp cho người xem có một cái nhìn mới mẻ và hiểu hơn về con người, xã hội và văn hóa hai nước. Qua các tác phẩm, các nghệ sĩ cũng thể hiện với công chúng những khao khát, những ước vọng mà họ đấu tranh theo đuổi, góp phần cho công chúng hiểu sâu hơn về vẻ đẹp và sức mạnh của thiên nhiên, của người phụ nữ.
Ý kiến - Thảo luận
11:04
Tuesday,22.9.2015
Đăng bởi:
Raumuong Noigian
11:04
Tuesday,22.9.2015
Đăng bởi:
Raumuong Noigian
Tranh tốt, phòng triển lãm đẹp. Chỉ tiếc là nó lại rơi vào trường hợp "bóng đá giao hữu" nên khó có cớ truyền thông.
Hoan hô bạn Đỗ Thu Hằng, bạn cứ nên viết thật nhiều nữa, đừng nản. Trong nghề mỹ thuật, người bình loạn thì nhiều. Nhưng người viết cho nên bài nên vở thì rất hiếm hoi và đáng quý. Cái gì thì cũng bắt đầu từ nhìn bên ngoài chứ. Bạn theo dõi lâu thì cái nhìn sẽ khác đi, sâu hơn. Chỉ có cái là bạn phải học nhìn thật chăm (và gặp đúng người "đưa mình vào đời" khá). Chọn nhầm anh giai là toi đấy, hic
8:11
Tuesday,22.9.2015
Đăng bởi:
LC
Các chị ấy chắc chọn tên Mọc như Thông đã dẫn ạ. Còn món mọc anh Tùng muốn làm thành công, thì cứ mua ít giò sống ngoài hàng giò chả, trộn các thứ vào quết lên sẽ mịn. Chớ cho mặn quá, và cũng đừng hấp quá lâu, sẽ cứng khô mất mọc . Các cụ xa xưa xếp mọc vào cỗ chứ chẳng vừa đâu. Gọi là bát mọc, bát này ăn nóng, ngược với bát thịt đông ăn lạnh. Tro
...xem tiếp
8:11
Tuesday,22.9.2015
Đăng bởi:
LC
Các chị ấy chắc chọn tên Mọc như Thông đã dẫn ạ. Còn món mọc anh Tùng muốn làm thành công, thì cứ mua ít giò sống ngoài hàng giò chả, trộn các thứ vào quết lên sẽ mịn. Chớ cho mặn quá, và cũng đừng hấp quá lâu, sẽ cứng khô mất mọc . Các cụ xa xưa xếp mọc vào cỗ chứ chẳng vừa đâu. Gọi là bát mọc, bát này ăn nóng, ngược với bát thịt đông ăn lạnh. Trong tình thế đánh nhanh ăn gọn thời nay, thì anh cứ hấp luôn vào nồi cơm, nhớ đừng để bát to và cho ít thôi kẻo lúc chín moc nở ra, sẽ tràn ra cơm. Tất cả các món thịt hấp đều rất hợp hạt tiêu, anh cứ cho tiêu mịn từ lúc ướp thịt, và có thể làm với hải sản như tôm và mực(nhớ cho thì là băm nhỏ). Chúc một ngày dào dạt nước miếng anh nhé?!?
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
Hoan hô bạn Đỗ Thu Hằng, bạn cứ nên viết thật nhiều nữa, đừng nản. Trong nghề mỹ thuật, người bình loạn thì nhiều. Nhưng người viết cho nên bài nên vở thì rất hiếm hoi và đáng quý. Cái gì thì cũng bắt đầu từ nhìn bên ngoài chứ. Bạn theo
...xem tiếp