|
|
|
|||||||||||||
Nhiếp ảnhVương Khánh Tùng: ảnh khổ to, đề tài cũng… to 23. 09. 15 - 7:03 amDarryl Wee, Vy Man dịchBeetles+Huxley đã khai mạc triển lãm tổng kết đời đầu tiên cho nghệ sĩ Trung Quốc Vương Khánh Tùng tại Anh Quốc vào ngày 22. 9. 2015. Triển lãm trưng bày 11 tác phẩm nhiếp ảnh cỡ lớn vô cùng ngoạn mục, tất cả đều thể hiện được sở trường đặc trưng ông. Vương Khánh Tùng sinh tại một thành phố công nghiệp nằm ở phía Đông Bắc Trung Quốc vào năm 1966, cũng là năm cuộc Cách mạng Văn hóa nổ ra. Xuyên suốt sự nghiệp mà mình dày công tạo dựng nên, Khánh Tùng phản chiếu một cách khéo léo đất nước Trung Quốc đương đại đang đi lên, cũng như những chuyển biến xã hội có phần hỗn loạn tại quốc gia này. Nổi tiếng với các tác phẩm khổ to, những màn trình diễn ngắn, và các hình ảnh mang tính biểu tượng đầy bí ẩn, Vương Khánh Tùng nhiều lần nói rằng ông không xem bản thân như một nhiếp ảnh gia hay một nghệ sĩ, mà như một nhà báo dùng hình ảnh để ghi lại tốc độ thay đổi khó tin của Trung Quốc. Trong những sáng tác hay nhất của mình, Vương Khánh Tùng rất thành công khi cân bằng được tính tư liệu trong tác phẩm với một lượng hư cấu khá hào phóng – qua đó khuếch đại thông điệp của tác giả. Điển hình là tác phẩm “MOMA” – một cái nhìn khách quan, không phiến diện về mối quan hệ giữa văn hóa thẩm mỹ của Trung Quốc và phương Tây. Hoặc như bức ảnh chụp buổi vẽ tranh (với người mẫu thực) tái dựng lại cảnh tượng trong bức “Điệu nhảy” của Matisse. Buổi vẽ không chỉ bao gồm các nghệ sĩ, mà có rất nhiều người xem đang cầm máy ảnh hớn ha hớn hở chụp lại mọi thứ. Tác phẩm này như một lời mỉa mai của Vương Khánh Tùng về kiểu vừa tự xem vừa tự sướng của khán giả ngày nay Trong những tác phẩm khác, Vương Khánh Tùng lại nghiêng hẳn về phong cách dụ ngôn, nửa ảo nửa thật. Như “Requesting Buddha No.1” (Cầu Phật số 1) là một bức chân dung hài hước, với chính Khánh Tùng nhập vai vị Phật nhiều tay đang cầm đủ thứ mặt hàng tiêu dùng – âu cũng là một miêu tả súc tích về thực tế xã hội ở Trung Quốc đương đại. Cũng tại triển lãm đang diễn ra ở Beetles+Huxley này, khá tương phản với các sắp đặt quy mô của Vương Khánh Tùng là một tác phẩm giản dị: bức “Red Peony, White Peony and Frosted Peony” (Mẫu đơn đỏ, mẫu đơn trắng và mẫu đơn trong tuyết) – một tác phẩm gồm ba bức ảnh đặt liền kề như tranh bộ ba. Những bông hoa chụp trên ảnh đều làm từ… thịt, nhưng ảnh lại mô phỏng tranh thủy mặc Trung Quốc một cách rất điệu nghệ. Cây cỏ là một trong những đề tài yêu thích của tác giả, “Những bông hoa thịt này đều đến từ trái tim” – Khánh Tùng nói. Lần gần nhất Vương Khánh Tùng xuất hiện trước công chúng là vào tháng 4, khi ông với Francois Hebel và Alejandro Castellote cùng làm giám tuyển cho Triển lãm Quốc tế về Ảnh và Video ở Trường Giang Biennale – tổ chức tại thành phố Đồng Khánh thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Buổi khai mạc hội tụ khoảng 250 nghệ sĩ Trung Quốc, hầu hết là nghệ sĩ mới chưa thành danh. Triển lãm đã đem đến cho khách tham quan một cái nhìn có chọn lọc về các tác phẩm thường bị bỏ ngoài rìa của xứ sở này – do Trung Quốc chỉ hay chú ý đến nghệ sĩ ở các thành phố lớn như Bắc Kinh hoặc Thượng Hải. Triển lãm của Vương Khánh Tùng diễn ra tại Beetles+Huxley, Anh Quốc, từ ngày 22. 9 đến 24. 10. 2015. Sau đây là các tác phẩm khác tại triển lãm. Trong cả bài, các bạn bấm vào hình để xem bản to hơn nhé:
Ý kiến - Thảo luậnBài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|