Nghệ sĩ thế giới

25. 9: Mark Rothko, “kẻ nguyền rủa Chúa trời”, ra đời 27. 09. 15 - 10:18 am

Phạm Long tổng hợp và biên dịch

“Tôi muốn ai cũng rơi lệ khi xem tranh tôi hệt như lúc tôi nghe Symphony số 5 của Beethoven vậy !” – Rothko.

Rothko tên khai sinh là Marcus Yakovlevich Rothkowitz, cắt rốn tại thành phố Dvinsk (thuộc đế chế Nga cũ, nay là Dagovpils, Latvia), vào ngày 25. 9. 1903.

 

Cha ông, Jacob, dược sĩ, một người Do Thái theo chủ nghĩa thế tục, đã trở lại Chính thống giáo để Marcus được giáo dục theo truyền thống, tại Heder. Không muốn con trai sẽ phải đăng lính, Jacob Rothkowitz quyết định di cư sang Hoa Kỳ vào năm 1910, và kế đó, vợ ông, bà Anna cùng lũ trẻ cũng rời quê hương vào đầu năm 1913 tới Portland, Oregon định cư. Trong ảnh, gia đình Rothkowitz năm 1912, khi Rothko được 8 tuổi
 

 

Marcus nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới ở Mỹ. Cậu hào hứng bổ sung thêm tiếng Anh vào kho ngôn ngữ vốn đã phong phú của mình bao gồm tiếng Yiddish, tiếng Nga và tiếng Hebrew. Trong hình là ảnh chụp trường Shattuck, nơi Rothko bắt đầu theo học vào 1915 sau khi gia đình chuyển về số 232 đại lộ Lincoln.

 

Năm 1920, tốt nghiệp trung học ở tuổi 17 hạng ưu, Macus được một học bổng của Đại học Yale, nhưng đã bỏ học chỉ sau hai năm. Trong hình là Rothko năm 1921 (già chưa!)

 

Thời gian đó, anh và hai người bạn lập tạp chí châm biếm có tên là Yale Saturday Evening Pest. Dù chưa hoàn thành chương trình đại học, năm 1969 Rothko được Đại học Yale mời về lại trường cũ nhận bằng Tiến sĩ Danh dự . Trong hình là bên trong tòa nhà N&S Weinstein hồi những năm 1920. Rothko thường dùng phòng này để bán báo cho đám thợ. Lúc còn học trung học, Rothko thường làm việc trong nhà kho phía sau tòa nhà này.

 

Rothkowitz (người chỉ tới năm 1940 mới đổi tên mình thành “Mark Rothko” cho khác với những cái tên của người Do Thái do lo sợ nạn kỳ thị người Do Thái) đã chuyển đến New York, “để máu sôi hơn một chút cho dù bụng lép đi một chút,” như sau này ông kể lại. Tại thành phố này, ông kiếm sống bằng những công việc rất bình thường, song đã quyết học vẽ sau lần đến thăm một người bạn theo học hội họa ở trường Art Student League. Trong hình: Milton Avery vẽ Rothko với tẩu thuốc, 1936

 

Đầu năm 1925, Mark Rothko quay lại New York, xin vào học thiết kế tạo dáng tại trường New York School of Design, một trường nghệ thuật thương mại quy mô nhỏ mới được thành lập 2 năm trước đó với học phí khá rẻ, có 75 đô-la một học kỳ. Một trong những giáo viên của ông tại đây chính là Arshile Gorky. Sau đó, Rothko học thêm một khóa 6 tháng ở lớp dạy vẽ tĩnh vật của Max Weber với lệ phí 13 đô/tháng. Đó có lẽ là những tháng ngày học vẽ bài bản nhất của Rothko! Trong hình: Rothko vẽ cảnh dưới ga xe điện ngầm của New York.

 

Năm 1928, phòng tranh Opportunity Gallery ở New York mời Rothko tham gia một triển lãm nhóm cùng với Milton Avery và Lou Harris. Trong những năm 1930, nhiều cơ quan liên bang khác nhau đã thuê ông và các nghệ sĩ khác thực hiện nhiều công trình hội họa công cộng và tu bổ kiến trúc. Ông cũng tham gia lập công đoàn nghệ sĩ và tác động chính quyền New York thành lập một phòng tranh công. Trong hình là bức “Beach Scene” của Mark Rothko, vẽ khoảng 1928. Sơn dầu trên canvas.

 

Rồi phong cách hội họa của Rothko biến chuyển dần từ tượng hình biểu hiện sang trừu tượng và siêu thực huyền ảo. Các tác phẩm siêu thực ra đời có lẽ do Rothko say mê nghiên cứu và chịu ảnh hưởng từ các cuốn sách của Friedrich Nietzsche với những quan điểm triết học về cuộc đấu tranh sinh tồn của nhân loại: giữa ý chí tự do và tự nhiên. (Rothko còn ngừng vẽ một giai đoạn ngắn để đắm mình trong những trang sách triết). Trong hình là bức “Không đề” của Rothko vẽ khoảng 1940-1941

 

Chỉ đến cuối những năm 1940, Rothko mới chuyển hẳn sang xu hướng tranh Trường Màu – cũng là phong cách làm nên tên tuổi của ông.
 

 

Những bức tranh “đa hình/multi-forms” của Rothko (theo cách gọi của ông), kể từ đây, gồm những mảng màu loang hình chữ nhật rất lớn (thường gồm nhiều lớp màu mỏng khác nhau) bố trí song song với nhau, thường theo chiều thẳng đứng, với các mép biên mềm mại, không đều, tạo cảm giác lờ mờ, nhấp nháy, như thể chúng được treo và trượt trên mặt vải.

 

Lối vẽ đặc biệt của Rothko khiến cho tranh của ông luôn như trùm lấy người xem, thôi miên họ, nhất là khi họ đứng gần chúng. Ông nói: “‘Đấy là hiệu ứng siêu việt’, vì ông muốn ‘xóa đi mọi rào cản giữa người vẽ và ý niệm, giữa ý niệm và người quan sát’”.

 

 

 Rothko kết hôn hai lần; người vợ thứ hai, Mary Alice Beistel, đã sinh cho ông hai người con. Con cái ra đời, chứng trầm cảm mãn tính ngày càng nặng thêm. Ngay cả khi đã trở thành một nhân vật cực kỳ quan trọng và cũng thành công trên thị trường nghệ thuật, ông vẫn rất hiếu chiến, vẫn luôn cực lực phản đối mọi nỗ lực gán cho nghệ thuật của mình những đặc trưng của “hội họa trừu tượng”. Càng thành công, ông càng có những căng thẳng với một số bạn bè gần gũi nhất, đấy cũng là một trong những nguyên nhân đẩy ông tới tuyệt vọng. Trong ảnh: William Scott, Mark Rothko và con gái Kate Rothko tại Somerset, Anh, tháng Tám 1959. Ảnh: James Scott

 

Năm 1953, khi Bảo tàng Whitney có một khoản ngân quỹ (chắc cũng hẻo ?!) và ngỏ ý muốn mua hai bức tranh của Rothko, ông từ chối thẳng thừng, và bồi thêm: “Tôi rất ý thức về trách nhiệm của mình với cuộc đời! Tranh của tôi sẽ là số một!” Trong hình là bức: “The Party” của Rothko, vẽ năm 1938

 

Năm 1958, ông nhận hợp đồng vẽ loạt tranh tường cho một nhà hàng sang trọng vừa mở tại tòa cao ốc Seagram Building mới cất ở New York. Nói chuyện với báo chí tại thời điểm đó, ông bảo: “‘Tôi rất muốn tạo ra một thứ có thể tàn phá thói háu đói của lũ-khốn đến ăn nhậu trong nhà hàng này.” Tuy nhiên, sau khi tiến hành dự án tranh tường khoảng hai năm, Rothko đã hủy hợp đồng sau một lần đến thăm nhà hàng – lúc này gần như hoàn thiện rồi – và trả lại gia đình nhà Seagram toàn bộ số tiền hợp đồng đã nhận. (Các tác phẩm ông hoàn thành giai đoạn này hiện nay được trưng bày trong một số viện bảo tàng). Trong hình: các bức tranh tường cho tòa nhà Seagram được bày tại Tate.

 

Pop Art trở nên phổ biến trong thập niên 1960, nhưng Rothko không là fan hâm mộ của trào lưu thời thượng này. Theo ông, nghệ sĩ Pop Art là “những gã lang băm – trẻ trâu – cơ hội”; trong một triển lãm, ông tâm tư về Pop-Art rằng “phải chăng các họa sĩ trẻ đang âm mưu giết hết chúng ta?” Trong hình: trước tranh của Rothko (hình từ Internet).

 

Rothko cũng không khoái các phê bình gia, thậm chí dị ứng tới mức tuyên bố: “Tôi nghi ngờ và thậm ghét tất tật các tay sử gia nghệ thuật, các chuyên gia và các nhà phê bình. Họ là một dạng ký sinh trùng ăn bám trên cơ thể nghệ thuật. Công việc của họ không những vô bổ, mà còn rất sai. Họ có thể nói ba lăng nhăng về nghệ thuật hay nghệ sĩ cùng với những câu chuyện đồn nhảm riêng tư, mà tôi đồ rằng mọi người lại khoái, chán thế.” (?!) Trong hình: Rothko trong xưởng vẽ của ông.

 

Cuối đời, Rothko lại nhận được một số hợp đồng trang trí nội thất cho nhiều công trình kiến trức mới. Hoành tráng nhất trong số này là ‘Rothko Chapel’ (Nhà nguyện Rothko), một hợp đồng đặt hàng của các nhà hảo tâm John và Dominique de Menil nhằm hiến tặng cho trường Đại học Công giáo St. Thomas ở Houston, Texas. Ông thực hiện dự án nghệ thuật này trong sáu năm trời, cho ra đời 14 bức tranh khổ lớn để treo trong nhà nguyện

 

 

Song, Rothko đã tuẫn tiết chứ không “đợi ngày Chúa gọi về trời” nên chẳng đợi ngày nhà nguyện khánh thành vào năm 1971. Cuối tháng 2 năm 1970, cảm thấy cuộc đời vô nghĩa, Rothko chủ động vĩnh biệt nó với câu nói bất hủ: “Loài người sinh để chết, vì thế, tôi nguyền rủa Chúa hàng ngày!” Trong hình: Mark Rothko do William Heick chụp

Vĩ thanh

Là họa sĩ Mỹ gốc Nga, một trong những nhân vật hàng đầu của trường phái New York, cha đẻ của họa phái Color-Field (Trường Màu), Rothko gần như tự học cả đời, song tác phẩm giờ đây luôn được các bảo tàng nghệ thuật lớn nhất thế giới trân trọng.

Mặc dù được giới nghệ thuật coi là một họa sĩ trừu tượng thiên tài, bản thân Rothko lại kiên quyết phủ định: “Tôi không phải là họa sĩ trừu tượng. Tôi không quan tâm đến các mối quan hệ giữa hình thức và màu sắc. Điều duy nhất tôi quan tâm là sự biểu hiện của những cảm xúc cơ bản của con người: cái bi kịch, sự thăng hoa, và định mệnh.”
 

“Lối vào tàu điện ngầm”, bức tranh ít người biết tới của Rothko vào thời kỳ đầu – khi chưa chuyển hẳn sang phong cách Trường màu (Color Field)

Trước khi mất không lâu, ông cùng viên cố vấn tài chính thành lập một quỹ giáo dục với vốn liếng là 800 tác phẩm mà ông để dành không bán từ lâu. Tuy nhiên, sau đó, ba người bạn được ông ghi trong di chúc “là những người được hưởng các tài sản để lại” của ông (chứ không phải các con ông – do những bất hòa gia đình) – tẩu tán các tác phẩm này thông qua một gallery khá tên tuổi ở New York với giá thấp hơn rất nhiều giá trị thực, rồi chia chác lợi nhuận với gallery khi chúng được rao bán công khai. Hai người con Rothko khởi kiện “ba ông bạn [hám] vàng” cùng gallery hám lợi kia. Vụ kiện kéo dài nhiều năm. Cuối cùng các con ông đã giành chiến thắng, song thật tuyệt vời, bản thân họ không mảy may muốn tận hưởng lợi lộc từ kho di sản bạc tỉ kia mà đã hiến tặng toàn bộ cho các viện bảo tàng trên khắp thế giới

Hai người con của Rothko: Kate Rothko Prizel và Christopher Rothko

(MỞ NGOẶC: nếu ai muốn hiểu sâu sắc về tranh ‘trừu tượng’ của Rothko và các họa sĩ trừu tượng khác, nên tìm đọc cuốn “Về cái tinh thần trong nghệ thuật”, tác giả Kandinsky, bản việt ngữ bán tại NXB Mỹ thuật Hà Nội nhé).

Ý kiến - Thảo luận

20:22 Monday,28.9.2015 Đăng bởi:  Ngày nào tôi cũng nguyền rủa giáo chủ hồng
"Càng thành công, ông càng có những căng thẳng với một số bạn bè gần gũi nhất, đấy cũng là một trong những nguyên nhân đẩy ông tới tuyệt vọng."
Dám định sửa SOI thành
"Càng thành công, ông càng LỤC ĐỤC với một số bạn bè gần gũi nhất, đấy cũng là một trong những nguyên nhân đẩy ông tới tuyệt vọng."
(vì bài hay quá, nên muốn vọc cái que Việt ngữ vào).
C
...xem tiếp
20:22 Monday,28.9.2015 Đăng bởi:  Ngày nào tôi cũng nguyền rủa giáo chủ hồng
"Càng thành công, ông càng có những căng thẳng với một số bạn bè gần gũi nhất, đấy cũng là một trong những nguyên nhân đẩy ông tới tuyệt vọng."
Dám định sửa SOI thành
"Càng thành công, ông càng LỤC ĐỤC với một số bạn bè gần gũi nhất, đấy cũng là một trong những nguyên nhân đẩy ông tới tuyệt vọng."
(vì bài hay quá, nên muốn vọc cái que Việt ngữ vào).
Chuyện lục đục với bạn các thân trên khớp ren với chuyện ông ấy cho ba ông bạn lưu manh kế thừa tải sản vô giá là tranh của mình, làm cho tích này càng hay vãi. 
18:13 Monday,28.9.2015 Đăng bởi:  admin
Phạm Huy Thông ơi, Soi sửa rồi, cảm ơn Thông rất nhiều nhé.
...xem tiếp
18:13 Monday,28.9.2015 Đăng bởi:  admin
Phạm Huy Thông ơi, Soi sửa rồi, cảm ơn Thông rất nhiều nhé. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả