Gẫm & Bình

Đi xem triển lãm nghệ thuật cấp phường ở Úc (phần 1) 20. 10. 15 - 4:00 pm

Đặng Thái

TTCT – Người Úc, đặc biệt người gốc Anh và thổ dân bản địa, là những người thường suy nghĩ rất đơn giản. Nghệ thuật của người Úc đơn giản hay không thì chưa biết nhưng bộ máy hành chính của họ rất gọn nhẹ là điều rõ ràng. Hệ thống quản lý hành chính của nhà nước Úc chỉ có ba cấp theo chiều dọc: Liên bang (Federal tier), Bang (States and Territories) và đơn vị hành chính cấp cơ sở (Local governments). Cái thú vị là ở cấp thứ ba, cấp thấp nhất nhưng đa dạng nhất về tên gọi cũng như đặc điểm địa lý và dân cư. Đơn vị hành chính này ở phố thì gọi là city (thành phố), ở quê thì gọi là shire (huyện), có bang thì gọi là district (quận), bang khác lại gọi là town (thị xã). Tự do kiểu Úc nó thế, chẳng có quy tắc nào hết, bất chấp hàng chục tên gọi khác nhau chỉ có quy định chung là đơn vị hành chính cơ sở được quản lý bỏi một council (Hội đồng hay Ủy ban). Nguyên tắc về quản lý hành chính là dựa trên dân số chứ không phải diện tích, mà Úc lại là một đất nước khổng lồ, vì thế thành phố bé nhất chỉ có 1 km2 mà cái huyện lớn nhất thì còn to hơn nước Việt Nam đến 50.000 cây số vuông.

Từ sự phân chia hành chính này có thể thấy rất nhiều người Việt Nam hiểu sai và dùng sai về chữ city ở Úc cũng như ở Mỹ. Ta nói Ho Chi Minh City tức Thành phố Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng theo phân chia hành chính của Việt Nam, nhưng nói Thành phố Sydney thì lại không đúng, không ai viết “Sydney city” bao giờ. Đơn giản, vì cái “thành phố Sydney” mà chúng ta đang nghĩ tới không phải là một thực thể hành chính mà chỉ là là tập hợp của rất nhiều các city khác nằm xung quanh city ở chính giữa có tên City of Sydney.

City of Sydney (tô đậm) là đơn vị hành chính nằm ở trung tâm khu vực, nơi duy nhất mang tên Sydney và có cái nhà hát cùng cái cầu. Các đơn vị hành chính khác tỏa dần ra các hướng, trong một phạm vị nhất định được coi là Sydney. Các city nằm gần City of Sydney thì được coi là nội ô (Inner Suburbs), xa hơn, gần sân bay chẳng hạn thì gọi là ngoại ô (Outer suburbs). Vì vậy, “thành phố Sydney” thực chất là Vùng đô thị Sydney, gọi theo kiểu Mỹ là Metropolitan Sydney hay kiểu Anh là Greater Sydney.

City of Sydney có diện tích 25km2 và dân số khoảng 170.000 người, nghĩa là tương đương với một quận ở các thành phố lớn của Việt Nam. Giải thích dông dài như vậy cốt để chúng ta hình dung ra được quy mô tổ chức của cuộc triển lãm mà mình sẽ dẫn bạn đọc đi xem ngày hôm nay.

Triển lãm được tổ chức bởi một City Council ở nội ô một thành phố lớn của Úc, City này được hợp nhất từ nhiều city cũ trước đây, mỗi city cũ có khoảng 20.000 người. Với quy mô dân số như thế thì chữ city không thể dịch một cách máy móc là thành phố được mà chỉ giống như một phường nhà ta thôi. Cộng hết tất cả lại, dân số không bằng nổi một nửa quận ở Việt Nam nên tác giả tạm gọi là Triển lãm liên phường và từ đây trở đi thống nhất dùng cách dịch city phường. Xem triển lãm ở mức độ thấp nhất như thế này sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn cơ bản và khách quan về nghệ thuật, thị hiếu cũng như thị trường tranh ở Úc – một nước phương Tây phát triển.

Triển lãm được gọi tên là Art Show vì nó không đơn thuần là một triển lãm tranh. Các bạn thử tuỏng tượng một triển lãm do Ủy ban phường đứng ra tổ chức thì sẽ thế nào? Kinh phí đương nhiên không dư dả, tổ chức đương nhiên không chuyên nghiệp, không gian đương nhiên không đủ rộng, giám tuyển đương nhiên không phải hàng đầu cả nước. Vì vậy Art Show này còn phải tranh thủ kết hợp là một chợ nghệ thuật nơi tác giả đem tác phẩm của mình rao bán, một chương trình từ thiện thông qua tiền bán tranh và một cuộc thi nơi các nghệ sĩ nộp bài để lấy giải thưởng. Tuy nhiên, đừng vì những dòng trên mà xem thường một triển lãm cấp phường. Sau đây là một vài thông tin về triển lãm theo lời Ban tổ chức:

“Triển lãm là một hoạt động THƯỜNG NIÊN của phường chúng ta trong suốt NĂM MƯƠI NĂM qua, nhằm cung cấp một sân chơi cho các nghệ sĩ chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư ở địa phương, đồng thời gây quỹ để xây dựng một không gian TRIỂN LÃM THƯỜNG XUYÊN của phường. Không chỉ dừng lại là một sự kiện NGHỆ THUẬT CHO CỘNG ĐỒNG, chúng ta hướng tới mục tiêu gìn giữ những tác phẩm nghệ thuật giá trị bằng một BỘ SƯU TẬP của Ủy ban phường và nhân dân phường ta.”
 

Khung cảnh chung của một góc triển lãm. Tranh treo dày đặc trên những bức tường di động xếp như mê cung. Tranh của cùng một tác giả thì treo cùng một khu vực. Không phân chia theo đề tài mà xếp theo tên tác giả trên bảng chữ cái.

Triển lãm năm nay có… 1300 tác phẩm tham dự với 450 tác giả. Ba tác phẩm sẽ được mua lại cho bộ sưu tập của phường gồm: Giải nhất $20.000 dollar Úc, giải nhì $10.000 và giải ba $5000. Tiền mua là do các công ty và quỹ nghệ thuật cá nhân tài trợ. Một dollar Úc thời điểm hiện tại đổi được khoảng 16.000 tiền Cụ Hồ nhưng lúc cao điểm có thể lên đến 23.000 Đồng, nên bạn đọc cứ nhân 20,000 cho dễ hiểu. Nhân tiện kể luôn, bốn giải khuyến khích cho bốn chất liệu: màu nước, sơn dầu, acrylic, màu sáp và hai giải khung tranh đẹp cùng trị giá $500.

Giá tranh được niêm yết công khai ngay trên biển ghi tên và tác giả (thực ra là miếng giấy có in mã vạch). Ủy ban phường không có đủ chỗ để treo hết số tranh nhiều như thế nên mỗi năm lại phải chạy vạy đi tìm phòng, năm nay mượn một số phòng trống của trường đại học trên địa bàn. Mình đã cố gắng nhưng không chụp được cả khung tranh cũng như số lượng chụp được có hạn. Trăm nghe không bằng một thấy, mời các bạn cũng thưởng lãm (một phần)!
 

Ron Brown, “Phong cảnh bán đảo”, acrylic, $800

 

Jill Garcia, Tidal Pools, nhiều chất liệu, $800. Tidal pools là những hố trên mép đá ở bờ biển, thủy triều lên thì đầy nước như ao nhưng thủy triều rút thì khô cạn và bị mặt trời hun nóng hoặc gió tạt lạnh buốt, tuy nhiên vẫn có những loài sinh vật sống được trong điều kiện khắc nghiệt như thế.

 

Ev Hales, “Khách du lịch thời hiện đại”, màu nước, $2450

 

Chi tiết tranh

 

Arthur Siozio, “Vô danh XVII”, acrylic, $2000

Chất liệu thì có hạn (chủ yếu là bốn chất liệu được chấm giải) nhưng trường phái thì vô cùng. Từ Cực thực cho đến Trừu tượng, từ Phong cảnh, Hiện thực xã hội cho đến Lập thể, Biểu hiện tượng hình. Đề tài thì không quá xa lạ, như mình đã nói người Úc thường suy nghĩ đơn giản, điều đó không có nghĩa là nghệ sĩ suy nghĩ đơn giản, mà người xem và người mua muốn những gì gần gũi, quen thuộc hơn, ít nhất là những gì họ có thể mua về treo trong nhà ngay tối nay. Nhịp sống ở Úc không nhanh như Mỹ, người lại không đông như châu Âu nên nội dung tranh nhìn chung là nhẹ nhàng không thể nào gai góc như ở Việt Nam được.
 

Jeremy Elkington, “Tổ hợp thánh thần”, sơn dầu, $5000

 

Chi tiết tranh

 

Vergil Dela Cruz, “Mẻ lưới hôm nay”, sơn dầu, $4000

 

Ottavio Otto Boron, “Lộ thiên”, sơn dầu, $4800

 

Chi tiết tranh

Cuộc sống ở Úc rất đắt đỏ, đã đi Tây là khổ, ai từng trải cũng sẽ nói thế cả. Đúng thì rất đúng nhưng nếu nhìn nhận một cách toàn diện thì bảo nói thế không đúng cũng được. Tiền ăn cứ qui hết ra bánh mì thì có lẽ đời sống ở đây quá là dễ chịu so với lượng tiền kiếm được. Thu nhập trung bình một năm của người Úc khoảng $50.000 gấp 25 lần người Việt Nam (khoảng $2000) nhưng người Úc chỉ phải trả tiền xăng cao hơn người Việt khoảng 5000 đồng/lít và giá của một ổ bánh mì gối ở cả hai nước thì xấp xỉ bằng nhau. Úc là chỗ neo người, nên cái gì làm được bằng máy thì rất rẻ, rẻ như Trung Quốc, còn cái gì cần người làm, đặc biệt là chỉ có người mới làm được thì đắt kinh hồn. Ví dụ như cắt tóc nam, robot không thể làm được, ở Việt Nam rẻ thì khoảng 20.000 đồng, ở Úc rẻ là khoảng 200.000 đồng. Nói như vậy để bạn đọc cảm nhận rõ ràng hơn giá tranh treo ở đây.

Stella Clarke, “Điểm dừng xe buýt” (bức trên) và “Ngày Chủ nhật” (bức dưới), sơn dầu, đồng giá $2950

 

Daniel Grace, “Gai góc” (bức trên) và “Hành tinh” (bức dưới), chất liệu tổng hợp, đồng giá $850

 

Elena Kolotusha, “Vẻ đẹp tự nhiên”, chất liệu hỗn hợp, $1300. Bức này được gắn nhãn “highly recommended” nghĩa là được giám khảo đánh giá cao.

 

John Lacey, “Tương phản bên bờ biển Robe”, sơn dầu, $4200

Với thu nhập trung bình rất cao và dân trí nằm trong nhóm đầu thế giới thì nhu cầu mua tranh của người dân Úc là không nhỏ. Những bức tầm $1000 trở xuống, đặc biệt nhóm dưới $500 người ta mua xoành xoạch như mua cà phê Starbucks vậy. Trong bài tiếp theo chúng ta sẽ cùng tiếp tục xem tranh và ngắm cả những người mua, người xem, nghệ sĩ nhé!
 

Mary Hyde, “Cập cảng và dỡ hàng”, sơn dầu, $3500

 

Vicki Sullivan, “Ánh sáng chói lọi” (bức trên) giá $3500 và Thi sĩ của rừng rậm (bức dưới) giá $9500, sơn dầu.

*

Bài đã đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần

Ý kiến - Thảo luận

21:04 Tuesday,20.10.2015 Đăng bởi:  mai mai
Do city of Sydney tổ chức nhưng chắc tranh thì từ nhiều nơi gửi tới chứ không chỉ của cư dân Sydney đâu nhỉ. Mà tranh không đẹp lắm, nhiều bức như tranh vẽ trong sách giáo khoa trẻ em ấy
...xem tiếp
21:04 Tuesday,20.10.2015 Đăng bởi:  mai mai
Do city of Sydney tổ chức nhưng chắc tranh thì từ nhiều nơi gửi tới chứ không chỉ của cư dân Sydney đâu nhỉ. Mà tranh không đẹp lắm, nhiều bức như tranh vẽ trong sách giáo khoa trẻ em ấy 
16:23 Tuesday,20.10.2015 Đăng bởi:  candid
Thu nhập thì cao mà phòng trưng bày và giá tranh thì rất đỗi khiêm tốn.
...xem tiếp
16:23 Tuesday,20.10.2015 Đăng bởi:  candid
Thu nhập thì cao mà phòng trưng bày và giá tranh thì rất đỗi khiêm tốn. 

(Đề nghị gõ chữ tiếng Việt có dấu và không viết tắt)

Leonardo: Ông nói đúng!

Jonathan Jones - Hồ Như Mai dịch

Tìm kiếm

Tiêu đề
Nội dung
Tác giả