|
|
|
|||||||||||||
Gẫm & BìnhĐây là một cuộc “xuống đường” của giới mỹ thuật cả nước! 01. 10. 15 - 9:05 pmVũ Lâm phỏng vấn họa sĩ Thành ChươngCuộc vận động ủng hộ tranh và bán đấu giá để tái dựng lại ngôi Nhà Lang trăm tuổi (bị đốt cháy cuối tháng 10 – 2013) đã đi vào hồi “nước rút”. Cho tới nay, đã có hơn 50 nghệ sĩ mỹ thuật trên cả nước đã nhiệt tình đóng góp tranh, tượng. Có người không chỉ một mà hai, ba tác phẩm. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với họa sĩ Thành Chương về “chuyện lạ” chưa từng có này… * Ông có thể giải thích được “hiện tượng” của cuộc đóng góp này, trên 50 tác giả, hơn một nửa là những họa sĩ, điêu khắc nổi tiếng từ thập kỷ 1990s tới nay. Ngay chính ông cũng đóng góp một tác phẩm sơn mài “Cửa thiền” khổ lớn (100 x 100cm)? Tôi cho rằng đây là một sự kiện mang tính chất xã hội đẹp, giới mỹ thuật bày tỏ sự quan tâm tích cực đến câu chuyện trong bối cảnh này. Đúng là chưa có cuộc vận động đông đảo nào mà chất lượng được như thế. Một cuộc đấu giá tranh thiện nguyện, có 5 họa sĩ tiêu biểu tham gia là nhiều lắm rồi. Đây là hơn 50 người, cả nước rải khắp từ Bắc Trung Nam, Việt kiều hải ngoại. Mà hầu hết là những họa sĩ có tên tuổi, định danh hẳn hoi rồi nhé. Cả những thế hệ trẻ đang làm việc tích cực nữa. Chúng tôi bày tỏ thái độ như thế, nhưng còn việc xã hội đón nhận thế nào, ứng xử thế nào là một câu hỏi lớn nữa đấy. Có lẽ số tác giả tham gia tranh, tượng lần này chỉ ít hơn so với cuộc vận động sáng tác về tác phẩm của Nam Cao năm 2006, mà ông là người tích cực vận động trong sự kiện đó (trên 70 tác giả tham gia)? So sánh với sự kiện Nam Cao thì tính chất, ý nghĩa khác hẳn, vì đó là việc sáng tác có đề tài, để kỷ niệm. Vẽ tranh xong ai muốn tặng thì tặng, còn lại là đem về. Còn đây là việc trao tặng tranh, tượng cụ thể, qua đó đấu giá được thì biến thành vật chất. Toàn người có tên tuổi đóng góp. Đây là ý thức, thái độ bày tỏ lòng yêu văn hóa, và cả thái độ trước sự vô tâm đối với văn hóa. Trong khi sự tử tế với di sản quá ít ỏi, hiếm hoi thời buổi này, thì sự kiện này sẽ khơi gợi sự trắc ẩn, thức dậy ý thức tự hào gìn giữ văn hóa dân tộc, và chắc chắn sẽ có những tác động tích cực lâu dài. Ông có thể nói cụ thể “chuyện trong bối cảnh này” nghĩa là thế nào không? Bối cảnh là công cuộc bảo tồn và phát triển di sản đang bị ngầm buông bỏ. Các cơ quan quản lý văn hóa, mà đứng đầu là Bộ Văn hóa, gần như không hề có chiến lược, sách lược, hay chính sách hữu hiệu cho công cuộc này, mà nếu có thì cũng chỉ là hô hào trên giấy tờ, không được thực hiện. Ở bên ngoài, người ta gọi Bộ Văn hóa là Bộ “cờ, đèn, kèn trống”. Anh cứ ghi nguyên bản như thế, tôi xin chịu trách nhiệm về phát biểu của mình. Họ chỉ suốt ngày đi lo tổ chức lễ hội, hội diễn, và thống kê thành tích bằng lễ hội, hội diễn. Mà cuối ngày thì “trời tối, hội tàn”, hàng chục hàng trăm tỷ năm này qua năm khác đổ xuống sông xuống biển. Trong bối cảnh ấy, những cá nhân hiếm hoi, thực sự say mê, lầm lũi đi làm công tác bảo tồn văn hóa các tộc người, bảo tồn di sản ấy là cực kỳ hiếm hoi, vô cùng đáng quý. Cứ xem trường hợp của anh Hiếu mà xem, anh ta say mê bảo tồn văn hóa Mường đến mức ai cũng tưởng anh ta là người Mường, say mê văn hóa di sản của người Mường đến mức thành tên của anh ta: Hiếu Mường. Còn về câu chuyện chi tiết, thì qua vụ nhà Lang bị đốt cháy, về phía chính quyền tỉnh Hòa Bình, có thể nói động thái giải quyết câu chuyện là “zero”. Những thủ phạm đốt cháy nhà Lang, ngay từ đầu đã được dư luận xã hội nêu rõ tên tuổi trên báo Hòa Bình. Vậy mà chính quyền giải quyết ra sao: bằng không. Có thể nói trong trường hợp này, pháp luật không nghiêm minh, để lâu cứt trâu hóa bùn. Rõ ràng là chính quyền tỉnh Hòa Bình coi vụ này là của… cá nhân ông Hiếu, chúng tôi vô can. Chưa kể những sự ám muội thiếu tích cực đằng sau cách thức giải quyết vụ việc. Trong bối cảnh ấy, anh em họa sĩ chúng tôi bày tỏ một sự thống nhất quan điểm: chúng tôi không vô can trong sự việc này, để thức dậy ý thức cho xã hội. Có thể coi đây là một cuộc “xuống đường” vì văn hóa di sản của giới nghệ sĩ tạo hình. Vì phải đánh thức dậy ý thức bảo tồn đúng đắn cho cả chính sách của nhà nước.
Một khu làng văn hóa Việt Nam đổ hàng nghìn tỷ vào đó mà vẫn hoang vu chẳng ai đến, một năm hội diễn dăm ba lần, đưa các đoàn văn nghệ địa phương đến hát múa, chỉ có bảo vệ, người trông coi và người tổ chức xem là chính, đến dân xung quanh họ cũng chẳng buồn xem… Trong bối cảnh rộng hơn là một số bảo tàng tư nhân, trong đó có Việt phủ của tôi, cũng không thể “ôm” hết văn hóa của 54 dân tộc, thì đã có các cá nhân say mê bảo tồn văn hóa dân tộc của từng vùng. Ở Hòa Bình có anh Hiếu Mường, ở Lai Châu có chị Đỗ Thị Tấc bảo tồn văn hóa Thái trắng Tây Bắc. Ở trong Quảng Nam còn có anh Nguyễn Thượng Hỷ với công tác bảo tồn văn hóa Chăm và bảo tồn kiến trúc gỗ cổ vùng Ngũ Quảng (từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi). Đó là những cá nhân đều nên động viên, khuyến khích. Và hóa ra trong xã hội vẫn còn nhiều người tâm huyết, xả thân không biết mệt mỏi. Cần được xã hội động viên, khuyến khích. Từng là người đã kinh qua việc bảo tồn di sản một cách thực tế trên Việt phủ, ông có thể đồng cảm được với họa sĩ Hiếu Mường điều gì? Với công việc bảo tồn tự nguyện như vậy, thì gia đình là những người thiệt thòi đầu tiên trong suy nghĩ phổ thông. Tôi có thể chia sẻ nhiều nhất với anh Hiếu, vì tôi quá thấm hiểu. Trong khi bỏ tiền vào di sản, thì với gia đình bình thường, tiền ấy đáng lẽ ra làm con anh ta có thể đi học trường quốc tế, có cái xe cộ tốt hơn. Khó khăn nhất với công tác bảo tồn di sản của cá nhân luôn luôn bắt đầu từ thiếu tiền, gia đình không thống nhất với nhau, tạo không khí vô cùng mệt mỏi ức chế. Trong điều kiện cần “ba chữ T”: Tài năng, Tâm huyết, Tiền bạc thì anh Hiếu sẽ luôn luôn thiếu tiền, và lực bất tòng tâm. Trong khi nguồn đầu tư Nhà nước chỉ phẩy tay một cái bệ tượng đài thôi là đã bay đi bao nhiêu kinh phí. Ví dụ như công trình tượng đài Sơn La vừa rồi chẳng hạn, hoặc vô vàn công trình tượng đài ở các tỉnh đã làm. Như trên, ông đã nói, đó là những trường hợp cần được xã hội quan tâm, nhà nước động viên khuyến khích. Theo ông Nhà nước có thể “động viên, khuyến khích” cụ thể như thế nào? Trên đây đã nhắc đến anh Hiếu, chị Tấc, anh Hỷ là những trường hợp như vậy. Theo tôi, cách tốt nhất để Nhà nước quan tâm thực sự cho những cá nhân bảo vệ văn hóa ấy là đầu tư kinh phí trực tiếp cho công việc của họ. Đừng có suy nghĩ thiển cận là việc cho tiền đó là cho tiền cá nhân anh Hiếu, mà là đầu tư kinh phí cho đơn vị nào có trách nhiệm nhất, giỏi nhất về công việc bảo tồn, bất cứ là nhà nước hay tư nhân. Các nghệ sĩ chúng tôi tặng tranh, tượng để đấu giá, là đóng góp cho dự án bảo tồn văn hóa Mường, chứ đâu phải cho cá nhân ai. Còn không, sự đầu tư cho văn hóa như bây giờ của Nhà nước là vô cùng lãng phí, mà nhiều ví dụ quá đến nỗi tôi không kể hết. Nếu bảo là không có cơ chế đầu tư trực tiếp cho tư nhân, thì cơ chế, chính sách là do ai tạo ra? Là do con người đặt ra thì cũng có thể thay đổi cho nó hiệu qua hơn. Đây là tình cảm, là trách nhiệm, là vấn đề xã hội lớn đối với sự nghiệp bảo tồn và phát triển văn hóa cha ông của tất cả chúng ta cơ mà. Cần nhắc lại rằng người đánh tiếng cồng khai trương Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường ngày 16. 12. 2007 chính là đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, lúc đó là Chủ tịch Quốc hội nước ta đấy nhé. * (Bài đã đăng ở Thời Nay) Ý kiến - Thảo luận
9:30
Saturday,3.10.2015
Đăng bởi:
Vũ Lâm
9:30
Saturday,3.10.2015
Đăng bởi:
Vũ Lâm
Xin lỗi Soi và bạn đọc. Ảnh họa sĩ Thành Chương trong bài là của nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Tuấn chụp.
Bài đã đăng
» Xem tiếp... |
|||||||||||||||
|
...xem tiếp